HÀNG XÓM, LÁNG GIỀNG
***
Dăm chục năm trước, nhiều nhà ở thôn quê chỉ cách nhau bằng hàng cây dâm bụt hay dậu mùng tơi. Đám trẻ con chạy qua chui lại chơi với nhau, lắm khi còn dùng nơi ấy làm chỗ ẩn nấp khi chơi trò “trốn-tìm”. Thậm chí, người lớn đôi khi cũng bước vội qua hàng dậu để đến nhà hàng xóm.
Thuở ấy, có “miếng ngon, vật lạ”, chòm xóm quảng đại chia sẻ cho nhau. Từ thành phố về, có ổ bánh mì Sài Gòn thơm ngon, hay mua được trái mít ở vùng cao, cũng chia cho nhau. Gia đình có ma chay hoặc cưới hỏi, chòm xóm chạy đến, người lo việc này, kẻ làm việc kia như làm công việc của chính gia đình mình.
Ngày nay, vì nhiều lý do, hầu như nhà nào cũng xây tường chung quanh nhà, với cánh cổng thường xuyên khép kín. Những dịp lễ hội của gia đình, phần “ẩm thực” đã có dịch vụ. Cũng vì thế, nhà ở sát bên mà ít có dịp chuyện trò thăm hỏi nhau, tình làng nghĩa xóm bị phai nhạt dần.
Chắc chắn, chúng ta không thể đảo ngược các sinh hoạt hiện nay về với mốc năm mươi hoặc một trăm năm trước. Nhưng những vốn quý của quá khứ, chắc chắn không ai muốn để vuột mất.
Người xưa vẫn nói: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” hay “Xóm ngõ, tối lửa tắt đèn có nhau”.
Ngày nay, không chỉ có những bức tường bằng gạch đá mà còn có biết bao bức tường được dựng lên, khiến chúng ta ít có cơ hội gặp nhau. Những tường rào đó có thể là: quan điểm sống, niềm tin tôn giáo, tiền bạc, bằng cấp…
Bức tường nào cũng khiến chúng ta mất những cơ hội gặp gỡ, nên ít có sự hiểu biết, thiếu sự cảm thông, và điều tất nhiên sẽ xảy đến là sự xa cách, hiểu lầm và thái độ loại trừ nhau. Trong Thông điệp “Về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội”, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết: “Những người xây tường sẽ thành nô lệ bên trong chính những bức tường họ đã xây dựng.” (số 27) và “Quan điểm ‘mạnh ai nấy lo’ sẽ mau chóng trở thành ‘tất cả đều là địch thù’ và điều này còn tệ hại hơn bất cứ cơn đại dịch nào.” (số 36)
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đến trần gian chẳng những để đem chúng ta đến với Chúa Cha mà còn giúp con người gặp gỡ nhau: “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.” (Ep 2, 14)
Do nhu cầu của cuộc sống, có thể sẽ có nhiều bức tường bằng gạch hoặc bê-tông được xây lên; nhưng chúng ta cần tháo gỡ những bức tường “vô hình” đang biến cá nhân hoặc mỗi gia đình thành những “pháo đài”.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào? Thật khó có một công thức chung, nhưng một khi biết quan tâm đến nhau nhiều hơn, biết đặt tình người trên lợi lộc vật chất, biết đưa tay ra nắm lấy bàn tay người khác để “nối vòng tay lớn”, chắc chắn chúng ta sẽ có bạn “hàng xóm” ở muôn nơi.
Lm. Mt