ÁP ĐẶT Ý MUỐN
***
Thời còn trai trẻ, ông mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ. Tiếc là do hoàn cảnh xã hội thời ấy, ông đã phải nghỉ học lúc vừa xong lớp mười.
Ông lập gia đình và có được năm người con. Người con trai cả của gia đình, càng lớn càng tỏ ra có khí chất thông minh. Vì thế, ngay từ khi “trai trưởng” có chút ít hiểu biết, ông đã từng bước hướng dẫn, với hy vọng sau này con ông sẽ thực hiện ước mơ thời trai trẻ của ông là trở thành một bác sĩ đầy tài năng.
Tiếc là con trai ông lại thích nghề nấu ăn. Sau khi đậu tốt nghiệp phổ thông, anh thẳng thắn trình bày ý muốn với bố. Nghe xong ông bố hết sức giận dữ, đã mắng anh bằng những lời lẽ thật khó quên: “Là đàn ông con trai mà mày học cái việc của đàn bà à! Việc đó có gì phải học, xem mẹ mày có học trường lớp gì đâu mà nuôi cả cái nhà này mấy chục năm nay. Tao nuôi cho mày ăn học tưởng mày khôn ra, không ngờ lại ngu như thế!”
Không muốn mang tiếng là đứa con bất hiếu, anh “nhắm mắt” thi vào ngành y. Cả nhà đều vui, nhất là bố anh, khi hay tin anh trúng tuyển; còn anh thì “thở dài thườn thượt” khi nhập học.
Để đỡ gánh nặng cho gia đình, những lúc rảnh rỗi, anh đi phụ việc cho một nhà hàng. Cuối năm thứ ba đại học, anh bỏ ngành y, vừa đi làm vừa học thêm nghề nấu ăn.
Bố anh giận đến độ không thèm nhìn, chẳng buồn nói với anh một câu mỗi khi anh về thăm gia đình. Điều bất ngờ là hơn mười năm sau, tên tuổi anh được nhiều người nhắc đến, vì anh là bếp trưởng của một khách sạn hạng sang của Thành Phố. Anh cũng được mời thiết kế nhiều bữa tiệc cho những hội nghị cấp cao, trong đó có cả khách nước ngoài.
Nhiều cha mẹ và những người làm công tác giáo dục, có khuynh hướng áp đặt sở thích, ước muốn của họ trên con cháu, hoặc những người họ có bổn phận chăm sóc, dạy dỗ.
Ai cũng biết khả năng và sở thích mỗi người một khác. Điều tôi say mê, có khi người khác không hề quan tâm; điều tôi hết sức tìm kiếm, người bên cạnh lại chẳng hề chú ý.
Giáo dục là hướng dẫn và giúp người khác phát huy tốt nhất những khả năng tiềm ẩn nơi họ, là giúp cho ai đó có khả năng thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau trong tương lai, nhờ vậy, biết “phản vệ” với điều xấu và kiên định với sự thiện. Công việc này thật khó khăn nhưng rất cao quý.
Để giúp ai đó lớn lên về nhiều phương diện, nhà giáo dục, người thầy, người hướng dẫn… cần học Thầy Giêsu, Đấng đã từng nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 10) Nhờ vậy, biết khôn ngoan, nhẫn nại, kiên trì, tôn trọng và yêu thương những người được trao phó, để chăm sóc và đồng hành.
Lm. Mt