“Con để dành phòng khi đau ốm…”
Câu chuyện về một bà mẹ già ở miền Tây, vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.
Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ, không chịu về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đám tang rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt.
Đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: “Mẹ… Mẹ ơi…”
Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng: “Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à. Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra, lần nào cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM nghe con.”
Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có: tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều vô cùng thiêng liêng: MẸ!
NGÀY CỦA MẸ
Ngày của mẹ ra đời cách đây 100 năm do Anna Jarvis tiến hành vận động chính phủ Mỹ để thành lập một ngày lễ chỉ dành cho những người đã làm mẹ nhằm thể hiện lòng biết ơn, tri ân đối với những người phụ nữ này. Qua rất nhiều buổi thuyết trình, vận động cùng với sự quyết tâm, kiên trì của Anna tổng thống của Mỹ đã quyết định chọn ngày Chủ Nhật của tuần thứ 2 trong tháng Năm làm ngày của mẹ. Cho nên, ngày của mẹ đầu tiên được ra đời ở nước Mỹ và cho đến thời điểm này ngày của mẹ đã và đang lan rộng ra hơn 65 quốc gia khắp toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày của mẹ còn có một tên gọi khác là Ngày Hiền Mẫu (ngày dành cho những người mẹ nhân hậu).
St