Nút Ctrl z
Lang thang trên mạng facebook, tình cờ tôi đọc được một chia sẻ thú vị của một người bạn cũ: “May đồ mà cũng tính bấm Ctrl – Z . Bó tay mình thiệt luôn ! Bệnh nặng quá rồi!
P/s : Ước gì cái máy may có nút ctrl – z nhỉ”.
Bạn của tôi thật có óc hài hước! Trong chương trình Word, khi cần lấy lại đoạn văn vừa xóa, bạn chỉ cần bấm tổ hợp phím tắt Ctrl z, đoạn văn bản vừa bị xóa sẽ trở lại. Vâng, đó là chuyện soạn thảo văn bản, vậy còn cuộc sống, liệu có nút Ctrl z không?
Nhìn lại cuộc đời, nhiều khi chúng ta vẫn thường thốt lên hai tiếng “giá mà…” đầy tiếc nuối. Chúng ta tiếc nuối vì một quyết định sai lầm, một việc làm sai trái, một câu nói gây đổ vỡ tổn thương. Tất cả những quyết định, những việc làm và lời nói ấy dù đã là quá khứ nhưng vẫn như những bóng ma vẩn vờ ám ảnh hiện tại và tương lai của chúng ta, để rồi khi ký ức đổ về rần rật, nó dồn ứ trong một cụm từ nghèn nghẹn cay cay: “giá mà…”.
Tuy nhiên, nếu chỉ là tiếc nuối, đời chúng ta sẽ kéo lê theo một gói nặng nề những ký ức buồn. Thực tế, khi thốt lên hai từ tiếc nuối ấy, chất chứa bên trong vẫn còn đó bao niềm hy vọng. Hy vọng diễn tả qua ước muốn. Một cách sâu xa, hai tiếng ấy cũng đồng thời nói lên một ước muốn. Ước muốn được trở lại quá khứ, ước muốn được sửa sai, được Ctrl z, được làm lại từ đầu…Vấn đề là liệu ước muốn ấy có thay đổi được gì? Hay phải chăng cũng chỉ như một dòng tái bút, cũng chỉ là một “ước gì”?
Điều khó khăn là chúng ta thường bám víu vào quá khứ, nỗi ám ảnh của những vết thương hằn sâu khiến chúng ta chỉ mục chú vào quá khứ và không thể bứt mình ra khỏi đó được. Chúng ta thường dễ thấy một vết mực loang trên tờ giấy trắng mà không thấy 99% mặt giấy còn lại vẫn trắng tinh khôi. Nhiều khi một khiếm khuyết nhỏ cũng khiến chúng ta thiếu tự tin, dù rằng chẳng mấy ai để ý đến điều đó. Sự thật là có những lầm lỗi, chỉ là chính chúng ta chưa tha thứ cho mình mà thôi.
Tôi nhớ ở đâu đó có một gian phòng, người ta trưng bày rất nhiều những tấm kính ở nhiều góc độ khác nhau cùng quay mặt về phía trung tâm gian phòng, và khi bạn bước vào đó, nếu bạn chỉ tay vào tấm gương, bạn sẽ thấy tất cả đều chỉ tay về phía bạn. Còn nếu bạn mỉm cười, bạn sẽ thấy tất cả đều mỉm cười với bạn. Ngụ ý của tác phẩm trưng bày này thật ý nhị sâu xa, nhất là trong trường hợp chúng ta phạm phải một sai lầm, phải chăng những ngón tay chỉ trích kia đều là của chính chúng ta?
Có lần tham quan đường tranh thư pháp ở Sài Gòn, tôi chứng kiến một nghệ nhân đã biến một giọt mực rơi vô tình trên nền giấy gió thành một nhánh đào xuân rực rỡ. Thật hay, biết đâu được chúng ta cũng có thể biến những giọt mực rơi vô tình rơi trên trang giấy cuộc đời thành một tác phẩm nghệ thuật, nếu chúng ta có một chút “nghệ sĩ” trong mình, thay vì làu bàu ném nó vào niềm ký ức đen tối nào đó.
Mỗi ngày mới đều là một cơ hội, và khi tôi chấm dứt một hành trình, nghĩa là tôi đang bắt đầu một hành trình mới. Khi tôi phạm một lầm lỗi, thế giới không hoàn toàn sụp đổ dưới chân tôi, ngày mới lại lên và tôi vẫn luôn có cơ hội để sửa sai, để làm lại từ đầu. “Einstein từng được xem như một cậu bé chậm hiểu. Ông không thể thi vào trường đại học Bách khoa Thụy Sĩ ở Zurich và phải học ở một trường khác nhỏ hơn. Chưa hết, sau khi tốt nghiệp, ông cũng phải mất hai năm để tìm được công việc đầu tiên. Thế nhưng, Einstein vẫn kiên định viết những bài báo và luận văn khoa học của riêng mình từ năm 1901 đến năm 1905 (trong đó có thuyết tương đối) và thành công rực rỡ năm 1909. Ông trở thành một nhà khoa học hàng đầu thế giới và được xem như một trong những trí tuệ lỗi lạc nhất của loài người”.*
Bạn thân mến, có thể cuộc sống không có nút Ctrl z, nhưng cuộc sống luôn dành cho chúng ta cơ hội, phần còn lại là chính chúng ta. Biết đâu, một lúc nào đó khi nhìn lại đời mình, chúng ta sẽ tự hào thốt lên rằng: “Giá mà không có cú ngã ấy, chắc là tôi đã không có ngày hôm nay”. Mong chúng ta có thể thốt lên thật nhiều những “giá mà…” như thế.
* Trích từ http://news.zing.vn/Nguoi-noi-tieng-dung-len-sau-that-bai-the-nao-post316308.html