GỞI NGƯỜI BẠN TU SĨ TRẺ LÊN ĐƯỜNG ĐI VÀO TÂM DỊCH
Bạn thân mến,
Được tin các bạn tình nguyện lên đường theo tiếng gọi của Chúa – qua bề trên – để đi vào vùng tâm dịch: một số đông các bạn thuộc Tổng Giáo Phận Sàigòn và cả nhóm tu sĩ thiện nguyện của Giáo Phận Xuân Lộc nữa…
Dĩ nhiên là các bạn còn trẻ và còn mạnh, bởi người viết thấy là tại Sàigòn thì Tòa Giám Mục đã sàng lọc 430 đơn tình nguyện để chỉ nhận 185 người cho lần này thôi. Những ai quá 40 tuổi và có bệnh nền thì xin ở lại… chờ đến khi nào quá cần…
Và người viết, một lão già hưu dưỡng, nhắm mắt tưởng tượng niềm vui lên đường của các bạn mà thấy lòng mình cũng rạo rực lây!
Điều tuyệt vời là hầu hết các bạn đều là những “chuyên viên” ngành y bài bản cộng với thiện tâm của người tu sĩ thì chắc chắn là bệnh nhân sẽ gặp được Chúa Kitô – Đấng Chữa Lành cho mọi người và tại mọi nơi.
Dĩ nhiên những anh chị em thiện nguyện khác cũng rất tuyệt vời với công việc lăn xả của mình để phục vụ bệnh nhân giữa tâm dịch và họ cũng phải hy sinh nhiều lắm.
Thế nhưng ở nơi các bạn trẻ tu sĩ, điều quan trọng là “chúng ta không còn gì để mất”, bởi chúng ta đã trao tặng Chúa tất cả rồi và vì thế, chắc chắn là bệnh nhân sẽ nhận được nơi chúng ta sự phục vụ cùng với nụ cười thật tươi và ánh mắt thật nồng nàn, những thứ còn có sức chữa lành nhiều hơn cả thuốc thang nữa.
Các bạn làm lão già nghỉ hưu này nhớ lại hình ảnh anh chàng thanh niên ngày nào cách đây trên dưới 60 năm… và 46 năm…
60 năm – là khi vừa được mang chiếc áo dòng đen để đi giúp xứ…
Người viết khi ấy cũng đầy nhiệt huyết, chẳng có chút ý niệm nào về vùng này, vùng khác nên bề trên sai đến một vùng ngày ấy được cho là “nơi không ai muốn tới” với tình trạng ngày thì thế này/đêm thì lại khác. Người viết vui vẻ lên đường và dần dần làm quen với chuyện đắp mô, phân biệt được “départ” của một quả đạn, biết được khi nào thì nó sắp rơi và nổ cùng những đêm chấm bài học trò với ngọn đèn dầu tù mù và những lằn đạn réo của cả đôi bên cỡ khoảng nửa tiếng như để chúc nhau: “ngủ ngon!”. Người viết theo lệnh bề trên ở lại đó hai năm, bởi theo vị bề trên: xứ này heo hút và thiếu thốn quá mà cha sở lại cần phải được thuyên chuyển nên con chịu khó ở lại để cha sở mới có người cũ giúp đỡ và có thể quen dần…
46 năm – là khi ngay sau tháng 4/1975, người viết vừa được “đặt tay” và sai về một giáo xứ vùng độn để giúp một cha già đang lâm bệnh. Vậy là người viết có 14 năm rưỡi làm Phó tại đấy với những ngày tháng thoải mái vì chẳng lo nghĩ gì cứ thế mà sống. Thật là tuyệt, một cuộc sống “không có gì để mất” của một người theo Chúa với mảnh tem phiếu to bằng móng tay một năm / một mét vải… như mọi người!
Tin các bạn lên đường làm lão nghĩ đến những ngày tháng ấy và thấy lòng mình rực lửa. Thì ra Giáo Hội luôn sẵn “những tấm lòng” và “những tay nghề” cho mọi hoàn cảnh. Đã có một thời người viết đau đáu chuyện về “những chuyên môn” có thể đáp ứng được cho nhiều cảnh sống với Chúa Kitô trên khuôn mặt, trong nụ cười và qua việc làm giúp những người quanh ta gặp được Ngài mà chẳng cần phải thuyết giảng. Bởi thuyết giảng mà không có “những thực tế” đụng chạm được ở từng ngày sống, qua từng công việc thì – như thánh Phaolô chia sẻ – tất cả chỉ là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13,1).
Người viết rất thích những nét vẽ được chọn minh họa cho những tâm tình này: hớn hở lắm những tu sĩ vội vã khoác vào mình bộ y phục bảo hộ cho công việc tại tâm dịch, bộ y phục mà người ta cố gắng làm cho nó nhẹ hơn, mát hơn; nhưng dĩ nhiên là vẫn “không như ý muốn” được.
Có lẽ khi khoác các bộ y phục ấy vào, các bạn không có được tâm trạng của giây phút nhận tu phục đâu, bởi ngày ấy, quang cảnh thánh đường và sự hiện diện của nhiều nhiều những người thân thương cộng với những “diễn giải” rất linh thánh, làm chúng ta tự nhiên thấy thánh thiện. Thế nhưng, khi các bạn khoác vào mình bộ áo quần chuyên dụng này, các bạn thực sự đón cho mình Thánh Giá Chúa Kitô để cùng Ngài đến với những nơi cần và những người cần. Cười lên nhé và cứ nhìn vào mắt từng người, những người cần chúng ta giúp và những bạn tu sĩ đồng hành trong các tôn giáo bạn, với cánh tay giang trên Thánh Giá mà ôm lấy tất cả. Ngày xưa người viết cũng có một vị hòa thượng bạn. Cứ mùng hai Tết là vị ấy lại xuống với người viết để rồi cả hai dắt tay nhau đi chúc tết bà con lương cũng như giáo. Bà con vui lắm khi được cả Thầy lẫn Cha mang bình an đến cho họ. Chúa còn mong muốn chi hơn nữa?
Ở nhà hưu dưỡng, anh em nào còn có thể thì phụ trách chủ tế một Thánh Lễ sáng trong tuần. Người viết phụ trách ngày thứ ba, và thứ ba này là lễ thánh Laurenso, Phó Tế, Tử Đạo. Bạn có biết người viết thích điều gì nơi vị thánh Tử Đạo này không? Dĩ nhiên cảnh được nướng trên giường sắt và câu nói hài hước của Ngài xin lý hình “trở mình” Ngài để chín cho đều cũng rất ấn tượng. Nhưng người viết lại vô cùng hứng thú với cảnh Ngài đưa đến Tòa nhóm người nghèo lượm nhặt được trong thành và trả lời cho vị đại diện Hoàng Đế: đây là tất cả tài sản của Giáo Hội. Bởi vì Hoàng Đế muốn Ngài phải nộp tài sản của Giáo Hội cho ông!
Vậy nhé, bạn hãy thưa với Chúa và nói với mọi người rằng: những anh chị em cùng khốn của chúng ta chính là tài sản của Giáo Hội.
Như trong phim Hàn, người viết muốn ngập ngừng để xin bạn: tôi có thể ôm bạn một cái, được không???
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp