CÁCH GIẢI THOÁT CHÚNG TA KHỎI SỰ OÁN GIẬN
WHĐ (07.7.2022) – Trong cuộc sống, sự va chạm, hiểu lầm, tranh cãi… dẫn đến bực tức, giận dỗi là điều thường tình và dễ hiểu. Nhưng làm sao để không kéo dài hoặc gặm nhấm sự giận dữ đến mức biến nó thành sự oán giận làm cho chúng ta mất bình an, là điều không đơn giản.
Dưới đây là một vài lời khuyên của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch hội đồng giám mục Ý, được trích trong cuốn sách của ngài có tựa đề: “Guarire le malattie del cuore” (Chữa lành những căn bệnh của trái tim), về cách chữa lành những căn bệnh tâm linh.
Oán giận là một trong những căn bệnh tâm linh mà nếu được chữa trị cẩn thận, nó sẽ vô tác dụng. Thật thế, sự oán giận sẽ che khuất tầm nhìn khiến chúng ta không thể nhìn thấy gì khác ngoài những điều sai trái và những cảm giác oan ức mà chúng ta phải chịu đựng (mà những oan ức này đôi khi lại là do trí tưởng tượng của chúng ta).
“Căn bệnh của trái tim” này giống như một cơn sóng dữ, nó nhấn chìm mọi thứ và do đó, rất khó để chúng ta có thể tự thoát khỏi sức mạnh của nó. Chúng ta thường cho rằng sự bất công mà mình phải chịu là cách thế rõ ràng nhất để biện minh cho những cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Nhưng, vấn đề là, nếu những cảm tiêu cực này không được loại bỏ, thì mầm mống xấu xa của sự oán giận sẽ tiếp tục phát triển và huỷ hoại tâm hồn chúng ta.
Một chứng bệnh tâm linh lâu dài
Sự oán giận thường âm thầm bén rễ và không gây hậu quả tức thì, nó cho phép chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân; chúng ta an tâm vì cho rằng mình không ghét người nào đó, nhưng chỉ muốn tránh mặt họ. Chúng ta dễ dàng để tự nhủ, “Tôi không có gì chống lại người ấy, nhưng chỉ là không muốn tiếp xúc, không muốn nói chuyện với, và không muốn chào hỏi người ấy nữa thôi”.
Không dễ dàng để thoát khỏi
Vì được ẩn sâu trong lòng, và được lý trí biện minh cho, nên, không dễ dàng để chúng ta thoát khỏi sự oán giận, nhưng, rất cần sự khiêm tốn, kiên trì và bao dung. Điều này có nghĩa là, chẳng thể cứ tự nhiên mà chúng ta có thể bỏ qua được sự oán hận đang âm thầm ngấm sâu vào tâm hồn chúng ta. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta phải tha thứ mà không tự đưa ra giới hạn hoặc điều kiện đối với hành vi của người mà chúng ta cho là xúc phạm đến mình. Vì thực, tha thứ không có nghĩa là tìm kiếm công bằng trước.
Một bài tập đòi hỏi nỗ lực
Chỉ có tha thứ mới thực sự giúp tìm ra công lý! Sự oán giận ẩn chứa trong nỗi sợ hãi, trong cảm giác bất công phải chịu đựng, và thậm chí trong sự kết án một cách tự tin của chúng ta. Chính vì điều này mà tha thứ là một bài tập đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì, để từng chút một, điều mà thoạt đầu tưởng như không thể sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn. Tha thứ luôn có cái giá phải trả! Nhưng chỉ có sự tha thứ mới giải thoát chúng ta khỏi những điều xấu xa mà chúng ta phải gánh chịu, và đó là phương thuốc duy nhất để đánh bại sự oán giận.
“Công thức” của Chúa Giêsu
Bảy mươi lần bảy là thước đo vô hạn của sự tha thứ mà Chúa Giêsu đưa ra, nhằm giải thoát chúng ta khỏi những tính toán và giới hạn. Cách duy nhất để chúng ta có thể tha thứ là yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới khước từ mọi thước đo và giới hạn, giống như người cha, người mẹ luôn đón nhận con cái của họ cách vô điều kiện. Tình yêu bao trùm mọi sự, tin tưởng mọi sự, và chịu đựng mọi sự. Đây cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu khuyên chúng ta “tha thứ hết lòng” (Mt 18, 35).
Hơn nữa, chúng ta cần nhớ rằng, tha thứ không bao giờ là một vấn đề trừu tượng, mà luôn liên quan rất nhiều đến cách chúng ta trong sống cuộc đời của mình. Nếu chúng ta không lắng nghe Chúa Giêsu, không để Người yêu thương chúng ta, và nếu chúng ta không yêu mến Người, chúng ta ít cầu nguyện, chúng ta sống khép kín, thì chắc chắn, chúng ta sẽ thấy rất khó để lựa chọn tha thứ. Và, nếu thất bại, chúng ta sẽ tự biến mình thành nạn nhân của sự oán hận.
“Trí nhớ khôn ngoan” của điều sai trái
Trên thực tế, việc nhận thức rõ ràng về sự tha thứ sẽ giúp chúng ta có trí nhớ khôn ngoan về những điều sai trái mà chúng ta phải gánh chịu, hoặc gây ra. Nhờ đó, chúng ta có thể chiến đấu với điều ác một cách hiệu quả hơn, biết cách nhận ra nó chính xác hơn, và không bị dẫn vào mê cung nguy hiểm của sự oán giận.
Tóm lại, chỉ có một cách để giải thoát chúng ta khỏi sự oán giận: Tha thứ! Có được như thế, chúng ta sẽ hạnh phúc với món quà tha thứ mà chúng ta dành cho người khác. Nhưng trên tất cả, chúng ta sẽ nhận ra rằng, khi càng tha thứ, chúng ta càng nhận nhiều hơn nữa sự bình an, niềm vui, và được giải thoát khỏi sự trói buộc của oán giận, ngay từ trong sâu thẳm trái tim mình.
Đức Hồng Y Matteo Zuppi
Chủ tịch hội đồng giám mục Ý
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (06. 7. 2022)