Chờ Ðợi Chúa
***
Một tác giả nọ có kể một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một buổi sáng kia, người thợ giày thức giấc rất sớm, anh quét dọn cái xưởng nhỏ bé của anh cho tươm tất rồi vào trong phòng khách chờ đợi. Phải, hôm nay bằng mọi giá anh phải ngồi ở nhà để chờ đợi cho bằng được người khách quý, và người khách quý đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối hôm qua trong giấc mơ của anh, Người hiện ra và báo cho anh biết Người sẽ đến thăm nhà anh trong ngày hôm sau.
Người thợ giày ngồi trong phòng khách chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan, khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được có tiếng gõ cửa, lòng anh vừa hồi hộp vừa hân hoan. Hẳn là Chúa đang đến, anh ra mở cửa, nhưng kẻ đứng trước mặt anh không phải là Chúa mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông cho nên cái lạnh như cắt làm cho mặt mũi và tay chân của người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giày không nở để cho người nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa, anh liền mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc còn lại.
Người thợ giày lại tiếp tục ngồi vào phòng khách và tiếp tục chờ đợi Chúa đến. Nhìn qua cửa sổ anh bỗng thấy một cậu bé đi qua trước cửa nhà đang khóc sướt mướt, anh gọi nó lại và hỏi cớ sự. Ðứa bé giải thích rằng nó đã bị lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giày lấy giấy viết vài chữ để lại trên bàn để báo cho ông khách quý biết mình đang cần phải đi ra ngoài, rồi anh cầm tay đứa bé tìm đường dẫn nó về nhà. Nhưng việc dẫn đứa bé về nhà không là chuyện đơn giản và nhanh chóng, mãi đến chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé. Khi anh về lại nhà mình thì phố xá đã lên đèn, vừa bước đến cửa anh lại thấy có một người đang chờ đợi anh, nhưng người đó không phải là Chúa mà là một người đàn bà dáng vẻ tiều tụy. Người đàn bà cho biết, đứa con của bà ốm nặng và đã không chợp mắt được suốt cả đêm. Nghe thế, người thợ giày lại hối hả cùng với người đàn bà đến chăm sóc cho đứa bé đến nửa đêm anh mới về nhà. Quá mệt mỏi, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ. Thế là một ngày đã qua mà Chúa vẫn chưa đến thăm anh, nhưng thình lình trong giấc ngủ, người thợ giày bỗng nghe tiếng Chúa nói với anh như sau:
– Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống.
– Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà.
– Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta.
– Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay.
Quí vị và các bạn thân mến,
Ý nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn trên đây thật quá rõ ràng. Mỗi lần chúng ta đón tiếp một trong những người anh em chúng ta là chúng ta đón tiếp chính Chúa. Chúng ta đang chuẩn bị tâm hồn để mừng Chúa Giáng Sinh trong đêm nay. 2,000 năm trước đây, Ngài đã đi gõ cửa từng quán trọ, nhưng không một cánh cửa nào mở ra để đón tiếp, khiến cho Ngài phải sinh hạ trong một cái hang dành cho súc vật, từ đó, Ngài vẫn không ngừng đi gõ cửa từng tâm hồn.
Giáng Sinh lại đến mỗi lần có một tâm lòng quảng đại biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài. Ngài cần một tách trà, Ngài cần một chén cơm, Ngài cần một ly nước, Ngài cần một lời ủi an đỡ nâng, Ngài cần sự cảm thông, Ngài cần một sự tha thứ. Bao nhiêu nghĩa cử là bấy nhiêu lễ Giáng Sinh. Ðó là ý nghĩa và tâm tình của chúng ta trong những giờ phút này.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trái tim mở rộng.
Xin cho chúng con bàn tay giăng lớn, cho con thấy Chúa trong mọi người để sẵn sàng phục vụ Chúa trong mọi nơi. Amen.
Nguồn: catholic.org.tw