(Luận bàn về Kinh Lạy Cha thông qua các tác phẩm của triết gia Simone Weil)
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.
Lạy Cha chúng con ở trên trời
Chúa là Cha của chúng ta. Chúng ta thuộc về Chúa. Ngài yêu thương chúng ta. Chúng ta không cần phải cất công kiếm tìm Ngài, chúng ta chỉ cần đưa mắt hướng về phía Ngài. Chỉ có Chúa mới đi tìm chúng ta mà thôi. Chúng ta phải cảm nhận mình hạnh phúc dường bao khi biết rằng Chúa là Đấng vô biên vô tận, vượt ngoài tầm với của chúng ta. Điều này có nghĩa rằng, những sai lầm hay khổ đau mà chúng ta gây ra cũng không thể nào làm giảm suy đi vị trí hoặc tình yêu của Chúa trong cuộc đời mỗi chúng ta. Chúng ta không được áp đặt tư tưởng của riêng mình lên Chúa là Cha của chúng ta. Chúng ta không được xây nên ngẫu tượng, để tôn thờ hoặc để dìm xuống (Chúng ta thường dùng lý lẽ riêng mình, để nâng Ngài lên, hoặc nếu không thích dìm Ngài xuống tận vực thẳm). Để cầu nguyện với Cha của chúng ta, chúng ta cần bước vào mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, có nghĩa là, nhận biết Chúa như Chúa là (as God is), và như Chúa Giêsu đã mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Khi Chúa Giêsu đến với chúng ta và chúng ta gọi Người là ‘Con Thiên Chúa,’ điều này đã cho chúng ta có được một ý nghĩa mới mẻ cho tiếng gọi ‘Cha’. Chỉ khi bạn biết mình thực sự là người con, thì bạn mới có thể gọi đúng nghĩa ai đó là ‘cha’.
Chúng con nguyện danh Cha cả sáng
Để gọi Cha là ‘cả sáng’ (holy) thì chúng ta cần trầm mình vào tận trong mầu nhiệm thẳm sâu Thiên Chúa, cũng như vào trong cõi hạn giới đầy kịch tính mà Thiên Chúa đã bày tỏ chương trình cứu độ cho nó. Xin cho danh Cha ‘cả sáng’ tức là để mình đi vào kế hoạch yêu thương nơi cuộc đời của mỗi chúng ta ngay vào lúc này đây và trong nơi trần thế này, “theo như Người đã định từ trước trong Đức Kitô,” để chúng ta nhờ tình thương của Người, chúng ta sẽ trở nên “tinh tuyền thánh thiện và không gì đáng trách trước nhan Người” (Êph 1,9). Danh Chúa là cả sáng (cực thánh) ngay tự bản chất. Trong khi xin sự cả sáng của Ngài, tức là chúng ta đang cầu xin cho điều gì đó được tồn tại mãi mãi, với một thực tại hoàn hảo tràn đầy, hầu chúng ta không còn có thể làm gia tăng hay suy giảm danh thánh ấy được nữa. Để cầu xin cho điều gì đó tồn tại mãi mãi, một sự tồn tại thực thụ, không thể nào sai lầm được, hoàn toàn không lệ thuộc vào lời cầu nguyện của chúng ta, thì đây mới chính là lời nguyện xin thật hoàn hảo.
Nước Cha trị đến
Điều này liên quan đến điều gì đó mà chúng ta có thể đạt tới, một điều gì đó chưa xuất hiện tại đây. Nước Cha có nghĩa là sự ngập tràn ơn Chúa Thánh Thần trong toàn thể linh hồn chúng ta. Chúa Thánh Thần thổi đi đâu tùy Ngài. Điều còn lại là, chúng ta có dám mời Ngài vào trong chúng ta không mà thôi. Chúng ta đừng ra sức cố gắng phải tìm cho được cách thế đặc biệt hay hữu hiệu nào đó để mời mọc Ngài vào thăm tâm hồn chúng ta hay tâm hồn những người khác nói riêng, hay thậm chí cho tất cả mọi người nói chung; Chúng ta chỉ cần mời Ngài với lòng đơn sơ chất phác, để làm sao toàn bộ tư tưởng của chúng ta chỉ còn là một sự mời mọc Ngài, chỉ còn lại một tiếng rên xiết khôn tả mà thôi. Lời mời mọc ấy phải da diết, như thể là tiếng da diết của ai đó đang ở trong cơn khát dữ dội; khát đến độ mà người ấy sẽ không còn tâm trí nào mà nghĩ đến hành động uống vốn liên hệ đến bản thân mình nữa, hay thậm chí hành động uống nói chung. Người ấy chỉ còn nghĩ đến nước mà thôi. Vâng! chỉ là nước lúc này đây mà thôi. Thật thế, hình ảnh nước sẽ trở nên như một tiếng gào thét phát ra từ toàn bộ hữu thể của chúng ta. Qua sự phân định rõ ơn tác động của Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu cần nhận biết đâu là sự phát triển của Nước Cha và đâu là sự phát triển của xã hội và văn hóa mà họ đang dự phần vào. Sự khác biệt (distinction) này không phải là sự tách biệt (separation). Ơn gọi của nhân loại cho sự sống vĩnh cửu không phải là kìm nén, nhưng thực ra là củng cố bổn phận của mình hầu làm cho những tiềm năng và mọi phương tiện của mình đang có sẽ trở nên hữu ích trong thế gian này. Đấng Tạo Hóa đã ban tặng cho nhân loại tiềm năng và phương tiện ấy để mà biết phục vụ cho công lý và hòa bình (Văn kiện Công Đồng Vatican II: Hội Thánh trong Thế Giới Ngày Nay).
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
Ở đây, chúng ta cầu xin cho mọi sự trên thế giới này, một cõi giới đang hiện hữu trong thời gian, cũng được giống y như cõi giới vô hạn (phi không gian và thời gian) theo như ý Chúa muốn. Sự khao khát của chúng ta sẽ xuyên thủng thời gian để từ đó khám phá được cái vĩnh cửu sau nó (khao khát là vượt qua, là việt tính). Chúng ta phải biết khát khao như thế này: tất cả những gì đã xảy ra ở quá khứ thì rất nên được xảy ra như thế, ngoài ra không cần bất cứ gì khác nữa. Chúng ta phải làm thế, không phải vì những điều đã xảy ra ấy là tốt là đẹp trong con mắt của chúng ta, nhưng là vì Chúa cho phép chúng xảy ra như vậy. Hơn nữa, chúng ta phải làm thế, vì chính sự ngoan ngùy tuân phục Chúa của chúng ta đã là một tuyệt đối tốt lành rồi vậy, qua dòng chảy diễn biến của các sự kiện đời ta. Đời sống tâm linh của chúng ta khi thì lên, khi lại xuống. Lên lên, xuống xuống này cũng như là những giọt nước trong biển cả mênh mông, những giọt nước này được hất tung lên và văng khắp phía trên mặt đại dương theo cách thế sao cho phù hợp với ý Chúa toàn năng. Vâng! Vì những thất bại của chúng ta đã xảy ra trong quá khứ, thì giờ đây, chúng ta phải khát khao rằng: Chúng rất nên được xảy ra như vậy. Chúng ta cần quẳng đi tất cả những khát khao khác qua một bên, để chỉ dành lại cho mỗi khao khát sự sống vĩnh cửu mà thôi. Chúng ta phải nghĩ đến sự sống vĩnh cửu, giống như người ta chỉ còn nghĩ đến nước uống khi họ đang chết dần chết mòn vì cơn khát nước, tuy nhiên, đồng thời chúng ta cũng phải dám khao khát rằng nước uống này nên bị tước đi khỏi chúng ta và những người thân yêu của chúng ta mãi mãi, còn hơn là chúng ta nhận nước uống thật dồi dào cho dù theo như ý Chúa muốn.
“Dầu là Con Thiên Chúa, Người (Chúa Giêsu) đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Qua Người (Chúa Giêsu), chúng ta là những kẻ đã được Thiên Chúa đón nhận làm con, thế thì lý trí của chúng ta phải đến mức nào mới học biết được sự vâng phục?
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày
Đức Kitô là cơm bánh của chúng ta. Cơm bánh là lương thực cần thiết hằng ngày để nuôi sống mình. Chúng ta không thể tích trữ cơm bánh. Khi chúng ta nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc đời chúng ta, thì cũng chính là Người có mặt ngay trong lòng chúng ta. Một năng lượng siêu việt xuất phát từ trời cao sẽ đi vào chúng ta ngay lập tức khi chúng ta khát khao nó. Đây là một năng lượng đích thực. Năng lượng này thúc đẩy và làm nên những hành động thông qua trung gian là tâm hồn và thân xác chúng ta. Chúng ta cần phải cầu xin cho được loại lương thực này (năng lượng siêu việt). Trên cuộc hành trình đời ta, chúng ta đừng để, dù chỉ là một ngày, không có được loại lương thực này. Tuy vậy, sở dĩ người đói khát vẫn còn đó vì họ không có cơm bánh để mà ăn, sự hiện diện của những kẻ đói ăn sẽ làm cho chúng ta thấy được một ý nghĩa sâu thẳm khác cho lời cầu xin này. Bi kịch đói ăn của thế giới hôm nay đang gọi mời hết thảy Kitô hữu hãy tha thiết cầu xin cho được lương thực ấy và hãy ra đi thực thi trách nhiệm đối với gia đình nhân loại.
Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con
Quả là một lời cầu xin thật lạ lùng; Đây là một loại tình yêu, yêu cho đến tận cùng. Khi đọc đến những lời này, chúng ta đang cầu xin cho chúng ta biết xóa bỏ tất cả những ai, những gì đã và đang còn mắc nợ chúng ta. Mỗi khi chúng ta cho đi những gì chúng ta đang có, thì đồng thời chúng ta sẽ nhận thấy có một nhu cầu nào đó lại xuất hiện trong ta. Chúng ta nghĩ chúng ta cần điều này và cho rằng mình có quyền có nó. Các con nợ của chúng ta bao gồm tất cả mọi người và mọi thứ; chúng là toàn thể vũ trụ vạn vật. Chúng ta nghĩ rằng đâu đâu chúng ta cũng có quyền đòi hỏi yêu sách. Mỗi khi chúng ta cho phép mình quyền đòi hỏi, thì đồng thời luôn luôn xuất hiện trong tâm trí chúng ta ý niệm của một đòi hỏi ảo ở quá khứ cho tương lai của mình. Đây là sự đòi hỏi mà chúng ta cần phải khước từ.
Để tha cho những con nợ của mình, chúng ta phải khước từ toàn thể quá khứ đã qua. Có nghĩa là chúng ta thừa nhận tương lai phía trước đang rất trinh trong và nguyên vẹn (Chúa nói “Tha thứ bảy mươi lần bảy”, có nghĩa là vô tận, là toàn thể, để cho mình trở nên trinh trong, như “cả sáng”). Chúng ta hãy giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc mà trí tưởng tượng của chúng ta đang áp đặt lên trên nó. Một khi dứt khoát (cho một lần) từ khước mọi kết quả của quá khứ không chút chống cự gì, chúng ta mới có thể cầu xin Chúa cho tội lỗi quá khứ của mình không sinh ra hậu quả đau khổ nơi hiện tại và tương lai. Một khi còn bám vào quá khứ, thì Chúa cũng chẳng thể nào giúp chúng ta để ngăn chặn không cho sinh ra hậu quả khổ đau. Chúng ta không thể nào bám chặt vào quá khứ mà lại không duy trì tội lỗi của mình, vì chúng ta chẳng thể nào nhận thức được điều gì là tệ hại nhất trong con người chúng ta. Sự thứ tha cho những khoản nợ là sự nghèo khó tâm linh, là sự trần trụi tâm linh. Đây là sự chết. Nếu chúng ta hoàn toàn chấp nhận cái chết này, chúng ta có thể xin Chúa hãy làm cho chúng ta được tái sinh. Sự tha thứ (pardon) là sự thanh tẩy (purification).
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ
Cám dỗ ghê gớm nhất cho con người là để cho những nguồn nội lực của mình bị đắm chìm trong sự hiện diện của sự dữ.
Nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ
Kinh nguyện khởi đầu bằng chữ “Lạy Cha chúng con” và kết thúc với chữ “sự dữ”. Không những chúng ta cần có lòng tin cậy (vào Chúa) nhưng còn phải biết sợ hãi (sự dữ) nữa. Lòng cậy tin làm cho chúng ta thêm sức mạnh vừa đủ để không sa ngã, đồng thời cũng là kết quả của nỗi lo sợ (sự dữ) nữa.
Lm. Khất Tuệ
Nguồn: www.ofmvn.org