TẠI SAO NÓI RẰNG NGƯỜI NGHÈO PHÚC ÂM HÓA CHÚNG TA?
Trong nhiều tổ chức từ thiện, chúng ta nghe nói rằng « người nghèo phúc âm hóa chúng ta ». Thế nhưng, nhiều Kitô hữu nghĩ rằng chính họ mới là những người phải phúc âm hóa người nghèo, và do đó có sự bối rối trước lỗi diễn đạt này. Étienne Grieu, hiệu trưởng Trung tâm Sèvres (Paris), giải thích ý nghĩa của điều này.
Sophie de Villeneuve : Nói rằng « người nghèo phúc âm hóa chúng ta », có phải đó là đảo ngược vấn đề loan báo Tin Mừng không ?
Étienne Grieu : Tôi rất thích từ này, « đảo ngược », vì trong Tin Mừng có nhiều cuộc đảo ngược. Chúa Giêsu thường nêu bật những người không ngờ tới. Trong bữa ăn ở nhà ông Simon người Pharisêu, một phụ nữ đến quấy rầy khách mời, lấy nước mắt và nước hoa thấm ướt chân của Chúa Giêsu và lấy tóc lau chân Ngài (Lc 7, 36-50). Ông Simon phẫn nộ : nếu Chúa Giêsu thực sự là một ngôn sức, thì Ngài hẳn đã biết người phụ nữ này là một tội nhân như thế nào và Ngài hẳn sẽ không để cho cô ấy làm như thế. Lúc đó, Chúa Giêsu liệt kê cho ông một danh sách những gì ông đã không làm, trái ngược với cô ấy : rửa chân cho Ngài, hôn Ngài, xức nước hoa cho Ngài. Trong cảnh này và đối với Simon, Ngài biến người phụ nữ tội lỗi này thành một tấm gương để noi theo. Đó là một cuộc đảo ngược. Có nhiều cuộc đảo ngược khác trong Tin Mừng. Bắt đầu với sự kiện Đấng mà vì Ngài chúng ta quy tụ trong các nhà thờ là một người bị đóng đinh, một người bị xã hội phỉ nhổ và bị kết án tử hình nhục nhã, một người mà người ta đã tuyên bố rằng mình không thuộc về gia đình nhân loại.
Sophie de Villeneuve : Nhưng trong đoạn với người phụ nữ Canaan (Mt 15, 21-28), không phải chính Chúa Giêsu mới bị đảo ngược ?
Étienne Grieu : Quả vậy. Chúa Giêsu đón tiếp một phụ nữ nước ngoài, một phụ nữ ngoại giáo, người đã đi theo nhóm các môn đệ với tiếng kêu của mình và làm cho mọi người khó chịu để Ngài chữa lành cho con gái của mình. Ngài từ chối bà thẳng thừng bằng cách nói với bà rằng Ngài chỉ đến vì con cái thất lạc của Israel và không tốt khi lấy bánh của con cái mà ném cho chó. Lúc đó bà đã trả lời Ngài cách táo bạo, và rất đúng, rằng những con chó ăn những mẩu bánh rơi từ bàn, do đó có nghĩa rằng có khá nhiều bánh mì cho mọi người, bao gồm cả con cái và chó. Bà nhắc Ngài rằng logic của bà không phải là logic của sự tính toán, nhưng là sự dư tràn. Chúa Giêsu cảm động, Ngài để mình được bà lay động và hướng dẫn.
Sophie de Villeneuve : Có phải bằng cách lay động chúng ta mà người nghèo phúc âm hóa chúng ta ?
Étienne Grieu : Trong những hoàn cảnh ghê gớm, những người rất nghèo thường bị dồn vào những lựa chọn và những câu hỏi triệt để, vốn có thể là những vấn để sống hay chết. Mỗi ngày, những người này tự hỏi tại sao họ ở đó và đâu là chỗ đứng của họ. Đó là những vấn đề quan trọng mà đa số chúng ta tìm cách tránh né. Chính như thế mà họ phúc âm hóa chúng ta, bằng cách cũng đặt chúng ta trước những câu hỏi như thế.
Sophie de Villeneuve : Họ cũng buộc chúng ta đảo ngược cái nhìn về họ, chấp nhận một cái nhìn nhân từ hơn là thống trị…
Étienne Grieu : Vâng, vì nếu chúng ta có nhiều thứ mà những người này không có – kiến thức, khả năng, tiền bạc – , thì về phía họ, họ có những thứ mà chúng ta không có. Nếu tôi không chấp nhận rằng một sự đảo ngược là khả thi, thì tôi sẽ không thể nhận được gì từ họ. Bằng cách thay đổi cái nhìn của mình, người ta khám phá ra những kho tàng.
Sophie de Villeneuve : Thánh Vinhsơn Phaolô đã nói cách đây bốn thế kỷ rằng người nghèo là thầy của chúng ta. Điều đó luôn có tính thời sự chứ ? Đó có phải là một giáo huấn của Giáo hội không ?
Étienne Grieu : Tôi có thể nói rằng điều đó ngày càng trở nên như thế. Trước thánh Vinhsơn Phaolô hay thánh Camillô Lellis, thánh Phanxicô Assisi đã tôn vinh người nghèo bằng cách đi đến chỗ muốn sống như họ. Đòi hỏi quan tâm đến người nghèo trải dài suốt lịch sử của Giáo hội. Nó càng ngày càng minh nhiên trong giáo huấn chính thức của Giáo hội, từ Đức Bênêđictô XVI : trong tông huấn hậu thượng hội đồng về Lời Chúa, có một đoạn nhỏ nói rằng các mục tử có thể nhận được nhiều điều từ những người rất nghèo. Về phần Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài nói cách rõ ràng rằng người nghèo phúc âm hóa chúng ta và họ có sự gần gũi với Chúa Kitô đau khổ mà chúng ta dĩ nhiên không có. Khi chúng ta lắng nghe cách chăm chú những gì mà những người trong tình trạng rất bấp bênh này đang sống, khi họ biết Chúa Kitô, thì chúng ta cảm thấy rằng họ rất gần gũi với Ngài. Khi họ nói về cuộc Thương khó của Ngài, chúng ta có cảm tưởng rằng họ đã ở đó. Điều đó rất lạ lùng.
Sophie de Villeneuve : Như thế, cần phải quan tâm đến người nghèo khổ nhất để được phúc âm hóa ?
Étienne Grieu : Chúng ta đã lưu giữ từ thời Cổ đại các bản văn nêu rõ trong Giáo hội nguyên thủy các điều kiện để được rửa tội, trong số đó có thăm viếng người nghèo, các bệnh nhân, người góa bụa, tất cả những ai đang lâm cảnh bần cùng. Tôi không thể nói rằng cần phải biến chúng thành một nghĩa vụ luân lý, nhưng nếu chúng ta có cơ hội tiếp cận người nghèo, thì đặc biệt không được bỏ lỡ nghĩa vụ đó.
Tý Linh chuyển ngữ từ croire.la-croix