Bình an:
ước vọng hay quà tặng?
***
Chúng ta thường nghe điệp khúc “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” vào mùa Giáng sinh, nhưng thực ra quanh năm suốt tháng, ai ai cũng khát mong được bình an. Vì thế giới vẫn còn chiến tranh, cuộc đời vẫn đầy những xáo trộn, con người thường vội vã, tất bật, cảm giác bình an thật chóng qua, nên không ai lại không khát mong an bình.
Những cảnh ngộ “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng” vẫn xảy ra trong gia đình, các đoàn thể hay giáo xứ… Lý do? Người ta không chấp nhận sự khác biệt: khác ý kiến, khác sở thích, khác phương pháp, tính tình v.v… Ai cũng muốn người khác làm theo ý mình, ai cũng cho rằng mình là người duy nhất đúng. Tại sao tôi lại cảm thấy khó chịu khi tha nhân làm, sống khác tôi? Phải chăng vì tôi không còn là trung tâm của tập thể, khi người khác không thuận theo tôi, thì mình cảm thấy bất an? Rồi một khi tâm trí mình bất ổn, ta cũng dễ tạo nên sự bất an cho những người sống gần mình.
Nếu như thế thì nguyên nhân chủ yếu của sự bất ổn nơi tôi không nằm bên ngoài mà ở nơi chính bản thân mình. Do đó, tôi sẽ không bao giờ tìm ra một địa chỉ hay nơi chốn thanh bình – ngay cả chỗ vắng bóng người, mà chỉ có thể tái tạo sự an bình trong cõi tâm. Làm sao trẻ hóa và thu nhỏ cái tôi kềnh càng của mình lại để cho không gian yêu thương của trái tim giản nở rộng hơn, để cái tâm được thanh thoát, bình lặng giữa dòng đời vạn biến, ta sẽ cảm nghiệm được sự bình tâm.
Chấp nhận sự khác biệt của tha nhân một cách tích cực, tôi sẽ không còn bất bình khi anh chị em khác mình. Tôi giữ được bình an trong lòng và duy trì an bình trong tập thể hay cộng đoàn. Chính Chúa để cho họ khác mình là để làm phong phú hóa đời sống tôi. Cứ nhìn năm ngón trên bàn tay, chẳng ngón nào giống ngón nào, thế nhưng khi một ngón bị đau hay gãy, chúng ta mới kinh nghiệm sự cần thiết của từng ngón – dài ngắn khác nhau. Chính Thiên Chúa đã muốn tạo dựng nên chúng như thế, nên đôi tay ta mới hữu dụng trong việc thực hiện nhiều chức năng như ngày nay. Từ chối sự khác biệt là chối từ ý định của Thiên Chúa về con người mình và tha nhân.
Quà tặng
Con người thật là mâu thuẫn, một đàng khao khát hòa bình, nhưng đàng khác, từ trẻ con đến người lớn, người ta lại thích choi trò chiến tranh, vui thích khi làm đau người khác, chiến thắng hay triệt hạ tha nhân, trong lời nói hay nơi trò chơi điện tử. Phim ảnh, đồ chơi và trò chơi mang hình dạng vũ khí tràn lan, nhưng chúng vẫn cứ được tiêu thụ và làm nên một nguồn lợi nhuận đáng kể cho công nghệ giải trí! Một khi con người còn cái “thú đau thương” như thế thì làm sao xã hội có hòa bình được!
Đối với người Công giáo, qua mỗi Thánh lễ, chúng ta được linh mục chúc 3 lần bình an, một lần chúng ta chúc bình an cho nhau và nghe nhắc lại lời Chúa Giêsu hứa ban bình an cho các môn đệ. Thế nhưng vì sao vẫn không cảm thấy bình an? Phải chăng vì bình an chỉ dừng ở tai mà chưa đi vào tâm? Phải chăng vì bình an chúng ta trao qua nghĩa cử cuối đầu hay bắt tay nhau chỉ là những động tác hình thể mà cái tâm chúng ta còn xa nhau và xa Chúa?
Bình an là ân huệ Thiên Chúa đã ban cho mọi người qua Chúa Giêsu. Người là Hoàng tử Thái bình, nên ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu là ở đấy có bình an. Ai tiếp nhận và để Chúa Giêsu ở lại nhà mình, thì nhà đó được an bình. Và một khi cái tâm an bình, ta cũng mang bình an đến mọi người ta gặp gỡ và mọi nơi ta đến.
“Bình an như món quà Chúa ân ban cho hết mọi người…
Bình an sẽ vươn vai, sẽ thoát thai vào đời” (Quang Uy)
Hài Nhi Giêsu chính là Món Quà Giáng sinh
Chỉ cần mở lòng đón nhận, Bạn sẽ gặp được Bình An!
Hãy trao tặng anh chị em Quà Tặng Bình An!
Magnificat