Tôi chọn niềm vui nào?
***
Tiếng Việt chúng ta rất phong phú khi diễn tả về cái cười, với những thành tố đi kèm khác nhau như: vui cười, buồn cười, tức cười, mắc cười, nực cười… Nhưng cũng có cả những “chuyện cười ra nước mắt” nữa! Điều này phản ảnh nhiều cung bậc cảm xúc của con người.
1. Niềm vui của Bạn đến từ đâu?
Chắc các Bạn cũng đồng ý rằng niềm vui tùy thuộc nhiều yếu tố, từ cá tính, tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh, môi trường đến các mối quan hệ gia đình, xã hội, đồng nghiệp v.v… Tuy nhiên, chính niềm vui hay nỗi buồn sẵn có bên trong chúng ta cũng tác động hay ảnh hưởng đến môi trường, ngoại cảnh và tha nhân xung quanh. Chẳng hạn như lời bộc bạch của thi hào Nguyễn Du qua Truyện Kiều: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Có những niềm vui không chính đáng khi nó mang tính duy vật chất, phát xuất từ ước muốn trả đũa hay đi ngược lại với lòng nhân ái, như tác giả sách Gióp đã nêu lên:
Phải chăng tôi mừng vui vì có nhiều của cải, vì tài sản do tay tôi làm ra?
Phải chăng tôi mừng vui khi kẻ thù lâm nạn, và hoan hỷ khi nó gặp tai ương?
(Gióp 31,25.29)
Tìm vui trên sự đau khổ của người khác; trục lợi tinh thần hay vật chất mà đối xử bất công với tha nhân; lạm dụng lòng tốt của người khác để thỏa mãn nhu cầu cá nhân; hạ giá, khinh dễ anh chị em nhằm đề cao bản thân… đều là những lối ứng xử trái nghịch với đạo làm người. Loại niềm vui như thế không thể bền vững và thường là nguyên nhân gây bất an cho cá nhân cũng như tập thể.
Do đó, đôi khi ta không hiểu “vì sao tôi buồn”, nhưng không khó mấy để tìm biết nguyên do của niềm vui mình đang có. Việc này thật cần thiết, nếu chúng ta muốn canh tân đời sống, vì niềm vui gắn liền với nhân cách của con người.
“Hãy nói cho tôi biết vì sao Bạn vui, tôi sẽ nói cho Bạn biết Bạn là ai!”
2. Niềm vui thực sự của tôi là gì?
Tùy theo tính cách, giới tính, sở thích, nghề nghiệp, bậc sống… mà niềm vui của mỗi người có thể mang những nét đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Chân-Thiện-Mỹ, nên niềm vui đích thực của chúng ta sẽ có cùng mẫu số chung là: phát xuất từ cái đẹp, quy về sự thiện hảo và giúp chúng ta hướng thượng.
– Trừ trường hợp bị khiếm thị, chắc các bạn cũng cảm thấy vui như tôi, khi được chiêm ngắm cảnh đẹp thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật nhân tạo (hội họa, nhiếp ảnh); nhìn thấy một công trình kiến trúc hài hòa hay một nội thất được trang trí hòa nhã, ngắm một bông hoa hay một bình hoa được cắm một cách chăm chút, khéo léo.
– Nghe một điệu nhạc nhẹ du dương, một giọng ca thanh thoát, một bài thơ ý vị, thưởng thức ca từ giàu hình ảnh và ý nghĩa có thể làm lòng an tịnh và trí ta thư giãn, sau một ngày lao nhọc vì miếng cơm manh áo hay để chu toàn bổn phận, trách nhiệm được giao phó.
– Nghe tiếng cười đùa đơn sơ và nhìn vào ánh mắt long lanh của trẻ thơ khiến tôi vui vì cảm nhận được sự hiện diện và hình ảnh của Thiên Chúa một cách sống động và gần gũi.
– Gần đây, một niềm vui tinh thần cũng đến với tôi khi đọc thấy trong đề thi môn ngữ văn, kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2015, có trích đoạn về “Hội chứng vô cảm hay căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nhất là nỗi đau của người khác…” với câu hỏi đặt ra là: “Anh/Chị nghĩ như thế nào khi có những người chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần”? (Trích Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa, Bài tập ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 36-37).
Tôi vui vì bên cạnh những luận đề mang tính xã hội-chính trị, các thí sinh – giới trẻ sắp vào đời – được chất vấn về tình người và tương quan giữa con người với nhau. Hy vọng rằng khi tính nhân văn thực sự được đề cao trong giáo dục, tuyển sinh, các thế hệ tương lai mới quan tâm đến việc thành nhân hơn là thành công.
– Gặp gỡ một bệnh nhân đang sống với căn bệnh hiểm nghèo, mà vẫn lạc quan, tín thác vào Chúa, yêu người và yêu đời, ai cũng dễ cảm thấy ngạc nhiên và vui cảm phục. Đây là niềm vui của Đức tin và người tin.
3. Làm thế nào để vui luôn?
Thánh Phaolô mời gọi tín hữu Philípphê xưa và chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4, 4)
Nhưng làm sao vui luôn được khi bản thân mình và anh chị em chung quanh còn đầy bất an, bất ổn, bất bình và sống trong một hoàn cảnh bất định? Câu hỏi này chẳng dễ trả lời chút nào, phải không các Bạn, nhất là khi chúng ta chỉ ngồi suy tư hay lý luận với nhau mà chẳng dấn thân vào một hành động cụ thể nào hết?
Đức Giáo hoàng Phanxicô đề nghị Kitô hữu kín múc niềm vui nơi Thánh Tâm của Đức Kitô phục sinh và “hãy làm mới lại cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, hay ít ra hãy để lòng mở rộng cho Người có thể gặp gỡ” chúng ta, nhờ đó niềm vui của chúng ta mỗi ngày được nên mới. Hơn nữa, khi một niềm vui được sẻ chia, niềm vui sẽ được lan tỏa, kéo dài (xem Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 2-3).
Viết đến đây, niềm vui mùa hè thời học sinh-sinh viên chợt sống lại trong tâm trí tôi qua điệp khúc:
Hè về! Hè về! Nắng tung nguồn sống khắp nơi.
Hè về! Hè về! Tiếng ca nhịp phách lên khơi.
(Nhạc sĩ Hùng Lân)
Nếu mỗi người yêu thích và đón nhận ánh sáng sự thật, chúng ta sẽ góp phần mang sức sống và niềm vui đến mọi môi trường và khung cảnh.
Nếu ai trong chúng ta cũng tập hòa ca bài Magnificat với Mẹ Maria, khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa không ngừng tặng ban cho đời mình, các Bạn cùng tôi sẽ làm cho tâm tình hân hoan và ngợi khen Chúa thấm nhuần vào tâm hồn anh chị em gặp gỡ chúng ta.
Magnificat