SỐNG PHỤNG VỤ MÙA VỌNG
VÀ GIÁNG SINH HÔM NAY
***
Giáo Hội Công giáo đã lại bắt đầu một năm phụng vụ mới.
Hằng năm, các tín hữu đều được nhắc nhở rằng Phụng vụ là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Giáo Hội, do cộng đoàn các thành viên của Giáo Hội cử hành, để tưởng nhớ tới Đức Kitô và công cuộc Cứu độ Người đã thực hiện, nhờ đó hiện tại hoá giá trị cứu độ của các cử chỉ của Người vì sự thánh hoá của các tín hữu.
NĂM PHỤNG VỤ
Công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trải dài trong thời gian từ tạo thiên lập địa cho tới ngày cùng thế tận và trong phụng vụ của Giáo Hội, được tưởng nhớ và cử hành trong chu kỳ hàng năm với những mùa, những ngày lễ đưa người tín hữu và cộng đoàn từng bước đi vào sự hiệp thông với hành động cứu độ này của Thiên Chúa, được thể hiện qua cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô: việc Người sinh ra (Giáng Sinh, cái chết và sự Phục sinh của Người và việc Người ban Thánh Thần (Hiện Xuống), việc Người sẽ đến như Người đã hứa.
Năm phụng vụ, khởi đầu với mùa Vọng gồm bốn Chúa nhật, khởi đầu với chúa nhật cuối tháng mười một tới ngày 25/12, lễ Giáng sinh, và mùa Giáng sinh kéo dài từ lễ Giáng sinh tới hết ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, chấm dứt thời kỳ Chúa Giêsu sống đời sống ẩn dật tại Nazareth, mở đầu sứ vụ công khai của Người. Sau đó là mùa Thường niên, giai đoạn một, từ sau lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa tới thứ Tư lễ Tro mở đầu mùa Chay chuẩn bị đại lễ Phục sinh, với tuần thánh, với ba ngày thánh tưởng nhớ một thực tại vô cùng đặc biệt: Đức Kitô vượt qua cái chết đến sự sống nhờ đó đem lại sự sống mới cho những ai tin vào Người. Mùa Phục sinh kéo dài từ lễ Phục sinh đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sau lễ Hiện xuống là mùa Thường niên, giai đoạn hai, kéo dài tới lễ Chúa Kitô Vua kết thúc năm phụng vụ. Năm phụng vụ kết thúc với viễn tượng về ngày Chúa quang lâm.
Phụng vụ cũng không quên gợi lại hình ảnh những con người đã làm rạng rỡ sự Thánh thiện của Thiên Chúa trong cuộc đời được cứu độ của các ngài với các ngày lễ kính các thánh được mừng vào những ngày nhất định trong năm.
Phụng vụ với những giờ kinh được đọc vào những khoảnh khắc khác nhau – sáng, trưa, chiều, tối – cũng đã muốn ghi dấu ấn của lịch sử cứu độ trên bước đi hàng ngày của thời gian.
Lịch phụng vụ đã được triển khai dần dần trong lịch sử. Việc tu chỉnh lần cuối cùng diễn ra vào năm 1969 tiếp nối công cuộc cải cách phụng vụ bắt đầu tại Công đồng Vatican II.
Các mùa và ngày lễ trong năm phụng vụ được cử hành với các mầu sắc khác nhau của lễ phục và trang trí gợi lại những tâm tình và bầu khí do ý nghĩa của việc cử hành gợi lên: mầu tím của mùa Vọng và mùa Chay; màu vàng của ngày Giáng sinh và Phục sinh, mầu trắng của những ngày lễ quan trọng khác trong năm, mầu xanh của mùa thường niên, mầu đỏ, mầu của tình yêu và tận hiến, của Đức Kitô và các thánh tử đạo, được sử dụng vào lễ các thánh tử đạo, chúa nhật lễ Lá, thứ Sáu thánh, lễ Trái Tim và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Một lần duy nhất trong năm chủ tế mang phẩm phục mầu hồng, đó là vào chúa nhật thứ ba mùa Vọng, chúa nhật “Laetare”, một thoáng niềm vui giữa màu Tím chờ đợi. Trước đây, còn sử dụng mầu đen, mầu của tang tóc, nhưng nay, mầu đen được thay thế bằng mầu tím, kể cả trong lễ tang. Niềm hy vọng sống lại vẫn chiếu sáng trong cả cái chết.
Như vậy, năm phụng vụ muốn mời gọi các tín hữu và cộng đoàn Giáo Hội sống cuộc sống của mình trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa qua việc tưởng nhớ và cử hành tất cả các mầu nhiệm về Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, đã sống, đã chết và đã phục sinh và sẽ quang lâm hoàn tất công trình cứu độ của Người, khi Người là tất cả trong mọi sự.
NGÀY CHÚA NHẬT TRONG NĂM PHỤNG VỤ
Ngày Chúa nhật là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Các nghị phụ Công đồng chung Vatican II khẳng định điều này, đặc biệt trong Hiến chế Phụng vụ thánh: “Theo Truyền thống Tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại. Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt qua vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là Ngày của Chúa, hay Chúa Nhật. Trong ngày đó, các Kitô hữu phải họp nhau lại để cùng với việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hiến Lễ Tạ ơn, họ kính nhờ cuộc Thương khó, sự Sống lại và cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, Đấng “đã tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động nhờ sự phục sinh từ trong cõi chết của Chúa Giêsu Kitô (1 Pr 1, 3). Vì thế, Chúa Nhật là ngày lễ rất đặc biệt phải được đề cao và in sâu vào long đạo đức của các tín hữu đến độ cũng trở thành ngày dành cho niềm vui và sự nghỉ ngơi. Các nghi thức cử hành khác, nếu không thật sự rất quan trọng, thì không được đặt ưu tiên hơn lễ Chúa Nhật, vì đây là nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ” (PV, số 106).
Năm 1998, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II phổ biến tông thư Dies Domini / Ngày của Chúa về việc hiến thánh Ngày của Chúa. Tông thư khẳng định ngày Chúa nhật không chỉ là Ngày của Chúa, mà còn là Ngày của Đức Kitô / Dies Christi, ngày của công cuộc tạo dựng mới và của ân sủng của Đức Thánh Linh; Ngày của Giáo Hội, ngày cộng đoàn Kitô hữu họp lại với nhau; Ngày của con người, Dies Hominis, ngày của dân chúng, ngày mừng vui, nghỉ ngơi và của tình yêu thương.
Người Kitô hữu hiện nay cảm thấy khó khăn trong việc giữ ngày Chúa nhật. Có quá nhiều nhu cầu. Và càng ngày người ta càng bị lôi kéo làm việc ngày Chúa nhật. Không phải vì phải làm việc cả bảy ngày trong một tuần lễ mà còn bởi việc phân công tại sở làm việc, một tuần có thể chỉ phải làm việc năm ngày, nhưng ngày làm việc có thể rơi vào ngày Chúa nhật. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Dù ở trong thời kỳ khó khăn như hiện nay của chúng ta, người Kitô hữu vẫn phải luôn duy trì và trên mọi sự, phải sống tính chất ngày chúa nhật trong tất cả chiều sâu của ý nghĩa của nó…Chúa nhật của người Kitô hữu …vẫn là một yếu tố thiết yếu của căn tính Kitô giáo của chúng ta.
PHỤNG VỤ VÀ THÁNH KINH
Cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng chung Vatican II đã tạo cơ hội để tín hữu và cộng đoàn được tiếp xúc một cách rộng rãi hơn với Mạc khải của Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt là các sách Tin Mừng.
Ý NGHĨA MÙA VỌNG
Năm phụng vụ bắt đầu với chúa nhật thứ nhất mùa Vọng, tức chúa nhất cuối cùng của tháng mười một, và kết thúc với lễ Giáng Sinh, 25/12.
Sách lễ Roma gọi mùa này là mùa Adventus. Từ latinh này có nghĩa là ‘đến’. Việc Chúa đến: Đến trong lịch sử, đến trong lòng tin và đến trong vinh quang ngày hoàn tất mọi sự.
Công giáo Việt Nam gọi đây là mùa Vọng. ‘Vọng’ có nghĩa là nhìn, hướng về nơi tâm trí đang tưởng nhớ, trông chờ. ‘Vọng’ nhấn mạnh vào thái độ, tâm tình của người Kitô hữu, của Giáo Hội trước việc Chúa đến.
Chúa đến
Chúa đã đến vào một ngày giờ và tại một nơi nhất định trong lịch sử: Đức Giêsu, con Đức Maria, người Nazareth, sinh tại Bêlem vào “năm mười lăm hoàng đế Tibêrô chấp chính; Pontiô Philatô trấn nhiệm xứ Giuđê; Hêrôđê làm quận vương xứ Galilê và em là Philip làm quận vương vùng Iturê và Trakhônit, và Lysania làm quận vương xứ Abilênê; dưới thời thượng tế Hanna và Caipha” (Luca 3, 1 và tt). Người là người thật như mọi con người khác, trừ tội lỗi, như thánh Phaolô khẳng định.
Là người thật, nhưng Đức Giêsu, trong lòng tin Kitô giáo, cũng là Thiên Chúa thật. Người là “Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Mọi sự đã nhờ Người mà thành sự. Người đến trong thế gian. Người có trong thế gian. Bởi Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng ta. …” (xem Ga 1, 1–15). . Mùa Vọng hướng về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ muôn dân.
Chúa đang đến trong lòng tin Kitô hữu: Đức Giêsu đã lớn lên, rao giảng Tin Mừng cứu độ, đã bị bắt, bị giết chết trên thập giá, được táng trong mồ… Là Thiên Chúa thật, Người hiện diện đặc biệt trong mỗi cử hành phụng vụ, đến với những ai tin vào Người, gặp gỡ và đồng hành với họ trong cuộc sống, để cùng với họ mở đầu, xây dựng và hoàn tất một lịch sử mới đã khởi đầu với việc Người giáng sinh làm người tại Bêlem. Công đồng chung Vatican II khẳng định: “Đức Kitô luôn hiện diện trong Hội thánh của Người, đặc biệt trong việc cử hành phụng vụ. Người hiện diện trong lễ tế hiến, nơi con người thừa tác viên, ‘tự hiến mình lúc này, qua thừa tác vụ của các linh mục như Người đã tự hiến mình khi xưa trên thập giá’, và đặc biệt trong bánh và rượu trở thành mình và máu Người” (Hiến chế Phụng vụ thánh).
Chúa Giêsu Kitô hiện diện giữa Giáo Hội của Người để cùng với Giáo Hội và từng môn đệ của Người hoàn tất sứ vụ Người giao: “Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ hết mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và này, Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19–20).
Con người chờ đợi
Bốn tuần lễ mùa Vọng tượng trưng cho bốn mươi năm dòng dõi của Abraham, Isaac, Giacob được tôi luyện trong sa mạc trống không và nóng bỏng để chỉ còn lại lòng khát khao chân thật đến được nơi Chúa đã hứa ban.
Sự khát khao và chờ đợi của những ai tin vào Chúa từng bước được lấp đầy, một cách phong phú, ngoài sức con người có thể tưởng tượng. Không chỉ là một giang sơn chảy đầy sữa và mật ong, mà là một vị Cứu độ, là người thật và là Thiên Chúa thật, Đấng ban phát nước hằng sống, Đấng ban bánh của sự sống đời đời, của sự sống mới, sự sống của những người được quyền gọi Thiên Chúa là Cha.
Mùa Vọng là mùa người Kitô hữu và cộng đoàn Giáo Hội ngày hôm nay khơi dậy lòng mong muốn gặp gỡ và kết hiệp chặt chẽ hơn nữa với Đấng đã đến và đã đem lại cho mình sự sống mới. Không phải chờ đợi trong thụ động với những câu kinh, nghi lễ có sẵn, bằng lòng với những tri thức đã thu thập được về một quá khứ xa xôi trong không gian và thời gian, mà là sự chờ đợi của ngày hôm nay và lúc này, một sự chờ đợi cũng nóng bỏng với câu hỏi “chúng tôi phải làm gì?” để có thể gặp Người và kết hiệp với Người, trong cái ngày hôm nay của cuộc sống cụ thể của từng người, từng giới, từng cộng đoàn, như người đương thời của Gioan Tẩy giả đã đua nhau nêu lên khi nghe ngài loan báo Đấng sẽ đến (xem Lc 3, 10-14).
Sự chờ đợi trong tỉnh thức của những người trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn của Chúa, trong sự nhạy bén để nhận ra tiếng gọi, ý muốn, sự chờ đợi của Chúa được biểu lộ trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của Hội Thánh và thực thi trong thực tại cuộc sống, để qua đó, được kết hiệp làm một với Đấng vốn là đường dẫn đến sự thật và sự sống.
Như vậy, sự chờ đợi của mùa Vọng dẫn đến việc chuẩn bị trí óc với việc tìm hiểu mạc khải về Đấng đã đến, đang đến và sẽ đến lại, trong bối cảnh của cuộc sống riêng mỗi người, của thế giới ngày nay, của xã hội Việt Nam với những niềm vui, nỗi buồn, những vấn đề xã hội và về xã hội đang chờ đợi một lời đáp, một thái độ của niềm tin chân thật nơi Đức Kitô. Như ba nhà đạo sĩ tìm hiểu ý nghĩa của dấu sao lạ và nhận ra nơi Hài nhi yếu ớt được vấn tã đặt trong máng cỏ nghèo nàn là Đấng các ông đang tìm gặp để thờ lạy. Việc chuẩn bị con tim với những khát vọng đích thực vốn đang bị vùi lấp dưới những đống phù vân của chủ nghĩa tiêu thụ, những giá trị giả tạo đang được không ít các tiên tri giả rêu rao. Không có những khát vọng mới làm bật lên câu hỏi trong nỗi bức xúc: ‘chúng tôi phải làm gì’ của từng người, từng cộng đoàn và của cả Hội Thánh, mùa Vọng sẽ chỉ còn là sự chờ đợi của quá khứ và của kẻ khác, không phải của hôm nay và của chính mình.
Trong phụng vụ mùa Vọng, chúng ta được cảm nghiệm về Lời không thay đổi nhưng sống động của Thiên Chúa, đã hoàn tất và đang được chờ đợi hoàn tất. “Lời của Chúa được công bố trong việc cử hành các mầu nhiệm của Thiên Chúa không chỉ gợi đến những hoàn cảnh hiện tại mà hướng cả về các biến cố đã qua và hướng tới những gì đang đến”.
Việc chuẩn bị tích cực, để tiếp đón vị Thượng Khách từng được yêu mến và tin tưởng, từng được trông chờ như Đấng sẽ lấp đầy những khát khao làm người và làm con Thiên Chúa, sẽ biến mùa Vọng thành mùa của mừng vui và hy vọng, mà không phải của lo âu và sợ hãi, dù là chờ đợi Đấng sẽ đến phán xét vào ngày cùng thế tận, dù phụng vụ vắng tiếng hát kinh ‘vinh danh’ và mang màu tím, màu của khắc khổ và sám hối.
[Trích Hiệp Thông số 85]
(còn tiếp)
Vương Nghi và Giuse Nguyễn
Nguồn: WHĐ