CUỘC XUẤT HÀNH HÔM NAY
WHĐ (03.6.20222) – Nếu như nói biến cố Xuất Hành mà Kinh Thánh kể lại là kinh nghiệm đức tin quý báu cho Dân Riêng là Israel, thì nay, đại dịch Covid-19 như là một cuộc Xuất Hành toàn diện của nhân loại trong thế kỉ 21. Biến cố này không còn giới hạn trong phạm vi “ra đi” khỏi cưỡng bức lao động hay chỉ để tìm kiếm sự tự do như dân Do Thái xưa; trái lại, đúng nghĩa là nó đưa con người đến hào chiến sống còn giữa đức tin và nỗi tuyệt vọng; giữa hủy diệt và tái sinh; giữa lòng tham và tình bác ái; giữa sự khép lại và mở ra trong tâm hồn của chính mỗi người.
Thế giới hôm nay vẫn chưa hết bàng hoàng với con số ca nhiễm tăng vụt mỗi ngày. Nỗi lo sợ giờ đây cũng giống kinh nghiệm của Dân Riêng vì không ai đoán được đích đến của lộ trình mà họ đang đi. Thiên Chúa dường như vẫn lặng thinh khi con người đang loay hoay vẫy vùng một cách khổ sở giữa những ngổn ngang về kinh tế, chính trị, xã hội… không ngừng chồng chất tính theo từng ngày. Tuy nhiên, hoàn cảnh bi đát ấy cũng là cơ hội để ta chứng kiến những cuộc Vượt Qua rất thực tế nơi mỗi con người.
Thời gian đầu, không ai tưởng tượng được sức tàn phá khủng khiếp của con virus Corona nhỏ bé ấy. Dần dần, nó thúc giục chúng ta nói chung và mỗi người tín hữu nói riêng hãy nhanh chóng chuẩn bị các hành trang cần thiết để lên đường. Bấy lâu ngủ vùi trong lãng quên, thì đây là lúc ai nấy đều được thức tỉnh để sống chiều kích tâm linh một cách sâu sắc và cá vị hơn bao giờ hết. Tuy người ta không còn được nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga hân hoan mời gọi đoàn con cái Chúa quy tụ, nhưng mọi hoạt động đều thúc đẩy mọi người quy hướng về Đấng Xót Thương, khẩn nguyện và hy vọng Ngài sớm xóa tan cơn đại dịch. Những lâu đài nội tâm cứ thế mọc lên dần dần, vậy nên, xem ra cuộc tĩnh tâm dài ngày này đã mang lại hiệu quả đức tin tuyệt vời. Khi có đủ sức mạnh thiêng liêng, người ta lại kéo nhau xuất hành khỏi vùng an toàn của mình để đi đến những vùng tâm dịch.
Một khi tình yêu mạnh hơn sự chết, người ta không còn biết đến nỗi sợ hãi. Những tu sĩ, y bác sĩ, tình nguyện viên là những cánh chim đầu đàn xông pha nơi các vùng tâm dịch để diễn tả tình yêu của người sống Tin Mừng. Họ xuất hành khỏi những giá trị chóng tàn mau qua để mang đến niềm tin bất diệt. Họ là những bông hoa trổ sinh giữa sa mạc khô cháy và nặng mùi tử thần. Có thể nói, Thiên Chúa đã dùng trái tim và đôi tay của họ để an ủi và chữa lành nhân loại khỏi sự chết và nỗi tuyệt vọng khốn cùng.
Chưa dừng lại, cuộc Xuất Hành này được nối tiếp bằng những phép nhân diệu kì của Chúa. Đâu đó trong từng con hẻm hay khu phố là những sự sẻ chia đùm bọc đầy tình người. Bên cạnh sự tàn phá, đại dịch giúp tái sinh những tâm hồn bấy lâu nay khép kín. Một bó rau hay củ khoai là sợi dây nối kết trái tim, là bút xóa khoảng cách tâm hồn, là hòa hợp khác biệt tôn giáo, tín ngưỡng… Không ai khép lại trên chính mình một cách dửng dưng, ích kỷ, nhưng sống với, sống cùng và hiệp hành trong mọi biến chuyển của cuộc Vượt Qua đầy vất vả. Một điều không thể phủ nhận là cũng có rất nhiều bi thương trong cơn đại dịch. Nó nhắc nhở kiếp người vốn dĩ mong manh và yếu đuối, và nó hủy diệt không thương tiếc từ người quyền lực đến kẻ không có gì.
Thực tại của đại dịch Covid-19, vì thế trở nên một thực tế thúc bách mỗi người trở về với chính mình, xem xét những giá trị sống cách nghiêm túc và trách nhiệm hơn. Nó mời bạn và tôi hãy sẵn sàng cho cuộc Xuất Hành hôm nay – Cuộc Xuất Hành vào Đời Sống Mới.
Têrêsa Nguyễn Bình, MTG Thủ Đức
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)