TIẾNG RAO
Không biết tự bao giờ mà người dân ở thành phố có cái kiểu buôn bán, làm việc với “tiếng rao”.
Tiếng rao được coi là loại “đặc sản” của thành phố. Trước đây ở Sài Gòn chỉ nghe tiếng rao về đêm, nhưng dạo này tiếng rao lanh lảnh đã bắt đầu từ tờ mờ sáng – không chỉ để bán những thức ăn nhanh, tiện lợi, mà còn để bán cá, thịt, rau củ quả… và cả những dụng cụ: chổi lau bụi, lau nhà, chiếu, chăn…
Trước đây, giữa đêm khuya tiếng rao của những người phụ nữ nghe buồn đến não lòng. Bao nhiêu con đường, ngõ hẻm đều in những dấu chân nhọc nhằn của họ. Tiếng rao, lúc trầm bổng khi lắng dịu của những người mẹ, người chị tần tảo kiếm miếng cơm manh áo. “Bánh mì nóng giòn đê”, “Cháo sườn đê”, “Bánh bột lọc đê”, “Bắp xào, trứng lộn đê…”. Có bao nhiêu thứ hàng rong thì có bấy nhiêu tiếng rao gọi mời. Mùa đông giá buốt hay mùa hè nắng cháy đều không thiếu những tiếng mời rao.
Gần đây, tiếng rao lại mang âm giọng của những người đàn ông “Ai mài kéo, mài dao” “Mua điện thoại hư, ti vi hư, tủ lạnh hư, đầu đĩa…”
Và những tiếng chào hàng kiểu mới của những chàng thanh niên giọng miền Tây Nam Bộ đặc sệt “Hành, hành tây, cà chua, cà pháo, củ cải xanh đỏ, chanh… mười nghìn một bịch đổ ghẻ luôn” nó cứ lập đi lập lại, chạy loanh quanh khắp phường.
Tôi nhận ra tiếng rao của mỗi người đến từ vùng miền hoàn toàn khác nhau. Lúc tiếng rao mời mua ti vi, tủ lạnh hư… của chàng thanh niên giọng Hà Tĩnh, khi tiếng rao bán đồ ăn vặt của cô mang giọng “Nẫu” Bình Định, khi thì tiếng rao để bán “la ghim” của người đàn ông nghe giọng tận đâu Cần Thơ Rạch Giá… Dù họ đến từ miền đất nào, tiếng rao ấy vẫn mang bản lĩnh của một người chăm chỉ, một người sáng tạo không để đời mình như một kẻ lười “ăn bám xã hội”. Tiếng rao khát khao đạt đến một tương lai hoàn hảo, một cuộc sống ổn định, bình an, mạnh khỏe cho người thân ở quê nhà.
Mỗi âm giọng của tiếng rao là một hoàn cảnh, là một mảnh đời, một số phận… Những tiếng rao trong đêm khuya vắng lặng hay giữa ban ngày cháy nắng luôn mang một mơ ước: Ước mơ đổi đời cho đứa con đang học đại học, kiếm thêm chút tiền thuốc men cho đứa nhỏ mang bệnh nan y. Tìm thêm chút tiền trang trãi cho cuộc sống quá cơ cực ở nhà quê, muốn sắm thêm cái gì kha khá mang chút sắc màu tiện nghi…
Vì đại dịch Covid-19, lệnh cách ly kéo dài – người người không ra đường, nhà nhà đóng kín cổng, tiếng rao càng thêm não lòng. Phương tiện truyền thông, báo chí thì không ngừng khuyên người dân “Thực hiện cách ly xã hội là cần thiết và là một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vì thế hãy cân nhắc phương án mua hàng trực tuyến thay vì đích thân đi mua. Đối với các bao bì, túi xách chứa hàng hoá, thực tế là chạm vào chúng có thể khiến bạn có nguy cơ nhiễm bệnh nếu có virus. Theo các chuyên gia, những trường hợp như vậy có thể được giải quyết bằng cách lấy thực phẩm ra và vứt bỏ bao bì đúng cách, sau đó rửa tay cẩn thận.” (x. laodong)
Tiếng rao bán mùa dịch như hụt hơi đứt đoạn, lưa thưa hơn mọi ngày. Không biết có ai dám mua đồ ăn thức uống họ tự chế biến (không tên tuổi nhãn hiệu) hoặc những loại “la ghim” tự tay họ trồng mang tận dưới quê lên (không nguồn gốc xuất xứ) có ai dám “đi ra” mua giúp họ như mọi ngày chăng! Có ai dám “gọi vào” để bán cái gì đó đã hư không còn dùng được đang để chật kho của mình lúc này hay không !
Cả hơn tuần rồi, giữa chục tiếng rao “bán – mua” đủ loại, tiếng rao “Xô-ô-ôi cúc, Xô-ôi xôi đậu xanh, đậu phụng, đậu đe-đen đê” của chị “gì đó” dường như không nghe thấy.
Cảm giác thiếu vắng tiếng rao của chị khiến tôi nghĩ suy những chuyện không may lành giữa đỉnh cao của đại dịch. Chị đâu rồi, chị có mệnh hệ gì không? Lặng lội hết đường này sang hẻm nọ kiếm sống lẽ nào chị bị cách ly hay nhiễm Covid?
Suy nghĩ mang chút âu lo, thương cảm cho nhóm người lao động tự do trong đại dịch. Tôi thầm cầu nguyện, xin Chúa cho họ được mạnh khỏe bình an.
Tờ mờ sáng nay, văng vẳng tiếng rao quen thuộc của chị… lại xuất hiện.
Chạy ra đầu ngõ, chờ chị,
Gọi mua hộp xôi, kiếm cớ hỏi thăm.
Đôi tay xương xương thao tác thật nhanh cho xôi vào hộp xốp, vừa trả lời câu hỏi mang chút tò mò quan tâm của tôi. Chị cảm được điều đó nên – cười.
Chị cười, nụ cười thật bình an. Cám ơn, cám ơn cô, tuần rồi chị phải sang phường khác bán, phường này bảo vệ làm căng… nên…
Âm thanh của tiếng rao đã trở nên thân thuộc đến nỗi khi chưa được nghe, hay lúc thiếu vắng lòng tôi nhơ nhớ. Thỉnh thoảng mua giúp họ hộp xôi, ổ bánh mì, gói chanh… “Cô là ma sơ hả, cảm ơn Cô, xóm tôi cũng có người đi đạo như Cô!”
Những cuộc chuyện trò ngắn ngủi thân thương, tôi phần nào hiểu được hoàn cảnh của họ. Nhìn thấy họ tưởng chừng bắt gặp hình ảnh của mẹ, của anh – chị mình ở quê. Cũng khuôn mặt gầy gò, rám nắng, bóng dáng tần tảo. Một đời “dầm mưa dãi nắng”, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cho tôi những phút bình yên, cho tôi thảnh thơi hoàn thành mọi chương trình học tập và cả đến hôm nay. Họ dành hết tình cảm, ôm bao khổ cực lặng lội gió sương cho tôi kiếm cái chữ, để không bị chân lấm tay bùn như họ. Cuộc sống ngày càng phát triển, càng hiện đại, tiếng rao mời còn nhắc nhở bản thân, tôi đang sống nhờ bao lao công của mẹ cha của thân bằng quyến thuộc và của anh chị em trong cộng đồng nhân loại. Tôi đang mắc nợ họ về tình thương của sự tần tảo, hy sinh!
Những tiếng rao nhiều âm sắc dường như đã trở thành bản đồng ca không thể thiếu trong khu phố. Cho dù âm thanh của tiếng rao cho tôi cảm giác không vui. Cho tôi nhiều suy nghĩ về kiếp sống, phận người từ quê nghèo lên phố mưu sinh… Tận thâm tâm, tôi cảm phục sâu xa về họ, họ là những người lao động chân chính, lao động bằng cả con tim, khối óc và sức lực của mình.
Cầu mong cho họ luôn được bình an mạnh khỏe,
Cầu mong cho đại dịch mau chấm dứt để họ không phải chạy nhiều từ quận này sang quận khác, mua nhanh bán tốt,
Cầu mong cho đại dịch sớm kết thúc để cuộc sống của họ được ổn định, yên vui.
Cầu mong đừng ai coi thường họ, nghề nào cũng đáng quý và đáng được trân trọng.
Tiếng rao còn cho tôi bài học quý giá: “Hãy lao động như thể mình sẽ sống cả trăm năm. Hãy cầu nguyện như thể ngày mai mình sẽ chết” Benjamin Franklin.
Nt. Anne Lê (Dòng MTG Qui Nhơn)
Nguồn: gpquinhon.org