Mùa Chay – Tha thứ và Phục sinh
Charles J. Chaput, O.F.M. Cap.
Toàn thể Giáo hội đã bước vào mùa Chay. Chúng ta cũng mới lên đường. Tôi xin gởi đến anh chị em hết thảy một vài suy tư của Đức Tổng Giám mục Charle Chaput. Hy vọng chúng giúp ích cho hành trình thiêng liêng của chúng ta. Nếu thế, tôi đã được trả công cách bội hậu rồi.
Năm nay, thứ tư lễ tro, khởi đầu mùa Chay, rơi vào ngày 5 tháng Ba. Được sống cách tốt đẹp, mùa Chay có thể hoán cải tâm hồn và biến đổi cuộc đời một người. Đó là điểm quan trọng hơn cả trong mùa này – nó làm chúng ta sẵn sàng đối với phép lạ Phục sinh. Nhưng xét mình, hoán cải và hòa giải không phải không đau đớn; chúng xem ra dễ dàng hơn nhiều trong lý thuyết hơn là trong thực tế.
Để khởi sự hành trình mùa Chay năm nay, chúng ta đưa ra một vài câu hỏi và trả lời đơn giản mà có thể giúp chúng ta trên con đường này:
Hòa giải nghe lớn lao như một ý tưởng, nhưng làm thế nào bạn hòa giải với một người vốn làm tổn thương bạn cách đắng cay và thậm chí bạn không thừa nhận rằng người đó đã làm sai? Liệu tha thứ không phải là con đường hai chiều sao?
Tha thứ cho những kẻ làm thương tổn chúng ta là chuyện của chính chúng ta. Làm cho sự tha thứ của chúng ta thành phụ thuộc vào việc người khác phải chấp nhận lầm lỗi trước chỉ là một cách khác của việc đòi hỏi công bằng và nhấn mạnh đến “quyền lợi” của chúng ta. Đó là một hình thức kiêu ngạo rất tinh tế. Chúa Giêsu tha thứ cho những kẻ giết Người ngay cả khi họ chế nhạo Người trên thập giá. Sự tha thứ của Người là tặng phẩm tự do, không có những sợi dây ràng buộc. Chúng ta không thể theo Người trừ phi chúng ta làm như Người.
Tuy nhiên, bạn đúng khi giữa hai người có một sự tuyệt giao. Chẳng thể chữa lành nó trừ phi cả hai đều chân thành muốn nó được chữa lành. Ngay cả khi đó, một ai hay một điều gì phải mang đến một phương tiện để đem chúng lại với nhau. Đó là vai trò của Thiên Chúa. Hòa giải là công việc của Thiên Chúa. Tìm kiếm hòa giải là công việc của chúng ta. Chúng ta cần làm bất kỳ cái gì để có thể tạo bình an với người khác, và rồi mọi sự còn lại khác đặt trong tay Thiên Chúa.
Nhưng nếu công bằng là một điều tốt, vậy tại sao đơn giản tôi thường đi khỏi đó khi tôi cần đến nó?
Bạn không nên làm thế. Nhấn mạnh đến việc được đối xử cách công bằng và ngay thẳng, và chúng ta buộc phải đối xứ với tha nhân theo cùng cách thức đó, quả thật luôn hợp lý. Không may, bạn và tôi và mọi người đều là tội nhân – điều đó có nghĩa rằng, không thể né tránh, chúng ta đối xử với người khác cách bất công và chính chúng ta bị đối xử cách bất công. Như vậy, đời sống có thể rất nhanh chóng trở thành một mạng lưới của những tuyên bố và phản tố giận dữ chống lại nhau, nhiều tuyên bố thì công bằng, song đa phần lại không thể giải quyết được.
Cách thức duy nhất để mở đường từ mớ bòng bong này là tha thứ. Tha thứ là một hành vi tự do. Nó tạo nên những khả thể mới. Nó giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng của sự ích kỷ từng bị thương tổn của chúng ta, nó làm cho người khác vơi nhẹ để tha thứ và cũng được tự do. Trao những tuyên bố của chúng ta cho Thiên Chúa và Ngài thoa dịu chúng ta khỏi gánh nặng nề – gánh nặng mà sẽ làm tê liệt chúng ta, bất kể những lời phàn nàn của chúng ta hợp pháp đến mấy, nếu chúng ta mang nó quá lâu.
Chúng ta luôn làm việc cách hiệu quả hơn cho công bằng vì người khác. Khi liên quan đến tình trạng của chúng ta, bản ngã luôn bị cản trở và làm cho các phán đoán chúng ta tối sầm lại. Điều nghịch lý lớn lao trong kế hoạch Thiên Chúa là chúng ta chỉ đạt được sự công bằng qua việc thực thi lòng thương xót. Lòng thương xót thay đổi cả người cho lẫn người nhận. Nó làm nhẹ đi tấm lòng chai đá. Chính vì thế, Thánh kinh thường so sánh lòng thương xót như nước trong sa mạc: nó mang đến sự sống mới. Nó khích lệ hoán cải và yêu thương, vốn sinh ra những hành vi công bằng, vốn xây dựng bình an. Vì vậy, nếu bạn muốn công bằng cho chính mình và cho người khác, hãy tha thứ. Tiên vàn hãy xót thương, rồi sự công bằng sẽ theo sau.
Tại sao tôi cần kết tội chính mình để sẵn sàng cho sự Phục sinh? Liệu Phục sinh không phải là mùa của sự sống mới sao? Có niềm vui khi trải qua mùa Chay như công tố viên tố tội tôi trước phiên tòa của tôi?
Chính chúng ta mắc nợ cùng một lòng xót thương mà chúng ta mắc nợ với người khác. Gièm pha chính mình đâu phải là điểm chính của mùa Chay. Thanh luyện tấm lòng mới đúng là điểm ấy. Mùa chay là thời gian chúng ta học ngôn ngữ của sám hối và tha thứ bằng cách rèn luyện tâm trí, tinh thần và những thèm khát của chúng ta, để không gì cản trở chúng ta nghe tiếng Chúa và tìm kiếm Ngài. Niềm vui trong mùa Chay đến từ việc chúng ta tin tưởng vào sự phục sinh của một Đấng Cứu Thế giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và phục hồi sự sống cho chúng ta.
Dĩ nhiên, trừ phi chúng ta hiểu tình trạng tội lỗi của mình, trừ phi chúng ta hiểu sự khẩn cấp phải sám hối và giao hòa, Thập giá chẳng có nghĩa gì; sự Phục sinh không có nghĩa chi cả. Niềm vui Phục sinh là niềm vui của sự giải thoát và sự sống mới. Nếu nơi bản thân chúng ta không tin rằng chúng ta thật sự cần những điều đó một cách vô vọng, thì Phục sinh chỉ là một lời biện hộ khác cho ngày lễ hội mang tính thương mại; và Bí tích sám hối cũng như việc chúng ta ăn chay bố thí chỉ là phí giờ vô ích.
Nhưng trong thinh lặng của cõi lòng, nếu chúng ta ngay thẳng, chúng ta biết chính mình đói khát một cái gì hơn sự ích kỷ và lầm lỗi của mình. Chúng ta được dựng nên cho vinh quang, và chúng ta rỗng tuếch vinh quang đó cho đến khi Thiên Chúa làm đầy chúng ta bằng sự hiện diện của Ngài. Mọi sự được làm nên mới trong sự chiến thắng của Đức Giêsu Kitô – ngay cả các tội nhân như tôi và bạn. Máu Thập giá rửa sạch sự chết. Nó thanh tẩy chúng ta nên như những bình sành chứa đựng sự sống mới của Thiên Chúa. Sự phục sinh làm đầy chúng ta bằng chính sự sống của Thiên Chúa.
Mùa Chay là một cơ hội và ân sủng, chứ không phải là gánh nặng. Ước gì chúng ta dùng những tuần mùa Chay năm nay để tẩy sạch tâm hồn và làm cho tâm hồn chúng ta sẵn sàng có thể tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô trong mùa Phục sinh này, và chia sẻ sự sống của Người suốt năm 2014.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB. chuyển ngữ