Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến
Với Đức giáo hoàng Phanxicô, xem ra trả lời phỏng vấn là một kênh truyền thông Tin Mừng hữu hiệu. Sau cuộc trả lời phỏng vấn các tạp chí thuộc dòng Tên khắp thế giới, với đại diện là tờ La Civiltà Cattolica, mới đây tờ Republica lại đăng tải bài phỏng vấn Đức Thánh Cha, lần này là do Eugenio Scalfari, một phóng viên kỳ cựu và là người không tin.
Điều oái ăm là “kẻ không tin” lại đặt câu hỏi: “Có bao giờ Đức giáo hoàng có kinh nghiệm thần bí không?” Và Đức Phanxicô đã vui vẻ kể lại tâm trạng của ngài ngay sau khi được các hồng y bầu làm giáo hoàng: “Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng và một nỗi âu lo lớn xâm chiếm tâm hồn. Để xua tan âu lo và thư giãn, tôi nhắm mắt lại và cố gắng cho mọi suy nghĩ biến mất, kể cả ý nghĩ sẽ từ chối nhiệm vụ theo như tiến trình cho phép. Tôi nhắm mắt lại và (thật lạ lùng), tôi không còn thấy bất cứ nỗi âu lo hay cảm xúc nào nữa”.
John L. Allen, người được xem như nhà bình luận có uy tín về Vatican, cũng kể lại lời của một vị hồng y quen biết. Vị hồng y này đích thân được nghe Đức Phanxicô tâm sự: “Khi tôi được bầu, thì có một cảm nhận về bình an và tự do nội tâm xâm chiếm tôi, và cảm nhận ấy không bao giờ rời xa tôi”.
Nếu hiểu kinh nghiệm thần bí là kinh nghiệm về sự hiện diện và can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa trong những giây phút quan trọng của đời sống một con người, thì những chia sẻ của Đức Phanxicô chính là sự mô tả kinh nghiệm thần bí, vượt lên trên những lý giải tự nhiên. Kinh nghiệm ấy không mơ hồ nhưng rất sống động đến nỗi trở thành xác tín và động lực chi phối toàn bộ đời sống.
Người ta ghi nhận sự thay đổi lạ lùng nơi Đức Thánh Cha Phanxicô từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Trước đây, suốt 15 năm làm Tổng giám mục Buenos Aires, ngài chỉ trả lời phỏng vấn 5 lần; còn từ khi làm giáo hoàng, trong vòng 6 tháng, ngài đã chấp nhận trả lời phỏng vấn 3 lần, và toàn là những cuộc phỏng vấn gây ngỡ ngàng cho cả thế giới. Trước đây khi còn ở Argentina, ngài rất cảnh giác giới truyền thông và cũng bị giới này coi là “boring”; còn từ khi làm giáo hoàng, ngài được xếp vào hàng những nhân vật nhạy bén nhất với truyền thông và thu hút mọi người như một ngôi sao nhạc rock!
John L. Allen cũng nhắc đến Đức Chân phước Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng mà nhiều nhân vật cho là “cứng đầu, ương ngạnh” trong những quyết định; tuy nhiên sự vững vàng ấy phát xuất từ xác tín mãnh liệt về sự can thiệp của Chúa qua Đức Maria, khởi đi từ biến cố ngài thoát chết trong gang tấc ngày 13-05-1981.
Đối với các tín hữu, tất cả những điều này là một Tin Mừng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng Hội Thánh. Chính Thánh Thần Thiên Chúa đã soi sáng cho các hồng y bầu lên vị giáo hoàng mà Chúa muốn. Chính Thánh Thần Thiên Chúa đang dẫn dắt Hội Thánh trong từng bước đi, qua các vị lãnh đạo Chúa đã chọn. Niềm tin ấy càng cần thiết hơn bao giờ trong thế giới tục hóa và vô tín ngày nay.
Điều lạ lùng là câu hỏi về kinh nghiệm thần bí lại đến từ một nhà báo vô tín. Phải chăng câu hỏi ấy phần nào phản ánh chính tâm hồn ông? Dù xưng mình là vô tín nhưng phải chăng tận đáy lòng, ông – và biết bao người vô tín khác – vẫn đang đi tìm những dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Đấng vô hình? Phải chăng ông vẫn mang trong lòng một “trái tim khắc khoải” như thánh Augustinô diễn tả, và vẫn mong chờ một bến bờ để trái tim được nghỉ yên? Vậy Hội Thánh, trong tư cách là cộng đoàn môn đệ Chúa Giêsu, có thể cung cấp những dấu chỉ nào và lời chứng nào về sự hiện diện của Thiên Chúa? Những câu hỏi này cần phải được Hội Thánh và từng người tín hữu quan tâm khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Những dòng này được viết khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bắt đầu bước vào Hội nghị thường niên kỳ II-2013. Hội nghị lần này lại ở trong dòng chảy của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới (tháng 10-2012) và Đại hội FABC (tháng 12-2012), dòng chảy của nỗ lực “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Nguyện xin Chúa Thánh Thần hiện diện và hướng dẫn các vị lãnh đạo đáng kính của chúng ta, để các ngài có được những quyết định sáng suốt cho đời sống Hội Thánh, góp phần thi hành sứ vụ Phúc Âm hóa và thông truyền đức tin Kitô giáo trong hoàn cảnh cụ thể ngày nay.
Thiên Triệu
Nguồn: WHĐ