CHÚT DẦU DỪA
***
Đã mươi ngày nay, cánh cửa lùa của chiếc tủ áo rất khó đẩy tới kéo lui. Mạnh tay, sợ cánh cửa bung ra làm vỡ tấm kiếng màu đắt giá. Nhẹ tay, cánh cửa cứ lỳ ra, chẳng chịu dịch chuyển.
Một ý nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí, chủ nhân lấy một chút dầu dừa bôi vào khe trượt. Sau dăm ba lần đẩy qua kéo lại, như một phép màu, cánh cửa tủ bằng kiếng trượt trên khe trơn tru, vừa không tốn sức lại vừa mất rất ít thời gian cho động tác đóng mở.
Chiếc tủ được dùng đã lâu, nên cùng với độ dài của thời gian, mép cánh cửa và khe trượt dần dà bị khô sít, nên sức ma sát rất lớn khi cánh cửa di chuyển. Được chất dầu làm trơn, sức ma sát giảm rất nhiều, việc di chuyển tấm cửa kính trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
Sợ nói hơi quá, nhưng những tương quan giữa người với người có khi cũng giống như cánh cửa kiếng bị khô sít. Sống chung với nhau lâu ngày, những bất đồng, những hiểu lầm cứ tăng dần với thời gian. Nếu không kịp hóa giải, đến một lúc nào đó, sự cảm thông không còn, sự nhẫn nại và khả năng chịu đựng trở nên như mảnh đất khô hạn. Khi ấy, mọi tương quan sẽ trở nên khó khăn, dẫn đến tình trạng đông cứng, làm tê liệt hoặc gãy đổ những tương quan tốt đẹp vốn có.
Phải làm gì để hóa giải tình trạng ấy? Phải làm thế nào để mỗi ngày, tương quan của chúng ta với mọi người được tốt và đẹp thêm?
Câu trả lời là “làm trơn” mối tương quan. Chất dùng để hóa giải những trục trặc, giúp cho đời sống chung được thuận hảo thật đơn giản và trong tầm tay của mỗi người.
Chất liệu “thần kỳ” đó, chính là những lời mà nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã căn dặn: “Hãy thường xuyên nói những từ này: cảm ơn, xin lỗi, xin phép.”
Những lời đó thật dễ phát âm, nhưng cũng thật khó nói. Vì muốn những lời ấy được thốt ra từ trái tim, đem đến sự hòa giải và cảm thông, người nói phải có chút khiêm tốn và có nhiều yêu thương.
Lm. Mt