HƯỚNG ĐẾN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG
***
Từ lâu, Hội Thánh Công giáo đã chọn Chúa Nhật lễ Thăng Thiên là Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội. Hội Thánh hiện nay lại đang quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình, vì thế không lạ gì khi Đức giáo hoàng Phanxicô chọn chủ đề Sứ điệp Ngày Truyền Thông năm 2015 là “Truyền thông trong gia đình”. Các gia đình Công giáo có thể học được điều gì từ sứ điệp này?
Trước hết, Đức giáo hoàng nói đến “ngôn ngữ cơ thể” (body language). Tôi muốn dùng từ ngữ khác cho dễ hiểu, là “ngôn ngữ không lời”. Con người không chỉ “nói” với nhau bằng lời, nhưng còn bằng ngôn ngữ không lời, tức là những cử chỉ, thái độ, được diễn tả qua khuôn mặt, qua hoạt động của tay, chân…
Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong đời sống gia đình là nơi người ta ăn chung một bàn, ngủ chung một nhà, làm việc chung; ở đó ngôn ngữ không lời được sử dụng thường xuyên mà nhiều khi chúng ta không ý thức. Khuôn mặt vui tươi hoặc nhăn nhó, thái độ vũ phu hay nhẹ nhàng, cử chỉ giận dữ hoặc ôn hòa… tất cả đều là những “sứ điệp truyền thông” chúng ta gửi cho nhau trong gia đình và tác động lên bầu khí chung của gia đình. Cũng vì thế, gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục truyền thông.
Chính trong gia đình, đứa trẻ học được cách truyền thông với Thiên Chúa. Khi cha mẹ đưa con vào giường ngủ và dâng nó cho Chúa, khi cha mẹ dạy con làm dấu và đọc những kinh thông thường, khi cha mẹ quy tụ con cái trong giờ kinh chung… tất cả đều là những bài học căn bản dạy con tiếp xúc, “truyền thông” với Chúa, và những thói quen đạo đức này sẽ đi theo con cái suốt cuộc đời.
Cũng trong gia đình, con cái học được cách truyền thông với mọi người trong tình yêu thương. Qua cách ứng xử của cha mẹ và anh chị em trong nhà, con cái học và tập sống sự tha thứ cho nhau, lắng nghe, thông cảm, nâng đỡ nhau. Qua sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, con cái học được cách ăn nói và cư xử lễ phép, lịch sự, nhã nhặn với mọi người, thay vì dung tục, dữ tợn, gây bất hòa với mọi người.
Chúng ta đang sống trong một thời đại có những phương tiện truyền thông hiện đại nhất. Nhưng xin đừng quên, nền tảng chính yếu vẫn là con người, vì con người mới là chủ thể truyền thông, còn những phương tiện hiện đại kia chỉ là đồ vật mà con người sử dụng. Do đó, con người vẫn là nền tảng. Những cái bị gọi là “thảm họa truyền thông” cũng đến từ “thảm họa con người”: thiếu giáo dục, thiếu ý thức, vô văn hóa. Vì thế phải huấn luyện con người, và gia đình chính là môi trường căn bản nhất cho việc đào tạo những con người biết góp phần làm cho thế giới truyền thông ngày càng tốt đẹp và mang chất Phúc Âm nhiều hơn.
Người Mỹ Tho