– Tại sao con đưa nhiều gam màu xanh vào bài vẽ của con vậy? – Người họa sĩ hỏi cậu học trò nhỏ.
– Vì con thích nhất là màu xanh. – Cậu bé trả lời.
– Thế còn các màu khác như vàng, đỏ, cam, nâu thì sao? Chắc con không thích chúng nên ít dùng đến có phải không?
– Dạ vâng ạ! – Cậu thẳng thắn.
– Còn các màu tím, xám, đen… thì sao? – Người họa sĩ hỏi tiếp.
– Con ghét những màu ấy!
Người họa sĩ dừng một lát, rồi chỉ vào bức tranh và từ tốn nói:
– Con hãy nhìn xem, bức tranh của con tuy cảnh vật phong phú, không gian thoáng rộng nhưng lại thiếu đi sự sinh động, tinh tế. Cái hồn của bức tranh cũng không có cơ hội để tỏa sáng. Vì sao vậy? Vì nó thiếu đi những sắc màu của hiện thực. Con đã cố tình không cho những sắc màu ấy vào bức vẽ của mình vì con không thích chúng, nhưng cũng chính vì vậy mà bức tranh của con trông rất buồn tẻ. Khi vẽ, cũng như khi sống trên đời, con không thể chỉ biết tới những điều mình thích mà thôi, mà còn có rất nhiều thứ liên quan khác làm cho cuộc sống này sinh động, muôn màu muôn vẻ. Con hãy mở rộng lòng mình đón lấy mọi điều của cuộc sống này. Đó cũng là cách mà một người họa sĩ có thể sáng tạo nên những bức tranh có hồn và thật sự đi vào lòng người.
Bài học đầu tiên ấy, cậu bé ghi nhớ mãi trong lòng mình. Thời gian dần trôi, từ bài học đó, cậu bé nghiệm ra rằng, cuộc sống này là một chuỗi những mối quan hệ tương tác lẫn nhau.
Là một phần tử trong hệ thống những mối quan hệ đó, chúng ta không thể co mình lại trong cái vỏ ốc ích kỷ của mình được. Một điều gần gũi nhất, đó là chúng ta không phải chỉ biết yêu thương người thân, gắn bó với những người mình yêu quý, mà còn phải mở rộng tấm lòng với tất cả những người xung quanh, kể cả những người mà ta từng ghét bỏ hay chưa từng cảm thấy yêu thương. Tất cả những con người ấy chính là những nhân tố để làm bức tranh cuộc sống của mỗi chúng ta trở nên hoàn thiện.