TRÒN MỘT NĂM TỪ KHI CA NHIỄM SARS – COV-2 ĐẦU TIÊN XẢY RA TRÊN THẾ GIỚI
Phản tỉnh từ nhãn quan Thần học
Luân lý Y Sinh học Công giáo
Mục lục
III. Việc chế tạo Vaccine và vấn nạn
- Công nghệ thông tin: ứng dụng và mặt trái
- Các nền kinh tế suy thoái và “nền kinh tế Phanxicô”
- Kết luận
WHĐ (09.05.2021) – Tháng 4/2020, tôi đã viết một bài phản tỉnh về đại dịch kinh hoàng thế giới COVID-19 với tâm thức hy vọng thế giới sẽ mau chóng vượt thắng “cái Corona” quái ác này. Thế nhưng, đã tròn một năm kể từ khi ca nhiễm SARS-CoV-2 (Severe acute respiratory syndrome Corona virus 2) đầu tiên được ghi nhận lây nhiễm ở người. Theo các dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc, ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên được ghi nhận vào ngày 17/11/2019, nhưng chính phủ nước này chỉ chính thức công bố dịch bệnh mới vài tuần sau đó, vào ngày 8/12/2019. Người nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên này – được đặt tên là “bệnh nhân số 0” – được cho là một cư dân Hồ Bắc 55 tuổi.[1]
Tình hình dịch COVID-19 hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Năm quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Pháp. Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ ngày 4/12/2020, thế giới ghi nhận 707.009 ca SARS-
CoV-2 và 12.911 ca tử vong. Tổng số người bệnh từ đầu dịch tới ngày 5/12/2020, thời điểm bài này được viết, đã vượt 66 triệu, trong đó trên 1,52 triệu ca tử vong.[2]
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, chế tạo vaccine ngừa SARS-CoV-2 là một nhu cầu khẩn cấp để bảo vệ mạng sống hàng chục triệu người và ổn định đời sống hàng tỉ người. Nhiều nước tham gia sáng kiến vaccine Covid-19 toàn cầu Covax do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu. Tuy nhiên việc chế tạo vaccine chống Covid-19 đang vấp phải vài vấn nạn đạo đức y sinh. Đại dịch chết chóc Covid-19 lan rộng và kéo dài đã và đang ảnh hưởng trên các khía cạnh đời sống cá nhân và toàn xã hội. Hậu quả phần lớn là tiêu cực, tuy nhiên nếu mỗi người biết nhìn cách lạc quan, nhưng không kém thực tế: “Khi bầu trời tối đủ, thì bạn có thể nhìn thấy các vì sao” [3], thì từ đó có thể rút ra các bài học hữu ích cho mình và cho xã hội. Tiếp theo bài trước (trong Hiệp Thông số 118, tháng 5&6 năm 2020), bài viết này phản tỉnh thêm về vài vấn nạn nảy sinh khi nhân loại loay hoay tìm cách vượt thắng đại dịch này và nỗ lực khắc phục những hậu quả của nó.
I. Việt Nam bước đầu “vượt thắng” đại dịch Covid-19:
Lòng yêu quê hương và Niềm tự hào dân tộc
Tại Việt Nam, hai đợt bệnh dịch bùng phát trong cộng đồng vào tháng 1 và tháng 7/2020, tiếp là chuỗi 90 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hiện không còn trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nào nặng. Số ca tử vong đến nay là 35. Đa số các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng và mạn tính như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hóa chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hóa đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định Ủy ban phòng chống dịch của Việt Nam nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả.[4] Có nhiều nguyên nhân góp phần vào việc hữu hiệu phòng chống dịch của Việt Nam, trong giới hạn bài viết, tôi chỉ phản tỉnh về vài điều:
– Khí hậu nhiệt đới với nhiệt độ trung bình trên 27 độ C tại Việt Nam làm cho SARS-CoV-2 khó tăng trưởng và dễ bị phá hủy. Chuyện tưởng nhỏ nhưng lại giúp nhiều người và cả chính tôi tăng khả năng chịu đựng sức nóng. Thường tôi cần máy điều hòa khi làm việc trong phòng, nhưng những ngày cao trào mùa dịch, tôi không mở máy điều hòa, mà “hạnh phúc” “hưởng” cái nóng vì biết nó phần nào giúp tôi chống đỡ con SARS-CoV-2. Lời của Frank Tyger tỏ ra có lý: “Làm điều bạn thích là tự do, thích điều bạn làm là hạnh phúc”. Tôi chợt liên tưởng đến đời sống luân lý, nếu Kitô hữu xác tín luật Giáo hội với nền tảng hợp lý trí, tôn trọng con người cùng với phẩm giá nhân vị, vì lợi ích con người toàn diện, vì hạnh phúc của chính họ, thì họ sẽ hạnh phúc mà tuân phục luật lệ. Từ đó, con người sẽ cảm thấy tự do đích thực, thoát cảnh “nô lệ dưới chế độ luật”. Để làm được điều này, đòi hỏi người mục tử phải “khổ công tu luyện” mới đạt được “nội lực thâm hậu” cả về tâm và trí, hầu mong có thể truyền đạt giáo huấn Giáo hội một cách khả tín và trước hết, chính người mục tử phải xác tín vào điều mình truyền dạy và trung tín thực thi điều mình giảng dạy! Mong thay!
– Có sự hợp lực hiệu quả giữa các thành phần xã hội trong việc quyết tâm chiến đấu “chống dịch như chống giặc ngoại xâm”. Các cuộc chiến chống xâm lăng lâu dài một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ của thực dân Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày đã rèn nên “chất thép” trong con người Việt Nam cùng với sức chịu đựng bền bỉ, tinh thần yêu nước, ý thức cần đoàn kết dân tộc như trong Hội nghị Diên Hồng.
Ông Jean-Noêl Poirier, cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam (bệnh nhân 148), đã nói được phần nào về công tác chống dịch của Việt Nam khi chia sẻ cảm nhận cá nhân trên tờ báo điện tử Causeur, ngày 15/4/2020. Ông nhận định có một sự khác biệt rất lớn trong kết quả phòng chống dịch giữa các nước phương Tây như Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Anh, Mỹ và những nước châu Á, hay cụ thể hơn là những quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Ông Poirier đánh giá cao Việt Nam đã quyết định thực hiện biện pháp mạnh ngay từ đầu và làm rất tốt. Thực hiện giãn cách xã hội, các trường học nghỉ Tết kéo dài gần 4 tháng. Tại những nơi công cộng, toàn dân (hầu hết) đeo khẩu trang, vốn được dùng để tránh nắng và ô nhiễm không khí, nên việc đeo khẩu trang ít gây trở ngại cho người dân. Từ cuối tháng 1/2020, những chai dịch sát khuẩn được đặt ở các nơi công cộng. Biên giới với các nước có dịch cũng được đóng từ sớm, bắt đầu với biên giới Trung Quốc từ ngày 1/2/2020, một tuần sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên là một người trở về từ Vũ Hán[5].
Một trong các yếu tố quyết định thành công: đội ngũ bác sĩ, chuyên viên y tế đầy kinh nghiệm của xứ nhiệt đới chuyên điều trị các bệnh nhiễm, tài năng chuyên môn, bản lãnh của người chiến binh, ý chí, giàu lòng hy sinh, không quản ngại khó khăn thử thách. Đội ngũ chủ chốt này kết hợp chặt chẽ với các lực lượng dân quân, quân nhân, nhưng người tự nguyện.. .để cùng chống dịch.
Qua công cuộc chống dịch, hình như mỗi người dân Việt thấy gắn bó sâu sắc và yêu quê hương hơn. Nhiều người Việt nước ngoài lúc này lại trở về quê hương để tránh dịch. Niềm tự hào dân tộc lan tỏa và bay cao. Đây là cơ hội nhắc nhở người dân Việt, cách riêng người trẻ Công giáo, cần yêu Giáo Hội, yêu Chúa cụ thể qua những đóng góp xây dựng mảnh đất quê hương hình chữ S còn bao thách đố khó khăn, nhất là dân Miền Trung vừa qua các đợt bão lũ lịch sử. Lời thơ hào hùng của Bậc Đáng kính hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận vang lên như nối kết mọi con dân Việt, bất kể chính kiến, lập trường chính trị hay tôn giáo:
Tiếng chuông ngân trầm, Việt Nam nguyện cầu
Tiếng chuông não nùng, Việt Nam buồn thảm
Tiếng chuông vang lừng, Việt Nam khải hoàn
Tiếng chuông thanh thoát, Việt Nam hy vọng
Con có một Tổ Quốc, Nước Việt Nam
Quê hương yêu quý ngàn đời
Con hãnh diện con vui sướng
Con yêu non sông gấm vóc
Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn
Con yêu chiến sĩ hào hùng
Con có một Tổ Quốc, Nước Việt Nam
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn
Núi cao cao xương chất cao hơn
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn
Nước tuy nhỏ nhưng danh vang
Con có một Tổ Quốc, Nước Việt Nam
Con phục vụ hết tâm hồn
Con trung thành hết nhiệt huyết
Con bảo vệ bằng xương máu
Con xây dựng bằng tim óc
Vui niềm vui của đồng bào
Buồn nỗi buồn của dân tộc
Con có một Tổ Quốc, Nước Việt Nam
Một nước Việt Nam,
Một dân tộc Việt Nam
Một tâm hồn Việt Nam,
Một văn hóa Việt Nam
Một truyền thống Việt Nam
Con có một Tổ Quốc,
Nước Việt Nam, Nước Việt Nam.
II. Ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày 30/11/2020
Ý thức bảo vệ cá nhân và Cộng đồng – Sống trong tỉnh thức
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người đứng đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 15/10/2020 nhấn mạnh dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt sau hai đợt cao trào, nhưng trên thế giới làn sóng dịch tăng rất mạnh trở lại, vì vậy, mọi người phải luôn cảnh giác cao, sẵn sàng ứng trực. Vị phó thủ tướng so sánh lúc này giống như giai đoạn bình yên giữa hai “trận đánh”, phải củng cố lại lực lượng, tất cả biện pháp phòng chống dịch trước hết ở các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú và rộng ra toàn xã hội. Đặc biệt khi mùa đông sắp đến, nhất là ở miền Bắc, là điều kiện rất thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển, lây lan[6].
Đáng tiếc và lo ngại, tối 30/11, một ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, bệnh nhân số 1347, lây nhiễm từ người cách ly, được Bộ Y tế thông báo. Chấm dứt chuỗi 120 ngày thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) và 90 ngày trên cả nước không có lây nhiễm cộng đồng. Bệnh nhân là giáo viên tiếng Anh ở TP HCM, là bạn của nam tiếp viên hàng không, bệnh nhân 1342, từ Nhật Bản về đến TP HCM và sống tại đây[7]. Cả hai bệnh nhân này không tuân thủ quy định cách ly và lây nhiễm cho nhau và phát tán ra cộng đồng. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp chính phủ ngày 1/12 cũng nhấn mạnh đến việc TP HCM triển khai quyết liệt, nhanh chóng khoanh vùng, phát hiện F1, F2 để kiểm soát ổ dịch [8].
Hai người, một là tiếp viên hàng không, một là thầy giáo, mà ý thức lại kém, chỉ vì mình thầy thôi mà bây giờ biết bao nhiêu là hệ luỵ! Đến trưa 2/12, gần 100.000 sinh viên của 5 đại học phải nghỉ học tập trung, một ký túc xá đóng cửa, các trường khác thực hiện kế hoạch chống Covid-19. Gần 150 căn nhà ở quận 6 và quận Tân Bình bị lực lượng chức năng phong tỏa, sau khi ghi nhận 4 ca nhiễm nCoV[9]. Sự kiện lại một lần nữa cho thấy việc mỗi người và mọi người dân ý thức đóng góp vào việc giữ gìn an toàn cộng đồng là quan trọng biết bao.
‘Bình thường mới’ là một cụm từ hiện trở nên phổ biến và quan trọng, muốn cảnh báo với mọi người rằng: Cuộc chiến chống Covid-19 còn dài. Khi chưa có vaccine hay thuốc trị liệu, mỗi người đều có nguy cơ bị lây nhiễm. Vì thế, cuộc sống “bình thường mới” trong hiện tại chính là luôn phải cảnh giác và phòng chống virus Corona. Cụm từ này phản ánh thực tại ở một số nơi, các ca lây nhiễm dường như có giảm, một số biện pháp phòng ngừa được nới lỏng, nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta nên trở về với trạng thái ‘bình thường cũ’ như trước đây. Nếu chúng ta không ý thức cảnh giác để bảo vệ mình và người khác, các ca lây nhiễm sẽ gia tăng trở lại[10].
Gần đến Giáng Sinh và Tết rồi, mong đất nước mình có được một mùa xuân trọn vẹn, vui tươi, bình an bên gia đình và người thân. Mọi người cần ý thức hơn, chung tay đẩy lùi dịch Covid 19. Cũng khá trùng hợp, bài này được viết trong thời gian cuối năm phụng vụ và bắt đầu mùa vọng mới, Lời Chúa mùa này nhắc nhở mỗi người tỉnh thức chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa ghé thăm bất ngờ. Cả ngoại giới và nội giới đều nhắc nhở con người nhớ đến mục đích tối hậu đời người, luôn ở tư thế sẵn sàng lên đường về nhà Cha khi Giờ đến! Một cách thực tế và gần gũi, mỗi người cần mở lòng đón tiếp Chúa Giêsu Kitô đến thăm ngoài cửa nhà mình qua những người nghèo khổ, cô đơn, lao tù, bệnh tật…!
III. Việc chế tạo Vaccine và vấn nạn
Vaccine ngừa COVID-19 của Nga – Sputnik V
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp qua truyền hình với các bộ trưởng ngày 11/8 đã tuyên bố, Bộ Y tế Nga đã chính thức cấp phép vaccine phòng chống Covid-19. Tại thời điểm tháng 8 này, đây là loại vaccine đầu tiên trên thế giới được quốc gia cấp phép. “Sputnik V”, tên của vaccine, do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển, được thử nghiệm lâm sàng từ ngày 18/6 ở 38 tình nguyện viên. Theo báo cáo của Nga, tất cả các tình nguyện viên đều xuất hiện miễn dịch- dấu hiệu cho biết vaccine có hiệu quả.
Tin này như trận mưa rào tưới mát giữa cơn hạn “khát vaccine” chống Covid-19 của thế giới, thậm chí có nhiều nước đã đặt mua hàng triệu liều vaccine của Nga. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học uy tín trên thế giới tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả và an toàn của vaccine này. Thông thường khâu quan trọng góp phần bảo đảm tính an toàn cho một chế phẩm vaccine trước và sau khi nó được cấp phép lưu hành sử dụng cho cộng đồng: đó là bước thử nghiệm lâm sàng (TNLS) tốt, gồm ba giai đoạn, theo đúng quy chuẩn quốc gia và quốc tế. Lý do nghiêm trọng là Bộ Y tế Nga đã phê duyệt sản phẩm vaccine nCoV- Sputnik V khi chỉ mới tiến hành TNLS giai đoạn 1!!! Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tarik Jasarevic cho biết đang thảo luận với chính phủ Nga về vaccine mới. Theo ông, việc cấp phép bất cứ loại vaccine nào cũng bao gồm quá trình xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả dữ liệu an toàn và hiệu quả cần có.
Đáng chú ý, mới đây Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ đã từ chối thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm lớn để đánh giá vaccine nCoV của Nga – Sputnik V tại nước họ.
Nhận định
Theo y khoa, vaccine được coi là một loại “thuốc” vì nó hội đủ các đặc điểm của một loại thuốc (medicine) theo tiêu chuẩn dược điển. Hơn nữa, vaccine được xem là một loại thuốc đặc biệt vì nó được dùng chủ yếu cho những người mạnh khỏe, và được sử dụng theo những liều, lịch tiêm chủng được định trước. Tuy nhiên, vì là một “chất lạ” đối với cơ thể người nhận, nó có thể gây ra những tác dụng phụ bất lợi, đôi khi nghiêm trọng sau tiêm chủng. Các ngành Y – Dược học có nhiệm vụ hạn chế tối đa những tác dụng bất lợi này, cũng chính là góp phần bảo đảm tính an toàn tối đa cho người tiêm chủng.
Thử nghiệm lâm sàng vaccine là gì?
TNLS thuốc là hoạt động khoa học nghiên cứu thuốc trên người nhằm xác minh hiệu quả trên người; nhận biết, phát hiện phản ứng bất lợi do tác động của chế phẩm thuốc; khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của sản phẩm đó; xác định sự an toàn và hiệu quả của thuốc được nghiên cứu. TNLS vaccine tuân thủ đúng theo định nghĩa về TNLS thuốc. TNLS vaccine thường đòi hỏi số đối tượng thử nghiệm nhiều khi lớn hơn (có khi tới hàng chục nghìn người) so với số lượng đối tượng của nhiều loại thuốc chữa bệnh khác.
Tại sao nói TNLS tốt là bảo đảm an toàn tốt cho vaccine?
TNLS thuốc xuất phát từ nhu cầu thực tế, chính đáng của con người và có lịch sử phát triển lâu đời. Để có một chế phẩm vaccine mới đưa vào áp dụng phải trải qua các bước nghiên cứu, sản xuất trong phòng thí nghiệm, sản xuất công nghiệp, kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng rất nghiêm ngặt, thường mất từ 5 tới 10 năm, trong đó khoảng một nửa thời gian dành cho các bước TNLS.
Trước khi được đưa vào TNLS, vaccine phải được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, gồm đánh giá trong phòng thí nghiệm (invitro) và nghiên cứu trên động vật thực nghiệm (invivo), đồng thời phải có xác nhận an toàn của cơ quan kiểm định thuốc quốc gia.
TNLS vaccine buộc phải trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn 1 thử nghiệm trên người trưởng thành khỏe mạnh, cỡ mẫu 30 – 50 người, bắt đầu từ liều thấp đến liều được dự kiến dựa trên liều được ngoại suy từ kết quả dò liều an toàn và hiệu quả trên động vật thực nghiệm, với mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn của vaccine. Giai đoạn 2 được thực hiện trên đối tượng người trưởng thành khỏe mạnh, với cỡ mẫu tối thiểu 200, nhằm đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine, đồng thời lựa chọn liều, lịch trình dùng thích hợp. Giai đoạn 3 tiến hành trên cỡ mẫu tối thiểu 500 người, có đối chứng, tại nhiều địa điểm, sử dụng phác đồ tiêm chủng được lựa chọn từ giai đoạn 2, nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine trên một nhóm cộng đồng lớn hơn, gần với đối tượng đích (sẽ sử dụng vaccine), bao gồm cả trẻ em và người cao tuổi. Kết quả thử nghiệm các giai đoạn trước phải đảm bảo tính an toàn trong giới hạn cho phép mới được tiến hành sang giai đoạn tiếp theo là áp dụng cho cộng đồng lớn.
Các vaccine đã được cấp phép lưu hành trên thị trường (sau thử nghiệm giai đoạn 3) phải được xác nhận tính an toàn trong quá trình sử dụng (thử nghiệm sau cấp phép) với số lượng đối tượng thử nghiệm có thể lên tới hàng chục nghìn người. Trong mỗi giai đoạn TNLS mọi tác dụng bất lợi xảy ra, nặng hay nhẹ, liên quan hay chưa được chứng minh có liên quan đến sản phẩm nghiên cứu, xảy ra ở bất kỳ thời điểm, địa điểm nghiên cứu nào đều phải được ghi nhận, báo cáo kịp thời cho nhà sản xuất, hội đồng đạo đức và cơ quan quản lý để được xem xét, phân tích, kết luận nguyên nhân. Kết quả phân tích có thể được thẩm định chéo bởi các cơ sở nghiên cứu độc lập trong nước và ngoài nước.
Nếu một chế phẩm vaccine được xác minh là nguyên nhân (dù khi còn ở mức “nghi ngờ”) của các tác dụng bất lợi nghiêm trọng với tần số không cho phép, thì chúng sẽ bị loại không được thử nghiệm ở giai đoạn tiếp theo hoặc không được xét cấp phép lưu hành cho cộng đồng. Với quy trình 3 giai đoạn TNLS chặt chẽ có sự đánh giá nghiêm ngặt của hội đồng đạo đức các cấp, có thể nói một vaccine trước khi tới người sử dụng đã được sàng lọc kỹ lưỡng và bảo đảm cao về tính an toàn.
Với hiểu biết trên, chúng ta thấy Bộ Y Tế Nga đã “đốt giai đoạn”, bỏ qua giai đoạn 2 và 3 của TNLS vaccine nCoV- Sputnik V, khi cấp phép lưu hành chế phẩm vaccine mới này. Về phương diện luân lý y sinh học, việc đốt cháy giai đoạn TNLS này của Bộ Y Tế Nga, tuy có thể hiểu về động lực tốt muốn mau chóng có vaccine chống đại dịch Covid-19 khủng khiếp này, vẫn là một việc thiếu đạo đức, và tiềm ẩn nguy cơ cho cộng đồng nhân loại.
Sử dụng HEK293 (human embryonic kidney cells) để nghiên cứu và phát triển vaccine chống Covid-19
Tại Úc, một số ý kiến trái chiều về vấn đề mà trường đại học Oxford đang nghiên cứu vaccine chống Covid-19 sử dụng HEK293 (human embryonic kidney cells) để nghiên cứu và phát triển. Trường đại học Oxford nghiên cứu sắp thành công và chuẩn bị sản xuất đại trà vaccine chống Covid-19 dựa trên tế bào HEK293. Vaccine này, được xem như một trong số vaccine tiên phong hàng đầu toàn cầu chống Covid-19, được phát triển từ dòng tế bào thận lấy từ một thai nhi bị phá. Ba trong số các Tổng giám mục (TGM) niên trưởng của Úc, TGM Anh giáo Glenn Davies, TGM Công giáo tại Sydney- Anthony Fisher và TGM Chính thống giáo Makarios, đã đệ thư lên Thủ Tướng Scott Morrison, nhìn nhận việc cần thiết chế tạo vaccine, nhưng đồng thời phê phán sự vi phạm luân lý nghiêm trọng của việc sử dụng tế bào phôi thai bị phá để phát triển vaccine.
Thật đúng lúc, Hàn lâm viện giáo hoàng về khoa học nhóm phiên họp toàn thể từ ngày 7-9/10/2020 với đề tài “Khoa học và sự sống còn”, khởi đi từ vai trò của khoa học là nền tảng đối với sự sống còn của nhân loại. Nhân dịp này Đức thánh cha (ĐTC) Phanxicô đã gởi một sứ điệp đến hội nghị và hoan nghênh Hàn lâm viện đã dành phiên họp toàn thể này cho mối quan tâm về sự sống còn của nhân loại do Covid-19 gây ra. ĐTC Phanxicô chỉ ra rằng virus, khi ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cũng đã ảnh hưởng đến toàn bộ cơ cấu chính trị, kinh tế và tâm linh của xã hội. ĐTC Phanxicô gợi câu hỏi về trách nhiệm đạo đức trong khoa học, đặc biệt nảy sinh từ các phòng thí nghiệm vật lý và sinh học.
Nhận định
Về việc trường Đại học Oxford nghiên cứu sắp thành công và chuẩn bị sản xuất đại trà vaccine chống Covid-19 dựa trên tế bào HEK293, các TGM tại Úc lên tiếng rằng một mặt, các ngài ủng hộ việc sản xuất vaccine chống Covid-19, nhưng mặt khác, nguồn cung cấp chất liệu sản xuất vaccine lấy từ mô của thai bị phá là trái đạo đức nghiêm trọng không thể chấp nhận. Vấn nạn đạo đức của sự kiện này liên quan đến hai nhóm đối tượng: 1/ các nhà khoa học nghiên cứu; và 2/ các người sẽ sử dụng vaccine để phòng ngừa nhiễm virus.
Các nhà khoa học nghiên cứu
Liên quan đến việc sử dụng “chất liệu sinh học” từ nguồn gốc bất hợp pháp, Bộ Giáo Lý Đức Tin hướng dẫn rất rõ ràng trong Huấn thị “Phẩm giá con người” (Dignitas Personae, DP) Vì vấn đề này còn tương đối xa lạ với số đông tín hữu, nên có lẽ hữu ích trích nguyên văn:
“Để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và sản xuất các vaccine hay những sản phẩm khác, thỉnh thoảng người ta dùng những dòng tế bào mà đó lại là kết quả thu được từ một can thiệp bất hợp pháp nào đó chống lại sự sống và sự toàn vẹn thể lý của con người. Sự liên can tới hành vi bất chính có thể là trực tiếp hay gián tiếp, vì nói chung đó là những tế bào được sản sinh cách dễ dàng và rất dồi dào. “Chất liệu” này đôi khi được thương mại hóa hay được phân phối miễn phí ở những trung tâm nghiên cứu của các tổ chức chính phủ được luật pháp cho phép. Tất cả những điều đó khơi lên những vấn đề đạo đức khác nhau liên quan tới sự cộng tác với điều xấu và điều tai tiếng. Bởi thế, cần phải công bố những nguyên tắc chung nhờ đó những người có lương tâm ngay thẳng có thể đánh giá và giải quyết trong những hoàn cảnh mà họ rất có thể bị liên can trong hoạt động nghề nghiệp của mình.” (DP s.34)
“Một trường hợp khác cần được lưu ý là khi các nhà nghiên cứu sử dụng “chất liệu sinh học” có nguồn gốc bất hợp pháp, được sản xuất từ bên ngoài trung tâm nghiên cứu của họ hay do mua bán trao đổi. Huấn thị Donum Vitae đã trình bày nguyên tắc chung phải tuân giữ trong trường hợp sau đây: “Các xác của phôi thai người, dù có bị phá cách chủ ý hay không, cũng cần phải được tôn trọng như những thi hài của những con người khác… Hơn nữa, một đòi hỏi luân lý cần phải được bảo đảm, đó là không được phép đồng lõa trong việc phá thai chủ ý, cũng như phải loại trừ mọi nguy cơ gây gương xấu” …
Khi điều bất hợp pháp lại được luật pháp điều hành hệ thống y tế và nghiên cứu khoa học thông qua, thì người ta buộc phải tách rời mình ra khỏi những khía cạnh bất chính của hệ thống này để không gây cho người khác tưởng lầm mình dung túng tới mức nào đó hay mình ngầm chấp thuận các hành động xấu nghiêm trọng như thế. Mọi vẻ biểu hiện như chấp nhận hẳn góp phần làm cho ngày càng gia tăng hơn thái độ dửng dưng, nếu không muốn nói là đồng thuận, đối với những hành vi xấu như thế trong một số giới y khoa và chính trị…
Nghĩa vụ tránh cộng tác vào điều xấu và điều gây cớ vấp phạm liên hệ đến các hoạt động nghề nghiệp thường ngày của họ (các nhà nghiên cứu khoa học), các hoạt động mà họ cần phải định hướng cách đúng đắn và qua đó họ phải làm chứng cho giá trị của sự sống, bằng cách chống lại những luật lệ bất công nghiêm trọng. Vì thế, cần phải nói rõ rằng người ta có nghĩa vụ phải từ chối “chất liệu sinh học” này, dù cho không có một liên hệ gần gũi nào giữa các nhà nghiên cứu với các nhà kỹ thuật thực hiện việc thụ tinh nhân tạo hay phá thai… Nghĩa vụ này phát xuất từ nghĩa vụ phải tách rời mình ra, trong phạm vi hoạt động nghiên cứu của mình, khỏi một khuôn khổ pháp chế bất công nghiêm trọng và phải khẳng định cách rõ ràng giá trị của sự sống con người.” (DP s. 35)
Phá thai luôn là một tội ác dù với mục đích gì. Việc sử dụng tế bào HEK293 lấy từ phôi thai bị phá là cộng tác vào điều ác. Mục đích tốt không biện minh được cho phương tiện xấu. Như thế, rõ ràng các nhà khoa học nghiên cứu Công giáo không được phép tham gia vào các dự án sử dụng HEK293 dù là để chế tạo vaccine chống đại dịch chết chóc Covid-19.
Về phía người sẽ sử dụng vaccine để phòng ngừa
Trong khi các TGM tại Úc phản đối các nhà nghiên cứu sử dụng HEK293 để sản xuất vaccine, các ngài không minh nhiên kêu gọi các tín hữu tẩy chay vaccine sẽ được sản xuất từ HEK293. Các ngài nói rằng các Kitô hữu có thể xem xét việc sử dụng vaccine hay không tùy theo “lương tâm cá nhân”, và có thể từ chối sử dụng vaccine này ngay cả khi họ không có vaccine khác thay thế. Liên quan đến vấn nạn này, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã hướng dẫn như sau:
“…có các mức độ trách nhiệm khác biệt. Các lý do nghiêm trọng có thể tương xứng về mặt luân lý để biện minh cho việc sử dụng “chất liệu sinh học” [làm ra từ những dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp] này. Chẳng hạn, khi đứng trước nguy cơ đe dọa sức khỏe của con cái, các cha mẹ có thể chấp nhận sử dụng một thứ vaccine vốn được làm ra từ những dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trong khi họ vẫn phải biểu lộ sự bất đồng ý kiến về vấn đề này và vẫn có bổn phận phải yêu cầu các hệ thống y tế làm ra các loại vaccine khác để sử dụng…” (DP s. 35)
Như thế, theo giáo huấn trên, người tín hữu một mặt cần lên tiếng biểu lộ sự phản đối về việc sử dụng HEK293 để chế tạo vaccine. Một mặt trước nguy cơ lây nhiễm lan rộng có khả năng chết người của dịch Covid-19, mà nếu chưa có vaccine nào hữu hiệu ngoài vaccine chế tạo từ HEK293, người Kitô hữu hoặc có thể từ chối sử dụng nó (nhân đức anh hùng), hoặc có thể với lương tâm cá nhân quyết định sử dụng vaccine này trong thời điểm hiện tại, điều này vẫn được phép về mặt luân lý. Điều này cũng có thể được biện minh theo nguyên tắc “dung nạp điều ít xấu hơn”.
Nghiên cứu sản xuất vaccine ở các nước khác
Thật phấn khởi, công ty Dược lớn của Mỹ, Pfizer hợp tác với BioNTech của Đức ngày 15/11 công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng vaccine Covid-19 giai đoạn cuối với 30.000 người, hiệu quả của vaccine đạt 95%, không để lại tác dụng phụ đáng kể. Pfizer đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp lên các cơ quan quản lý của Mỹ vào 20/11. Tuy nhiên ngay cả khi thử nghiệm đã thành công, không phải mọi sự đã hoàn thành. Vaccine của Pfizer/BioNTech có một số hạn chế. Ví dụ, sẽ không có nhiều liều vaccine để phân bố cho xung quanh. Pfizer và BioNTech đặt kỳ vọng sẽ cung cấp 50 triệu liều cho toàn thế giới vào cuối 2020, tăng lên hơn một tỷ liều vào năm 2021.[11]
Người tạo nên “phép màu” của Chiến dịch Thần tốc vaccine Covid-19 tại Mỹ
Moncef Slaoui là người được Jeremy Levin, chủ tịch của Biotechnology Innovation Organization, nghĩ đến đầu tiên cho vị trí lãnh đạo cuộc đua phát triển vaccine Covid-19 tại Mỹ. Là cố vấn khoa học của Chiến dịch Thần tốc, Moncef Slaoui phải từ bỏ vị trí lãnh đạo trong các công ty để tránh xung đột lợi ích. Là nhà điều hành chiến lược của công ty phát triển vaccine và dược phẩm đã về hưu, Slaoui, sinh tại Morocco, có kinh nghiệm trong nghiên cứu sản xuất vaccine cho đại dịch cúm năm 2009, nổi tiếng với câu nói: “Chúng ta phải hợp tác với nhau để biến giấc mơ thành hiện thực”.
Thông thường loại vaccine được nghiên cứu phát triển nhanh nhất trong quá khứ cũng mất bốn năm (vaccine quai bị), vì thế các nhà khoa học không mấy lạc quan về Chiến dịch Thần tốc. Làm thế nào có thể tạo ra vaccine an toàn và hiệu quả chỉ trong 7 tháng? Slaoui, luôn quan tâm về chế tạo vaccine, đầu tàu nghiên cứu phát triển vaccine trong công ty dược phẩm GlaxoSmithKline với 30 năm làm việc tại công ty, 27 năm làm việc với vaccine sốt rét và đã đưa ra thị trường 14 loại vaccine khác, đã thật sự làm nên “phép màu” vaccine Covid 19.
Slaoui hợp tác làm cố vấn khoa học chính cho Chiến dịch Thần tốc với hai điều kiện: không muốn chính trị xen vào công việc và không muốn những quy tắc quản lý quan liêu làm chậm quá trình phát triển. Ông nói “chúng ta phải để khoa học, chứ không phải chính trị, dẫn đường”. Sáu tháng bốn ngày sau khi ông tham gia chiến dịch, công ty Pfizer hợp tác cùng BioNtech của Đức công bố vaccine thử nghiệm thành công với hiệu quả 95% và nộp đơn cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA xin phép sử dụng trong cộng đồng.
Slaoui đã hứng chịu chỉ trích khi là một thương gia thành công được ngồi vào một vị trí trong chính phủ. Thực tế ông rất tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Lãnh đạo chương trình Chiến dịch Thần tốc, ông phải từ bỏ vị trí lãnh đạo tại công ty Moderna và những nơi khác để tránh có sự xung đột lợi ích. Quyết tâm đóng góp cho thế giới đã cho Slaoui sức mạnh đáng nể phục. Slaoui nói: “Nếu bạn có niềm tin và cho mình cơ hội thực hiện, thì bạn có thể làm được. Thật tuyệt vời”[12].
Trong cuộc chiến chống Covid-19, các bạn trẻ có thể học tập từ nhiều tấm gương sáng trên quê hương và trên thế giới để góp phần xây dựng cuộc sống chung. Hơn bao giờ hết, thế giới con người cần có nhau để có thể sống còn và sống tốt theo đúng phẩm giá nhân vị.
Vaccine Covid-19 của Pfizer/ BioNTech đã được chuẩn nhận
Nước Anh đã chuẩn nhận và trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Albert Bourla, giám đốc điều hành tập đoàn Pfizer nói rằng việc Anh phê chuẩn vaccine là một dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến chống lại đại dịch.[13]
Các hãng dược khác như Hãng Moderna ngày 30/11 cũng đã hoàn thành thử nghiệm và đã nộp đơn yêu cầu các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19. Moderna dự tính sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine ở Mỹ cuối năm 2020, đủ để tiêm chủng cho 10 triệu người (2 liều/ người). Vaccine của Moderna hiệu quả 94,5%, dự kiến giá bán 37 USD cho một liều, đắt gần gấp đôi so với vaccine của Pfizer/BioNTech.[14]
Hiện nay, vấn đề chính là làm thế nào mang những vaccine Covid-19 an toàn đến với hàng triệu người dân Mỹ và người dân trên các quốc gia khác đang kiệt sức vì Covid 19. Phải suy nghĩ về vấn đề phân phối công bằng vaccine cho các nước, nước giàu và nước nghèo.
Tại Việt Nam, ba đơn vị là Ivac, Vabiotech, Nanogen đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm, đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Riêng Nanogen đã hoàn thành giai đoạn này và chuẩn bị tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I trên người. Ngày 5/12 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin rằng ngày 10/12 Nanogen phối hợp với Học viện Quân y bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia giai đoạn I thử nghiệm vaccine Covid-19 của Việt Nam. Sau đó một tuần sẽ tiến hành tiêm mũi vaccine thử nghiệm đầu tiên[15].
Tuy nhiên, WHO cảnh báo các chính phủ và người dân không nên mất cảnh giác vì các thông tin tích cực về vaccine, nói rằng hệ thống y tế vẫn chịu áp lực nặng nề khi ca nhiễm toàn cầu đã vượt 66 triệu [16].
Tiếp cận công bằng với vaccine giữa các nước giàu và nước đang phát triển
Trong đại dịch, một số quan chức y tế công và nhà vận động lập luận rằng các nhà sản xuất vaccine, mà nhiều công ty trong đó hưởng lợi từ nguồn viện trợ công lớn chưa từng có, nên chia sẻ công nghệ, dữ liệu và “bí quyết” của mình để tối đa hóa sản xuất. Trong số đó có Ấn Độ và Nam Phi, hai quốc gia đang thúc đẩy ngừng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu với các nghiên cứu liên quan tới Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi, Tiến sĩ Zweli Lawrence Mkhize, nhận định rằng những cách thức bình thường không nên áp dụng trong tình huống khủng hoảng này mà cần tham vấn ở mức độ rộng hơn để xem điều gì tốt nhất cho nhân loại”. James Love, giám đốc Knowledge Ecology International, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ y tế, và những người khác tin rằng các nhà sản xuất vaccine sẽ không tối đa hóa sản lượng để cung cấp cho các nước đang phát triển, đặc biệt khi các nước giàu yêu cầu mua nhiều hơn. Trong thỏa thuận toàn cầu về vaccine hiện tại, các nước nghèo sẽ chỉ nhận đủ liều để tiêm chủng cho 20% dân số của mình vào cuối năm sau. Một số mô hình cho thấy sẽ không đủ vaccine cho cả thế giới cho tới năm 2024.[17] Thực tế thì vaccine Covid-19 còn xa tầm tay nước nghèo. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh thế giới cần đảm bảo phân phối vaccine công bằng trên toàn cầu, bởi phản ứng với đại dịch phải mang tính tập thể[18].
Nhiều công ty dược phương Tây trước đó đã ngừng sản xuất vaccine khi đó vì dự đoán không có lợi nhuận. Nhưng với sự trợ giúp các khoản tiền hàng tỉ đô la, Bill Gates đã giúp tạo ra một mô hình kinh doanh mới liên quan tới viện trợ, thỏa thuận trước với thị trường và đảm bảo số lượng. Các biện pháp khuyến khích này đã thu hút nhiều nhà sản xuất hơn, trong đó có những nhà sản xuất tại những quốc gia đang phát triển. Kết quả là nhiều loại vaccine cứu người được tạo ra hơn. Manjari Mahajan, giảng viên về các vấn đề quốc tế tại đại học New School, người đã viết bài nghiên cứu về vai trò của Gates đối với sức khỏe cộng đồng, nhận xét việc làm của Gates mang tới “kỹ thuật chuyên môn và sức mạnh hơn là bài diễn thuyết về quyền con người và hoạt động xã hội”[19].
IV. Công nghệ thông tin: ứng dụng và mặt trái
WHO nhận xét COVID-19 là đại dịch đầu tiên trong lịch sử mà trong đó công nghệ và phương tiện truyền thông xã hội được ứng dụng rộng khắp để bảo vệ an toàn cho mọi người, giúp người dân được kết nối và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, việc kết nối này có mặt trái là sự khuếch đại “bệnh dịch thông tin” và điều này sẽ gây tổn hại cho các biện pháp khống chế dịch bệnh, qua đó làm suy yếu nỗ lực ứng phó với COVID-19 trên toàn cầu[20].
“Bệnh dịch thông tin”, theo WHO, là một lượng thông tin dư thừa, cả trực tuyến và ngoại tuyến, bao gồm cả những âm mưu có suy tính nhằm gieo rắc thông tin sai lệch. Phương tiện truyền thông trở thành con dao hai lưỡi, vừa là công cụ để cung cấp thông tin, vừa thông tin sai lệch về dịch bệnh. WHO nhấn mạnh rằng nếu không có những thông tin chính xác và đáng tin cậy, nhiều phương pháp chẩn đoán sẽ không được sử dụng, các chiến dịch phòng chống sẽ không đạt được mục tiêu và virus sẽ tiếp tục lây lan[21].
Zoom và an ninh mạng
Zoom là phần mềm họp trực tuyến ảo, có thể tạo cuộc gọi nhóm đến 100 người. Khi Covid-19 bùng phát, hơn 20 quốc gia trên thế giới với hơn 90.000 trường học đã sử dụng phần mềm này để giảng dạy trực tuyến.
Đầu tháng 4/2020, Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI đã cảnh báo về các cuộc tấn công vào an ninh và quyền riêng tư cá nhân mang tên “Zoombombing”. Hacker sẽ tìm đến các phòng học ảo trên Zoom qua đường dẫn chia sẻ công khai trên các trang web, mạng xã hội hoặc đoán mã ID chứa từ 9 đến 11 chữ số. Khi đột nhập lớp học ảo, các hacker đưa ra tuyên bố đe dọa, phân biệt chủng tộc hoặc hình ảnh khiêu dâm gây ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức của học sinh. Trong thông báo ngày 5/4, Danielle Filson, phát ngôn viên của Sở Giáo dục New York khuyến khích các trường sử dụng Microsoft Teams vì phần mềm này có tính năng tương tự và bảo mật tốt hơn Zoom.[22]
V. Các nền kinh tế suy thoái và “nền kinh tế Phanxicô”
Các nền kinh tế suy thoái và an ninh dân di cư bị đe dọa
Bên cạnh cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng trên nhiều lãnh vực khác. Một số nhà phân tích cho rằng, tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế, chính trị trên thế giới có thể nghiêm trọng và sâu rộng hơn so với tác động của cuộc Đại khủng hoảng xảy ra vào những năm 1930. Giống như mọi cuộc khủng hoảng khác, dịch bệnh Covid-19 có thể làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Một hệ thống quy tắc và trật tự mới có thể xuất hiện, hoặc hệ thống hiện tại có thể được sửa đổi vì hậu quả của dịch bệnh.[23]
Bill Gates đánh giá Covid-19 có thể kéo lùi tiến độ phát triển của thế giới tới hàng chục năm[24]. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát các chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã cam kết chi khoảng 19.500 tỷ USD để “giải cứu” nền kinh tế, và một số nước thậm chí cần bơm nhiều tiền hơn nữa để nền kinh tế có thể vượt qua khủng hoảng. Thế nhưng, mặc cho các chương trình giải cứu với quy mô và tốc độ chưa từng thấy, kinh tế thế giới vẫn rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái những năm 1930[25].
Tình hình dịch bệnh tại các nước châu Âu tiếp tục phức tạp, buộc nhiều nước tái áp đặt các biện pháp chống dịch hoặc đóng cửa biên giới. Trong báo cáo được công bố ngày 9/10, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hiệp quốc cảnh báo việc các nước đóng cửa biên giới và cấm đi lại đã khiến 2,75 triệu người di cư bị mắc kẹt tại nước ngoài cần được hỗ trợ lương thực, nơi ở và hồi hương. Những người này gồm người lao động thời vụ, người tạm trú, du học sinh, người ra nước ngoài để chữa bệnh và các thuyền viên. IOM cảnh báo, khi bị mắc kẹt, một số người di cư đối mặt nguy cơ cao bị lạm dụng, bóc lột và bị bỏ rơi, dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị các tổ chức tội phạm, những kẻ buôn người và những kẻ xấu khác lợi dụng [26].
“Nền kinh tế Phanxicô”: Kinh tế + Tình huynh đệ x Phát triển = Tương lai[27]
Ngày 19/11/2020 diễn ra hội nghị “Nền kinh tế Phanxicô”, một sáng kiến được Đức Thánh Cha Phanxicô đề ra cho các nhà kinh tế và doanh nghiệp trẻ để cổ võ một tiến trình thay đổi toàn cầu. Hơn 3.000 bạn trẻ từ 120 quốc gia đã đăng ký tham dự trực tuyến sự kiện. Đây là một cách hiểu mới về kinh tế theo tinh thần của thánh Phanxicô Assisi và thông điệp Laudato Si’. Mục tiêu nhắm tạo ra một phong trào của các nhà kinh tế trẻ để đưa thông điệp Fratelli tutti – Tất cả Anh em – vào đời thường.
Các chủ đề quan trọng của sự kiện quốc tế này là công việc, tài chính, giáo dục, trí tuệ nhân tạo. Những người trẻ, các nhà kinh tế, các doanh nhân và các nhà hoạt động từ khắp nơi trên thế giới được mời cùng nhau suy tư để ký kết một hiệp ước liên thế hệ nhằm thay đổi nền kinh tế hiện tại và “thổi hồn” cho nền kinh tế tương lai, để nó công bằng, toàn diện và bền vững hơn.[28]
Nền kinh tế Phanxicô đặt con người ở trung tâm của nền kinh tế. Đại dịch khiến con người thêm mong manh và người nghèo là những nạn nhân đầu tiên. Tiền bạc phải được dùng như một phương tiện phục vụ cho việc xây dựng một nền kinh tế tốt đẹp, giàu ý nghĩa và ân ban, không loại trừ ai, nó phải hướng đến lợi ích của tất cả mọi người và đặc biệt là những người khốn cùng.
Nền kinh tế xã hội Phanxicô đầu tư vào con người, thực hiện một nền kinh tế toàn diện và bình đẳng, phục vụ mọi người, bảo đảm nền giáo dục và công việc xứng đáng.
“Kinh tế + Tình huynh đệ x Phát triển = Tương lai”
Bà Francesca Di Maolo, Chủ tịch của Học viện Serafico ở Assisi dành cho trẻ em khuyết tật đã nhấn mạnh với các tham dự viên trẻ: “ĐTC Phanxicô đã trao cho các bạn trách nhiệm và sự tin tưởng để chăm sóc cho anh chị em và ngôi nhà chung của chúng ta.” Bà lưu ý rằng đối phó với các hiệu ứng dây chuyền về kinh tế của đại dịch, nền kinh tế Phanxicô với một phương trình mới có thể giúp phát triển kinh tế trong tầm nhìn về tình liên đới đại đồng : “Kinh tế + Tình huynh đệ x Phát triển = Tương lai”. [29]
Covid-19 và môi trường
Ngay từ đầu, các nhà khoa học cũng dồn sức vào nghiên cứu về loài virus Crona chủng mới gây dịch bệnh COVID-19. Các giả thuyết ban đầu cho rằng virus bắt nguồn từ loài dơi dẫn đến những câu hỏi quan trọng về cách mà loài virus này lây sang con người. Tại sao virus mới lại lây lan cho cả thế giới loài người từ một loài động vật vốn dĩ không gần gũi với con người?
Các nhà khoa học tin rằng cách đối xử của con người với môi trường sống tự nhiên, cùng việc số lượng lớn người di chuyển nhanh trên Trái đất đã cho phép những virus tiềm tàng trong tự nhiên “nhảy loài” (“nhảy loài” là từ để chỉ virus từ loài này lan sang một loài khác, ví dụ từ lợn sang người, từ chuột sang người, hoặc từ dơi sang người…) và lây lan nhanh chóng.
Theo giáo sư Andrew Cickyham và Kate Jones, có hai bài học thực tiễn cho nhân loại. Đó là, dơi không phải là “tội phạm” khi bệnh dịch xảy ra và con người phải nhìn lại cách chúng ta đối xử với môi trường. COVID-19 là bằng chứng rõ ràng, rằng thiệt hại môi trường cũng có thể giết chết con người nhanh chóng. Và những dịch bệnh như COVID-19 có thể xuất hiện nhiều hơn, tồn tại và tiến hóa cùng với tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Chúng có thể nguy hại và ngày càng khó kiểm soát hơn nếu con người không thay đổi hành vi của mình.[30]
Con người đang gánh hậu quả khi biến một khu rừng thành trang trại nông nghiệp, các trạm thủy điện mà không cần hiểu tác động của khí hậu, tăng lượng khí carbon, nguy cơ lũ lụt, sạt lở, phát sinh dịch bệnh. Còn đó bài học xương máu các vụ lũ lụt lịch sử và sạt lở núi đồi vùi lấp hàng mấy chục người tại một số tỉnh Miền Trung Việt Nam cách nay chỉ chưa đầy một tháng. Việc thay đổi cách đối xử với môi trường sẽ đơn giản và rẻ hơn so với việc đổ hàng tỷ USD để tìm ra loại vaccine cho mỗi loại virus mới.[31]
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh vaccine sẽ không giải quyết được tận gốc các lỗ hổng nghèo đói, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu, những điều cần phải giải quyết ngay khi đại dịch kết thúc. Tedros nhắc nhở chúng ta không thể và không được phép quay lại mô hình sản xuất và tiêu dùng tận diệt như trước, không được phép coi thường trái đất đã duy trì sự sống này, không được phép quay lại vòng xoáy hoảng loạn, những nền chính trị gây chia rẽ đã thúc đẩy đại dịch này. [32]
VI. Kết luận
Bài này được viết trong Mùa Vọng 2020, thật thích hợp kết thúc với các ý nguyện mà Tòa Thánh phát động chiến dịch cầu nguyện trong Mùa Vọng theo tinh thần bảy mục tiêu của Laudato si’. Các tín hữu được mời gọi cùng nhau cầu nguyện để thắp lên một Mùa Vọng hy vọng.
Mong mỗi người, và đặc biệt là các nhà lãnh đạo, có thể nghe thấy tiếng kêu của Trái Đất và hỗ trợ năng lượng sạch, bảo đảm không khí và nước sạch cho mọi người và tái khám phá ơn gọi ban đầu của nhân loại, cộng tác với Thiên Chúa tạo nên một Trái đất, vũ trụ lành mạnh.
Mong cho mọi gia đình trở nên nơi mà sự sống, hồng ân của Thiên Chúa được đón nhận và bảo vệ một cách xứng đáng. Các Kitô hữu làm việc đem lại sự sống sung mãn cho mọi người, đặc biệt là những người nghèo bị gạt ra bên lề xã hội, những người không có tiếng nói.
Mong cho nhân loại tập hợp những kiến thức khác nhau trên mọi lĩnh vực để có một tầm nhìn toàn vẹn hơn, và tạo ra một mô hình kinh tế mới thúc đẩy những kiểu mẫu mới phát triển toàn diện, để thăng tiến con người đích thực.
Con đường chống đại dịch Covid-19 còn dài phía trước. Mong cho bệnh viện và cơ sở y tế có thể phát triển khả năng điều trị và chăm sóc. Ước mong mỗi người có thể hiểu và đánh giá cao những cử chỉ đơn giản và lối sống giản dị.
Mong cho con người lớn lên trong tình liên đới, trách nhiệm và chăm sóc dựa trên lòng nhân ái. Các cơ sở giáo dục có thể giúp khôi phục lại sự cân bằng của mỗi người với chính họ, tình liên đới với tha nhân, một lối sống hòa hợp với mọi sinh vật và một chiều kích thiêng liêng với Chúa.
Mong cho phát triển một linh đạo liên đới toàn cầu tuôn chảy từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn yêu thương được liên kết với nhau. Và chính linh đạo này nuôi dưỡng niềm đam mê chăm sóc thế giới thụ tạo này.
Mong cho xã hội trở thành một cộng đoàn có sự tham gia của các hành động và sự huy động vì Trái đất và vì người nghèo. Xây dựng các mạng lưới đối thoại cởi mở, tôn trọng và sử dụng tất cả các phương tiện giao tiếp vì thiện ích toàn vẹn của tất cả mọi người[33].
Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 1 & 2 năm 2021)
[1] Thanh Hà, “Tròn 1 năm kể từ ca COVID-19 đầu tiên xảy ra ở Trung Quốc”, <https://laodong.vn/the-gioi/tron-1-nam-ke-tu-ca-covid-19-dau-tien-xay-ra-o- trung-quoc-855310.ldo>.
[2] Theo TTXVN, “Diễn biến COVID-19 tới ngày 27/11: Thế giới vượt 61 triệu ca bệnh; Nga lại lập kỷ lục về ca mắc và tử vong”, <http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-11-27/dien-bien-covid-19-toi-ngay-27-11-the-gioi- vuot-61-trieu-ca-benh-nga-lai-lap-ky-luc-ve-ca-mac-va-tu-vong-95891.aspx>, (27/11/2020); Phương Vũ (Theo AFP/Reuters), “Hơn 66 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO khuyên các nước không chủ quan”, <https://vnexpress.net/hon-66-trieu-ca-covid-19-toan-cau-who-khuyen-cac-nuoc-khong-chu-quan-4201766. html>, (5/12/2020).
[3] <http://picture24gallery.blogspot.com/2012/11/quote-on-hope-quote-hope.html>.
[4] Ngân Hà, “Đại diện WHO chỉ ra 3 nguyên nhân giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả dịch COVID-19”, <https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/dai-dien-who-chi- ra-3-nguyen-nhan-giup-viet-nam-ung-pho-hieu-qua-dich-covid-19/446237. html>, (14/5/2020).
[5] Minh Trang (Theo Causeur), “Cựu đại sứ Pháp: Phương Tây nên học Việt Nam chống dịch”, <https://vnexpress.net/cuu-dai-su-phap-phuong-tay-nen-hoc-viet-nam-chong-dich-4086119.html> (17/4/2020).
[6] “Phòng, chống COVID-19: Đặc biệt cảnh giác khi mùa đông sắp đến”, <https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/phong-chong-covid-19-ac-biet-canh-giac-khi-mua-ong-sap-en>
[7] Lan Anh, “Nam giáo viên tiếng Anh ở TP.HCM lây COVID-19 từ người cách ly, Bộ Y tế họp khẩn”, <https://tuoitre.vn/nam-giao-vien-tieng-anh-o-tp-hcm-lay-covid-19-tu-nguoi-cach-ly-bo-y-te-hop-khan-20201130185349147.htm > (30//11/2020).
[8] Hữu Công – Đinh Văn, “5 căn nhà và một tầng chung cư ở Sài Gòn bị phong tỏa”, <https://vnexpress.net/5-can-nha-va-mot-tang-chung-cu-o-sai-gon-bi- phong-toa-4201499.html> (4/12/2020); Lê Nga, “Ông Trần Đắc Phu: <Dịch ở TP HCM là đốm lửa nhỏ>” <https://vnexpress.net/ong-tran-dac-phu-dich-o-tp-hcm-la-dom-lua-nho-4200867.html> (3/12/2020).
[9] Mạnh Tùng, “Hàng loạt trường ở Sài Gòn ‘đóng cửa’ để chống Covid-19”, <https://vnexpress.net/hang-loat-truong-o-sai-gon-dong-cua-de-chong-covid-19-4200240.html> (2/12/2020).
[10] “Binh thường mới và Cảnh giác”, <https://tgpsaigon.net/bai-viet/binh-thuong-moi-va-canh-giac-61734>, (2/12/2020).
[11] Chi Lê (Theo Business Insider), “Vaccine Pfizer ra đời như thế nào?” <https://vnexpress.net/vaccine-pfizer-ra-doi-nhu-the-nao-4196046.html> (24/11/2020)
[12] “Người đứng sau Chiến dịch Thần tốc vaccine Covid-19”.
[13] Huyền Lê (Theo AFP), “Anh phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer”, <https://vnexpress.net/anh-phe-duyet-vaccine-covid-19-cua-pfizer-4200382.html> (2/12/2020).
[14] Thục Linh (Theo Reuters), “Moderna xin phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19”, https://vnexpress.net/moderna-xin- phe-duyet-khan-cap-vaccine-covid-19-4199517.html> (1/12/2020).
[15] Lê Nga, “Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người”, <https://vnexpress.net/viet-nam-bat-dau-thu-nghiem-vaccine-covid-19-tren-nguoi-4202048.html>, (5/12/2020).
[16] “Hơn 66 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO khuyên các nước không chủ quan”.
[17] Hồng Hạnh (Theo Nen York Times), “Bill Gates, Covid-19 và ‘giấc mộng’ tiêm phòng cho cả thế giới”, <https://vnexpress.net/bill-gates-covid-19-va-giac-mong-tiem-phong-cho-ca-the-gioi-4195963.html>, (28/11/2020).
[18] Chi Lê (Theo Washington Post, Reuters, Inside, BBC), “Vaccine Covid-19 xa tầm tay nước nghèo”, <https://vnexpress.net/vaccine-covid-19-xa-tam-tay-nuoc-ngheo-4200927.html> (4/12/2020).
[19] “Bill Gates, Covid-19 và ‘giấc mộng’ tiêm phòng cho cả thế giới”.
[20] “Diễn biến COVID-19 tới ngày 27/11: Thế giới vượt 61 triệu ca bệnh; Nga lại lập kỷ lục về ca mắc và tử vong”, <http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-11-27/dien-bien-covid-19-toi-ngay-27-11-the-gioi-vuot-61-trieu-ca- benh-nga-lai-lap-ky-luc-ve-ca-mac-va-tu-vong-95891.aspx> (27/11/2020)
[21] “Diễn biến COVID-19 tới ngày 27/11”.
[22] Tú Anh (Theo CNN), “Cấm sử dụng phần mềm Zoom để học trực tuyến”, <https://vnexpress.net/giao-duc/cam-su-dung-phan-mem-zoom-de-hoc-truc-tuyen-4079930.html> (5/4/2020).
[23] Viễn cảnh đại dịch chấm dứt và thế giới hậu khủng hoảng do Covid-19. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/vien-canh-dai-dich-cham-dut-va- the-gioi-hau- hung-hoang-do-covid19-321260.html>.
[24] Thục Linh (Theo Telegraph), “Bill Gates dự đoán thế giới hậu Covid-19”, <https://vnexpress.net/bill-gates-du-doan-the-gioi-hau-covid-19-4162302. html>, (16/9/2020).
[25] Hoài Thu, “Thế giới chi gần 20.000 tỷ USD để “cứu” nền kinh tế trong đại dịch”, <https://vneconomy.vn/the-gioi-chi-gan-20000-ty-usd-de-cuu-nen- kinh-te-trong-dai-dich-20201118220542145.htm>, (19/11/2020.
[26] Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp), “Thế giới tiếp tục giải quyết hậu quả đại dịch Covid-19”, <https://www.sggp.org.vn/the-gioi-tiep-tuc-giai-quyet-hau-qua-dai-dich-covid19-690355.html> (10/10/2020).
[27] Hồng Thủy “Khai mạc “Nền kinh tế Phanxicô”: “Kinh tế + Tinh huynh đệ x Phát triển = Tương lai”, <https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-11/nen-kinh-te-phanxico-khai-mac-turkson-assisi.html>
[28] Hồng Thủy, “Nền kinh tế Phanxicô” được tiến hành online từ 19-21/11/2020 https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-11/nen-kinh-te- phanxico.html
[29] “Khai mạc “Nền kinh tế Phanxicô”: “Kinh tế + Tình huynh đệ x Phát triển =Tương lai””, <https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-11/nen-kinh-te-phanxico-khai-mac-turkson-assisi.html>
[30] Ka Ka (theo CNN), “COVID-19 làm đảo lộn thế giới: lỗi của loài dơi hay loài người?”, <https://tuoitre.vn/covid-19-lam-dao-lon-the-gioi-loi-cua-loai-doi-hay-loai-nguoi-20200321091423695.htm> .
[31] Ka Ka “COVID-19 làm đảo lộn thế giới: lỗi của loài dơi hay loài người?”.
[32] Hồng Hạnh (Theo AP), “Tổng giám đốc WHƠ: Thế giới có thể bắt đầu mơ đại dịch kết thúc”, <https://vnexpress.net/tong-giam-doc-who-the-gioi-co-the-bat-dau-mo-dai-dich-ket-thuc-4201784.html> , (5/12/2020).
[33] Ngọc Yến, “Tòa Thánh phát động chiến dịch cầu nguyện trong Mùa Vọng theo tinh thần Laudato si’”, <https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2020-12/toa-thanh-chien-dich-cau-nguyen-mua-vong-laudato-si.html>, (2/12/2020).