TẢN MẠN ĐỜI TU
NHÂN NGÀY QUỐC TẾ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN (02.02)
WHĐ (30.01.2024) – Có lẽ cũng phải giải thích một tí cho những “người ngoại đạo” khi xem bài viết này về hạn từ “Đời sống thánh hiến”. Đây là một từ dùng để chỉ về một lối sống của những người hiến dâng cuộc đời của mình cho Chúa trong bậc tu trì. Hay nói gọn hơn, ý niệm này nói về đời sống của những người đi tu.
Chắc hẳn chúng ta cũng biết là nhiều tôn giáo trên thế giới từ lâu nay cũng có những bậc sống tu trì. Lối sống của những người đi tu đó, có thể là có những phương thế giống nhau nhưng sứ điệp và mục tiêu lại không giống nhau với tất cả các đường hướng tu trì.
Cách riêng với các tín hữu Công giáo thì những người đi tu được gọi là những người đang sống trong đời sống thánh hiến. Danh xưng này cũng đủ nói lên được sứ điệp và mục tiêu của những người đi tu bên Công giáo: Họ hiến dâng cuộc đời của họ cho Thiên Chúa (là Đấng) chí thánh chí thiện để trở nên giống như Ngài mỗi ngày một hơn và phụng thờ Ngài (thánh hiến – dành riêng cho Ngài); đồng thời các tu sĩ cũng hiến dâng đời sống của họ để phục vụ Giáo hội và con người. Và như vậy họ được gọi là những người đang SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN.
Thiết nghĩ cũng cần nói thêm là CHỈ CÓ MỘT THIÊN CHÚA mà thôi. Nhưng có nhiều con đường để theo Chúa, để đến với Chúa. Do vậy, khi đi tu, người ứng sinh chọn cho mình một con đường (linh đạo) thích hợp để bước theo Chúa Giêsu, Thầy chí thánh của mình. Hơn nữa các linh đạo nơi dòng tu đều phản ánh khuôn mặt và sứ điệp cũng như nếp sống của Chúa Giêsu mà người tu sĩ đang noi theo và họa lại để sống trong cuộc sống hàng ngày của họ. Thế nên, để có thể sống giống Chúa Kitô, các tu sĩ tự nguyện tuyên khấn sống theo BA Lời khuyên trong Tin Mừng là Thanh bần, Khiết tịnh và Vâng phục. Khi tự nguyện cam kết sống theo BA điều này, người tu sĩ có nhiều cơ may để sống giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn, và BA điều này chính là phương tiện, là giềng mối để giữ người tu sĩ sống tốt và đạt được mục tiêu trong đời tu của mình. Thật là đúng khi có ai đó đã từng ví von rằng, các dòng tu là “vườn hoa muôn sắc” tô điểm và phản ánh cho sự thánh thiện của Giáo hội Chúa Kitô.
Với một vài khái niệm vừa nêu về đời tu Công giáo, chúng ta mới hiểu được đây là một chọn lựa đầy thách đố, là một lối sống khá là kén chọn cho những ai bước vào; hay có thể nói rằng đây là con đường chẳng mấy ai đi…
Tính tới thời điểm hôm nay (2024) thì người viết bài này đã đi tu để sống đời thánh hiến cũng hơn ¼ thế kỷ rồi. Nhớ lại ngày đầu (đời tu) cách đây hơn 25 năm khi bước vào tu viện, vị linh mục chủ sự hôm đó có nói với các “tân tu” đại ý rằng, các bạn chọn lối sống này là các bạn đang lội ngược dòng… bởi lẽ lối sống này vừa khó khăn thử thách, vừa đòi hỏi nhiều cố gắng mỗi ngày; và lối sống này là một lối sống … không giống ai (nhiều người đi xuôi, chỉ có mình là lội ngược dòng).
Hơn thế nữa – như đã nói ở trên – khi đi tu là người tu sĩ phải noi gương và họa lại cuộc đời của Chúa Giêsu trong đời sống hàng ngày. Điều này xem ra là … quá khó; bởi lẽ mình là con người, mà phải sống giống Chúa; mình là “nhân” và phải hướng tới và sống theo lối sống của “thần”. Như thế chẳng phải là lội ngược dòng sao? Vẫn biết rằng, ân sủng và sức mạnh của Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự, nhưng sự cộng tác và cố gắng của con người cũng là phần đáng kể lắm chứ!!?? Chả trách gì đây đúng là con đường chẳng mấy ai đi.
Có thể chăng “lối sống ngược dòng” này càng khó khăn gấp bội trong thời đại 4.0 và 5.0 của thế giới hôm nay?
Đúng là khó thật bởi lẽ con số những “tân tu” đang ngày càng giảm dần tại nhiều nơi trên thế giới; và con số những người đang đi tu cũng “quay lưng lại” để “xuôi dòng về bến” mà thi thoảng có xảy ra, cũng là một mối bận tâm cho các vị hữu trách trong Giáo hội và các đồng môn của họ cũng như các tín hữu… mà nói theo lối nói hoa mỹ văn chương thì có thể mô tả được rằng bức tranh về đời sống thánh hiến hôm nay đang là màu xám và từ từ dần chuyển sang màu … sậm hơn.
Đó là theo cách nhìn của con người với những suy tính, tư duy của con người. Nhưng trong đức tin, chúng ta tin rằng Chúa có cách của Ngài và Chúa định liệu an bài mọi điều, mọi việc theo sự quan phòng của Chúa. Điều quan trọng ở đây là chúng ta cùng xác tín được điều này để tin tưởng, để hy vọng sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn.
Nhớ lại trong một dịp kinh lý (năm xưa) của cha Bề trên Tổng quyền nhà Dòng. Khi cha đến thăm và trò chuyện với các anh em sinh viên học viện, có bạn đặt câu hỏi với cha đại ý là cha là người ở bên “tây” và chúng con nghe nói là bên Âu -Mỹ, người ta hết đi tu, nhiều tu viện đóng cửa, các tu sĩ già nua,… cha có cảm thấy buồn không? Ngài trả lời ngay: “Có gì đâu mà buồn, mặt trời lặn ở phía tây thì mọc ở phía đông chứ có gì mà buồn”. Một câu trả lời đầy lạc quan, đầy tin tưởng và nhiều hy vọng.
Có lẽ bản thân của bạn cũng nhận thấy – đó, đây – vẫn có những tín hiệu lạc quan, vẫn thấy những tia sáng báo hiệu bình minh xuất hiện … Người viết bài này cũng nhận thấy tín hiệu vui của đời sống thánh hiến khi được tham dự ngày lễ khấn trọng thể của ba nữ đan sĩ trẻ trong một đan viện (nhà Dòng kín). Cứ tưởng rằng thế giới tục hóa hôm nay đang lôi kéo người trẻ rời xa sự thánh thiêng, cứ nghĩ rằng thói ích kỷ, sự thủ thân thủ lợi đang bao vây, chủ nghĩa cá nhân cứ đeo bám và chèn ép sự cởi mở, tình yêu thương và lòng quảng đại của con người hôm nay … thì lễ khấn trọng thể (trọn đời) của ba bạn trẻ vào đan viện vừa mới được diễn ra trong thời gian vừa rồi như phần nào giải tỏa cho những băn khoăn đó.
Song song vào đó, chúng ta thấy không phải là một vài nơi đơn lẻ mà là nhiều nơi trong các chủng viện và dòng tu, số người trẻ cam kết dấn thân để thánh hiến đời mình vẫn giữ ở mức độ tuy có tăng giảm, nhưng cứ đều đặn mỗi năm; và nhiều linh mục trẻ hôm nay vẫn lần lượt ra trường để nhận lãnh sứ vụ phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ con người. Nơi những người này, chúng ta thấy được lòng yêu mến, sự dấn thân, những sáng kiến mục vụ cho từng đối tượng nơi những địa phương có thể là phố thị, có thể là biên cương thật là đa dạng, phong phú, thích hợp cho các tín hữu, cho đồng loại trong từng nhu cầu… quả thật là đáng trân trọng và cảm mến. Và đời sống cũng như tâm nguyện của các linh mục và tu sĩ hôm nay với dân Chúa, với sứ vụ đã làm cho đời sống của họ “thấm đượm mùi chiên” – theo kiểu nói của Đức Giáo hoàng Phanxicô – khi những anh chị em này hết tâm, hết lòng với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại của mình. Đây quả là một dấu hiệu tích cực và đáng mừng!
Đó là nói về số lượng người đi tu với những tia sáng của những điều tích cực. Còn một khía cạnh khác nữa cũng cần bàn đến là chất lượng của người đang (đi) tu. Về vấn đề này cũng có vài điều – làm chúng ta – nghĩ … ngợi.
Trước hết là sự giải thiêng tục hóa trong xã hội bên các nước phương tây đã “xếp hạng’” các linh mục và những người thánh hiến như là một nghề nghiệp – như bao nghề nghiệp khác – trong xã hội. Có thể chăng, điều này làm cho lý tưởng đời tu mất đi dũng khí, sự quảng đại dấn thân của các bạn trẻ bị mất đi động lực; từ đó làm thui chột tinh thần và mất đi ý nghĩa của đời sống thánh hiến theo đúng nghĩa của từ ngữ này. Phải chăng đây là lý do mà người trẻ phương tây hôm nay ít người đi tu?
Ngược lại, xã hội “bên ta” nói riêng và các dân tộc Á Đông nói chung vẫn còn giữ được đời sống tâm linh ở mức cao và việc sùng đạo, giữ đạo nói chung cũng như việc người trẻ dấn thân đi tu làm linh mục hay bước vào đời sống thánh hiến nói riêng vẫn là điều được xã hội khuyến khích và nhiều người kính trọng; nên con số những người đi tu để làm linh mục và để sống đời thánh hiến tại khu vực phương Đông và Việt Nam xem ra vẫn là điều “đáng ước mơ” nơi các Giáo hội Âu – Mỹ; mà như cái nhìn – đầy hy vọng – của cha Tổng quyền đã nói ở trên là mặt trời vẫn đang mọc lên và vẫn sáng ở phương Đông mỗi ngày!!
Hơn nữa, điều này có lúc được đẩy lên đến mức “vượt ngưỡng” về số lượng và chất lượng nơi những người đi tu, bởi lẽ có người nghĩ rằng, đi tu hôm nay là một dịp đổi đời, và cũng là cơ hội thăng tiến; và hai chữ “thánh hiến” trong động cơ cũng như trong hiểu biết của những người này xem ra thật mờ nhạt và có nhiều sai lệch. Thế nhưng trong cái nhìn lạc quan và đầy hy vọng. Chúng ta có quyền tin rằng những điều vừa nói chỉ là thiểu số và lối sống này, chọn lựa này – nơi một số nhỏ thành viên – đang dần được thanh lọc và không có chỗ đứng dài lâu trong đời sống của những người thánh hiến hôm nay.
Người ta vẫn nói “gần chùa gọi bụt bằng anh” hay câu khác là “thức lâu chầu mỏi” như một phần nào có thể diễn tả sự đơn điệu, sáo mòn, có khi là tẻ nhạt trong đời tu. Tình trạng này chắc không phải là cảm nghiệm của riêng những người đang đi tu nhưng cũng rơi vào những người đang sống những đời sống khác. Nếu chính bản thân người đi tu không ý thức để cảnh tỉnh, để hâm nóng đời sống và làm mới mình mỗi ngày… thì sự đơn điệu, tẻ nhạt này sẽ dần dà gặm nhấm, làm hao mòn lòng nhiệt huyết và hủy hoại tinh thần dấn thân và ngọn lửa nhiệt tình nơi người tu sĩ. Có thể chăng chính điều này là nguyên nhân dẫn đến thái độ trơ lì nơi đời sống của người tu sĩ dẫn đến tình trạng đương sự chỉ cần làm đúng, làm đủ và bằng lòng với hiện trạng nhạt nhẽo và xoàng xĩnh[1] hàng ngày của bản thân mình??!!
Xét trên một khía cạnh nào đó, thì tình trạng trơ lỳ này cũng nguy hiểm không kém so với các hiện tượng lệch chuẩn hay “phá rào” trong đời tu. Nó là nguyên nhân dẫn đến một vài hiện tượng tiêu cực mà chúng ta vẫn gặp, vẫn nghe thấy đó đây với những biểu hiện là người tu sĩ hôm nay ngại dấn thân, thích hưởng thụ, không sáng kiến – sáng tạo trong công việc, và đôi khi đóng vai của một khán giả đứng bên lề cách thờ ơ để nhìn cuộc sống nhân gian trôi nổi trong dòng chảy của cuộc đời.
“Hãy đi ra vùng ngoại biên”[2]đây là điệp khúc mà chúng ta đã được nghe từ nhiều năm trước và hôm nay vẫn được nhắc lại từ Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Người viết bài này trộm nghĩ… có thể chăng là tình trạng đóng cửa ở yên, hay là thái độ khép kín và tình trạng “làm khách” đứng nhìn thế giới từ bancon[3] không phải là chuyện đơn lẻ nơi một vài địa phương, mà tình hình xem ra khá là phổ biến??!! Nghĩ đến điều này mà cảm thấy băn khoăn cho tiền đồ của đời sống thánh hiến trong Giáo hội chúng ta hôm nay.
Nhưng, như đã nói ở trên – chúng ta tin tưởng rằng – Chúa có cách của Chúa; và sáng kiến HIỆP HÀNH của Đức Giáo hoàng Phanxicô nơi Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 là sự can thiệp của Chúa và thúc đẩy của Thánh Thần để hướng dẫn và dìu dắt Giáo hội trong thế giới hôm nay. Tạ ơn Chúa là trong cái nhìn ngôn sứ của mình, Đức Giáo hoàng đã tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục mang tên “Hiệp hành”, để thúc đẩy mọi người cùng hiệp thông – tham gia và thi hành sứ vụ khi bước vào tương lai mới.
Khi có được tinh thần hiệp hành, và khi mọi thành phần trong Giáo hội đều hiệp thông, biết cùng tham gia và cùng “nhập cuộc” để thi hành sứ vụ của mỗi người thì chắc hẳn lúc đó đời sống và sứ vụ của Giáo hội sẽ sống động và đa dạng hơn, mang lại nhiều hiệu quả trong sứ vụ của Giáo hội hơn. Các tín hữu sẽ sốt sắng và nhiệt tình hơn trong đời sống đức tin của họ và các anh chị em sống đời thánh hiến – là các tu sĩ nam nữ – sẽ có nhiều nhiệt huyết hơn (sống có lửa) để sống trọn vẹn được ơn gọi, căn tính và sứ vụ của mình.
Ước gì được như vậy – AMEN.
Lm. Phanxicô Salêsiô Lê Văn La Vinh, OP
Ngày 30.01.2024
[1] Từ dùng của Đức Giáo hoàng Phanxicô viết trong Tông Huấn Gaudete et exsultate (Tông huấn Niềm Vui Hoan Hỉ), số 1, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-hay-vui-mung-hoan-hi-gaudete-et-exsultate-ve-on-goi-nen-thanh-trong-the-gioi-ngay-nay-51169
[2] Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, Phần II số 4
[3] Tông huấn Christus Vivit (Tông huấn Đức Kitô đang sống) số 143, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-christus-vivit-chua-kito-dang-song-38964