Tôi biết các chiên của Tôi
***
Biết ở đây là cái biết sâu thẳm, cái biết hai chiều. Theo ngôn ngữ của thánh Gioan biết chính là yêu thương.
Một khách lữ hành đi về những vùng núi xứ Tô Cách Lan, một hôm dừng chân lại bên cạnh một đàn chiên. Bỗng ông ta chú ý đến một con chiên đang được người mục tử chăm sóc một cách đặc biệt. Con vật nằm dài trên mặt đất. Chủ nó vừa vuốt ve vừa nói chuyện với nó một cách dịu dàng, trong lúc tay không ngừng băng bó một chân của nó. Người khách bộ hành lại gần và hỏi xem cho biết việc gì. Thoạt tiên, người chăn chiên tỏ vẻ khó chịu vì phải trả lời. Nhưng sau đó vẻ thân mật của người bộ hành làm cho anh vững lòng, vì thế anh ta không ngần ngại giải thích:
“Con chiên này có những đức tính tuyệt hảo của một người hướng đạo. Khi còn lành mạnh, nó luôn luôn dẫn đầu đàn chiên, biết cách làm cho những con vật khác vâng lời nó và theo nó. Nhưng khổ thay vì quá tự tin nên nó không theo lệnh của tôi và dẫn đàn chiên theo sở thích của nó. Tôi đã tìm đủ mọi cách để thay vào chỗ của nó một con đầu đàn khác nhưng vô hiệu, vì hễ con nào có vẻ như muốn thay nó đều bị nó đánh và xua đuổi. Tình trạng của đàn chiên của tôi do đó trở nên nguy ngập. Tôi buộc lòng phải áp dụng một phương pháp khá đau đớn”.
Nói đến đây người chăn chiên như bị cảm xúc mạnh. Anh giải thích tiếp như sau: “Tôi đành phải bẻ gãy chân nó và kể từ lúc đó, con vật bị thương nên hoàn toàn tuỳ thuộc vào tôi. Mỗi buổi sáng, tôi vác nó lên vai đem ra đồng cỏ. Và buổi chiều tôi lại vác nó trên vai đem về. Nó không thể tự mình đi ăn cỏ được. Chính vì thế mà từ một tháng nay, nó ăn giữa lòng bàn tay của tôi. Những săn sóc liên tục của tôi đã tạo nên giữa tôi và nó một sự liên hệ vô cùng mật thiết. Bây giờ có lẽ nó hiểu rằng sau khi đã làm cho nó bị thương, tôi đã tìm đủ mọi cách để làm giảm bớt sự đau đớn của nó. Về phần tôi, tôi cũng biết rằng sẽ không tìm được trong tất cả đàn chiên một con nào biết vâng lời tôi hơn nó. Trong vài ngày nữa, khi nó khoẻ mạnh, tôi sẽ phục hồi lại vị trí cũ của nó”.
Vâng! Yêu thương không phải là lúc nào cũng cho ngọt cho bùi, nhưng là biết ứng xử một cách có ích, có lợi nhất cho người mình thương.
Trích bài giảng của Lm. Giuse Đinh Tất Quý