Khái niệm sinh thái toàn diện
của Đức giáo hoàng Phanxicô:
Mọi sự đều được kết nối
***
Sinh thái toàn diện là một khái niệm chủ chốt trong chương bốn của Laudato Si’, thông điệp mới đây của Đức giáo hoàng Phanxicô về môi sinh. Khái niệm này phát xuất từ chỗ Đức giáo hoàng hiểu rằng “mọi sự đều liên hệ chặt chẽ với nhau”, và “các vấn đề của hôm nay đòi hỏi người ta phải có một tầm nhìn biết xem xét mọi phương diện của cuộc khủng hoảng toàn cầu” (137).
Các mối tương quan diễn ra ở cấp độ của nguyên tử và phân tử, giữa các loài thực vật và động vật, và giữa các giống loài trong các mạng lưới và hệ thống sinh thái. Chẳng hạn, ngài chỉ ra “Chúng ta chỉ cần gợi nhắc việc các hệ sinh thái tương tác với nhau như thế nào trong việc làm khuếch tán khí carbon điôxít, làm sạch nước, kiểm soát bệnh tật và bệnh dịch, khai phá đất đai, xử lý rác thải, và bằng nhiều cách khác mà chúng ta xem nhẹ hay không biết đến” (140).
Môi trường cũng không được xem xét cách biệt lập. Đức giáo hoàng nói “Thiên nhiên không thể bị coi là một điều gì đó tách ra khỏi bản thân chúng ta hoặc như chỉ là một bối cảnh trong đó chúng ta sống. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, được bao gồm trong đó và do đó ở trong một mối tương tác liên lỉ với môi trường” (139).
Bởi thế, nếu chúng ta muốn biết “lý do vì sao một nơi được cho là đã bị ô nhiễm” chúng ta phải nghiên cứu “vận hành của xã hội, nền kinh tế của nó, các khuôn mẫu hành vi của nó, và các cách thế nó nắm bắt thực tại”. Trong khi xem xét các giải pháp cho cuộc khủng hoảng môi sinh, chúng ta phải “tìm kiếm những giải pháp toàn diện là những giải pháp có xét đến những tương tác với chính các hệ thống thiên nhiên và với các hệ thống xã hội” (139).
Những mối tương quan này giúp Đức Phanxicô thấy rằng “chúng ta đang phải đối diện không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một cuộc khủng hoảng môi trường và một cuộc khủng hoảng xã hội, mà hơn thế là với một cuộc khủng hoảng phức tạp cả về môi trường lẫn xã hội”. Do đó, “các chiến lược để tìm một giải pháp đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện để chống lại cái nghèo, khôi phục phẩm giá cho người bị loại trừ, và đồng thời bảo vệ thiên nhiên”. Trong một “nền sinh thái kinh tế” như thế, việc bảo vệ môi trường được nhìn như là “một phần thiết yếu của tiến trình phát triển và không thể được xem xét cách biệt lập khỏi tiến trình” (141).
Ngài cũng kêu gọi một “nền sinh thái xã hội” biết nhìn nhận “sự lành mạnh của các tổ chức xã hội cũng có những tác động lên môi trường và chất lượng cuộc sống con người”. Điều này bao gồm gia đình, vốn là cộng đồng xã hội đầu tiên, và những cộng đồng rộng lớn hơn ở địa phương, quốc gia, quốc tế”. Khi những tổ chức xã hội này yếu đi, thì hậu quả sẽ là bất công, bạo lực, mất tự do, thiếu tôn trọng luật pháp – tất cả những cái đó gây hậu quả cho môi trường (142).
Đức giáo hoàng Phanxicô cũng lập luận điều quan trọng là chú tâm đến “nền sinh thái văn hóa” nhằm bảo vệ các kho tàng văn hoá của nhân loại. Thế nhưng, “văn hoá là cái gì còn hơn cả những gì chúng ta đã thừa hưởng từ quá khứ; nó cũng là, và trên hết là một thực tại sống động, năng động và hiện hữu thông dự, là điều không thể bị loại trừ khi chúng ta nghĩ lại về mối quan hệ giữa con người và môi trường” (143).
Ngài phê phán quan điểm hưởng thụ về con người, được khuyến khích bởi hiện tượng toàn cầu hoá, “có một tác động san bằng các nền văn hoá, làm giảm suy sự đa dạng phong phú vốn là di sản của toàn thể nhân loại”. Các tiến trình mới phải tôn trọng các nền văn hoá địa phương. “Cần thiết phải tôn trọng các quyền của các dân tộc và các nền văn hoá, và biết trân trọng sự phát triển của một nhóm xã hội giả thiết một tiến trình lịch sử diễn ra trong một bối cảnh xã hội và đòi hỏi người dân địa phương phải dấn mình thường xuyên và tích cực ngay từ bên trong nền văn hoá của họ” (144).
Sự nối kết hỗ tương này có ý nghĩa là “việc khai thác và làm suy thoái môi trường không chỉ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên vốn mang lại cho các cộng đồng địa phương kế sinh nhai, nhưng còn xoá bỏ những cấu trúc xã hội, điều mà trong một thời gian dài đã hình thành nên căn tính văn hoá và cảm thức của họ về ý nghĩa cuộc sống và cộng đồng” (145). Ngài lưu ý, “ở nhiều nơi trên thế giới, các cộng đồng dân bản địa bị áp lực buộc họ phải rời bỏ quê hương của họ để nhường chỗ cho các dự án nông nghiệp hay quặng mỏ, những dự án ấy được thực hiện bất kể sự suy thoái của thiên nhiên và văn hoá” (146).
Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nói đến nền sinh thái của đời sống hằng ngày “trong phòng của chúng ta, nhà của chúng ta, nơi làm việc và láng giềng của chúng ta”. Chúng ta cố gắng tạo nên môi trường của mình như một cách thể hiện căn tính của chúng ta, nhưng “khi nó bị mất trật tự, hỗn loạn, hay bão hoà với những tiếng ồn và vẻ xấu xí, bị kích thích quá mức như thế sẽ làm cho ta cảm thấy mình khó nguyên tuyền và hạnh phúc” (147).
Ngài ngạc nhiên trước cái khả năng của người nghèo thực thi sinh thái nhân văn, “nơi họ một cuộc sống xã hội lành mạnh có thể thắp sáng một môi trường có vẻ bề ngoài không đáng mong ước. Và “các giới hạn của môi trường được bù đắp bởi đời sống nội tâm của mỗi người cảm thấy được gắn bó trong một mạng lưới của tình liên đới và thuộc về” (148).
Đức Phanxicô nhìn nhận rằng “Tình trạng cực nghèo ở những khu vực thiếu hoà hợp, thiếu những không gian mở hoặc tiềm năng hội nhập, có thể là hoàn cảnh ngự trị cho sự tàn bạo hay các tổ chức tội phạm khai thác,” nhưng “tôi muốn khẳng định rằng tình yêu luôn luôn cho thấy mạnh mẽ hơn” khi người ta “biết dệt nên những mối liên kết thuộc về và hợp đoàn cùng nhau, vốn có thể biến đổi một đám đông nhung nhúc thành kinh nghiệm sống của một cộng đồng trong đó các bức tường vị kỷ bị phá đổ và các rào cản của ích kỷ được vượt thắng” (149).
Ngài nhìn nhận tầm quan trọng của những việc thiết kế kiến trúc và quy hoạch đô thị, nhưng những việc này phải phục vụ chất lượng sống của người dân và phải luôn luôn xét đến những quan điểm của những người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng. Những quy hoạch đó phải bảo vệ những nơi chung và phát triển việc xây dựng nhà ở và giao thông công cộng giá thấp.
Ngài cũng trích lời của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói về một “nền sinh thái của con người” dựa trên sự thật là “con người cũng có một bản tính tự nhiên phải được tôn trọng và con người không thể thao túng tùy tiện”. Ngài lưu ý, “nghĩ rằng chúng ta có quyền tuyệt đối vui hưởng trên thân xác mình sẽ biến đổi cách tinh tế dần thành suy nghĩ chúng ta có quyền tuyệt đối vui hưởng trên công trình tạo thành”.
Ngài kêu gọi ở đây “biết quý trọng thân xác, nam hay nữ, của bản thân mình” để rồi “chúng ta có thể vui mừng đón nhận những tặng phẩm đặc biệt, là một người nam hay người nữ khác, công trình của Thiên Chúa Tạo Thành và làm phong phú lẫn nhau”. Ngài nói, “Quả là một thái độ không lành mạnh nếu người ta tìm cách loại bỏ sự khác biệt tính dục vì không còn biết làm sao đối diện với nó nữa” (155).
Đức giáo hoàng Phanxicô lập luận, một nền sinh thái nhân văn không thể bị tách rời khỏi khái niệm về công ích, điều ngài gọi là một “nguyên lý trung tâm và thống nhất của đạo đức xã hội”. Trích Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay của Công đồng Vatican II, ngài xác định công ích là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn”.
Công ích kêu gọi người ta tôn trọng nhân vị cũng như phúc lợi toàn thể của xã hội và sự phát triển của các tập thể trung gian khác nhau. Công ích đòi hỏi hòa bình, ổn định và an ninh xã hội, điều này “không thể hoàn tất được nếu không quan tâm đặc biệt đến công bằng phân phối” (157).
Đối với Đức giáo hoàng Phanxicô, hiển nhiên là “nơi nào đầy rẫy bất công và ngày càng có nhiều người bị tước đoạt những quyền căn bản của con người và bị coi rẻ, thì nguyên tắc công ích lập tức trở nên lời hiệu triệu hãy đoàn kết và lựa chọn ưu tiên những người nghèo nhất trong những anh chị em của chúng ta” (158).
Cuối cùng, quan điểm của Đức giáo hoàng Phanxicô về sinh thái toàn diện và công ích bao gồm công lý giữa các thế hệ. Trở lại với viễn tượng thánh kinh của ngài, ngài nói rằng “thế giới là một tặng phẩm chúng ta đón nhận tự do, và phải chia sẻ cho những người khác”. Điều này gồm cả những thế hệ tương lai. “Thế giới chúng ta đón nhận cũng thuộc về những thế hệ tiếp theo sau chúng ta”. Như các giám mục Bồ Đào Nha đã nói, môi sinh “được vay mượn từ mỗi thế hệ, và rồi mỗi thế hệ lại phải trao lại cho thế hệ kế tiếp” (159).
Ngài kết thúc chương bốn với một chất vấn thách thức, “loại thế giới nào chúng ta muốn trao lại cho những người đến sau chúng ta, cho con cháu chúng ta hiện đang lớn lên?” (160). Ngài sợ rằng “những lời tiên báo về tận thế không còn có thể được trả lời bằng thái độ mỉa mai và coi thường nữa”. Trái lại, “sự tiêu thụ quá mức, rác thải, sự biến đổi môi sinh đã kéo căng khả năng của hành tinh này quá đến nỗi lối sống hiện nay của chúng ta, vốn đã không ổn, chỉ có thể càng mau gây thảm họa, như những thảm họa hiện nay đang xảy ra theo chu kỳ ở những vùng khác nhau trên thế giới” (161).
Theo Đức giáo hoàng Phanxicô, sự suy thoái đạo đức và văn hoá đi kèm theo với sự làm hỏng môi sinh buộc chúng ta tự chất vấn những câu hỏi cơ bản về cuộc sống: “Đâu là mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế giới này? Tại sao chúng ta ở đây? Đâu là mục đích của việc chúng ta đang làm và tất cả những nỗ lực của chúng ta nhằm tới cái gì? Trái đất cần gì từ chúng ta?
Đức giáo hoàng kêu gọi theo đuổi một nền sinh thái toàn diện biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi tầm nhìn nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh và nhân văn. ■
Thomas Reese, S.J.*
Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ
–––––––––––––––––––––
* Linh mục Thomas Reese, S.J. là một nhà phân tích kỳ cựu của NCR (National Catholic Reporter)
và là tác giả của Inside the Vatican: The Politics and Organization of the Catholic Church (1996)