Đại dịch Corona và thông điệp ‘lằn ranh đỏ’ từ Mẹ Thiên Nhiên
Chúng ta nên chân thành với trực giác của mình và cảm quan chung của nhân loại để nhìn nhận rằng: Mẹ Thiên Nhiên đang cho thấy sự quá tải. Chúng ta nên nhìn nó như một thông điệp mà Mẹ Thiên Nhiên đang đưa ra cho con cái mình, rằng chúng ta đã tiệm cận đến ‘lằn ranh đỏ’ rồi!
Con người đang sống trong một thế giới thật tốt đẹp nhưng cũng đầy giới hạn. Mọi sự trong thế giới này đều có ranh giới nhất định. Chúng ta có thể dùng ví dụ về chiếc xe để hình dung điều này: muốn chiếc xe chạy thật nhanh, một trong những điều kiện thiết yếu là nó phải gọn nhẹ ở mức tối giản. Sở dĩ như vậy là vì có hai nguyên do. Thứ nhất, như nhà bác học Einstein chỉ ra, giữa khối lượng và năng lượng có sự ràng buộc lẫn nhau, tỉ lệ thuận với nhau; nghĩa là, xe càng nặng thì càng cần nhiều năng lượng để di chuyển. Thứ hai, do lực cản ma-sát, thể tích tỉ lệ nghịch với vận tốc. Nếu người ta đi ngược lại quy luật đó, ví dụ, tìm mọi cách tăng tốc bất chấp điểm giới hạn về vận tốc do thiết kế cồng kềnh của một chiếc xe, nó sẽ lập tức bị hư hỏng, vỡ vụn. Mọi thứ trong phạm vi thụ tạo đều có những quy luật chứa các điểm dừng như thế; và chúng ta tạm gọi đó là ‘lằn ranh đó’.
Cả thế giới hiện nay đang đương đầu với đại dịch Corona. Cuộc khủng hoảng này có thể được diễn giải theo các hướng khác nhau, từ góc độ xã hội cho tới góc độ tâm linh; và tất cả đều có thể tạo nên những bài học có ý nghĩa. Ở đây, chúng ta thử tìm kiếm một thông điệp chung cho mọi người từ dịch bệnh này, bất kể thuộc văn hoá hay tôn giáo nào, bằng cách đặt cơn đại dịch trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng môi sinh trong thời gian gần đây.
Không cần phải lục lại trí nhớ, chắc hẳn những hình ảnh kinh hoàng của các thảm hoạ thiên nhiên gần đây vẫn chưa phai nhoà trong ý thức chúng ta: cháy rừng lớn ở Hy Lạp năm 2018, sóng nhiệt ở nhiều nơi năm 2018, lũ lụt ở Nigeria và Ấn Độ năm 2018, và đặc biệt là hai trận cháy rừng kinh hoàng năm 2019 tại Amazon và Úc Châu. Đó là chưa kể đến vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng đang diễn ra tại nhiều nước, cũng như những hiện tượng đang ngày càng rõ của vấn đề biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng, nước biển dâng.
Xét theo logic, đại dịch Corona không nhất thiết được gắn với các vấn đề trên, vì người ta vẫn có quyền xem đại dịch này như một trong vô số các đại dịch khác diễn ra trong lịch sử con người mà thôi. Tương tự, người ta cũng có thể nói rằng việc các thảm hoạ diễn ra gần nhau như thế chỉ là do ngẫu nhiên mà thôi. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nên chân thành với trực giác của mình và cảm quan chung của nhân loại để nhìn nhận rằng: Mẹ Thiên Nhiên đang cho thấy sự quá tải. Khi đặt trong tổng thể chung với nhau, những thảm hoạ nói trên đang là một dấu hiệu chung của điều đó. Chúng ta nên nhìn nó như một thông điệp mà Mẹ Thiên Nhiên đang đưa ra cho con cái mình, rằng chúng ta đã tiệm cận đến ‘lằn ranh đỏ’ rồi!
Nguyên nhân chính của hiện trạng này không gì khác hơn là chính lối sống ích kỷ và tiêu thụ bấy lâu nay của chúng ta. Lối sống này đang khai thác tận cùng nguồn lực của thiên nhiên, đồng thời biến đổi cấu trúc hài hoà của nó với những thứ phá huỷ và độc hại do con người tạo ra. Chúng ta vừa rút cạn sinh lực và vừa chất lên vai Mẹ Thiên Nhiên của mình một gánh nặng sắp vượt sức chịu đựng. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, sẽ đến lúc Mẹ Thiên Nhiên không còn đủ khả năng duy trì sức sống và sự hài hoà tốt lành để bảo vệ con cái mình nữa, và đó là điểm kết thúc cho tất cả chúng ta.
Vì vậy, nếu theo góc nhìn đó, đại dịch Corona thực sự là cơ hội cho nhân loại cứu lấy vận mệnh chung của thế giới nếu chúng ta biết rút tỉa và thực hành những bài học quý giá từ nó.
Bài học đầu tiên là chúng ta phải ‘nghe’ và ‘nhìn’ để thấy những gì là phi lý, thừa thãi và nguy hại mà lối sống hiện hành đang có. Cơn dịch này đang nói cho chúng ta nhiều điều. Nói như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, nó “vạch trần sự dễ thương tổn của chúng ta; cho ta thấy những an ninh giả tạo và thừa thãi mà chúng ta đã dày công xây dựng từ các hoạt động, các dự án, các tập quán và các ưu tiên.” [1] Có lẽ hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để chúng ta nhận ra đâu là những điều thực sự hữu ích và cần thiết cho cuộc sống con người, và đâu là những điều phù phiếm mà ta vẫn thường theo đuổi. Điển hình như, trong đại dịch, người ta thấy giấy vệ sinh còn giá trị hơn cả cái túi hàng hiệu; hay chút thực phẩm để ăn và chút không khí trong lành để thở quan trọng hơn mọi thứ quyền lực và tiền bạc.
Bài học thứ hai mà chúng ta có thể nghiệm ra từ cơn dịch này là số phận mọi con người gắn chặt với nhau. Trong bài giảng nói trên, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chia sẻ rằng, “trong đại dịch, chúng ta thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền.” Chúng ta vẫn thường đinh ninh một cách sai lầm rằng mình có thể tao ra một đời sống riêng cho cá nhân hay cho dân tộc; đời sống đó biệt lập và không lệ thuộc vào những nhóm người khác; hay rằng có thể tạo lập ra những cộng đồng an toàn và thịnh vượng cho riêng mình, bất chấp những đau khổ của những người khác. Những con virút nhỏ bé kia đang chế nhạo thứ suy nghĩ sai lầm đó. Nó đang thách đố mọi thứ ranh giới quốc gia của con người. Chẳng nơi đâu có thể đảm bảo được an toàn trước nó. Tất cả chúng ta đều thực sự liên đới với nhau, ít nhất theo nghĩa là mọi người đang sống chung trong một môi trường tự nhiên, đang hít thở cùng một bầu không khí. Vì thế, bất cứ một hành vi cả nhân nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những người khác, và ngược lại. Ví dụ, như một nhà báo đã phân tích, việc ăn một miếng thịt bit-tết ở Việt Nam cũng có thể liên quan đến nạn cháy rừng ở Úc.[2] Do đó, chúng ta không chỉ gần nhau, mà còn gắn chặt số phận với nhau. Đây cũng là lời nhắc nhở cách đặc biệt tới những người có não trạng tính toán tham lam và ích kỷ; đơn cử như nhiều người ở Việt Nam, nhất là giới quan chức, thường có suy nghĩ kiểu ‘bất chấp mọi thứ miễn là có thể đảm bảo cho mình một tương lai an toàn ở Trời Tây’.
Bài học thứ ba là chúng ta đang có cơ hội truy vấn lại hệ thống vận hành của xã hội hiện đại ở mọi khía cạnh, từ chính trị cho tới kinh tế, văn hoá. Trong cơn đại dịch này, hầu như cả thế giới đang phải sống chậm lại, đồng thời nó khiến ta liên tục đặt ra các câu hỏi nghi ngờ. Chúng ta thấy mọi thứ đều mịt mù: khi nào thì dịch bệnh có thể kết thúc? Liệu hệ thống chính phủ này có đủ sức kiểm soát? Liệu có những che dấu gian trá về mặt thông tin? Thế giới sẽ thế nào sau dịch bệnh? Liệu nền kinh tế có bị sụp đổ? vv. Tất cả các hệ thống và lề lối quen thuộc mà ta từng mặc định chấp nhận thì nay đều bị đặt vào dấu hỏi.
Nhưng việc truy vấn đó là điều rất quý giá. Chúng ta cần cùng nhau xét lại xem những hệ thống nào còn thật sự cần thiết; và trong mỗi hệ thống, những yếu tố nào còn mang lại ích lợi thiết thực cho con người. Ví dụ, xét về mặt kinh tế, hệ thống hiện đại dường như đã và đang mang lại quá nhiều thứ bất cập. Cuộc cách mạng công nghiệp đã dần dà tạo nên một lối sống tiêu thụ, hoang phí, đi kèm với một não trạng kệch cỡm, phù vân; cùng với đó, hệ thống phân phối kiểu thương mại dịch vụ không chỉ tha hoá bản chất của lao động, mà còn gây nên sự bất công và khoảng cách đói nghèo ngày càng tăng. Vì vậy, dù điều này khó xảy ra, nhưng nếu toàn nhân loại cùng đặt vấn đề về hệ thống hiện tại, chúng ta có cơ may tìm cách xây dựng một hệ thống kinh tế mới tốt lành hơn, trong đó tài nguyên thiên nhiên được trân trọng và gìn giữ hơn, sức lao động được trả lại giá trị đúng mức hơn, và các hình thức lao động thủ công có cơ hội được thúc đẩy nhiều hơn.
Ở khía cạnh tương quan xã hội, nhịp sống chậm trong thời gian cách ly có thể là cơ hội tuyệt vời để ta tìm lại những giá trị đích thực của con người, trong tư cách là những hữu thể mang bản chất xã hội. Nói như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong bài giảng đã đề cập, “cơn đại dịch tỏ cho con người thấy cách chúng ta đã lơ là và bỏ qua điều nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban sức mạnh cho cuộc sống và cho cộng đoàn. Nó vạch trần những tư tưởng khép kín cũng như sự quên lãng đối với những gì nuôi dưỡng hồn cốt của dân tộc chúng ta.” Vâng, khi chúng ta sống chậm lại, chúng ta có đủ thời gian để quan sát, để lắng nghe, để hướng đến những mỗi bận tâm và tương quan cần thiết. Đó có thể lời hỏi thăm dành cho bố mẹ, lời động viên đối với bạn bè, hay phút suy nghĩ đến những nạn nhân đang đau khổ. Đó là một chút chăm sóc cây cối và các con vật, hay niềm vui thưởng lãm vẻ đẹp tự nhiên của tạo hoá. Và đặc biệt, đó có thể là những giờ phút nối lại mối thân tình với Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện và chờ đợi con người. Nhịp sống hối hả thời hiện đại, với lượng thông tin khổng lồ và những thứ bận tâm hoàn toàn vô nghĩa, đã từng khiến chúng ta đánh mất tất cả những điều đó. Nó đã làm tê liệt nền văn hoá sống động, và biến ta thành những ‘sinh thể robot’. Vì vậy, một cơ hội đang mở ra cho chúng ta trở về với lối sống khiến chúng ta thật sự là người hơn.
Nói tóm lại, nếu đặt cơn đại dịch Corona trong bối cảnh chung của cuộc khủng hoảng sinh thái, chúng ta như có thể nghe thấy tiếng kêu than của Mẹ Thiên Nhiên khi con cái mình đang tiệm cần đến ‘lằn ranh đỏ’ của sự huỷ diệt. Mẹ chung của chúng ta đang như một cỗ máy bị quá tải bởi bao gánh nặng vô ích và phi lý do lối sống con người chồng chất lên. Giữa thông điệp đó, chúng ta đang có rất nhiều bài học thức tỉnh được mở ra; tất cả đều tựu trung ở lời mời gọi thay đổi lối sống. Điều quan trọng là chúng ta có thật sự chịu lắng nghe, ý thức và can đảm thực hiện hay không.
Cả thế giới đang nói nhiều đến tinh thần liên đới với các nạn nhân của đại dịch Corona. Nhưng thiết tưởng, một trong những cách thiết thực và ý nghĩa nhất để thể hiện tinh thần này chính là thực hiện lời mời gọi nói trên. Chúng ta có thể chứng tỏ rằng cái chết của các nạn nhân không trở nên vô nghĩa khi nó đã góp phần vào việc thể hiện thông điệp chung của Mẹ Thiên Nhiên để thức tỉnh lương tâm con người! Thậm chí có thể nói, nếu chúng ta thay đổi lối sống, họ sẽ đóng vai người hùng, vì cái chết của họ đã góp phần vào tiến trình phục hồi lương tri và sự tồn vong của nhân loại. Ước gì một viễn tượng mới về một thế giới tốt lành và nhân bản đang dần được hình thành ngay trong lòng hoàn cảnh đau thương của cơn dịch bệnh này!
Khắc Bá, SJ
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt
________________
[1] Bài Giảng trong buổi ban phép lành Urbi et Orbi, ngày 27/03/2020.
[2] vnexpress.net