SAU LOCKDOWN LÀ CÁI GÌ?
WHĐ (05.10.2021) – Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam đã gỡ bỏ giãn cách sau 4 tháng phong tỏa. Bốn tháng ở yên tại chỗ, 4 tháng ngưng trệ công việc, 4 tháng lo âu và sợ sệt, 4 tháng xa cách chia ly với người thân cận và bạn bè…
Hôm nay đã gỡ bỏ giãn cách, cửa đã mở và người dân được “bước ra ngoài”.
Bốn tháng phong tỏa là một trải nghiệm đáng nhớ của mỗi người và dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi nhiều chuyện từ trong nhà ra phố chợ, đến cơ quan và … sinh hoạt của mỗi người và toàn thể xã hội. Hôm nay mỗi người “bước ra ngoài” với MỘT CON NGƯỜI MỚI sau 4 tháng loay hoay gắng gượng để sống, để sinh hoạt trong chính căn nhà của mình.
Những điều mà trước nay vẫn là thói quen, là truyền thống, nay đã đổi thay. Từ việc mua sắm nơi phố chợ, cho đến việc học hành của các sinh viên – học sinh; rồi những cuộc họp, những buổi hội thảo đều nhờ đến công nghệ là có thể thực hiện được trong thời gian cách ly xã hội: Họp trực tuyến, học trực tuyến, đi chợ trực tuyến, mua bán trực tuyến, thăm hỏi trực tuyến… Lúc này, chúng ta đã thấy được những lợi ích của việc sử dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống với nhiều tiện ích mà 4 tháng nay cả xã hội và các gia đình đều đã thực hành. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng nhận thấy “văn hóa trực tuyến” vẫn có nhiều bất cập, chỉ là giải pháp tình thế, là điều chẳng đặng đừng.
Và với câu hỏi “sau Lockdown là cái gì?” thì câu trả lời đó là phải biết vận dụng và khai thác công nghệ trong công việc và sinh hoạt hàng ngày để có được những tiện ích về thời gian, tiền bạc, sức khỏe… bởi đó là xu hướng chung của thời đại hôm nay – thời đại 4.0 – trong tương lai mới. Từ người nông dân chân đất, chúng ta tiến tới để tiếp cận và sử dụng nhà máy sản xuất dây chuyền. Và hôm nay, chúng ta là những công dân thời đại kỹ thuật số với những ứng dụng tiện ích trong đời thường và trong công việc. Đừng để mình bị tụt hậu trong thời đại kỹ nghệ này.
Câu trả lời kế tiếp cho câu hỏi “sau Lockdown là cái gì?” đó là một bức tranh màu xám đen của đất nước Việt Nam sau lần thứ 4 bùng phát dịch bệnh.
Tâm trạng dân chúng là lo âu sợ hãi vì nhiễm bệnh, trong đó có nhiều người đã chết, nhiều người thoát chết. Mọi sinh hoạt bị tê liệt, mất việc làm, mất nơi cư trú, mất người thân yêu, mất niềm tin, mất hy vọng vào tương lai. Rất nhiều người đã tháo chạy thoát thân để tìm đường sống cho bản thân và gia đình. Hệ quả kéo theo là trầm cảm, tâm thần, là cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội bị xáo trộn, bị mất thăng bằng. Đó cũng là tình cảnh của những con người trong xã hội Việt Nam sau lockdown.
Có giải pháp nào chăng, sau lockdown?
Câu trả lời tùy thuộc bạn là ai? là người y tế, là chính quyền, là nhà (cán sự) xã hội, là doanh nhân, là nhân viên, là người lao động…
Trong tư cách là một Linh mục Công giáo, người viết cũng có một vài đề nghị và giải pháp cho hoàn cảnh này.
Trước tiên là mọi người, mọi thành phần xã hội cần phải tìm hiểu để nắm bắt, thực hành các ứng dụng công nghệ vào trong công việc, trách vụ hàng ngày của mình. Đó là xu hướng phát triển của thời đại, cần hội nhập để không bị tụt hậu. Thứ đến là đừng quên những bài học chúng ta học được trong mùa dịch bệnh: bài học yêu thương nhân ái, bài học tiết kiệm, bài học biết sống vì cộng đồng, bài học biết cùng nhau vươn lên vượt khó… Đây là những kỹ năng cần thiết để những CON NGƯỜI MỚI bước vào CUỘC SỐNG MỚI sau lockdown.
Với các Kitô hữu thì những trải nghiệm thời lockdown là cơ hội tốt để chúng ta thấy được giá trị của ĐỨC TIN vào Thiên Chúa. Chính Ngài là mục tiêu tối hậu, là niềm hy vọng, là chốn nương thân mà kinh nghiệm của chúng ta trong những ngày tháng phong tỏa chứng nghiệm điều này. Sau lockdown mỗi tín hữu đã nhận ra được sự cần thiết của việc giữ lửa gia đình nơi những giờ kinh chung, những bữa cơm gia đình. Có cảm nghiệm sâu sắc hơn giá trị và sự cần thiết việc tham dự thánh lễ chúa nhật mà chúng ta thiếu vắng, khao khát trong nhiều tháng trời.
Với các linh mục trong vai trò dẫn dắt cộng đoàn, các ngài cũng PHẢI MỚI. Mới trong cách điều hành, trong cách tiếp cận, trong sự hướng dẫn giảng giải và cung cách sống của mình… bởi lẽ người giáo dân hôm nay – sau lockdown – đã khác lắm rồi. Nếu chỉ thực hành theo cách truyền thống xưa nay, chúng ta có nguy cơ tụt hậu, tụt hậu nơi chính giáo xứ mình coi sóc; tụt hậu, lạc điệu và là người đứng bên lề cuộc sống với những người giáo dân mình đang có trách nhiệm.
Điều này làm cho người linh mục hôm nay không thể giữ mãi lối mòn truyền thống trong cách điều hành, cách giảng dạy… mà đòi buộc các linh mục phải mở cửa ra, phải bước tới, phải thấy, phải nghe, phải thấu hiểu cảm thông để có những giải pháp và cung cách thích hợp… Hơn thế nữa, người linh mục – sau lockdown – cần phải giống Chúa Giêsu hơn nữa khi mang trong mình trái tim, con mắt và đôi tay của Chúa Giêsu để biết nhìn mà chạnh lòng thương xót, để biết đưa tay ra chữa lành, để biết đồng hành với con người hôm nay trong chính hoàn cảnh của họ.
Hiểu được điều này và có một sự chuẩn bị tốt chúng ta sẽ có một – HẬU LOCKDOWN – thật có hậu.
Mong sao điều CÓ HẬU này sớm trở thành hiện thực trên quê hương đất nước chúng ta.
Lm. Lê Văn La Vinh, OP