Trần Minh Trinh
Tính đến nay, mình cũng đã là người có đạo được hơn nửa thế kỷ cơ đấy. Ít nhất cũng có ba đời biết ‘amen’. Thế cũng gọi là ‘đạo gốc’ rồi.
Hồi ấy người ta chỉ gọi là người có đạo để phân biệt với người không có đạo là lương dân. Ngôn từ đơn giản thế. Đạo là đạo gì mới được? Đạo Lão, Đạo Khổng, Đạo Cao Đài, Đạo Phật… cũng là có đạo chứ. Lương dân cũng có thể hiểu là người dân lương thiện, mà người có đạo cũng được dạy sống lương thiện vậy. Vậy giữa ‘đi lương’ và ‘đi giáo’ có gì khác nhau?
Đạo theo nghĩa là ‘con đường’ .
Con đường được mở ra nhằm giúp cho ai đi trên đó sẽ tới được một nơi nào mà họ muốn. Có thể là đường tắt, có thể là đường dài, có thể là đường hàng không, đường thuỷ, đường bộ tùy theo phương tiện người dùng chọn sử dụng. Đạo là con đường đưa con người tìm tới một chân thiện mỹ cho cuộc sống nhân sinh. Vậy nên còn có đạo làm con, đạo làm người, y đạo, đạo vợ chồng…Đạo là mối tương quan giữa con người với thần linh thì gọi là tôn giáo.
Con người là ‘con vật có tôn giáo’. Có tôn giáo vì bản thể biết nó hiện hữu trên thế giới này thế nào, sống trong hiện tại để làm gì và cuối cùng cuộc sống này sẽ kết thúc ra sao. Có tôn giáo vì nó nhận biết những ‘năng lực vượt trội’ của nó mới chỉ là hạt cát trong cái vũ trụ bao la và cái trật tự vô hình cố hữu đang có, cái mà bao đời trí năng con người cố vươn lên để hiểu thôi nhưng mới chỉ là bước khởi đầu. Vẫn còn mãi những khám phá siêu việt, những phát hiện tân kỳ, những cơn sốt khoa học mà thực chất mới là tổng hợp hoặc tìm ra được một cái gì đó đã có sẵn trong thiên nhiên từ những ngàn vạn năm ánh sáng !
Thế rồi lại chuyện quả trứng với con gà cái gì có trước đem ra bàn cãi rồi cù nhầy với nhiều luận thuyết mổ xẻ qua các ngành triết học, khoa học.
Dĩ nhiên tôi không bàng quan với các quan điểm xã hội, khoa học, nhân sinh… nhưng tôi chú tâm tới chiều kích tâm linh của tôn giáo hơn.
Tôn giáo, nhất là Kitô giáo, không nằm trong học thuyết duy linh, cũng chẳng thuần tuý duy tâm và dĩ nhiên không duy vật. Ngay cả cái quan điểm ‘hữu thần’ thôi cũng chưa đủ để hiểu sâu vào giáo lý Công giáo – Tôn giáo của mọi người.
Người theo đạo Công giáo chưa hẳn đã hiểu hết những giáo lý thâm sâu của đạo mà phải sống niềm tin, biểu lộ được những nét căn bản nhất của giáo huấn Tin Mừng ngay từ bản thân mình, lan toả ra trong cuộc sống xã hội. Đi từ căn nguyên của ân sủng làm người, người Kitô hữu từng ngày được thăng hoa để hoà nhập vào cuộc sống của Thiên Chúa, vị Thần của yêu thương, của công bình, của nhân hậu, của hạnh phúc, của bình an, của tương quan cha-con thân thiện …
Người Kitô hữu là người ‘có Chúa’, bước theo lời mời gọi nên hoàn thiện trong lý tưởng làm người và làm con cái Chúa. Ơn gọi làm Kitô hữu là ơn gọi Theo Chúa.
Chỉ là lời mời hết sức tế nhị và tự do “hãy đến và theo Tôi”, “hãy đến mà xem”… và sau hơn 2000 năm lời mời của Thiên Tử viết hoa đó, hàng tỷ tỷ tâm hồn đầy tín thác đã dấn thân theo Thầy, đi vào bước chân mà Thầy đã bước qua với biết bao nhọc nhằn, oan khiên, bắt bớ, đổ máu và cả mạng vong. Vì con đường Thầy đi là đường khổ giá, con đường đau khổ, tử nạn.
Vài ngàn năm (theo con số nhân loại) của Cựu Ước, những kẻ đặt niềm tin tuyệt đối vào Giavê cũng đã trải qua những bước đường thê lương. Ngay từ câu chuyện buổi tạo dựng hùng vĩ và quyền năng kia, giữa sao trời tinh tú biển khơi cây cối an hoà, đã có cây biết thiện ác. Cái ác nó hoành hành nhanh hơn cái thiện, mặc dù Giavê chẳng hề tạo ra cái ác. Sự bất hảo đã đến từ tạo vật, cụ thể là con người. Sự tự do cao quý của ân sủng đã bị lạm dụng và muôn thế hệ đã khốn đốn vì sự kiêu căng đó. Tội lỗi phát sinh trong thế giới con người và lan tràn cả sang các tạo vật khác, làm lu mờ cảnh sắc thanh tao an bình của vũ trụ và thế giới.
Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa mở con con người con đường sống. Nhưng Thiên Chúa quyền năng lại không làm phép lạ hay uy lực của thượng đế mà khiến mọi cảnh tai ương biến mất, Ngài cũng không thẳng tay giết chết những kẻ nào gây ra tội lỗi, cũng không loại trừ những oan khiên khiến con người phải đau khổ. Ngài đến với con người và chia sẻ tất cả những gì mà con người có thể trải qua để ‘đồng lao chịu khổ’.
Vậy là khi theo Chúa, tôi cũng phải chịu khổ lây sao? À không, mang thân phận con người thì tôi cũng đã mang lấy cái ách khổ rồi, còn theo Chúa, tôi còn chịu thiệt thòi hơn!
Cứ xem bao ngày sống trong đời thường, mỗi lúc tôi lại phải chịu nhiều oan ức, bất công, tôi muốn vùng lên, tôi muốn biểu lộ sức mạnh của cơ bắp, tôi muốn hét toáng lên để vạch mặt những bất công, tôi muốn tiêu diệt ngay cái kẻ ngậm máu phun người để gieo tai ương cho người khác. Nhưng vì theo Chúa, tôi không được làm vậy. Tôi giống như một con chiên khép nép trước cây roi của người chăn chiên mà không dám hé môi ca thán. Tôi thiệt thòi quá. Vì theo Chúa nên tôi lỗ quá.
Mỗi khi tôi cảm thấy chút tự hào vì mớ tài sản mình dầy công kiếm được, phải hưởng thụ ‘ăn chơi’ tí cho bõ bao lao nhọc ngày qua. Ngay lúc đó, có lời cảnh báo tôi “đồ ngốc, ngay hôm nay Ta đòi linh hồn ngươi, thì những của cải ngươi có kia có còn ích lợi gì không”. “Được cả thế gian mà thiệt phần hồn thì có ích chi”.
Những kẻ áp bức tôi, xỉ mạ tôi cách oan ức, tôi muốn cho chúng một bài học nhớ đời, thì có lời thúc nhắc tôi : chúng đã đối xử với Thầy thế nào thì cũng đối xử với anh em như vậy. Nếu nó tát má bên trái, anh em cũng đưa má luôn bên phải nữa.
Chúa ban cho tôi bao nhiêu tài năng, trí tuệ, sức khoẻ hơn người. Ôi cám ơn Chúa! Tôi sẽ phải thi thố hết để làm cho mọi người thán phục, ca ngợi tôi và tôi sẽ cho họ biết đó là do ơn Chúa. Nhưng có lời khuyên nhủ tôi : Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá cuộc đời mà theo (chứ không phải ôm cái danh vọng hão huyền nay còn mai mất, cái thân xác khoẻ mạnh kia chỉ một cơn gió thoảng cũng làm biến mất khỏi cuộc đời).
Tự hào là người có đạo, có uy tín trong xã hội, tôi phê phán những con người không có đạo đức, chê bai những kẻ thích chuyện hành tỏi, chồng chung vợ chạ…thì có lời chỉ bảo tôi : nếu các ngươi không nên công chính …phường tội lỗi, đĩ điếm lại vào Nước Trời trước các ngươi.
Kẻ làm hại tới gia đình tôi, bà con xóm ngõ tôi, tôi động lòng trắc ẩn muốn giúp họ chống lại kẻ ác, tôi cầu nguyện xin Chúa tru diệt kẻ ngông cuồng đi, Chúa trả lời “oán phạt thuộc về Ta, Ta sẽ báo trả. Nếu kẻ thù ngươi đói, hãy cho nó ăn, nó khát hãy cho nó uống, làm thế là ngươi đã chất than hồng lên đầu nó”. Thực ra tôi cũng giống như Phêrô trước đây, thấy nguy cơ bất an là chuẩn bị gươm ‘Thầy ơi, có hai thanh gươm đây’, Chúa bảo kẻ chơi dao có ngày đứt tay : “cầm gươm sẽ chết vì gươm”.
Có lẽ cái ngôn ngữ ‘bất bạo động’ nó nằm trong tâm não người Kitô hữu. Hình ảnh con chiên hiền lành bị đem đi xén lông của ngôn sứ Isaia, của vị Thiên Chúa đầy nhân hậu bị ‘con cháu Abraham’ lên án và xử tử…khiến từ đây khi nói về Kitô giáo, người ta có ngay một hình ảnh, một thứ ngôn ngữ đặc trưng như an hoà, nhẫn nhục, thành tín và công bình bác ái. Những thứ ngôn ngữ xem ra quá xa xỉ trong xã hội vật chất này!
Thế ra theo Chúa không chỉ có thập giá mà còn có thiệt thòi, xem như thua lỗ! (Tôi muốn trích dẫn nhiều nữa, trích cẩn thận từng đoạn từng câu nữa để ai nấy biết rằng tôi không nói bừa. Khổ nỗi những con số không thân thiện với tôi lắm, chỉ biết rằng những lời kia phát lại trong tôi cách tự nhiên, như những mạch máu nuôi dưỡng thân xác này, nên trong mọi lúc mọi nơi, những lời ấy vẫn canh cánh theo tôi tới mọi nẻo đường.)
Thì cũng giống như Thầy đấy thôi. Sao Thầy không tỏ uy quyền của Chúa Trời mà cứu nhân độ thế, lại cam chịu một thân phận làm người để mà chịu khổ nhục, còn chịu chết nữa chứ. Thầy cũng thất bại và thua lỗ cả rồi!
Vậy mà mấy ngàn năm nay, hàng tỷ tỷ con người mọi thời đại vẫn tin Chúa,vẫn theo Chúa, vẫn dám hy sinh cả mạng sống mình để bảo vệ đức tin vào Chúa, vẫn đi theo con đường thua lỗ của Nước Trời.
Theo Chúa, vì con đường Chúa đi là con đường tình yêu dẫn đến đỉnh vinh quang. Luật đi trên đường này không nhằm cấm cản hay cưỡng bức mà là hướng dẫn, giáo dục, cảm hóa để người đi đường cảm nghiệm sự an bình khi bước đi. Không có con đường trải hoa, và nhiều khi chỉ toàn gai góc đá nhọn lởm chởm, nhưng có ‘thiên thần Chúa đỡ nâng bạn, để bạn khỏi vấp chân vào đá’. Có lúc tôi hụt hẫng và quy ngã vì sức nặng của oan trái, thì bước chân của tôi lại biến mất trên đường để chỉ còn lại dấu chân của Đấng đang ẵm tôi trên tay hoặc ‘nâng niu trên đầu gối’ hay đã ‘đưa tôi lên cánh phượng hoàng’…
Xem ra cái mất, cái thua lỗ mà tôi tự nhận kia còn quá nhỏ, quá khiêm tốn so với niềm hạnh phúc, sự bình an mà tôi đang say sưa cảm nhận từng ngày khi bước theo Chúa. Cũng có khi tôi thấy giận Chúa vì đã chọn con đường thập giá mà làm phương tiện cứu độ, nhưng đi sâu tí nữa lại thấy Ngài thấu tình đạt lý. Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của Ta cao hơn ngươi bấy nhiêu. Nếu Ngài cũng có ý nghĩ nông cạn như tôi thì ngày hôm nay, thế giới còn biết bao thương đau khác nữa mà ngay phim ảnh cũng không thể tưởng tượng nổi mà dệt ra những bộ phim bi thảm hãi hùng.