Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Đó là điều kiện phải có để theo Đức Giêsu.
Vậy thập giá mà chúng ta phải vác hàng ngày để theo Đức Giê su là những gì? Thánh giá đó có thể đến từ người thân trong gia đình, từ vợ, chồng, con cái, anh chị em…xuất phát từ sự thiếu chung thủy, cảm thông, kính trọng, tha thứ, quan tâm, cộng tác, đối thoại, tình thần trách nhiệm và thời gian dành cho nhau… Sự nghèo túng, bệnh tật, tai nạn, thất bại trong cuộc sống hay những mâu thuẫn, xung đột, những bổn phận mình phải làm mỗi ngày hay việc chấp nhận sống theo Luật Chúa…cũng được xem là những thánh giá mỗi ki tô hữu phải vác trong suốt cuộc đời mình.
Nhiều người xem đó là như điều hiển nhiên mà không một ai có thể tránh khỏi trong cuộc đời.
Ấy thế mà không biết bao lần ta ngửa mặt lên trời hay úp mặt mà khóc than tại sao “tôi lại khổ thế này”; “tại sao ông trời lại đối xử bất công với tôi như vậy”; “ Chúa ơi, con phải đau khổ đến bao giờ”….Đã có hàng ngàn câu hỏi được đặt ra và chẳng thể nào lý giải được những thắc mắc ấy để rồi chúng ta nghĩ rằng cuộc đời này vẫn còn nhiều thứ thật vô lý và bất công. Thật vậy, thánh giá là điều có vẻ không thể hiểu được, không thể chấp nhận được và xảy ra thật bất ngờ. Nhưng nếu ta biết chấp nhận đón lấy thì đó lại là điều có lý như khi yêu ta sẵn sàng chấp nhận tất cả chỉ để được sống với tình yêu.
Tựa như câu chuyện của một người đàn bà không sao có thể chấp nhận cái chết của người chồng đã gắn bó với mình sau gần 40 năm và ông đã từ bỏ thế gian ra đi bởi căn bệnh ung thư quái ác chỉ sau 9 tháng phát bệnh. Từ đầu bà không tin vào sự thật là chồng mình mắc căn bệnh quái ác “ung thư thực quản” khi ông đang rất khỏe mạnh và theo suy nghĩ của bà, đúng lý ở cái tuổi mà lẻ ra ông phải được an nhàn, hạnh phúc bên con cháu khi tất cả chúng đã trưởng thành, yên bề gia thất. Hơn thế, ông ấy vốn là người hiền lành, tình cảm, được nhiều người quý mến…sao lại có thể đón nhận kết cục chẳng mấy có hậu như vậy, sao mọi thứ lại vô lý đến thế. Có biết bao câu hỏi bà đã đặt ra mà bà cho đó là vô lý. Vẫn biết không thể thay đổi sự thật nhưng bà vẫn hy vọng có một phép mầu đến với chồng mình. Bà đã cùng ông đi khắp các bệnh viện chữa trị, mặc cho sự phản đối quyết liệt của ông là hãy chấp nhận sự thật và chờ đợi ngày Chúa gọi. Điều gì đến sẽ đến, sự ra đi của người chồng khiến bà và những người thân trong gia đình cảm nhận như không gì có thể bù đắp được nỗi đau của sự mất mát ấy. Người đàn bà như rơi vào trạng thái tuyệt vọng, u sầu. Thậm chí ngay khi có một linh mục an ủi bà rằng “Chúa đã cất giùm con gánh nặng” người đàn bà ấy vẫn một mực không đồng ý và nguyện rằng dẫu có thế nào bà vẫn cam lòng gánh lấy gánh nặng ấy miễn sao mỗi ngày bà thấy được sự hiện hữu của ông trong gia đình. Bà đã tự dằn vặt mình như thế suốt thời gian dài.
Mãi đến một ngày nút thắt trong lòng bà như được mở ra và bà mới có thể chấp nhận cái chết của chồng mình như một định mệnh đã được Chúa sắp đặt theo ý Ngài. Đó là sau khi bà tham dự buổi tĩnh tâm, ở đó bà được nghe Cha giảng phòng thuyết giảng về thánh giá mà Chúa Giêsu đã gánh chịu để chuộc tội cho nhân loại, qua đó Cha mời gọi mọi người suy nghĩ về Thánh giá cuộc đời mình. Mỗi người hãy học cách đón nhận Thánh giá cuộc đời mình như một điều không thể chối bỏ như chính Chúa Giê su đã chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá như bằng chứng sống động cho tình yêu của Người đối với nhân loại và Chúa Cha.
Cuộc sống hàng ngày còn biết bao điều xảy ra mà nhiều người vẫn cho rằng nó là vô lý, không chấp nhận đón lấy để rồi cứ tự đắm mình trong đau khổ không lối thoát và quên rằng đó chính là những thánh giá cuộc đời mà Chúa đã đẽo gọt cho mỗi một người chúng ta. Ngài muốn chúng ta hãy sẵn sàng gánh lấy thánh giá cuộc đời mình trong mọi hoàn cảnh như cách để chứng minh cho tình yêu và lòng thủy chung với Ngài. Thế nhưng, không biết bao lần chúng ta đã không đủ can đảm đón nhận và muốn chút bỏ để chạy theo những hư vô, ảo tưởng của cuộc đời, mãi mê với những cuộc rượt đuổi, tìm kiếm hảo huyền để rồi cứ mãi bị xô đẩy trong cái vòng lẩn quẩn của khổ đau mà chính chúng ta gây ra.
Những điều ấy như dễ dàng bắt gặp trong tình yêu, chính chỗ không chấp nhận sự khác biệt của nhau được cho là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ khi một trong hai người bỗng nhận ra một nửa của mình không như mong đợi, không giống như khi chưa cưới nhau. Theo thống kê có đến trên 70% nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ được đưa ra là do không hợp nhau. Điều đó thật mâu thuẫn với lý do ban đầu họ chấp nhận kết hôn là bởi họ yêu nhau, muốn thuộc về nhau và lúc bấy giờ thật khó để đưa ra được lý do nào có thể khiến họ xa nhau. Đã có những cặp đôi yêu nhau nhưng bị ngăn cấm và để chứng minh cho tình yêu của mình họ đã tìm đến cái chết để bảo vệ tình yêu, để thỏa mãn niềm khao khát được bên nhau. Song thực tế cũng có không ít trường hợp từ chỗ yêu nhau, nguyện suốt đời chung sống với tình yêu nhưng sau một thời gian chung sống họ lại nhanh chóng và dễ dàng chấp nhận chia tay với lý do thật đơn giản là không hợp nhau mặc cho sự hòa giải của gia đình, pháp luật và cả cộng đoàn. Bấy giờ mỗi người đều cho rằng mình là người có lý, còn người kia là vô lý và sự vô lý ấy không thể tồn tại trong đời sống hôn nhân. Dường như lúc này cái tôi của mỗi người đều được đặt ở vị trí cao nhất trong tính cách và lý trí của mình để rồi không ai chấp nhận ai ngay cả khi trong lòng không muốn có sự đổ vỡ nào xảy ra nhưng vẫn không ai chịu chấp nhận từ bỏ cái tôi của mình để có được điều mình mong muốn. Họ nghĩ rằng bỏ đi cái tôi chính là tự hạ thấp mình và mình trở nên nhỏ bé trước mặt người khác. Vì thế có người đã chấp nhận tất cả những hậu quả có thể xảy ra chỉ vì muốn bảo vệ cái tôi quá lớn của mình. Theo kết quả thống kê từ các cuộc điều tra xã hội học cho thấy những tội phạm hoặc những đứa trẻ hư hỏng, thất học…phần lớn đều có nguyên nhân từ sự thiếu giáo dục của gia đình hay từ chính sự đổ vỡ của bố mẹ. Gia đình là cái nôi trong việc hình thành giáo dục nhân cách của một đứa trẻ. Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên nếu thiếu tình thương yêu, giáo dục của cả bố lẫn mẹ hoặc lớn lên trong cảnh bạo lực gia đình.. tất cả sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành nên tính cách của đứa trẻ sau này.
Để câu nói “giá như” lúc này không trở thành quá muộn, thay vì chúng ta cứ luôn dày vò trong tự ti, đau khổ, trách cứ bản thân, đổ lỗi cho hoàn cảnh đã không cho chúng ta có cơ hội để đạt đến những thang giá trị vật chất, mức độ thăng tiến trong sự nghiệp, những thứ mà người đời vẫn hay xem như thước đo để đánh giá về sự thành công, hạnh phúc trong cuộc sống, đi tìm lời giải cho những điều mà chúng ta nghĩ là vô lý, bất công thì chúng ta hãy biết chấp nhận và thay đổi từ chính trong suy nghĩ, hành động của mình, sẵn sàng đón nhận lấy thánh giá cuộc đời mình và cả thánh giá của những người thân như một điều kiện để theo Đức Giêsu- người mà hàng ngày chúng ta vẫn thờ lạy, tuyên xưng niềm tin.
Lạy Chúa, xin cho chúng con mỗi ngày có thêm niềm tin, sự can đảm để sẵn sàng mở lòng đón nhận những thánh giá cuộc đời mà Chúa đã dành cho chúng con để ngày càng sống xứng đáng với tình yêu bao la mà Chúa đã dành cho chúng con.
Nguồn: dongten.net