GIÁO DỤC SINH THÁI TRONG LAUDATO SI’
WGPQN (21.7.2020) – Laudato Si’, thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về chăm sóc ngôi nhà chung, được chào đón như là một tài liệu tiên phong. Trong thông điệp này, Đức thánh cha Phanxicô đã thúc giục Giáo hội Công giáo, các cộng đoàn Kitô giáo khắp thế giới, thành viên các truyền thống tôn giáo khác, và tất cả những người thiện chí, hãy ngay lập tức chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đã bắt đầu vỡ nát. Một trong những đóng góp có ý nghĩa của thông điệp là lời mời gọi của Giáo hoàng Phanxicô về một nền giáo dục hướng đến trách nhiệm sinh thái của công dân. Theo Đức thánh cha, việc chăm sóc ngôi nhà hành tinh chung hư hoại của chúng ta đòi hỏi một sự thay đổi lối sống. Ngài viết: “Thách đố lớn về văn hóa, thiêng liêng và giáo dục vẫn đang ở phía trước và đòi hỏi chúng ta một con đường canh tân dài lâu” (202).[1] Đức thánh cha đề nghị một nền giáo dục công dân hướng về sinh thái để làm tái sinh và sống có trách nhiệm hơn trong ngôi nhà của chúng ta.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về nền giáo dục công dân hướng về sinh thái trong Laudato Si’. Trong thông điệp, Đức thánh cha Phanxicô mời gọi suy nghĩ lại về giáo dục môi trường để tạo ra một giao ước mới giữa nhân loại với thế giới tự nhiên. Giáo dục sinh thái bao gồm việc phê bình tận căn mô hình văn hóa thống trị đang dẫn dắt xã hội đương thời của chúng ta, cụ thể là cá nhân chủ nghĩa và nhãn quan cơ giới thuyết về thế giới tự nhiên (xem thiên nhiên như một bộ máy). Chúng ta cần một nền giáo dục tổng thể có thể tái lập sự hài hòa với thiên nhiên, con người chúng ta và Đấng Siêu Việt. Đức thánh cha cũng nói về những hệ thống khác nhau trong nền giáo dục sinh thái: trường học, gia đình, truyền thông, giáo lý, cơ sở đào tạo tôn giáo, v.v… Chúng ta sẽ kết luận với một ghi chú về tầm quan trọng của giáo dục công dân về sinh thái trong thời điểm khẩn cấp này.
- Thách thức của lối sống mới chống lại chủ nghĩa tiêu thụ đang cao trào.
Đức thánh cha Phanxicô khẳng định trong thông điệp rằng: “Tình trạng bấp bênh của ngôi nhà chung của chúng ta đòi hỏi ta phải can đảm lựa chọn lối sống “chống lại văn hóa”(108). Xét vì tính nghiêm trọng của cơn khủng hoảng, những giải pháp đơn giản như tái chế hay đạp xe đạp tùy hứng thì không hề hấn gì. Như Mark Dowd đã viết: “Chúng ta không nên khờ khạo nghĩ rằng những hoạt động kém hiệu quả như từ bỏ bao bì plastic và thay bóng đèn đủ để đưa con tàu suy thoái môi trường ra khỏi dòng nước cuốn”.[2] Chúng ta không cần gì cả ngoại trừ một lối sống mới tận căn nếu muốn cứu ngôi nhà hành tinh chung của chúng ta cho chính chúng ta và các thế hệ tương lai.
Để cứu ngôi nhà chung, đặc biệt cần phải thắng vượt thói nghiện tiêu thụ hoang phí, phổ biến ở các xã hội phát triển kinh tế và lan rộng như đám cháy rừng đến phần còn lại của thế giới với sự toàn cầu hóa của mô hình kinh tế tân tự do hiện hành. Lối sống tiêu thụ thái quá, đặc biệt nơi người giàu và những bộ phận có ảnh hưởng của xã hội, đang hút cạn những tài nguyên thiên nhiên của ngôi nhà chung của chúng ta. Như Đức thánh cha lưu ý trong thông điệp, chúng ta là những nạn nhân của chủ nghĩa tiêu thụ không cưỡng lại được, là nguồn gốc chính của sự bất an cho nhân loại hậu hiện đại. Ngài viết:
Vì thị trường có xu hướng cổ võ tiêu thụ cực độ để bán sản phẩm, nên người ta dễ bị cuốn vào cơn lốc mua sắm và tiêu xài không cần thiết. Kiểu tiêu thụ không cưỡng lại được là một trong những ví dụ về ảnh hưởng của mô hình kinh tế – kĩ thuật lên các cá nhân. Romano Guardini đã thấy trước điều này: “Công chúng dễ dàng chấp nhận những điều tầm thường và hình thức sống do máy móc kĩ thuật áp đặt, họ cho rằng sự tương đồng vừa hợp lý vừa công bằng”. Mô hình này làm cho người ta tin rằng họ thực sự tự do bao lâu họ được tự do tiêu thụ, nhưng thực tế cho thấy điều này chỉ có nơi một số ít người đang nắm giữ quyền lực kinh tế và tài chính. Ngay khi rối loạn như thế, nhân loại hậu hiện đại vẫn chưa đạt được nhận thức mới về bản thân, một nhận thức có khả năng hướng dẫn và định hướng, và sự thiếu căn tính này gây ra tình trạng bất an. Chúng ta có quá nhiều phương tiện nhưng mục đích lại quá hạn chế và còi cọc. (203)
Những mức độ tiêu thụ tiêu thụ tham lam của chúng ta quả thực đã tàn phá ngôi nhà hành tinh chung. Sự tiêu thụ những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng rõ ràng đã vượt xa mức độ phục hồi của chúng. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên như ngư trường, rừng, đa dạng sinh học, và đặc biệt là nước ngọt, chúng ta đang tiến đến ngưỡng cuối cùng. Trong thế toàn tân (epoch of the Holocene, một thời kỳ địa chất) và trong suốt 6.000 năm qua từ khi nền văn minh bắt đầu, chúng ta sống nhờ vào sản lượng bền vững của các hệ thống tự nhiên của Trái đất. Nhưng trong những thập niên gần đây, dường như chúng ta đi quá xa khả năng những nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh nhà chúng ta. Đây là điều rõ ràng trong “phân tích dấu chân sinh thái” (Ecological Footprint Analysis, EFA), một phương pháp tính toán được sử dụng rộng rãi và phổ biến. Dấu chân sinh thái là một chỉ số dự báo về áp lực của con người trên thế giới vật lý trong giới hạn tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của con người, sử dụng sinh thái, tạo ra ô nhiễm và chất thải. Phân tích dấu chân sinh thái rõ ràng đã nói đến khuynh hướng tiêu thụ quá mức. Hiện thời, toàn thể nhân loại đã tiêu thụ hay tiêu thụ quá mức ở tỷ lệ 1.5 hằng năm và tình trạng được cho là ngày càng tệ hơi khi nhìn vào mức độ tiêu thụ và thải ra hiện nay.[3]
Ngày nay, hình mẫu tiêu thụ của chúng ta đã đạt tới những mức độ không kiểm soát được, ra ngoài mức độ bền vững. Đồng thời, chúng ta cũng bị dụ dỗ bởi truyền thông quảng cáo – nhân vật đại diện chính cho chủ nghĩa tiêu thụ hiện đại. Khoản chi cho quảng cáo đã chạm mức 643 tỷ đô vào năm 2008, và trong những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ thì hằng năm tăng thêm 10 phần trăm hay hơn nữa.[4] Giống như cơn sóng thần, chủ nghĩa tiêu thụ đang nhận chìm các nền văn hóa nhân loại và những hệ sinh thái của Quả đất. Lối sống tiêu thụ hiện đại của thế giới phát triển, ngày càng ảnh hưởng đến dân số tầng lớp cao và trung của các quốc gia đang phát triển, là một lối sống hoang phí đến điên cuồng. Số lượng rác thải do nền kinh tế hiện đại và lối sống tiêu thụ của chúng ta đáng báo động. Như Đức Phanxicô đã nói đến trong Laudato Si’, nếu chúng ta không can thiệp, “mô hình của chủ nghĩa tiêu thụ sẽ tiếp tục lấn át với sự hỗ trợ của truyền thông và những cơ chế hữu hiệu của thị trường.” (215)
Sự cạn kiệt nhanh chóng những nguồn tài nguyên của hành tinh nhà chúng ta bất kể bối cảnh sinh thái sẽ là công thức chế biến cho thảm toàn cầu. Như Seán McDonagh ghi chú: “Cuốn sổ cái của Trái đất nói với chúng ta rằng Trái đất là có hạn và đang bị tổn thương, và các hệ thống tự nhiên sẽ suy yếu nghiêm trọng cũng như có thể sụp đổ trừ phi nhân loại bắt đầu hình thành lối sống của mình trong ánh sáng của thực tại tính toán về sinh thái”.[5] Không thế hệ nào trước đây sống còn vì đã phá hủy liên tục những nguồn hỗ trợ tự nhiên của mình. Thế hệ chúng ta cũng không.
Như Đức Phanxicô đã chỉ ra trong thông điệp, trích dẫn vị tiền nhiệm của mình là Đức Gioan Phaolô II, tình trạng toàn cầu như thế có thể thúc đẩy “tình trạng ích kỷ tập thể”[6] (204). Căn nguyên của việc tiêu thụ ham hố và đổ rác hoang phí có thể được tìm thấy trong chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm (anthropocentrism) và cá nhân chủ nghĩa đang thịnh hành. Trong nhãn quan tự quy hoàn toàn này, bất kỳ sự xem xét nào về những giới hạn bền vững của hành tinh hoặc công ích đều bị xem như không thích đáng. Tiêu thụ quá mức về phía thiểu số giàu có có thể dẫn đến sự bất ổn và bạo lực xã hội vì khả năng có hạn của hành tinh giới hạn của chúng ta. Có thể trích ra đây chẩn đoán của Đức Phanxicô về nguồn gốc của những mô hình tiêu thụ thiếu thận trọng của chúng ta:
Khi con người tự cô lập và khép kín, lòng tham của họ sẽ gia tăng. Tâm hồn của con người càng trống rỗng bao nhiêu thì họ càng cần nhiều thứ để mua, sở hữu và tiêu thụ bấy nhiêu. Họ dường như không thể chấp nhận những giới hạn do thực tại áp đặt. Theo hướng này, cảm thức đích thực về thiện ích chung cũng sẽ biến mất. Khi những thái độ như thế lan rộng thì các chuẩn mực xã hội sẽ chỉ được tôn trọng khi chúng không mâu thuẫn với nhu cầu cá nhân. Vì thế mối bận tâm của chúng ta không thể chỉ giới hạn ở những biến cố thời tiết khắc nghiệt, nhưng phải mở rộng đến những hậu quả tàn khốc của tình trạng mất trật tự xã hội. Ám ảnh với lối sống tiêu thụ, nhất là khi chỉ có một số ít người có khả năng duy trì lối sống ấy, sẽ dẫn tới bạo lực và hủy diệt lẫn nhau. (204)
Chống lại những hình mẫu tiêu thụ không lành mạnh đang làm sụp đổ những cột chống xã hội và tự nhiên của ngôi nhà chung chúng ta, Đức Phanxicô mời gọi “sự thay đổi lối sống tận căn”, điều này “có thể gây áp lực lành mạnh trên những người đang nắm giữ quyền lực chính trị, kinh tế và xã hội” (206). Ngài nhắc lại những mẫu gương của các phong trào người tiêu dùng đã tẩy chay những sản phẩm nào đó hầu buộc các doanh nghiệp phải “thay đổi cách vận hành, xem lại những dấu ấn trên môi trường và khuôn mẫu sản xuất” (206). Theo Đức thánh cha, “có nhu cầu lớn về cảm thức trách nhiệm xã hội của người tiêu dùng” (206). Đức Phanxicô nhắc lại một khẳng định quan trọng của Đức Bênêđictô: “Việc mua sắm luôn luôn là một hành vi luân lý – chứ không thuần tuý là hành vi kinh tế”.[7] Vẫn trích dẫn Đức Bênêđictô, ngài kết luận rằng “vấn đề suy thoái môi trường đang thách đố chúng ta suy xét lại lối sống của chúng ta”[8] (206). Một sự thay đổi lối sống tận căn như thế quả thật cần thiết để chăm sóc ngôi nhà hành tinh của chúng ta cũng như những anh chị em ít có vận may của chúng ta. Đức Phanxicô viết:
“Nhất thiết phải có sự quan tâm vô vị lợi dành cho người khác, loại trừ mọi hình thức quy ngã và cô lập nếu chúng ta thực sự mong muốn chăm sóc anh chị em và môi trường thiên nhiên. Nó làm nảy sinh phản ứng luân lý buộc chúng ta xem xét những hành vi và chọn lựa cá nhân tác động ra sao đến môi trường xung quanh. Nếu chúng ta vượt thắng được chủ nghĩa cá nhân, chúng ta có thể thực sự phát huy một lối sống khác và đem lại những thay đổi ý nghĩa trong xã hội.” (208)
Làm thế nào để chúng ta vượt thắng chủ nghĩa cá nhân và phát triển một lối sống khác để đem lại những thay đổi có ý nghĩa trong xã hội và cứu ngôi nhà hành tinh chúng ta? Trong Laudato Si’, Đức Phanxicô đề nghị giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ quan trọng này. Chúng ta hướng đến vai trò của giáo dục đưa đến mối tương quan mới mẻ và hài hòa với ngôi nhà chung chúng ta.
2. Suy nghĩ lại về giáo dục sinh thái hướng đến một giao ước mới với ngôi nhà hành tinh chúng ta.
Theo Đức Phanxicô, trong bối cảnh sự sụp đổ sắp xảy ra của ngôi nhà chung và sự xuống cấp của những tương quan xã hội. “Chúng ta đang phải đối diện với một thách đố về giáo dục” (209). Giáo dục là con đường đồng hành với mọi người, đặc biệt là những người trẻ, để trở thành những người quản lý có trách nhiệm ngôi nhà chung của chúng ta. Với niềm hy vọng, Đức Phanxicô viết về các thế hệ trẻ và sự thay đổi về giáo dục mà họ đối mặt. Trong thời điểm quan trọng này của nền văn minh hành tinh chúng ta, tia chớp trong đám mây là những người trẻ đang trở nên những người bênh vực thật sự cho những nỗ lực bảo vệ và bảo tồn ngôi nhà hành tinh chung. Tuy nhiên, vì họ sống trong một môi trường tiêu thụ quá mức nên họ cần được giúp đỡ để sống một lối sống bền vững. Đức thánh cha viết:
“Trong những quốc gia cần thay đổi thói quen tiêu dùng, các bạn trẻ có một sự nhạy cảm sinh thái mới và một tinh thần quảng đại, một số bạn trẻ đang thực hiện những nỗ lực đáng nể phục để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, họ đã trưởng thành trong một bối cảnh xã hội tiêu thụ cực độ và sung túc làm cho họ khó phát huy những thói quen khác biệt. Chúng ta đang phải đối diện với một thách đố về giáo dục.” (209)
Người trẻ dễ tổn thương nhất trước nền văn hóa tiêu thụ hiện đại, nhưng họ cũng có thể được hướng dẫn để lựa chọn một lối sống sinh thái có trách nhiệm. Vì thế, chúng ta đối mặt với thách thức cũng như cơ hội trong lãnh vực giáo dục về sinh thái. Đức Phanxicô ghi nhận: “Giáo dục môi trường đã mở rộng các mục tiêu” (210). Ngài đề cập đến vài khuynh hướng mới trong giáo dục môi trường: “ban đầu tập trung chủ yếu vào các thông tin khoa học, nâng cao ý thức và phòng ngừa rủi ro môi trường, còn bây giờ nó bao gồm cả việc phê bình về “những huyền thoại” của cái hiện đại dựa trên não trạng thực dụng (chủ nghĩa cá nhân, sự tiến bộ vô hạn, sự cạnh tranh, chủ nghĩa tiêu thụ, thị trường bất quy tắc)” (210).
Cội nguồn sâu xa của tâm thức vị lợi mang đặc tính cá nhân chủ nghĩa và chủ nghĩa tiêu thụ là chủ trương lấy con người làm trung tâm và nhãn quan cơ giới của thế giới tự nhiên. Đức Phanxicô đã xác định những điều này trong chương ba của thông điệp như là những cội rễ do con người của cơn khủng hoảng sinh thái hiện nay. Chủ trương lấy con người làm trung tâm đã đưa đến sự đề cao của chủ nghĩa cá nhân trong khi nhận thức cơ giới về thế giới tự nhiên chỉ như là một nhà kho các nguồn tài nguyên đã đưa đến chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng là thương hiệu của nền kinh tế thị trường tự do. Thật đáng suy tư ngắn gọn về điều này trong bối cảnh giáo dục sinh thái.
Các nhà giáo dục nổi tiếng như C.A. Bowers, David Orr, và những người khác đã chỉ ra rằng hầu hết những hệ thống giáo dục của chúng ta đều dựa trên những giả định thừa hưởng từ tinh thần Hiện đại, chủ trương lấy con người làm trung tâm và đặc biệt là quan niệm cơ giới về thiên nhiên. Nhân trung thuyết hiện đại (Modern anthropocentrism) thấm nhập cách tinh tế vào chương trình giáo dục trong hầu hết các phần của thế giới.[9] Theo Bowers, sứ điệp văn hóa chính yếu được hệ thống giáo dục hiện đại quảng bá là huyền thoại của phương Tây gán cho con người tình trạng độc lập và tính trung tâm tuyệt đối trong tương quan với các hình thức sống khác trong cộng đồng sự sống. Ông viết: “Trong tất cả nền giáo dục công, học sinh gặp thấy trong sách giáo khoa một hình ảnh về cá nhân như là một tác nhân độc lập trong các hoạt động xã hội và kỹ thuật. Đại từ “bạn” (you) hiện diện khắp từ lớp 1 cho đến lớp 12”.[10] Một phần lớn chương trình giảng dạy trung và đại học tiếp tục gợi ý cách gian xảo rằng sự độc lập của chính mình được xem như là lý tưởng hoàn hảo và được gán cho vai trò trung tâm trong cơ bản nhận thức của chương trình giảng dạy. Những hình thức hiện đại và đương đại của các lý thuyết và thực tiễn giáo dục được tập trung chung quanh nhận thức giản lược của cái tôi được thừa hưởng từ tính Hiện đại.
Chương trình giảng dạy hiện đại cũng tiếp tục truyền bá quan niệm cơ giới về thế giới tự nhiên thừa hưởng từ tinh thần hiện đại và gián tiếp phục vụ cho tính hợp lý của nền kinh tế hiện đại. Trong hầu hết các sách giáo khoa, Trái đất được trình bày là một nguồn tài nguyên thiên nhiên để con người tiêu thụ hơn là một ngôi nhà tiếp đón và dung dưỡng nhân loại cùng với vô số những hình thức sự sống khác. Chương trình và hệ thống giảng dạy hầu như tiếp tục hoạt động trong Weltbild (thế giới quan) hay cái khung sườn của sự phát triển kinh tế không giới hạn dựa trên huyền thoại về một sự phong phú đến vô hạn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người như là những người tiêu thụ.[11] Vài trung tâm giáo dục cao tiếp tục sản sinh ra những kỹ sư, kỹ thuật viên và nhà quản lý đong đo sự nghiệp của họ dưới dạng sản lượng kinh tế tăng trưởng, dù phải hy sinh phúc lợi của hành tinh, và lạm dụng số lượng dự trữ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là làm suy yếu đi những nguồn tài nguyên duy trì sự sống của ngôi nhà hành tinh chúng ta cũng như các hệ sinh thái chung. Như David W. Orr đã chỉ ra rằng cơn khủng hoảng sinh thái xảy ra chủ yếu không phải do những người dân kém hiểu biết mà là những người có học thức (những người với các bằng cấp BA, BS, LLB, MBA và PhD), những người trí thức cao trong xã hội.[12]
Theo Orr, trọng tâm chính của chương trình giảng dạy hiện hành dường như chỉ là chuẩn bị cho sinh viên cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới khi sự tăng trưởng kinh tế được trình bày như là mục tiêu cao nhất.[13] Cái nhìn như thế cũng cổ vũ cho mantra (câu thần chú) của quyền làm chủ hành tinh về kỹ thuật hơn là kinh tin kính của sự sống bền vững trên Trái đất. Điều đáng nói là, ngay cả những chương trình giáo dục “sinh thái” trong chương trình giảng dạy cũng lẩn quẩn trong cái nhìn cơ giới về thế giới tự nhiên và giấc mơ làm chủ hành tinh và các nguồn tài nguyên của nó về kỹ thuật. Giả định của hầu hết chương trình giảng dạy về môi trường chỉ là một chút tái chế rác thải, nông trại hữu cơ, sử dụng thi thoảng các hình thức năng lượng tái tạo, etc. đó là tất cả điều phải làm để tránh cơn khủng hoảng sinh thái, mà không đặt vấn đề về tư duy hiện hành của chúng ta và thay đổi tận căn lối sống tiêu thụ hoang phí. Như John Hilcoat và Eureta Janse van Rensburg đã nói, “có một sự thinh lặng đáng chú ý về sự tiêu thụ lệch lạc trong giáo dục môi trường”.[14]
Theo Đức Phanxicô, nền văn hóa sinh thái mới cần để chăm sóc ngôi nhà chung chúng ta “không thể bị đúc kết vào một chuỗi giải đáp khẩn cấp và manh mún cho các vấn đề nổi cộm như hủy hoại môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm”. (111) Những thay đổi thiết yếu phải rộng và xa hơn. “Chúng ta cần triển khai một tổng đề mới có thể lướt thắng những lý luận sai lệch của các thế kỷ gần đây” (121). “Chúng ta cần phải có một thuyết nhân bản có thể hội tụ nhiều lãnh vực kiến thức khác nhau” (141). Điều cần thiết là một nhãn quan mới về thực tại, một cách nhận thức mới mối liên hệ của chúng ta với ngôi nhà chung. Những phương chữa trị về kỹ thuật sẽ không tác dụng gì.
“Phải tạo một cái nhìn khác thôi, một suy tư, một chính trị, một chương trình giáo dục, một cách sống và một tinh thần chống lại sự tấn công của thực dụng kỹ thuật. Nói một cách khác, ngay cả những ý tưởng tốt đẹp về môi sinh cũng có thể chấm dứt qua việc đóng kín mình trong lý luận toàn cầu. Chỉ tìm phương cách kỹ thuật cho mỗi vấn đề môi trường mới xuất hiện, thì chỉ là tách biệt các sự vật, trong thực tế các sự vật này phải nối kết với tất cả thực tại, và che đậy những vấn đề sâu xa của hệ thống toàn cầu.”(111)
Mục tiêu tối thượng của giáo dục sinh thái phải là “đem lại sự thay đổi sâu xa” khi “phải biết rằng não trạng thực sự ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta” (215). Theo Đức Phanxicô, “Những nỗ lực giáo dục của chúng ta vẫn không đủ và không hiệu quả nếu chúng ta không cổ võ một cách nghĩ mới về con người, sự sống, xã hội và mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên” (215). Chúng ta cần một tiếp cận toàn diện về giáo dục chăm sóc ngôi nhà và người nhà chung của chúng ta.
3. Sự hiểu biết toàn diện về giáo dục sinh thái
Trong Laudato Si’, Đức Phanxicô đề nghị một hình mẫu toàn diện của giáo dục sinh thái, có thể tái lập sự hài hòa với thiên nhiên, với tha nhân và với Thiên Chúa. Ngài viết: “(Giáo dục sinh thái) tìm cách khôi phục các cấp độ khác nhau của sự cân bằng sinh thái: trong nội tâm với chính mình, liên đới với người khác, với thiên nhiên và các loài sinh vật khác, và ở mức độ tâm linh là với Thiên Chúa” (210).
Thật quan trọng để suy tư về hình mẫu giáo dục toàn diện được Đức Phanxicô đề nghị trong Laudato Si’, đi đôi với sinh thái học toàn diện của thông điệp. Theo Đức Phanxicô, giáo dục toàn diện dẫn đưa đến sự chung sống hòa bình với thế giới tự nhiên, với bạn bè nhân loại của chúng ta, và trên hết là với Đấng Tạo Dựng của chúng ta. Hãy suy tư ngắn gọn về từng chiều kích này trong nền giáo dục sinh thái.
Trước hết, giáo dục sinh thái có thể giúp thiết lập một mối dây liên kết mật thiết với thế giới tự nhiên, ngôi nhà chung chúng ta. Rủi thay, đào tạo giáo dục trong các trường trung cấp và đại học thường tiếp tục cổ xúy cho mối tương quan nhị nguyên giữa nhân loại và phần còn lại của thế giới. Sự phân chia nhị nguyên này bắt nguồn trong sự phân tách nhận thức luận giữa cái tôi và đối tượng được thừa hưởng từ tinh thần Hiện đại. Bowers nói rằng hầu hết các sách giáo khoa đều duy trì nhận thức luận nhị nguyên này:
Giới từ “on” (“Trái đất mà bạn sống trên đó” trong chương dẫn nhập) diễn tả hình thức liên hệ phù hợp với động từ “see” (thấy) như là cách hiểu biết về những mối liên hệ. Khi nhắc đến cái nhìn, điều có liên quan đến mối liên hệ người nhìn, nơi mà thế giới “outside” (bên ngoài) được nhìn như một bức hình, càng củng cố thêm ý nghĩa của cái tôi như là một cái gì đó tách biệt và độc lập.[15]
Như vậy, chương trình giảng dạy sinh thái càng làm mạnh thêm quan điểm thế giới hiện đại rằng nhân loại hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới tự nhiên và không tùy thuộc vào mạng lưới của các hệ thống sinh học và sinh thái duy trì mọi sự sống trên Trái đất, bao gồm cả con người. Như F. Berkes và những người khác đã ghi chú rằng, sự vong thân của chúng ta khỏi thiên nhiên là yếu tố quyết định cho sự phá hủy môi trường.[16] Giáo dục hướng về tính bền vững đòi hỏi một sự sửa sai tận căn của “hệ nhị phân ‘nhân loại đối chọi với thiên nhiên’ có vấn đề và dai dẳng như vậy”,[17] nếu chúng ta muốn vượt thắng mối nguy hiểm sinh thái hiện thời của chúng ta.[18]
Chương trình giảng dạy toàn diện giáo dục cho sinh viên trở thành những thành viên của cộng đồng nhân loại rộng lớn hơn và là công dân của một cộng đồng sinh thái. Như Đức Phanxicô viết: “Có một sự cao quý trong nghĩa vụ chăm sóc công trình tạo dựng thông qua những việc nhỏ hằng ngày, và thật tuyệt vời biết bao khi việc giáo dục có thể mang lại những thay đổi thực sự trong lối sống” (211). Giáo dục sinh thái đòi phải có những biện pháp cụ thể và đơn giản để chăm sóc thế giới tự nhiên. Một lần nữa Đức Phanxicô viết:
“Giáo dục tinh thần trách nhiệm đối với môi trường có thể khích lệ những hành động ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến thế giới xung quanh, như tránh sử dụng nhựa và giấy, giảm bớt sử dụng nước, phân loại rác, chỉ nấu những gì thực sự cần thiết, quan tâm đến những sinh vật khác, sử dụng phương tiện giao thông công cộng hay đi xe chung, trồng cây, tắt đèn khi không cần thiết, và vô số hành động khác.” (211)
Thứ đến, giáo dục sinh thái toàn diện cũng đưa đến ý thức đoàn kết rộng lớn hơn trong gia đình nhân loại, đặc biệt với những thành viên dễ tổn thương hơn trong số những thành viên của gia đình chung chúng ta. Đức Phanxicô viết: “Cần những nhà giáo dục có khả năng phát triển nền đạo đức sinh thái, giúp mọi người trưởng thành trong tình liên đới, tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm đầy lòng trắc ẩn” (210).
Cơn khủng hoảng sinh thái đương thời không chỉ hướng vào tình trạng vật lý không bền vững của ngôi nhà chung mà còn những con người trong gia đình đó. Nhiều thế kỷ thuộc địa hóa và thế lực tư bản chủ nghĩa tân tự do trong vài thập kỷ gần đây đã đưa đến sự thống trị tàn độc và khai thác quá mức các hệ sinh thái và những cộng đồng nhân loại khắp thế giới. Giáo dục hướng đến tính bền vững cần phải in sâu các nhân đức tử tế và liên đới trong các học sinh trẻ nếu chúng ta muốn gầy dựng một thế giới công bằng và bình đẳng hơn. Kịch bản giáo dục hiện hành dường như bị dẫn dắt bởi chương trình hành động tân tự do của thị trường tự do, điều đang gây thiệt hại cho các cộng đồng nhân loại và các hệ sinh thái. Để chống lại tình trạng này, chúng ta cần tạo nên một nền văn minh tình yêu và tử tế, hằng ngày thực hiện những hành động liên đới nhỏ, trong một thế giới mà quyền lực và của cải có khuynh hướng ngự trị và giữ độc quyền.[19] Tính liên đới có thể là thuốc giải độc hoàn hảo cho chủ nghĩa đế quốc về kinh tế đang tàn phá ngôi nhà hành tinh chúng ta. Lòng thương cảm và tính liên đới thật sự cần cho tương lai của hành tinh và những ai sống trong đó.
Thứ ba, giáo dục sinh thái toàn diện “phải chuẩn bị cho chúng ta một bước tiến vào mầu nhiệm, từ đó đạt được ý nghĩa sâu xa của luân lý môi sinh” (210), như Đức Phanxicô đã nói trong thông điệp. Giáo dục chỉ hoàn tất khi nó tiếp nối công việc in sâu một nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới tự nhiên và trong đời sống của con người.
Như chúng tôi đã nói về nhãn quan thần học của Laudato Si’, cơn khủng hoảng sinh thái đương thời hướng đến sự quên lãng một chân lý thâm sâu, cụ thể là thế giới vật lý này là sự sáng tạo của Thiên Chúa và thấm đẫm sự hiện diện của Thiên Chúa. Thật sự, cơn khủng hoảng sinh thái là triệu chứng của cơn khủng hoảng tôn giáo và tinh thần.[20] Tình trạng không bền vững của ngôi nhà chung chúng ta, và của cả những người trong gia đình đó, có nguyên do là sự đổ vỡ sâu xa trong tương quan của chúng ta với Đấng Tạo Hóa, nền tảng của mọi hiện hữu, Đấng đã làm hiện hữu toàn thể vũ trụ vật chất và duy trì nó cách yêu thương cùng với mọi hình thức của sự sống. Nhân loại không thể sống hài hòa với thụ tạo nếu không ở trong hòa bình của Đấng Tạo Hóa. Đức Bênêđictô XVI đã suy tư sâu sắc về điều này:
Sự tiêu thụ thô bạo của thụ tạo bắt đầu ở nơi Thiên Chúa bị quên lãng, nơi mà vật chất chỉ trở thành vật chất đối với chúng ta, nơi mà chính chúng ta là thước đo tối thượng, nơi mà mọi sự đơn giản chỉ là tài sản của chúng ta… Sự phung phí thụ tạo bắt đầu ở nơi chúng ta không còn nhận ra bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào ngoài chúng ta, khi chỉ nhìn thấy có mỗi chúng ta.[21]
Cơn khủng hoảng sinh thái cho thấy rằng các thần thánh của lý trí thế tục, kỹ năng kỹ thuật và lợi nhuận kinh tế đã thay thế cho đức tin vào Thiên Chúa Tạo Hóa và sự tôn trọng thánh thiêng dành cho trật tự của thụ tạo. Như Michael S. Northcott đã viết: “Khí nhà kính phát sinh do tư bản kỹ nghệ là sản phẩm của lòng sùng kính hiện đại dành cho các thánh thần của lý trí thế tục, quyền năng kỹ thuật và tích lũy tiền tệ, và gạt bỏ sự hiểu biết truyền thống của cộng đồng, công bình và sự thánh thiêng”.[22] Khủng hoảng sinh thái phát sinh chính xác từ sự thiếu khả năng nhận thức của chúng ta về thế giới vật chất như là thụ tạo của Thiên Chúa, không tôn trọng tính toàn thể của nó cũng như không đánh giá cao sự tốt lành và vẻ đẹp nội tại của nó mà chỉ có sử dụng và tiêu thụ. Giáo dục hướng đến tính bền vững cần phải được neo đậu trong cảm thức tôn giáo sâu xa về lòng tốt của Thiên Chúa và sự hiện diện yêu thương của Ngài trong thế giới tự nhiên và trong lịch sử loài người.
Laudato Si’ nhằm đến chiều hướng của giáo dục sinh thái ngày nay như là sự hài hòa được tái lập với thế giới tự nhiên, con người và Đấng Tạo Hóa. Một hướng tiếp cận giáo dục toàn diện như thế thật sự là điều sống còn để bảo vệ ngôi nhà hành tinh chung của chúng ta trong bối cảnh khủng hoảng sinh thái đương thời.
4. Bối cảnh cho giáo dục sinh thái
Trong thông điệp, Đức Phanxicô nói về những môi trường khác nhau cho việc giáo dục sinh thái: trường học, gia đình, phương tiện truyền thông, lớp giáo lý, cơ sở đào tạo tôn giáo, etc. Ngài nhấn mạnh đến việc phổ biến một nền giáo dục như thế ngay từ tuổi nhỏ. Ngài viết: “Nền giáo dục tốt khi còn trẻ sẽ gieo những hạt giống và tiếp tục sinh hoa trái trong suốt cuộc đời”. (213) Vì thế, giáo dục sinh thái sẽ bao phủ toàn đời sống chúng ta.
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong lãnh vực giáo dục sinh thái. Ngài chỉ ra rằng cái nôi gia đình là nơi một người nhận lãnh sự giáo dục toàn vẹn. Đây là những suy tư hay của Đức Phanxicô về vấn đề này:
“Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng lớn lao của gia đình, là “nơi sự sống – quà tặng của Thiên Chúa – được đón nhận trọn vẹn, được bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công, và có thể phát triển phù hợp với sự trưởng thành đích thực của con người. Trái ngược với cái gọi là nền văn hoá sự chết, gia đình là trái tim của nền văn hoá sự sống”.[23] Trong gia đình, trước hết chúng ta học cách thể hiện tình yêu và tôn trọng sự sống; chúng ta học biết sử dụng đúng mọi thứ, ngăn nắp và sạch sẽ, tôn trọng hệ sinh thái địa phương và chăm sóc mọi loài thụ tạo. Trong gia đình, chúng ta lãnh nhận nền giáo dục toàn diện, giúp chúng ta lớn lên cách hài hòa với sự trưởng thành cá nhân. Trong gia đình, chúng ta học cách xin mà không đòi hỏi, biết nói “cảm ơn” để diễn tả lòng biết ơn đích thực vì những điều chúng ta được lãnh nhận, biết tự chủ tính nóng giận và lòng tham, biết xin lỗi khi làm điều sai trái. Những nghĩa cử đơn giản của phép lịch sự chân thành tạo nên văn hoá của đời sống chung và tôn trọng môi trường xung quanh.” (213)
Theo Đức Phanxicô, “Các thể chế chính trị và nhiều nhóm xã hội khác nhau được uỷ thác nhiệm vụ gia tăng ý thức của người dân” (214) về sự cần thiết phải chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà hành tinh chung của chúng ta. Vì tầm quan trọng của vấn đề, Đức thánh cha đề nghị các thể chế chính trị phải mạnh mẽ “xử phạt những vụ tấn công vào môi trường” (214). Ngài biết rằng những biện pháp này không đủ mạnh. Cuối cùng, “chúng ta cũng cần những phẩm tính cá nhân như tự kiểm soát và sự sẵn lòng học hỏi lẫn nhau” (214).
Đức Phanxicô chú trọng đến tầm quan trọng của giáo dục hướng đến việc quản lý có trách nhiệm công trình sáng tạo trong Giáo hội Công giáo và các cộng đồng Kitô giáo. Ngài viết: “Tất cả các cộng đồng Kitô giáo đều có vai trò quan trọng trong việc giáo dục sinh thái” (214). Đối với Giáo hội Công giáo, lời mời gọi của Đức Phanxicô về giáo dục sinh thái thật rõ ràng và thách thức các thành viên trong giáo hội. Chúng tôi trích dẫn lời Ban biên tập tạp chí “The Tablet” nhân dịp phát hành Laudato Si’:
Giáo hội hoàn vũ sẽ đáp ứng như thế nào trước hành động lãnh đạo đúng lúc và gây tiếng vang này của Đức thánh cha đã chạm tới mọi cấp độ sự sống, từ tắt đèn và tái chế giấy cho đến những quyết định lớn lao hơn liên quan đến đầu tư quốc tế, vận động hành lang các chính trị gia và quyết định bỏ phiếu như thế nào? Các giáo hội quốc gia và địa phương cần nhìn vào lối sống của mình, các giám mục nhìn vào chương trình nghị sự, các linh mục nhìn vào bài giảng hàng tuần, các trường học nhìn vào sách giáo khoa, các gia đình nhìn vào việc họ tiêu pha như thế nào và tận hưởng những gì.[24]
Đáng chú ý là Đức thánh cha rõ ràng đã nâng tầm quan trọng của các chủng viện và các cơ sở đào tạo tôn giáo trong việc giáo dục sinh thái.[25] Cần phải biết rằng những vấn đề sinh thái không nhận được sự quan tâm đúng mực trong việc đào tạo hàng giáo sĩ và các lãnh đạo tôn giáo khắp thế giới với những hệ quả bất lợi trong công việc mục vụ khi chạm đến vấn đề quản lý công trình sáng tạo. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu tôn giáo công (Public Religion Research Institute) và Hàn lâm viện tôn giáo Hoa Kỳ (American Academy of Religion) khẳng định: “Hầu hết người Mỹ tham dự các lễ nghi tôn giáo ít nhất một hai lần mỗi tháng ít khi nghe hàng giáo sĩ của mình nói về vấn đề biến đổi khí hậu. Chỉ trên một phần ba người Mỹ nói rằng hàng giáo sĩ của mình thường nói (11%) hay đôi khi nói (25%). Hơn 6 trên 10 người Mỹ nói rằng giáo sĩ lãnh đạo của mình hiếm khi (29%) hay không bao giờ (33%) đề cập đến thay đổi khí hậu”.[26] Những khám phá này dường như có ích cho hàng giáo sĩ và tu sĩ hầu hết các quốc gia và vùng miền khác. Trước bối cảnh này, Đức Phanxicô viết trong Laudato Si’:
Tôi hy vọng các chủng viện và các nhà đào luyện của chúng ta sẽ giáo dục một đời sống giản dị đầy trách nhiệm, sự chiêm niệm với lòng biết ơn về thế giới Chúa tặng ban, quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và bảo vệ môi trường. (214)
Nới rộng tầm nhìn của giáo dục sinh thái, Đức Phanxicô nói về tầm quan trọng của giáo dục mỹ học, ngài trích dẫn Đức Gioan Phaolô II: “Không thể bỏ qua mối liên hệ giữa giáo dục mỹ học và duy trì môi trường khỏe mạnh”.[27] Đức Phanxicô sáng suốt nhận xét: “Nếu một người không biết dừng lại và thán phục cái đẹp, thì sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu người ấy đối xử với mọi thứ như thể đối tượng để sử dụng và lạm dụng không chút đắn đo” (215). Theo ngài: “Học biết nhận ra và trân trọng vẻ đẹp, chúng ta sẽ thoát ra khỏi chủ nghĩa thực dụng tiện ích cá nhân” (215). Chúng ta nhớ lại câu thường được trích dẫn của Fëdor Dostoevskij rằng “chỉ có cái đẹp mới cứu được thế giới”. Chúng ta cần phải tự đào tạo để đánh giá cao vẻ đẹp của thế giới thiên nhiên quanh ta nếu muốn cứu nó cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Trong thông điệp, Đức Phanxicô khuyến khích chúng ta nên có những đóng góp dù nhỏ nhưng quý giá trong những bối cảnh vụ thể của chúng ta để bảo vệ ngôi nhà chung. Ngài viết:
Chúng ta không được nghĩ rằng những nỗ lực này không thể thay đổi thế giới. Chúng đang sinh lợi ích cho xã hội, dù chúng ta không biết, vì những điều tốt đẹp chắc chắn có xu hướng lan rộng, ngay cả khi chúng ta không thấy. Hơn nữa, những hành động như thế có thể khôi phục cảm thức về lòng tự trọng của chúng ta; dẫn chúng ta đến bản chất sâu xa của hữu thể, sống trọn vẹn hơn và cảm nhận sự sống trên trái đất có giá trị. (212)
5. Tầm quan trọng của giáo dục công dân sinh thái.
Cơn khủng hoảng sinh thái đương thời đã đặt nhân loại ở ngã tư đường trước tương lai của chính mình trong ngôi nhà chung, Trái đất. Những năm tháng sắp đến sẽ rất quan trọng khi chúng ta còn lại ít thời gian quý giá để cùng nhau thu góp lại những nguồn tài nguyên và năng lượng để bảo vệ và cứu chữa ngôi nhà chúng ta. Giáo dục tính bền vững quả thật là một trong những nhu cầu khẩn cấp nhất trong thời chúng ta. Như Stephen Mulkey cảnh báo:
Chừng như chúng ta chỉ có khoảng một thập kỷ để lấy lại tính bền vững hoặc sẽ mất cơ hội cứu hành tinh đáng sống này dành cho con cháu chúng ta. Nhân loại đối diện với sự lựa chọn căn cơ: sống cách bền vững hơn trên hành tinh này, hoặc đối mặt với những hệ quả không thích hợp với nền văn minh. Sự lựa chọn thật khắc nghiệt.[28]
Tính bền vững chắc hẳn đã trở nên mối bận tâm lớn hơn trong lãnh vực giáo dục ngày nay. Giáo dục về sự phát triển bền vững đã di chuyển từ ngoại vi vào cốt lõi của giáo dục chất lượng và khích động những tiếp cận mới với khoa sư phạm.[29] Tuy nhiên, tình trạng báo động hiện nay là chúng ta đang xa cách với việc sống bền vững trên Trái đất và thật sự ta có một quãng đường dài để đi về hướng này. Như Prithi Nambiar đã viết trong Journal of Education for Sustainable Development, “Giáo dục chưa được nhìn nhận như là tác nhân mạnh mẽ nhất của tính bền vững”.[30] Giáo dục bền vững tính vẫn còn bị mắc kẹt và theo khuôn mẫu môi trường xưa cũ, và vẫn còn bị xem như là “môn phụ thêm”, một thứ phụ lục, và như vậy không thể nào dẫn đưa đến một xã hội bền vững hơn.[31] Một tường trình mới đây về giáo dục bền vững tính trong các trung tâm cao học đã thừa nhận:
… hệ thống giáo dục cao vẫn thiếu thích ứng với các điều kiện mà chúng ta đối mặt … ngay từ Hội nghị về Môi trường Con người của Liên hiệp quốc năm 1972, giáo dục được quyết định là tác nhân thay đổi chính trong các tuyên bố và thỏa thuận cấp cao … nhưng nay vẫn còn là một phần lớn của vấn đề.[32]
Một trong những đáp ứng sớm nhất với thông điệp Laudato Si’ là việc ký kết một bản tuyên bố của các lãnh đạo giáo dục cao Công giáo, gồm gần một trăm Hiệu trưởng đại học của Mỹ và những người khác có vị trí quan trọng trong các viện hàn lâm trên thế giới. Bản tuyên bố của các Lãnh đạo giáo dục cao Công giáo đã ca ngợi thông điệp là văn bản “đúng lúc, dễ hiểu và truyền cảm hứng”, đồng thời hân hoan chào đón “lời kêu gọi khẩn thiết phải hành động để giải quyết các cơn khủng hoảng khí hậu và công bằng đang đe dọa hành tinh”.[33] Bản văn cũng cám ơn Đức Phanxicô “vì sự lãnh đạo mạnh mẽ và can đảm của ngài trong việc giải quyết những cơn khủng hoảng có liên quan với nhau và những lối sống đang đe dọa Trái đất trong thời đại chúng ta”.[34] Chúng tôi trích dẫn một ít đoạn trong Lời nói đầu của Bản tuyên bố nói trên, đặc biệt liên quan đến giáo dục sinh thái.
Các học viện giáo dục phải tìm kiếm để cung cấp sự lãnh đạo có ảnh hưởng trong việc khám phá những con đường mới và đem lại sự sống để giải quyết tình trạng cấp thiết của thay đổi khí hậu, loại trừ xã hội và sự nghèo đói cùng cực cũng như tìm con đường mới để đạt đến hoàn bình, công bình và môi trường bền vững cho toàn gia đình nhân loại và toàn thể gia đình thụ tạo.
Là các lãnh đạo của Giáo dục Công giáo cao cấp, chúng tôi cam kết cùng nhau làm việc theo miền và toàn cầu, qua tất cả các phương tiện sẵn có và thích hợp cho các trường và đại học, cũng như các học viện cao cấp của chúng tôi, để nghiên cứu, cổ vũ và hành động về cách đối xử cũng như tầm nhìn sinh thái của Đức Phanxicô.
Đặc biệt hơn nữa, là các lãnh đạo của Giáo dục Công giáo cao cấp, chúng tôi cam kết hợp tác để chăm sóc hành tinh, phát triển con người toàn diện, và quan tâm đến người nghèo trong các dự án nghiên cứu của chúng tôi, các chương trình giảng dạy, các hoạt động liên quan đến xã hội và chính trị như là các trường cao đẳng và đại học của chúng tôi.[35]
Thật phấn khởi khi thấy rằng lời kêu gọi giáo dục sinh thái của Đức Phanxicô trong Laudato Si’ đang nhận được sự xác nhận nhiệt tình ở cấp cao như vậy giống như bản văn mà chúng tôi trích dẫn ở trên. Chúng tôi tiên đoán sẽ có nhiều đáp ứng như vậy từ các viện hàn lâm, các giáo hội và các tôn giáo, cũng như xã hội dân sự rộng lớn hơn khắp thế giới trong lãnh vực giáo dục sinh thái. Trong việc chăm sóc ngôi nhà chung đang lâm nguy ở mức độ gia tăng, vai trò giáo dục thật sống còn và cần thiết. Trong những năm sắp tới, các nhà giáo dục người trẻ khắp thế giới không chỉ phải vạch ra một chương trình dạy thích hợp để phổ biến giáo dục sinh thái nhưng còn phải cách mạng hóa toàn tiến trình giáo dục để chăm sóc có trách nhiệm ngôi nhà chung của chúng ta. Giáo dục hướng về trách nhiệm sinh thái của công dân quả thật là điều cần thiết vào lúc này.
Lm. Joshtrom Isaac Kureethadam, SDB
Giáo sư Triết học các khoa học tại Giáo hoàng Đại học Salesian và Giám đốc Viện các khoa học xã hội và chính trị. Các lãnh vực nghiên cứu: Vũ trụ học, Sinh thái học, Triết học môi trường, Giáo dục sinh thái và Thần học sáng tạo.
Seminare, vol. 37, 2016, no. 4, tr. 83-96
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
__________
[1] Các số trong ngoặc là số đoạn trong Thông điệp Laudato si.
[2] M. Dowd, For Every Living Creature on Earth, The Tablet (13 June 2015), tr. 4.
[3] Xem Global Footprint Network, Living Planet Report 2014: Species and Spaces, People and Places (Gland: WWF, 2014), tr. 9.
[4] Xem E. Assadourian, “The Rise and Fall of Consumer Cultures”, trong The World Watch Institute, State of the World 2010: Transforming Cultures. From Consumerism to Sustainability, W.W. Norton, New York – London 2010, tr. 11.
[5] S. McDonagh, To Care for the Earth: A Call to a New Theology, Geoffrey Chapman, London 1986, tr. 45.
[6] John Paul II, “Peace with God the Creator, Peace with All of Creation”. Message for the World Day of Peace (1 January 1990), số 1.
[7] Benedict XVI, Encyclical Letter “Caritas in Veritate” (29 June 2009), số 66.
[8] Benedict XVI, “If You Want to Cultivate Peace, Protect Creation”. Message for the 2010 World Day of Peace (1 January 2010), no. 11.
[9] C.A. Bowers đã cung cấp một cái nhìn về nhân trung thuyết thấm nhập trong chương trình giảng dạy trong trường hợp sách giáo khoa học đường. Xem C.A. Bowers, Education, Cultural Myths and the Ecological Crisis: Toward Deep Changes, State University of New York Press, Albany, N.Y. 1993, p. 117-153.
[10] Ibidem, tr. 125.
[11] ibidem, tr. 3, 127-30.
[12] Xem D.W. Orr, Earth in Mind: On Education, Environment and the Human Prospect, Island Press, Washington, DC 1994, tr. 7. Orr có một sự so sánh đáng suy ngẫm, được gợi ý từ Elie Wiesel, so sánh giữa cơn khủng hoảng sinh thái với Holocaust (lò hỏa thiêu người Do Thái của Đức quốc xã) mà những người thiết kế và thực hiện nó là những người kế thừa của Kant và Goethe, thường được cho là những người có giáo dục nhất trên quả đất. Xem ibidem, tr. 7, 18-20.
[13] Xem ibidem, tr. 16
[14] J. Hilcoat, E. Janse van Rensburg, Consuming Passions: Educating the Empty Self, Australian Journal of Environmental Education 30(2014)1, tr. 88.
[15] C.A. Bowers, Education, Cultural Myths and the Ecological Crisis, tr. 126.
[16] Xem F. Berkes, Sacred Ecology: Traditional Ecological Knowledge and Resource Management, Taylor & Francis, Philadelphia 1999.
[17] G. Di Chiro, Response: Reengaging Environmental Education in the Anthropocene, Australian Journal of Environmental Education 30(2014)1, tr. 17.
[18] Xem vấn đề này trong A. Cachelin, J. Rose, D. Dustin, Sustainability in Outdoor Education: Rethinking Root Metaphors, Journal of Sustainability Education 2(2011). Cũng xem W. Cronon, Uncommon Ground: Rethinking the Human Place in Nature, .W. Norton & Company, New York 1996.
[19] Xem Đức Phanxicô, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (24 November 2013), số 188
[20] Xem A. Cohen-Kiener, Claiming Earth as A Common Ground: The Ecological Crisis through the Lens of Faith, Skylight Paths Publishing, Woodstock, Vermont 2009, tr. 2; D. Bookless, Planet Wise: Dare to Care for God’s World, Inter-Varsity Press, Nottingham 2008, tr. 41.
[21] Benedict XVI, Meeting with Priests, Deacons, and Seminarians of the Diocese of Bolzano Bressanone (6 August 2008).
[22] M. S. Northcott, A Moral Climate: The Ethics of Global Warming, Darton, Longman, and Todd/Christian Aid, London 2007, tr. 14.
[23] Gioan Phaolô II, Tông thư “Centesimus Annus” (1 May 1991), số 39.
[24] Editorial: “Laudato Si’: World’s Eyes are Opened to Creation”, The Tablet (20 June 2015), tr. 2.
[25] Xem Y. Neril, J. Auciello, Report on Faith and Ecology Courses in North American Seminaries, The Interfaith Centre for Sustainable Development, Jerusalem 2015, tr. 3.
[26] R. P. Jones, D. Cox, J. Navarro-Rivera, Believers, Sympathizers, & Skeptics: Why Americans are Conflicted about Climate Change, Environmental Policy, and Science. Findings from the PRRI/AAR Religion, Values, and Climate Change Survey, Public Religion Research Institute, Washington, DC 2014, tr. 4.
[27] John Paul II, Peace with God the Creator, Peace with All of Creation, số 14.
[28] S. Mulkey, Sustainability Science as a Foundation for Higher Education in the Environmental Century, Sustainability (December 2012), DOI: 10.1089/sus.2012.9918.
[29] Xem Ch. Hopkins, Scope and Impact of Global Actions under UNDESD, Journal of Education for Sustainable Development 8(2014), tr. 113-19; F. Lenglet, Can ESD Reach the Year 2020?, Journal of Education for Sustainable Development 8(2014), tr. 121-25; D. Tilbury, Are We Learning to Change? Mapping Global Progress in Education for Sustainable Development in the Lead Up to ‘Rio Plus 20’, Global Environmental Research 14(2010), tr. 102.
[30] P. Nambiar, Developing Learning Opportunities for Sustainability, Journal of Education for Sustainable Development 8(2014), tr. 87.
[31] Xem S. Strife, Reflecting on Environmental Education: Where Is Our Place in the Green Movement, The Journal of Environmental Education 41(2010), tr. 179-80.
[32] The Sustainable University: Progress and Prospects, eds. S. Sterling, L. Maxey, H. Luna, Routledge Taylor & Francis Group, Abingdon, Oxon – New York 2012, tr. xxii.
[33] Laudato Si’: On Care for Our Common Home. Statement of Leaders in Catholic Higher Education Globally. For the statement and list of signatories, xem http://ignatiansolidarity.net/catholichigher-ed-encyclical-sign-on/.
[34] Ibidem.
[35] Ibidem.
Nguồn: gpquinhon.org