BÓNG GIÁO ĐƯỜNG NƠI TRẠI PHONG
Ngày tôi dâng Thánh lễ tạ ơn Linh mục ở quê nhà là một ngày có những kỷ niệm in sâu. Giữa bao nhiêu khách mời, có một nữ tu đến muộn. Muộn vì chị ở một nơi xa. Xa cả khoảng cách không gian, và xa cả khoảng cách tình người. Chị sống với những người cùi ở Tây Nguyên, nơi con người ngại lui tới. Chị không gọi họ là “cùi,” chị gọi họ là những người “phong,” để làm dịu đi thực tế của căn bịnh, và làm dịu đi cái ấn tượng về những con người kém may mắn này.
Hơn 30 năm trước, chị dạy tôi giáo lý và cách sống đạo, rồi chị sống những điều chị dạy. Tha nhân, niềm đau khổ, tình thương, và lòng cảm thông không còn là bài giáo lý trên những trang sách. Chị biến những trang sách bằng giấy, thành trang sách của tâm hồn. Rời giáo xứ ấm áp tình người, để đến nơi xa xôi thiếu bước chân con người. Những hình ảnh tưởng chừng như chỉ có trong tiểu thuyết.
Hôm nay chị ghé qua nơi giáo xứ mà chị đã phục vụ khi tuổi còn thanh xuân, để xem người học trò năm xưa dâng lễ tạ ơn. Chị không lái xe. Người tài xế đưa chị bằng xe Honda là một người cùi. Chị không ngại ngồi bên anh, tình thuơng phục vụ lớn lao hơn sự sợ hãi. Chị đã lặng lẽ ngồi bên cạnh những người cùi cả một quãng đời dài.
Chị gần họ, hiểu nỗi đau và niềm cô đơn. Cô đơn trong tình người, và cô đơn giữa những người cùng đạo. Chị hiểu hơn điều này khi thấy người bạn cùi cùng với chị đến gần với giáo đường hôm nay, nhưng anh thấy mình thật xa lạ. Anh ngại đứng bên những người lành lặn, nên chọn một góc xa cho riêng mình ở phía cuối cổng giáo đường. Anh không ngại đứng xa, vì cả cuộc đời, anh đã sống ở một góc xa ở phía cuối cổng cuộc đời.
Anh nhìn những bước chân vội vã của trẻ thơ đi về giáo đường, những chiếc áo dài thướt tha của xóm đạo, những bộ vét sang trọng của người đi tham dự lễ tạ ơn, và cả những chiếc áo dòng bóng bẩy của nhiều tu sĩ trẻ. “Giáo hội sang trọng quá,” anh thốt lên với người nữ tu khi tan lễ. Chị cũng tỏ ý đồng tình, “Ừ, vui hơn ở trong trại cùi.”
Trại cùi có gần một trăm em, không kể người lớn. Nó ở một nơi hẻo lánh của miền tây nguyên. Mảnh đất núi đồi, thiếu thốn phương tiện. Thiếu thốn nhất là nguồn nước, điều kiện cần thiết cho những người bịnh phong tắm rửa mỗi ngày. Các em sinh ra không có sự chọn lựa cho số phận của mình, vậy thì làm sao có được những bước chân rộn rã như trẻ thơ xóm đạo. Người nữ tu biết những thánh lễ nơi xóm đạo là vui, nhưng lại chọn đến ở một nơi buồn.
Chị mang hình ảnh giáo đường đến với những con người vì số phận không dám đến với giáo đường. Trong ý nghĩa sâu xa nhất, chị là hình ảnh của giáo đường. Thầm lặng, không rộn vang tiếng hát, không có những tà áo dài thiết tha, nhưng có nhịp thở và trái tim rung cảm của cảm thông.
Ở nhiều nơi, giáo đường không có Thánh lễ nên giáo đường trở nên trống trải. Nhưng có Thánh lễ mà không tiếp tục lễ hy sinh trong cuộc sống thì vẫn chỉ là những nghi lễ hững hờ. Khi Chúa Giêsu truyền dạy, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” Chúa không chỉ có ý truyền cho giáo hội cử hành Thánh lễ mỗi ngày nơi bàn thờ, mà là truyền dạy sống Bí Tích Thánh Thể qua hành động như Ngài hành động: trở nên bánh và rượu để nuôi dưỡng sự sống cho thế giới. Mỗi một nghĩa cử yêu thương là bánh, mỗi một chọn lựa hy sinh, dâng hiến là rượu. Tình yêu trao ban và lòng hy sinh làm nên thánh lễ cuộc đời. Người mẹ thức khuya lo lắng cho con, người cha lam lũ cho cuộc sống tươi xinh của gia đình, hay như người nữ tu hiến dâng một đời cho những con người bất hạnh, tất cả đang sống mầu nhiệm Thánh Thể. Trở nên bánh và rượu cho anh chị em mình là đang tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô. Thánh lễ trở nên thiết thực quá, không riêng gì cho Linh mục, nhưng cho tất cả mỗi Kitô hữu, biết sống cho tha nhân.
Khi Thánh lễ Tạ Ơn Linh Mục kết thúc, người nữ tu đến chào. Ánh mắt chị vui, long lanh, xen nỗi xúc động. Chị nói, “Chị đến xem em dâng lễ ra sao! Vui quá”. Thánh lễ vui thật vì có hoa, có nến, có ca đoàn rộn vang tiếng hát, có tấp nập bước chân, có cả quay phim và tiệc mừng nữa. Nhưng Thánh lễ vui chỉ là khởi điểm bắt đầu của hy lễ hiến tế. Để mời gọi sống những Thánh lễ trong cuộc đời có niềm vui xen lẫn nước mắt, có hạnh phúc và đau khổ, có nhận lãnh và mất mát, được yêu thương và có cả phản bội nữa.
Tôi nói với chị, “Thánh lễ em dâng hôm nay có hoa, có nến, có rộn vang tiếng hát, và có ngàn nụ cười trên môi. Còn thánh lễ chị dâng trong cuộc đời bên những con người đau khổ, thiếu vắng nụ cười, để nuôi dưỡng sức sống và niềm hy vọng cho một phần thân thể đau khổ của Đức Kitô, thật sự là sống trọn vẹn bí tích Thánh thể: trở nên bánh rượu cho thế giới.”
Khi nắng chiều xuống dần, chị theo xe cùng người bạn cùi trở về nơi xa xăm. Tôi đứng nhìn bóng dáng họ khuất dần theo nắng nhạt. Ở phía xa, lác đác ánh điện đường bắt đầu sáng. Xe chị không dừng lại giữa phố phường sáng rực, nhưng lăn lóc qua những làng quê tĩnh lặng, mộc mạc, khuất lấp giữa núi đồi. Chị mang Thánh Lễ và mang cả bóng Giáo đường đến với nhiều cuộc đời ngổn ngang đang sống ở nơi xa xăm nhất của tình người. Tôi nhìn bóng dáng chị, rồi nghĩ đến Thánh Lễ đời mình.
Những năm Linh mục qua đi với nhiều Thánh lễ nơi bàn thờ, nhưng lòng vẫn mãi băn khoăn, bao giờ mình mới sống trọn vẹn mầu nhiệm Thánh thể như người nữ tu ấy. Bao giờ mình mới trở nên bánh rượu đích thực như chính Đức Kitô để nuôi dưỡng sự sống cho thế giới? Hiến lễ nào cũng có giây phút bắt đầu, nhưng kết thúc lời kinh lại chỉ diễn ra qua những hành động trao ban. Cuối Thánh Lễ sáng nay, tôi nguyện thầm với Chúa:
Lạy Chúa, xin cho thánh lễ con dâng mỗi ngày giúp biến đổi nghi lễ thành hành động yêu thương. Xin cho lời truyền của Thầy Chí Thánh “Hãy làm việc này mà nhớ đến thầy” thôi thúc chúng con hành động vì tha nhân, như hình ảnh người nữ tu hao gầy trở nên bánh rượu cho một phần nhân loại khao khát tình người. Có khi phần nhân loại khao khát ấy lại chính là những con người cụ thể luôn hiện diện trên từng lối đi của đời con.
Nếu lễ dâng được cử hành mỗi ngày nơi giáo đường, thì hành động trao ban của chúng con cũng cần được diễn ra nơi bàn thờ của cuộc sống như một hy lễ nối dài. Nếu được như thế, Thánh thể sẽ trở thành nguồn sức sống cho gia đình con, cho cộng đoàn, và cho cái thế giới quanh con đang cần được nuôi dưỡng bằng niềm hy vọng. Những Thánh Lễ ấy, tuy không có tiếng hát, không có hoa, có nến, không có những bài giảng hùng hồn, nhưng lại là những Thánh Lễ mang đến sức sống cho nhiều tâm hồn. Con không thể mang Giáo đường vào cuộc sống, nhưng xin cho con trở nên bóng giáo đường giữa lòng đời, như người nữ tu hao gầy bé nhỏ, nhưng có một trái tim có khi lớn lao hơn cả những Giáo đường lộng lẫy nhưng thiếu vắng tình thương.
Nguyễn Thảo Nam
Sưu tầm