ĐỨC HỒNG Y PAROLIN: “GIÁM MỤC HY SINH MẠNG SỐNG VÌ ĐOÀN CHIÊN”
Tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Rôma, ngày 15/7/2023, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã truyền chức giám mục cho Đức cha Gian Luca Perici, người được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm sứ thần Tòa Thánh ở Zambia và Malawi vào tháng trước. Đối với ngài, Giám mục là người hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, và nhiệm vụ của Giám mục là trở thành một “người lính canh” duy trì sống động sự hiệp nhất và niềm hy vọng giữa các tín hữu của mình.
Giám mục được kêu gọi để làm gì? Câu hỏi quan trọng này đã đánh dấu bài giảng của Đức Hồng Y Parolin trong thánh lễ phong chức giám mục cho Đức cha Perici. Đức Hồng Y tuyên bố: Giám mục được kêu gọi đặc biệt để mang “Tin Mừng cho những người nghèo khổ” và “băng bó các vết thương của những ai có tâm hồn tan nát”.
Giám mục cảnh báo cộng đoàn trước mọi nguy hiểm
Đức Hồng Y nói thêm rằng Giám mục là một “dấu chỉ của Chúa Kitô”, như những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến tông du ở Canada: “Chính vì chúng ta là một dấu chỉ của Chúa Kitô mà thánh tông đồ Phêrô đã khuyến khích chúng ta: hãy nuôi dưỡng đoàn chiên, hãy dẫn dắt họ, đừng để họ lạc lối trong khi anh em chăm lo đến công việc của mình. Hãy chăm sóc họ với sự tận tâm và dịu dàng”. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhấn mạnh tiếp: Giám mục giống như “một người lính canh tốt” mà, khi quan sát chân trời, “sẽ cảnh báo cho cộng đoàn về mọi mối hiểm nguy đang đến gần”. Một người lính canh tốt cho thấy “trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong việc cầu nguyện, trong việc năng lãnh nhận các bí tích, trong sự khiêm nhường và bác ái, những vũ khí mạnh mẽ qua đó người ta có thể vượt qua mọi trở ngại và duy trì sự gắn kết huynh đệ và niềm hy vọng sống động”. “Để giảng dạy cách có uy quyền và không độc đoán, để quản trị cách cương nghị và đồng thời dịu dàng, để phân phát bánh sự sống và tất cả hiệu quả của bí tích”, Giám mục “tìm thấy nơi Chúa Kitô một khuôn mẫu rất tuyệt vời và rất cao cả mà thoạt đầu thậm chí có thể có nơi bản thân một nỗi sợ hãi tê liệt nào đó. Và điều đó rất có thể xảy ra, trừ phi nếu không xảy ra cuộc gặp gỡ kỳ diệu giữa tác động mạnh mẽ và nhẹ nhàng của Chúa Thánh Thần – Đấng thánh hiến và ban sức mạnh, Đấng an ủi và củng cố – và lời cầu nguyện đầy tin tưởng và liên lỉ của người được kêu gọi đến thiên chức giám mục và của toàn thể Giáo hội”.
Nhìn vào Người Mục Tử Nhân Lành
Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Parolin cũng nhận xét rằng một Giám mục được mời gọi hướng cái nhìn của mình về “trái tim của Chúa Giêsu đang chiếu sáng một tình yêu vô biên”, về Người Mục Tử Nhân Lành, “sẵn sàng hy sinh mạng sống vì đoàn chiên” và “không chạy trốn trước bầy sói”. Giám mục “được mời gọi hướng tất cả sự chú ý của mình đến “trái tim tỏa sáng và chiếu tỏa đức ái” này”, đến “nguồn mạch của lòng thương xót” này vốn không từ chối một ai và mang lại cho mọi người “lời loan báo hân hoan về sự giải thoát đích thực”. Lời mời gọi mà Giám mục phải chấp nhận là lời mời gọi “biến đổi hoàn toàn mọi tình cảm của con tim và chuyển dâng nó lên Thiên Chúa”. Nhắc lại lời cua thánh Bônaventura mà Giáo hội mừng lễ hôm nay, Đức Hồng Y giải thích: “Ai đăm đăm nhìn vào Chúa chịu đóng đinh sẽ cử hành Lễ Phục Sinh với Người”. Giám mục được mời gọi ”cho thấy sự dịu dàng của cái ách của Chúa Kitô, để cất đi cái ách tội lỗi buồn rầu khỏi vai những người được giao phó cho mình”.
Truyền đạt lời Đức Thánh Cha
Cuối cùng, Đức Hồng Y đã nhắc lại sứ mạng đặc thù được giao phó cho Đức cha Perici: “sứ mạng mang lời của Đức Thánh Cha đến cho các Giáo hội và các chính phủ” của các Nhà nước nơi ngài được sai đi truyền giáo, nhưng cũng là “một người kiến tạo hào bình không biết mệt mỏi trong thế giới đang bị những cuộc chiến tranh và xung đột đẫm mấu gây xáo trộn này”, tham gia vào việc thúc đẩy bảo vệ ”các quyền cơ bản của nhân vị, thường bị đe dọa bởi các ý thức hệ đang công cụ hóa và thao túng chúng nhân danh một chủ nghĩa nhân bản mà trên thực tế không có gì là nhân bản cả”. Trong sứ mạng này, Đức Hồng Y mời gọi trở thành “chiếc cầu nối đích thực có khả năng trình bày cho Giáo hội hoàn vũ những nhu cầu, những vấn đề, những hy vọng và sợ hãi của các Giáo hội địa phương khác nhau, bằng cách làm cho họ cảm nhận được mối quan tâm hiền phụ của người kế vị thánh Phêrô tông đồ”.
Đức cha Perici bắt đầu phục vụ ngoại giao của Tòa Thánh vào ngày 1/7/2001 và đã phục vụ tại Tòa khâm sứ ở Mêxicô, Haiti, Malta, Angola, Braxin, Thụy Điển, Tây Ban Nha cũng như ở Bồ Đào Nha.
Vatican News
Tý Linh
Nguồn: xuanbichvietnam.net (16.07.2023)