Bài học từ loài ngỗng
Mỗi mùa thu người ta thường nhìn thấy những con ngỗng bay về phương nam để tránh rét theo hình chữ V hướng mũi tên, bạn có thể sẽ quan tâm đến việc khoa học đã khám phá ra tại sao chúng lại bay như vậy.
Bài học thứ nhất
Khi một con ngỗng vỗ cánh, nó tạo ra một lực hút cho con bay ngay đằng sau nó. Bằng cách bay thành hình chữ V cả đàn sẽ tăng thêm ít nhất là 71% phạm vi bay của mình so với việc mỗi con bay theo một hướng.
Những người cùng chia sẻ một chí hướng và có tinh thần tập thể sẽ đến được nơi mình cần đến nhanh hơn và dễ dàng hơn bởi họ đi bằng sự thúc đẩy lẫn nhau.
Bài học thứ hai
Khi một con ngỗng rơi khỏi đội hình, nó đột nhiên cảm thấy sự chậm chạp và nỗi chịu đựng phải cố gắng đi hết đoạn đường một mình……. và sẽ nhanh chóng trở lại đội hình để tận dụng sức nâng của con đằng trước.
Nếu chúng ta có sự khôn ngoan như con ngỗng đó, chúng ta sẽ ở trong đội hình với những người cùng tiến về một hướng như chúng ta.
Bài học thứ ba
Khi con ngỗng đầu đàn mệt mỏi, nó xoay cánh lại, lùi về phía sau và một con khác sẽ bay lên trước thế chỗ.
Sẽ là khôn ngoan nếu thay phiên nhau làm những công việc đòi hỏi khắt khe…….với con người hay với loài ngỗng bay về phương nam đều vậy.
Bài học thứ tư
Những con ngỗng kêu từ phía sau để cổ vũ những con bay phía trước duy trì tốc độ của mình.
Chúng ta sẽ nói gì khi chúng ta là những người cổ vũ?
Bài học thứ năm
Cuối cùng, và cũng rất quan trọng, khi một con ngỗng bị ốm hoặc bị thương vì bị bắn và ngã khỏi đàn, hai con ngỗng khác sẽ rơi ra cùng với con ngỗng đó, theo xuống để giúp đỡ cũng như bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại với con ngỗng bị rơi cho đến khi nó có thể bay trở lại hoặc cho đến khi nó chết, và chỉ sau đó chúng mới khởi hành một mình hay cùng với một đàn khác để bắt kịp đàn của mình.
Nếu chúng ta có ý thức giống như những con ngỗng, chúng ta sẽ ở bên cạnh nhau như vậy.
Sưu tầm từ Internet