CHỮ T: TÌNH MẾN, TÌNH THƯƠNG, TÌNH YÊU
Theo tục lệ một số dân nhập cư bắc Mỹ, khi con thi đậu vào trường đại học, người cha tặng cho con một món quà hợp với nguyện vọng. Món quà ấy như là phương tiện đi tới tương lai. Chuyện kể rằng: có một gia đình khá giả vào dịp ấy, người cha trao cho con một chiếc hộp đựng chìa khóa. Cứ đinh ninh đây là chìa khóa xe đời mới như mong ước, người con hí hửng mở ra xem. Nhưng không phải chìa khóa xe, mà là một chìa khóa bằng vàng rất đẹp với chữ “T” được khắc sắc sảo. Một thoáng ngỡ ngàng. Bấy giờ người cha mới giải thích: chữ T là tình yêu, ngày nay con cứ hết tình học tập, rồi tương lai sẽ mỉm cười với con, lúc ấy con có điều kiện chủ động để lựa chọn chiếc xe mơ ước và như thế, niềm vui của con sẽ trọn vẹn. Hôm nay lễ khấn của các chị em Hội Dòng MTG, qua bài Phúc Âm chọn đọc, Chúa Giêsu cũng trao vào tay chị em món quà là chìa khóa mở vào niềm vui trọn vẹn với chữ “T” tâm huyết.
1. Chữ Tình mến: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”
Môn đệ gắn bó với Thầy là chuyện phải lẽ, bởi thầy trò cùng có một lý tưởng, cùng chung một đường đi và đến cùng một đích điểm. Thầy ở đâu, môn đệ cũng ở đó. Và môn đệ gắn bó với Thầy cũng là chuyện phải đạo. Thầy nào trò nấy. “Ở lại trong tình thương của Thầy” là điều kiện trước hết trên hết để niềm vui của người môn đệ được trọn vẹn.
Trong Phúc Âm thứ tư, động từ “ở lại” không nhằm diễn tả một chuyển động kiểu “người ơi người ở đừng về” hay gắn liền với một nơi chốn như chỉ định “ở chỗ này hay ở chỗ khác”, mà là một hình tượng còn nói nhiều hơn là chữ nghĩa. “Ở lại” muốn nói lên sự gắn bó thông phần chia sẻ náu nương tương quan máu thịt, và “Ở lại trong tình yêu” được hiểu là sống hiệp thông vào tình yêu và sống bằng chính tình yêu ấy, như ngành nho kết hợp với thân nho mới có sự sống được. Các môn đệ năm xưa đã nỗ lực “ở lại trong tình yêu của Thầy” để sống và họa lại tình yêu ấy trong đời mình. Ngày nay, bằng lời khấn “chọn Chúa Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí”, các chị em cũng quyết tâm ở lại gắn bó tình yêu với Thầy chí thánh, để hạnh phúc trong chọn lựa bậc sống và thể hiện bền bỉ, dầu là tiên khấn hay vĩnh khấn, nghĩa sống yêu thương hàm chứa minh nhiên trong danh xưng Hội Dòng “Mến Thánh Giá”. Khi “ở lại trong tình yêu của Thầy” chính là lúc chị em từ bỏ tất cả, ngay cả những gì là thiết thân nhất như hàm răng mái tóc, dáng vóc gia đình để ôm lấy Thánh Giá mà ở lại trong tình thương của Thầy chí thánh. Quả là một quyết tâm xé lòng, nhưng cũng là một chọn lựa quyết liệt để có được niềm vui.
2. Chữ Tình thương: “Hãy yêu thương nhau”
Mến Chúa đi liền với yêu người; Mến Thánh Giá cũng phải đi liền với việc yêu thương những người cùng chung vác Thánh Giá. Chắc không phải vô tình khi Chúa Giêsu dạy “yêu thương nhau” ngay sau khi đã dạy “ở lại trong tình yêu của Ngài”, nhưng hữu ý cho thấy hệ quả và dấu hiệu hữu hình của việc gắn bó thiêng liêng với Ngài chính là tình yêu cụ thể đối với nhau. Đời thánh hiến trong một Hội Dòng là đời sống giữa cộng đoàn trong đó mọi thành viên coi nhau như chị em một nhà, vì thế yêu thương nhau là lẽ đương nhiên; nhưng nếu tông đồ đoàn 12 người năm xưa còn có khác biệt ganh tỵ hơn thua, thì cộng đoàn dòng tu hôm nay đông đúc làm sao tránh hết được những va chạm hiểu lầm. Chung đi liền với đụng. Tự nhiên là thế. Mong rằng những khác biệt giữa các chị em trong cộng đoàn không trở thành xung khắc, mà là cơ hội làm phong phú cho nhau và thương nhau nhiều hơn. Giống để hiểu nhau và khác để thương nhau.
Nếu gà chung một mẹ chia sẻ cùng một tình thương trong đàn, thì môn đệ cũng sống bởi và bằng tình thương duy nhất của Thầy, nên “yêu thương nhau” vừa như một lẽ sống biết chia sẻ cho đi, vừa như một sức sống luôn nhân tăng mở rộng, và còn như một dấu hiệu sống động minh họa cho đời thánh hiến có khả năng làm chứng cũng như gieo cảm hứng cho hạnh phúc niềm vui Nước Trời. Người trong nam quen gọi nữ tu là “dì phước”, nghĩa là người thích làm phước giúp đỡ kẻ khác và cũng là người gặp được phước hạnh trong đời, nhưng người trong cuộc lại xác tín rằng mình chỉ giữ được hạnh phúc trọn vẹn khi dấn thân trong đời sống cộng đoàn, có chị có em nương tựa bên nhau. Chị ngã em nâng, chị dâng em hiến, và cứ thế yêu thương nhau trở nên sức sống niềm vui.
3. Chữ Tình yêu: “Hãy ra đi và mang lại hoa trái”
Nhưng đi tu bên công giáo còn có một điểm độc sáng, đó là không chỉ vun quén cho hạnh phúc riêng mình, mà còn chăm lo cho hạnh phúc của người khác nữa. Đi tu cũng đồng nghĩa với làm việc tông đồ. Chả thế mà trong đặc sủng của Hội Dòng Mến Thánh Giá, người ta nhận thấy có một hướng đi xuyên suốt của cả lộ trình truyền giáo và bác ái, đem Chúa đến cho những anh chị em lương dân và đem Tin Mừng gieo vào những mảnh đất tâm hồn còn hoang lạnh. Nay mai sau lễ khấn các chị em đâu có ở nhà mẹ tất cả, “ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?”, nhưng ra đi làm việc mỗi người mỗi cộng đoàn nhỏ đó đây tại các giáo xứ. Đó là địa bàn ảnh hưởng và đó cũng là sứ vụ tông đồ cụ thể của từng chị em. Hội Dòng kỳ vọng vào chị em, các giáo xứ cũng hưởng nhờ sự nhiệt thành của chị em. Chắc chị em chẳng dám nghĩ đến hoa trái đời thánh hiến, nhưng thật khích lệ: nữ tu MTG đã góp phần rất lớn vào công cuộc phúc âm hóa ở VN.
Thầy Giêsu là Đấng Cứu Độ và công trình đời Người là đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Khi về trời, Thầy không làm việc trực tiếp nữa, nhưng đã ủy thác cho các môn đệ lệnh truyền “đến với muôn dân”. Từ đó Giáo Hội được khai sinh, trong sức mạnh của Thánh Thần, các môn đệ lên đường truyền giáo muôn ngả và kết sinh hoa trái phong phú dọc dài lịch sử. Đây là cuộc ra đi của người môn đệ, không lựa chọn nơi đến, không lựa chọn đối tượng phục vụ, nhưng chỉ canh cánh bên lòng ước vọng đem lại hoa trái cho mùa cứu rỗi. Khấn là điểm đến trong quá trình ơn gọi, nhưng khấn cũng là điểm tái khởi hành trong tiếng gọi ra đi để niềm vui được thênh thang.
Chìa khóa niềm vui đã được trao cho chị em, cũng chúc chị em chữ “T”, không phải tình tiền tù tội kiểu Chu Tử ngày nào, mà là kiểu thánh Phanxicô chữ T viết hoa mang hình Thánh Giá. Chữ T ấy biểu trưng cho danh xưng và lý tưởng Hội Dòng MTG đã đành, còn muốn nhắc nhớ chị em về dịp khấn trọng hôm nay với Tình mến Chúa, tình thương cộng đoàn và tình yêu đời sứ vụ. Hy vọng chữ Tình ấy sẽ giúp chị em hạnh phúc và vui trọn đời.
Cám ơn các gia đình đã quảng đại cống hiến những thành viên yêu dấu để phục vụ Chúa và Giáo Hội địa phương trong Hội Dòng này. Hợp với quý cha đồng tế, quý khách, chúc mừng chị Tổng và Hội Dòng. Mong rằng số khấn nay mai sẽ còn nhiều hơn nữa. Chúc cộng đoàn vui và các chị em trăm năm hạnh phúc!
Giuse Vũ Duy Thống
GM. Giáo phận Phan Thiết