Ngày quốc tế chống nạn buôn người
***
Ngày 30 tháng 7 vừa qua là Ngày quốc tế lần thứ 5 chống nạn buôn người. Ngày này do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thành lập với mục đích gây ý thức cho cộng đồng quốc tế về tình trạng của các nạn nhân và thăng tiến việc bảo vệ các quyền lợi của họ
Nạn buôn người
Mỗi năm có hàng chục triệu người trên thế giới trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người. Đây là hiện tượng nô lệ mới trong thế kỷ 21. Nó là hậu quả của các tình trạng xã hội kinh tế như nghèo túng, bạo lực gia đình, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, thiếu đào tạo giáo dục… Nhưng nó cũng là hậu quả của chiến tranh xung khắc, các cuộc khủng hoảng nhân đạo và các điều kiện khí hậu khắc nghiệt bó buộc dân chúng phải rời bỏ quê hương để sống còn. Trong số các nạn nhân của tệ nạn buôn người có rất đông phụ nữ và trẻ em, là các giai tầng dễ trở thành mồi ngon của các tổ chức buôn người. Năm nay, nhân Ngày quốc tế chống nạn buôn người, Nhóm liên văn phòng của Liên Hiệp Quốc chống nạn buôn người, trong đó có Cao ủy tị nạn Liên Hiêp Quốc, lôi kéo sự chú ý và dấn thân đối với các trẻ em và người trẻ, chiếm 28% tổng số các nạn nhân, trong đó có 20% là trẻ nữ và 8% là trẻ nam.
Buôn người là tội phạm khai thác phụ nữ trẻ em và đàn ông cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cưỡng bách lao động, nô lệ tình dục, buôn bán cơ phận. Theo Tổ chức lao động quốc tế, hiện nay trên thế giới có 21 triệu người là nạn nhân của việc cưỡng bách lao động, kể cả khai thác tình dục. Đây là hiện tượng liên quan tới mọi quốc gia trên thế giới. Theo bản tường trình của văn phòng kiểm soát ma túy và phòng ngừa tội phạm, trẻ em hầu như chiếm một phần ba tổng số các nạn nhân buôn bán người trên toàn thế giới, 71% tổng số các nạn nhân là phụ nữ và thiếu nữ.
Bản tường trình có tựa đề “Các nô lệ nhỏ vô hình 2018”, do tổ chức “Cứu trẻ em” công bố, cho biết chỉ trong năm 2016 đã có tới 10 triệu trẻ em và người trẻ bị bắt buộc sống như nô lệ, bị bán, bị khai thác lao động và tình dục. Các em chiếm 25% tổng số hơn 40 triệu người phải sống trong các điều kiện này.
Chương trình hành động toàn cầu
Hồi năm 2010, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã đề ra “chương trình hành động toàn cầu” và kêu gọi các chính quyền toàn thế giới có các biện pháp phối hợp trung thực chống tệ nạn buôn người. Chương trình dự kiến đưa việc chống nạn buôn người vào trong các dự án rộng lớn hơn của Liên Hiệp Quốc, nhằm mục đích thăng tiến phát triển và củng cố an ninh trên toàn thế giới.
Một trong các quyết định nền tảng của chương trình là việc thành lập một ngân quỹ tin tưởng thiện nguyện của Liên Hiệp Quốc để trợ giúp các nạn nhân, đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em. Ngân quỹ tạo dễ dãi cho việc trợ giúp và bảo vệ hữu hiệu các nạn nhân qua việc tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động trong lãnh vực này.
Trong các năm tới đây, ngân quỹ sẽ dành ưu tiên cho các nạn nhân đến từ các vùng có chiến tranh và xung đột vũ trang, cũng như cho các nạn nhân của các làn sóng di cư tị nạn. Ngoài ra cũng sẽ trợ giúp nhiều hơn cho các nạn nhân nô lệ tình dục, khai thác cơ phận và bị bó buộc ăn xin, nạn tội phạm và các lãnh vực mới của việc khai thác, chẳng hạn như trồng cấy da và phim ảnh dâm ô trên mạng.
Ông Yury Fedotov, giám đốc văn phòng Liên Hiệp Quốc chống ma túy và tội phạm, cho biết các trẻ em không chỉ là nạn nhân của nạn buôn người vì chiến tranh xung khắc, nhưng cũng do việc sử dụng liên mạng, App và Chat room, qua đó các em bị các tổ chức buôn người dụ dỗ. Đây là nạn tội phạm vi tính.
Ngày quốc tế chống nạn buôn người
Trong năm 2013, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhóm một phiên họp để lượng định chương trình và quyết định lấy ngày 30 tháng 7 làm Ngày quốc tế chống nạn buôn người. Vào tháng 9 năm 2015, thế giới đã đưa ra chương trình hành động năm 2030 cho việc phát triển có thể thực hiện được, chia sẻ các mục tiêu liên quan tới nạn buôn người. Các mục tiêu này nhắm chấm dứt nạn buôn trẻ em và bạo hành chống lại trẻ em, cũng như cần đưa ra các biện pháp chống nạn buôn người và loại trừ mọi hình thức bạo lực chống lại việc khai thác phụ nữ và thiếu nữ.
Có một yếu tố khác quan trọng đưa tới Tuyên ngôn New York. Trong số 19 dấn thân được các quốc gia chấp nhận Tuyên ngôn, có 3 dấn thân liên quan tới hành động cụ thể chống lại tội phạm buôn người và chuyên chở người di cư. Văn phòng Liên Hiệp Quốc chống ma tuý và tội phạm viết tắt là UNOCD trong tư cách là tổ chức giữ gìn Thỏa hiệp Liên Hiệp Quốc chống tội phạm có tổ chức ngoài biên giới quốc gia, viết tắt là UNTOC, cũng như các Hiệp nghị thư liên hệ, trợ giúp các chính quyền thành viên trong các nỗ lực thực thi Hiệp nghị thư để ngăn ngừa, đàn áp và trừng phạt nạn buôn người.
Khoản 3 của Hiệp nghị thư về việc ngăn ngừa, đàn áp và trừng phạt nạn buôn người định nghĩa buôn người là việc tuyển mộ, chuyên chở, chứa chấp hay tiếp đón người qua việc đe dọa, dùng sức mạnh, các hình thức bắt buộc khác như bắt cóc, lừa đảo, lừa dối, lạm dụng quyền bính hoặc một địa vị dễ bị tổn thương; hay qua việc cho, nhận tiền trả hoặc dùng lợi thế để có được sự đồng ý của một người có quyền bính trên một người khác với mục đích khai thác. Qua khai thác người ta hiểu như là tối thiểu khai thác mại dâm người khác, các hình thức khai thác tình dục, làm việc hay bị bắt buộc, nô lệ, các thực hành tương tự, bị khống chế, bị ăn cắp cơ phận.
Trẻ em tị nạn, di cư và di tản là các tầng lớp đặc biệt dễ bị tổn thương
Tổ chức UNICEF và Nhóm điều hợp các tổ chức chống nạn buôn người ICAT cho biết trong các vùng như Phi châu dưới sa mạc Sahara có tới 64% nạn nhân là trẻ em, còn trong vùng Trung Mỹ và quần đảo Caraibi, có 62% là nạn nhân của nạn buôn người. Tuy nhiên, con số thật sự còn cao hơn nhiều. Thực tại là vì các trẻ em ít khi bị nhận diện như là các nạn nhân của nạn buôn người. Ít trẻ em dám lên tiếng vì sợ các tay buôn người, vì thiếu các tin tức liên quan tới các lựa chọn có thể, vì không tin cậy các chính quyền, vì sợ bị chú ý hay sợ có thể bị bắt hồi hương mà không có một che chở nào và một trợ giúp vật chất nào.
Các trẻ em tị nạn, di cư và di tản là tầng lớp đặc biệt dễ tổn thương đối với nạn buôn người. Lý do vì chúng đang trốn chạy chiến tranh và bạo lực, hay đang tìm các cơ may tốt đẹp hơn cho việc đào tạo hay nâng đỡ. Rất ít trẻ em tìm ra các con đường di chuyển bình thường và an toàn với gia đình các em. Điều này gia tăng khả năng các em và những thành phần khác trong gia đình theo các lộ trình không bình thường và nguy hiểm hơn, hay trẻ em di chuyển một mình, và như thế khiến các em dễ bị tổn thương hơn nữa vì bạo lực, lạm dụng và khai thác từ phía các tay buôn người.
Bà Henrietta Fore, Tổng giám đốc UNICEF, cho biết “Việc buôn người là một đe dọa vô cùng cụ thể đối với hàng triệu trẻ em trên thế giới, đặc biệt là các trẻ em bị bó buộc bỏ nhà cửa và cộng đoàn mà không có sự che chở thích hợp. Các em cấp bách cần được chính quyền gia tăng nỗ lực bảo vệ và giữ gìn trong an ninh. Trong nhiều bối cảnh thiếu các giải pháp trợ giúp, có việc trợ giúp dài hạn, tái hội nhập và che chở các em. Có nhiều hệ thống che chở trẻ em và người trẻ không đủ các phương tiện tài chánh, và rất thiếu người bảo vệ trên bình diện luật pháp và các hệ thống bảo vệ khác. Trẻ em thường bị đưa tới các cơ cấu không thích hợp, trong đó các em có nguy cơ bị chấn thương tâm thần, và càng trở thành nạn nhân hơn. Những người trẻ nạn nhân thì có thể gặp các chướng ngại khác vì các cung cách đối xử thuộc lòng ngăn cản không cho họ có được sự trợ giúp cần thiết, trong khi các bạn trẻ nữ có thể gặp nguy cơ bị khai thác và lạm dụng vì bị kỳ thị và vì nghèo.
Tổ chức “Cứu trẻ em” cho biết trong năm 2016 đã có khoảng 1 triệu trẻ em vị thành niên là nạn nhân của việc khai thác tình dục. Đây là hiện tượng xảy ra cả trong nước Italia, cách riêng trong vùng biên giới Ventimiglia. Các trẻ em đa số đến từ vùng Sừng Phi châu và các nước miền nam sa mạc Sahara bị dụ dỗ mại dâm để trả lộ phí vượt biên giới. Giữa tháng giêng năm 2017 và tháng 3 năm 2018 đã có 1.904 nạn nhân, trong đó có 1.744 người trẻ gồm 18 hay 16 tuổi và có 160 trẻ vị thành niên, trong đó có 68% là người Nigeria, và 29% người Rumania.
Các giải pháp bảo vệ an ninh cho trẻ em
Hai tổ chức UNICEF và ICAT tiếp tục yêu cầu các chính quyền thực thi đường lối chính trị, và có các giải pháp vượt biên giới để bảo vệ an ninh cho các em, trong đó có mấy điều sau đây:
Thứ nhất, gia tăng các đường lối chắc chắn và hợp pháp để các trẻ em có thể di chuyển với gia đình, cả bằng cách tăng tốc việc xác định tình trạng tị nạn, giải quyết các chướng ngại luật lệ và thực hành ngăn cản việc đoàn tụ các em với gia đình mình.
Thứ hai, củng cố các hệ thống bảo vệ xã hội cho trẻ em và người trẻ để phòng ngừa, định hướng và trả lời cho các trường hợp buôn người, bạo lực, lạm dụng và khai thác bóc lột trẻ em, và đáp ứng các nhu cầu chuyên biệt của các em theo từng lứa tuổi.
Thứ ba, bảo đảm rằng các giải pháp được hướng dẫn bởi việc lượng định cá nhân theo từng trường hợp và xác định lợi ích cao hơn của các em cũng như việc tham gia của các em vào tiến trình này phù hợp với lứa tuổi và sự trưởng thành của mỗi em.
Thứ bốn, cải thiện việc cộng tác vượt ngoài biên giới, trao đổi thông tin giữa các giới chức kiểm soát biên giới cũng như các chính quyền có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em và thực thi các tiến trình tìm kiếm và đoàn tụ gia đình, các cơ quan bảo vệ trẻ em không được gia đình trợ giúp.
Thứ năm, tránh các biện pháp có thể thúc đẩy các trẻ em lựa chọn những lộ trình nguy hiểm hơn và di chuyển một mình để tránh bị bắt giam bởi các lực lượng an ninh.
Theo tổ chức “Cứu trẻ em” trên thế giới hiện có 10 triệu trẻ bị bó buộc sống kiếp nô lệ, bị bán và bị khai thác bóc lột sức lao động hay tình dục.
Linh Tiến Khải – Vatican