THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI
TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ CỦA LINH MỤC
WGPQN (23.9.2022) – Đứng trước một thế giới ngày càng có những bất ổn về chính trị, xã hội, kinh tế, lại thêm đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành khắp nơi, phơi trần sự an toàn giả tạo của nhân loại trong thời đại được coi là văn minh nhất từ trước đến nay, Đức Phanxicô, một lần nữa, muốn theo gương Thánh Phanxicô Assisi đề nghị “một lối sống mang hương vị Tin mừng” (FT 1), nên ngày 03 tháng 10 năm 2020 ngài đã ưu ái gửi đến toàn thể Dân Chúa một bức thông diệp mới mang tựa đề Fratelli Tutti (FT), về chủ đề “tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội”.
Ngài mở đầu thông điệp bằng một bức phác họa về bóng tối của một thế giới khép kín với những giấc mơ tan vỡ. Tiếp đến, dưới ánh sáng của dụ ngôn Tin mừng về người Samaritanô nhân hậu, ngài đưa ra những nét dự phóng nhằm kiến tạo một thế giới mở khởi đi từ một trái tim mở ra cho toàn thế giới. Trong dự phóng ấy, ngài đề cập đến một nền chính trị tốt đẹp hơn, những cuộc đối thoại nhằm xây dựng một nền văn hóa mới thấm đậm tình bằng hữu xã hội, những lộ trình gặp gỡ trong chân lý và hòa bình, và cuối cùng là vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng một tình huynh đệ đại đồng trên toàn thế giới.
Đây là những vấn đề lớn trên qui mô toàn cầu và cần có sự tham gia của mọi cư dân hoàn vũ. Đối với người Công giáo khắp nơi, đây là những vấn đề liên quan đến phong cách sống đạo theo Tin mừng, xây dựng Giáo hội hoàn vũ từ những chất liệu thế trần, đồng thời góp phần giới thiệu Tin mừng cho anh chị em lương dân. Tuy nhiên, những vấn đề mang tính phổ quát ấy cũng được gặp thấy đó đây, ở những phạm vi và mức độ khác nhau tại các địa phương. Vì vậy những đường lối và phương pháp Đức Phanxicô đề ra để giải quyết những vấn đề xã hội toàn cầu, vẫn có thể được áp dụng cách linh hoạt tại các địa bàn mục vụ của các Giáo hội địa phương. Tại các giáo xứ, chính các linh mục là những người trước hết có nhiệm vụ đưa giáo huấn xã hội của thông điệp này vào chương trình mục vụ của giáo xứ, nhờ đó giúp các tín hữu sống và làm chứng cho Tin mừng giữa lòng xã hội hiện nay. Đây cũng là một con đường truyền giáo hữu hiệu phù hợp với ơn gọi của anh chị em giáo dân, là những người sống đạo giữa đời như men trong bột.
Bài viết này nhằm trình bày một số giáo huấn trong thông điệp Fratelli Tutti cần được áp dụng và triển khai trong chương trình mục vụ tại các giáo xứ. Tất cả đều được xây dựng trên một nền tảng chung và cũng là nội dung chính của thông điệp, đó là tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội.
1. Ý NGHĨA VÀ NHU CẦU XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ VÀ TÌNH BẰNG HỮU XÃ HỘI
Giáo hội bắt đầu hình thành từ khi Đức Kitô kêu gọi một số người theo làm môn đệ của Người và xây dựng tình huynh đệ giữa họ với nhau chung quanh Người. Trước khi về trời Người truyền cho các tông đồ phải đi khắp thế giới loan báo Tin mừng “và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), tạo nên cộng đoàn Giáo hội hiện nay bao gồm mọi người không phân biệt chủng tộc, nguồn gốc. Vì thế, nét chính của cộng đoàn Giáo hội là một tình yêu phổ quát, mà Đức Phanxicô gọi là “tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội”.
1.1. Ý nghĩa của tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội
Tình huynh đệ theo nghĩa hẹp là tình yêu thương tự nhiên giữa anh chị em ruột thịt trong gia đình, vì “gia đình là nơi đầu tiên các giá trị của tình yêu thương và huynh đệ, chung sống và chia sẻ, quan tâm và chăm sóc người khác được sống và truyền thụ lại” (FT 114). Theo nghĩa rộng, tình huynh đệ là tình yêu thương giữa những người coi nhau như anh chị em, mặc dù không cùng huyết thống. Tình bằng hữu là một phạm trù xã hội, được dùng để chỉ quan hệ giữa người với người có những nét giống nhau về tâm tư, tình cảm, quan điểm hay hoàn cảnh… mà họ có thể chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Như vậy, tình bằng hữu và tình huynh đệ theo nghĩa rộng có thể được coi như một cặp song sinh, hoặc được đồng hóa với nhau.
“Kitô giáo mở rộng tình huynh đệ tự nhiên bằng cách cho nó một nguồn gốc và một cùng đích sâu xa hơn: bắt nguồn từ Thiên Chúa và kết thúc nơi Thiên Chúa. Người ‘trong bốn bể’ đều là anh chị em với nhau, ‘tứ hải giai huynh đệ’, vì cùng một Cha là Thiên Chúa, cùng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26). Trong gia đình Hội thánh, tình huynh đệ được đặt căn bản trên Đức Kitô là ‘Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc’ (Rm 8,29; x. Ga 13,34-35)”.[1] Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Tất cả các con đều là anh em với nhau” (Mt 23,8).
Dựa vào căn bản thần học trên đây, ngay từ phần mở đầu của Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Phanxicô đã mượn cách nói của Thánh Phanxicô Assisi để đưa ra khái niệm về “tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội”. Tính từ “xã hội” được dùng trong cụm từ này nhằm “diễn tả bản chất của mối tình huynh đệ cởi mở, cho phép nhìn nhận, tôn trọng và yêu mến mỗi người, dù về mặt thể lý họ không ở gần, hay dù cho họ sinh ra hay sống ở đâu đi chăng nữa” (FT 1). “Tình huynh đệ phổ quát và tình bằng hữu xã hội là hai cực không thể tách rời và cùng mang tính cốt yếu của mọi xã hội” (FT 142).
Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội với những vấn đề liên quan luôn là mối ưu tư của Đức Phanxicô và ngài thường đề cập đến chủ đề này trong những năm gần đây, trong các địp khác nhau. Cách riêng trong thông điệp này ngài muốn tập hợp và đặt chúng trong một bối cảnh suy tư rộng lớn hơn, đặc biệt tập chú vào chiều kích phổ quát và rộng mở của tình huynh đệ (x. FT 5-6).
Tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội được đề cập đến trong thông điệp này không gì khác hơn là chính tình yêu Kitô giáo, một tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, một tình yêu vượt qua mọi ranh giới và những cách biệt về xuất xứ, quốc tịch, màu da hay tôn giáo, mà Thánh Phanxicô Assisi đã thể hiện và nêu gương trong cuộc đời của ngài và truyền cảm hứng cho Đức Phanxicô để ngài viết thông điệp này (x. FT 3-4).
Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Tình Yêu, mà tình yêu tự bản chất là trao ban, nên con người “không thể sống, phát triển và đạt đến mức thành toàn nếu không ‘chân thành trao ban chính mình’ (GS 24). Con người cũng không thể hiểu biết tường tận sự thật về chính mình, nếu không gặp gỡ người khác” (FT 87). Được tạo dựng bởi tình yêu và cho tình yêu, từ đáy sâu tâm hồn, mỗi người cảm thấy một sức mạnh lôi kéo chính mình để đến với người khác, hay theo kiểu nói của Đức Karol Wojtyla: “một phép ‘xuất thần’: ra khỏi chính mình để tìm gặp nơi người khác chính bản thân mình cách tròn đầy hơn” (x. FT 88).
“Thánh Tôma Aquinô đã định nghĩa tình yêu như một chuyển động khiến ta tập chú đến người khác, “bằng cách xem người ấy như là một với chính mình”.[2] Tình cảm dành cho người khác dẫn đến việc mưu cầu thiện ích cho người ấy cách vô vị lợi. Điều này khởi đi từ cảm thức quý mến, trân trọng phẩm giá của người khác, tóm lại được diễn tả bằng từ ngữ “bác ái”: người được yêu là người rất “quý báu” đối với tôi, “người ấy được đánh giá cao”.[3] Và “tình yêu khiến ai đó đẹp lòng (grata) tôi chính là lý do khiến tôi trao ban cho họ một cách vô vị lợi (gratis)”[4] (FT 93).
“Yêu người khác vì bản thân người ấy, vì những gì họ là, sẽ thúc đẩy chúng ta mưu cầu điều tốt đẹp nhất cho họ. Chỉ khi vun trồng loại tương quan này chúng ta mới có thể tạo được tình bằng hữu xã hội không loại trừ và tình huynh đệ mở ra cho hết mọi người” (FT 94). Vì mọi người đều có cùng một bản tính và được tạo dựng cho tình yêu, do đó chính tình yêu thúc đẩy họ tiến tới sự hiệp thông phổ quát. Không ai có thể đạt đến sự viên mãn bằng cách tự cô lập chính mình. Tự bản chất, tình yêu đòi hỏi một tính cởi mở ngày càng tăng tiến, một khả năng đón nhận người khác ngày càng lớn hơn (x. FT 95). “Cũng có một hình thức tình yêu phổ quát mở ra, không mở ra về địa lý nhưng mở ra trong cuộc sống. Đó là khả năng mỗi ngày mở rộng vòng tròn thân thiện của tôi, tìm đến với những người không hẳn nhiên được tôi quan tâm, dù họ ở gần bên tôi” (FT 97). Mỗi người là một nhân vị, “nhân vị tự bản chất là mở ra để tương quan. Từ nơi sâu thẳm tâm hồn vang lên tiếng mời gọi chúng ta vượt lên trên chính mình để gặp gỡ người khác” (FT 111).
1.2. Nhu cầu xây dựng tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội
Áp dụng vào hiện trạng của thế giới hiện nay, Đức Phanxicô nhận thấy rằng nhân loại đang tiến những bước rất dài, nhưng lại không có một lộ trình chung, do đó một đàng họ nhận thấy nhu cầu sống chung với nhau, nhưng đồng thời lại không biết trân quí sự phong phú và vẻ đẹp được chứa đựng trong những hạt mầm của cuộc sống chung để ra sức tìm kiếm và vun xới. Thế giới ngày càng trở nên phẳng nhờ hệ thống internet, nhưng con người vẫn chưa thực sự bình đẳng và gắn kết với nhau. Khoa học và kỹ thuật đã phát triển đến mức người ta ngày càng khám phá ra các hành tinh xa lạ cách trái đất hàng triệu năm ánh sáng, nhưng con người vẫn chưa phát hiện ra các nhu cầu của anh chị em đang sống kề cận chung quanh mình (x. FT 31).
Đại dịch Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong các tương quan nhân loại. Bằng chứng là các phản ứng rời rạc của các quốc gia cho thấy rõ họ không có khả năng phối hợp hành động. Mặc dù các quốc gia có được sự kết nối trên một qui mô nào đó, nhưng người ta vẫn chứng kiến một sự phân mảnh khiến cho việc giải quyết các vấn đề gặp nhiều khó khăn và trở nên ít hiệu quả (x. FT 7). Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng đại dịch này đã làm sống lại cảm thức mọi người đều thuộc về một cộng đoàn hoàn cầu và đều đứng chung trên một con thuyền, trong đó các vấn đề của người khác cũng là những vấn đề của chính mình. Mỗi người là thành phần của nhau và tất cả chúng ta đều là anh chị em trong một gia đình nhân loại (x. FT 32). Như vậy, đại dịch Covid-19 trở thành cơ hội tốt để mọi người ý thức hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội.
Đức Phanxicô nhận xét: “Ở một số khu vực lao động trong các thành phố của chúng ta, người dân vẫn có ý thức sống động về tình láng giềng. Mỗi người đều tự nhiên cảm thấy trách nhiệm tối lửa tắt đèn có nhau. Ở những nơi vẫn còn giữ được các giá trị cộng đồng này, người ta sống tương quan thân tình mang đặc điểm vô vị lợi, liên đới và tương trợ, khởi đi từ cảm thức về các chung ‘chúng ta’ trong cùng một khu phố” (FT 152).
Tuy nhiên ngài cũng lưu ý rằng việc xây dựng tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội không được giới hạn trong một nhóm nhỏ khép kín, cho dù đó là gia đình hay cộng đoàn của mình. “Muốn kết đôi hay trở nên bạn hữu, chúng ta phải mở rộng con tim để đến với những nhóm người khác, nhờ đó chúng ta có khả năng ra khỏi chính mình, ngõ hầu đón nhận tất cả mọi người. Những nhóm khép kín và những đôi bạn chỉ biết đến mình tạo thành một cái ‘chúng tôi’ đối nghịch với mọi người, thường là biểu hiện rõ ràng của thói ích kỷ chỉ lo phòng giữ cho riêng mình” (FT 89).
Vào thời các Tông đồ, các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên cũng bị cám dỗ muốn trở thành những nhóm khép kín, nên Thánh Phaolô đã thúc giục các tín hữu phải trổi vượt về một tình yêu rộng mở chẳng những đối với nhau mà còn đối với tất cả mọi người (x. 1Tx 3,12). Trong thông điệp này, Đức Phanxicô đã dành cả chương II với tiêu đề “Một người xa lạ trên đường” để đào sâu ý nghĩa của dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, nhằm làm nổi bật một tình yêu mở rộng đối với bất kỳ người nào đang gặp hoàn cảnh khó khăn, không cần biết họ là ai và từ đâu đến (x. FT 62). “Tình yêu vượt khỏi các ranh giới được đặt nền tảng trên điều được gọi là ‘tình bằng hữu xã hội’ trong mỗi thành phố hoặc mỗi quốc gia. Khi một cộng đồng có được tình bằng hữu xã hội chân chính, thì đây chính là điều kiện để cộng đồng đó thực sự mở ra đón nhận mọi người” (FT 99).
“Để thăng tiến trên con đường xây dựng tình bằng hữu xã hội và tình huynh đệ phổ quát, có một điều cơ bản và thiết yếu cần phải nhìn nhận là: ý thức giá trị lớn lao của mỗi người, mỗi nhân vị, ở mọi lúc và mọi hoàn cảnh” (FT 106). Một khi xã hội được xây dựng đầy tính nhân bản và tình huynh đệ, thì tình huynh đệ và tình bạn xã hội sẽ tiếp tục phát triển khi mỗi thành viên đều được đồng hành trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, nhờ đó chẳng những mỗi người sẽ có thể đáp ứng những nhu cầu căn bản của họ, mà chính họ cũng có thể cống hiến những gì tốt nhất cho xã hội trong điều kiện và mức độ họ có thể (x. FT 110).
Việc xây dựng một xã hội đầy tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội phải được bắt đầu từ các cộng đoàn giáo xứ. Trước hết là trong mối tương quan giữa cha sở và cha phó. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Tất cả các con đều là anh em với nhau”quot; (Mt 23,8), đồng thời Người cũng gọi các môn đệ là những bạn hữu của Người. Tình huynh đệ giữa các linh mục đã được xây dựng trên nền tảng bí tích truyền chức thánh, nên các linh mục cần thể hiện nó trong khi thi hành thánh chức. Các linh mục cũng phải xem các giáo dân là những anh chị em của mình và đối xử với họ như những anh chị em cùng một đại gia đình giáo xứ, hoặc như những người bạn thân tình cùng nhau cộng tác trong công việc mục vụ.
2. NÓI KHÔNG VỚI THÁI ĐỘ VÔ CẢM VÀ “THỨ VĂN HÓA LOẠI BỎ”
Trên đây chúng ta đã thấy tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội là một tình yêu Kitô giáo đòi hỏi mỗi người phải ra khỏi chính mình để đến với người khác, tập trung chú ý vào người khác, khao khát tìm kiếm điều tốt đẹp cho họ một cách vô vị lợi, biết quý mến và đánh giá cao giá trị của người khác… Như vậy, để cùng nhau xây dựng tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, Đức Phanxicô mời gọi mỗi người trước hết hãy cương quyết nói “không” với thái độ vô cảm và “thứ văn hóa loại bỏ” đang ngày càng thịnh hành trong thế giới hiện nay.
2.1. Nói “không” với thái độ vô cảm
Trên thế giới ngày nay, do ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ và hưởng thụ, con người ngày càng trở nên ích kỷ, chỉ biết tìm cách đáp ứng những nhu cầu của mình mà ít quan tâm đến tha nhân. “Lịch sử đã cho thấy lòng người trở nên cằn cỗi như thế nào, khi những người nam nữ không có khả năng nhận ra những giá trị và những thực tại hữu hiệu nào khác ngoài những của cải vật chất, chính nỗi ám ảnh đi tìm của cải vật chất làm chết ngạt và cản trở khả năng trao ban chính mình của con người”.[5]
Đức Phanxicô đã nhận định: “Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất ngày càng phai nhạt, và giấc mơ cùng chung tay xây dựng công lý và hòa bình dường như là điều không tưởng, lỗi thời. Ngự trị thay vào đó là sự lãnh đạm tiện lợi, lạnh lùng và bao trùm, phát sinh từ mối thất vọng sâu xa, mối thất vọng được che giấu bởi sự xảo trá của ảo tưởng tin rằng chúng ta toàn năng, mà không nhận thấy tất cả chúng ta đều trên cùng một con thuyền. Ảo tưởng này chẳng quan tâm gì đến những giá trị cao cả của tình huynh đệ (…). ‘Sự cô lập hoặc khép kín trong những mối bận tâm của chính mình không bao giờ là con đường mang lại hy vọng và dẫn đến đổi mới. Con đường này chỉ được hình thành bởi sự gần gũi, bởi nền văn hóa gặp gỡ. Hãy nói không với sự cô lập và nói có với sự gần gũi. Hãy nói không với văn hóa đối kháng và nói có với văn hóa gặp gỡ’[6]“(FT 30).
Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, được mệnh danh là Tin Mừng của lòng thương xót, Chúa Giêsu đã minh họa thái độ vô cảm qua hình ảnh thầy tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,25-37), sau đó Người nghiêm khắc kết án thái độ ấy qua dụ ngôn ông phú hộ và người hành khất Ladarô (x. Lc 16,19-31). Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Phanxicô đã sử dụng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để mời gọi mỗi người hãy nói “không” với thái độ vô cảm và nói “có” với thái độ thương cảm đối với những người đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn.
Trong câu chuyện dụ ngôn, nạn nhân bị bọn cướp bóc lột và hành hung đang nằm bên vệ đường là hòn đá thử đối với tình người của những khách qua đường. Hai người đầu tiên nhìn thấy là những người có địa vị xã hội, nhưng họ chỉ nghĩ đến mình và tỏ ra vô cảm đối với người bị nạn. Họ không dừng lại một chút để bày tỏ tình thương, chăm sóc nạn nhân, hay ít ra kêu gọi sự cứu giúp của khách qua đường. Họ có hàng khối lý do để biện minh cho thái độ ấy của mình. Câu chuyện này ngày nay vẫn lặp lại nhiều lần với những tình tiết có hơi đổi khác, nhưng cách thức thì vẫn như nhau, tất cả đều diễn tả một sự vô cảm và được ngòi bút của Đức Phanxicô mô tả cùng với lời bình luận như sau:
“Một người bị tấn công trên đường, thế mà nhiều người ngoảnh mặt bỏ đi như không thấy gì. Thường có những người lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy luôn. Việc quan trọng duy nhất đối với họ là tránh rắc rối; ai đó có phải chết vì lỗi của họ, họ cũng chẳng quan tâm. Nhưng đây là dấu chứng cho thấy có một lối sống phổ biến được tỏ lộ bằng nhiều cách thế, có khi tinh tế khó nhận biết hơn. Lại nữa, vì tất cả chúng ta đều tập trung lo cho nhu cầu của mình, nên khi gặp ai đó đang đau khổ thì chúng ta cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị quấy rầy, bởi lẽ chúng ta không muốn tốn thời giờ để dàn xếp những vấn đề của người khác. Đó là triệu chứng của một xã hội đang đau bệnh, chỉ lo vun đắp cho mình và quay lưng lại trước khổ đau của người khác” (FT 65).
Và Đức Phanxicô mời gọi mỗi người nhìn lại chính mình, để xem thử mình có khác gì các nhân vật vô cảm ấy hay không. Chúng ta có thường bị cám dỗ muốn phớt lờ người khác, nhất là những người đang cần đến sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta? Chúng ta có thừa nhận rằng mình khá tiến bộ trong những lãnh vực chuyên môn của mình, như thầy tư tế và thầy Lêvi trong việc tuân giữ những qui định của luật tế tự, nhưng chúng ta vẫn còn dốt nát khi đụng tới việc đồng hành, chăm sóc và giúp đỡ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội hay không? Phải chăng chúng ta đã quá quen với việc nhìn đi hướng khác, lạnh lùng bước qua hay phớt lờ các tình huống cho đến khi chúng trực tiếp ảnh hưởng đến chúng ta ? (x. FT 64).
Với những câu hỏi nêu trên, rõ ràng dụ ngôn không chỉ dừng lại ở một bài giảng đạo đức trừu tượng, và thông điệp của nó cũng không chỉ mang tính đạo đức xã hội, nhưng còn đi xa hơn nữa, vì nó nói với chúng ta về một điều thiết yếu nhưng thường bị lãng quên của nhân tính, đó là chúng ta được tạo dựng để đạt đến sự viên mãn, nhưng sự viên mãn ấy chỉ có thể tìm thấy trong tình yêu. Chúng ta không thể vô cảm trước những đau khổ của tha nhân. Chúng ta không thể để cho bất kỳ ai đi qua cuộc đời chúng ta mà bị coi như không có hay bị ruồng rẫy. Thay vào đó, chúng ta phải nói “không” với sự vô cảm, cho dầu phải đánh mất sự yên ổn thoải mái trong sự cô lập của chúng ta (x. FT 68).
Cụ thể, trong mỗi giáo xứ có những người bệnh tật hoặc phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, không được xã hội quan tâm. Ngoài ra còn có những người sống trong tình trạng tội lỗi, có thể lâu năm mà chưa có lối thoát. Tất cả họ đều là những người đáng thương về tinh thần cũng như vật chất. Bởi vậy, trong công việc mục vụ giáo xứ, các linh mục phải cùng với cộng đoàn giáo xứ thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với họ, chẳng những bằng sự giúp đỡ tinh thần và vật chất, mà còn bằng tất cả tình thương và sự kính trọng, trong lời nói cũng như trong cách cư xử. Cũng như người Samaritanô trong dụ ngôn, mặc dù rất bận công việc, nhưng ông đã sẵn sàng dành thời gian cho người bị nạn, các linh mục cũng đừng lấy lý do bận việc để từ chối dành thời gian cho những người đáng thương.
2.2. Nói “không” với “thứ văn hóa loại bỏ”
Ngày nay nhờ những tiến bộ và phát triển kinh tế, đời sống con người trở nên ngày càng đầy đủ các tiện nghi vật chất, thậm chí thừa thãi nơi một số người. Người ta bắt đầu vứt bỏ những thứ kém chất lượng hoặc không còn hữu dụng đối với họ. Từ đó hình thành một thứ loại hình “văn hóa” có tên gọi là “vứt bỏ” hay “loại bỏ”. Những thứ bị vứt bỏ có thể là những cái dư thừa, vô ích hoặc gây cản trở, khó chịu, hoặc bất lợi cho một số người. Đó có thể là những đồ vật và thậm chí là những con người![7]
Người ta sẵn sàng vứt bỏ thực phẩm thay vì cung cấp cho những người đói khát. Từ đó, cả thực phẩm lẫn những người đói khát đều bị vứt vào sọt rác. Những người giàu có, quyền thế sẵn sàng hy sinh những người nghèo khổ thấp kém cho những mục tiêu ích kỷ của họ. Rốt cuộc, con người không còn được xem như có giá trị mà mọi người phải tôn trọng và bảo vệ, nhất là những người không có địa vị xã hội, những người khuyết tật bị coi như gánh nặng xã hội cần phải thanh toán, những đứa trẻ sắp ra đời bị coi như không hữu dụng và thậm chí như một thứ của nợ, những người già cả không còn khả năng sản xuất bị coi như vô ích hoặc trở thành gánh nặng (x. FT 18).
Trong số những người bị loại bỏ, Thông điệp Fratelli Tutti nhấn mạnh trường hợp những người già cả và những người khuyết tật, vì đây là những nạn nhân đặc trưng của một xã hội mang nặng dấu ấn của một nền văn minh duy vật vốn đánh giá con người dựa trên khả năng sản xuất, chứ không phải trên phẩm giá mà Thiên Chúa ban đồng đều cho tất cả mọi người.
Thế giới ngày nay đang chứng kiến một sự suy giảm sinh suất dẫn đến hiện tượng lão hóa dân số, khiến cho số người già ngày càng nhiều hơn số người trẻ và phải sống trong tình trạng cô đơn, bị vứt bỏ bên lề xã hội, vì bị đánh giá là không còn cần thiết cho xã hội. Trong đại dịch Covid-19, người ta tập trung sự cứu chữa cho người trẻ hơn là người già, khiến cho nhiều người già đã phải chết. Tại các nước văn minh, những người già được tập trung chăm sóc cách quy mô tại các trung tâm y tế có đầy đủ tiện nghi, nhưng cuộc sống của họ lại bị cô lập khỏi sự gần gũi và quan tâm thường xuyên của các thành viên gia đình, và do đó họ phải sống trong buồn tủi. Về phía các người trẻ, họ cũng bị tách lìa khỏi những người già vốn là cội nguồn của sự sống và sự khôn ngoan mà họ cần (x. FT 19).
Bên cạnh những người già là những người khuyết tật. Họ cảm thấy họ hiện hữu mà không thuộc về ai và không tham gia vào đâu cả, bị đánh giá như những người ngoại cuộc trong xã hội, hoặc bị đặt ở bên lề xã hội, bị gia đình và xã hội coi như những gánh nặng. Thật là đáng buồn, ngay cả lúc này ở một số nơi, người ta vẫn còn khó thừa nhận những người khuyết tật là những người có phẩm giá bình đẳng (x. FT 98).
Để nói “không” với “thứ văn hóa loại bỏ” được áp dụng cho con người, điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận rằng những người bị bỏ rơi ấy mặc dù không còn khả năng sản xuất, nhưng họ vẫn có thể cống hiến những đóng góp độc đáo cho lợi ích chung qua những câu chuyện đáng chú ý về cuộc đời của họ. Mối quan tâm của chúng ta không phải chỉ là chăm sóc họ, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia tích cực vào cộng đồng dân sự cũng như cộng đồng Giáo hội. Ngoài ra, các linh mục cần đào tạo lương tâm của các tín hữu để họ biết thừa nhận mỗi cá nhân là một người độc đáo và không thể lặp lại. Giáo hội phải can đảm đem lại tiếng nói cho những người bị kỳ thị vì khuyết tật của họ (x. FT 98).
Điều quan trọng nhất khiến cho họ đáng được quan tâm và tôn trọng chính là phẩm giá của một con người. “Thiên Chúa tỏ ra không thiên vị ai (Cv 10,34; Rm 2,11; Gl 2,6; Ep 6,9), vì mọi người đều có cùng phẩm giá của những thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa”.[8] Dù tình trạng của họ thế nào đi nữa thì phẩm giá của họ vẫn không suy giảm hay mất đi, như giáo huấn xã hội của Giáo hội đã dạy:
“Những người thiếu khả năng vẫn là những chủ thể con người trọn vẹn, với những quyền lợi và nghĩa vụ: ‘Dù có những giới hạn và đau khổ tác động lên thân thể và các khả năng của mình, họ vẫn cho thấy mình có đầy đủ phẩm giá và sự cao cả của con người’.[9] Vì người khuyết tật vẫn là những chủ thể có đầy đủ quyền hạn, nên cần phải giúp họ tham gia vào đời sống gia đình và xã hội một cách đầy đủ về mọi chiều hướng ở bất cứ cấp độ nào họ có thể tham gia và tùy theo khả năng của họ”.[10]
Hơn nữa, chính đức tin buộc chúng ta phải “nhận ra chính Đức Kitô trong mỗi người anh em bị bỏ rơi hoặc bị loại trừ (x. Mt 25,35-45). Trong thực tế, đức tin tạo lập lòng tôn trọng người khác dựa trên những thúc đẩy lạ thường, bởi lẽ các tín hữu nhận biết rằng Thiên Chúa yêu thương từng người bằng một tình yêu vô biên và Người cũng ban cho mỗi người một phẩm giá vô biên. Hơn nữa chúng ta tin rằng Chúa Kitô đã đổ máu mình ra cho mọi người và cho từng người, vì thế, không ai ở ngoài tình yêu phổ quát của Người” (FT 85).
Tại các giáo xứ ở Việt Nam, nhờ truyền thống văn hóa dân tộc, “văn hóa loại bỏ” chưa mang lấy bộ mặt như tại các nước công nghệ tiên tiến. Người già vẫn còn có một chỗ đứng quan trọng trong các gia đình và được con cháu kính yêu, chăm sóc. Những người khuyết tật vẫn còn được người thân đùm bọc. Tuy nhiên, trước làn sóng của nền văn minh hiện đại, các giá trị truyền thống đang dần bị xói mòn và đây đó thứ “văn hóa loại bỏ” đang bắt đầu xâm nhập các gia đình và cộng đồng dân sự. Nhiều gia đình đã không còn thời giờ gặp gỡ nhau, vì ai nấy phải lo chuyện mưu sinh và nối kết những quan hệ xã hội ngoài phạm vi gia đình. Đó là những dấu hiệu cảnh báo để các mục tử tìm cách giúp các tín hữu tránh được ảnh hưởng của thứ văn hóa này và bảo tồn những mối dây thân tình từ trong gia đình đến cộng đoàn giáo xứ.
3. PHÁT HUY VĂN HÓA GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI VÀ HÒA GIẢI
Ngay từ những trang đầu của thông điệp, Đức Phanxicô đã giới thiệu tình huynh đệ và tình bạn xã hội như một tình yêu không biên giới, cởi mở, hướng đến tất cả mọi người, cho dù họ ở xa hay ở gần gần, bất chấp những khác biệt. Sau đó, rải rác trong thông điệp, ngài quảng diễn tình yêu ấy bằng những nét văn hóa tốt đẹp cần được phát huy như: gặp gỡ, đối thoại và hòa giải.
3.1. Văn hóa gặp gỡ
“Tiến trình xây dựng tình huynh đệ, dù mang tính địa phương hay phổ quát, chỉ có thể được thực hiện nhờ tinh thần tự do và cởi mở hướng tới những cuộc gặp gỡ đích thực” (FT 50).
Trước khi trình bày nét văn hóa gặp gỡ, Đức Phanxicô đã đưa ra một nhận định và đồng thời cũng là một khuyến cáo về một cám dỗ của thế giới mà ngài gọi là “văn hóa của những bức tường”. Tất nhiên, không ai phủ nhận mục đích đầu tiên của những bức tường là để bảo vệ những tài sản và những giá trị của người xây dựng chúng, qua đó họ xác định quyền lợi và sự độc lập của họ mà những người khác phải tôn trọng, không được xâm phạm. Tuy nhiên, bất cứ bức tường nào cũng có hai mặt. Ngoài mặt tích cực vừa nêu, bức tường cũng có thể trở thành một vật giam hãm con người, khiến họ cách biệt với những người khác. Đó là ý nghĩa mà Đức Phanxicô muốn nói khi ngài viết:
“Chúng ta lần nữa lại đương đầu với ‘cơn cám dỗ tạo ra nền văn hóa xây tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong tim, những bức tường trên thực địa, để ngăn ngừa cho khỏi giáp mặt với các nền văn hóa khác, với các dân tộc khác. Và rốt cuộc những người xây tường sẽ thành nô lệ bên trong chính những bức tường họ đã dựng xây. Họ không có chân trời để hướng tới, bởi thiếu vắng sự đổi trao với các nền văn hóa khác, với những người khác’[11]” (FT 27).
Đối lại với thứ “văn hóa xây tường” là “văn hóa gặp gỡ”. Đây là thuật ngữ mà Đức Phanxicô đã dùng trong thông điệp cùng với lời giải thích: “Nếu chúng ta nói về một nền ‘văn hóa’ trong một dân tộc, thì đó không chỉ là một ý tưởng hay một điều trừu tượng. Văn hóa bao gồm tâm tư, ước nguyện và sau hết là cung cách sống của nhóm dân đó. Vì thế, nói về ‘văn hóa gặp gỡ’ nghĩa là muốn nói rằng: là một dân tộc, chúng ta phải ham mê gặp gỡ nhau, tìm những điểm chung, xây dựng những cầu nối, thiết lập những kế hoạch dành cho hết mọi người” (FT 216).
Vinicius de Moraes đã viết: “Cuộc sống là nghệ thuật gặp gỡ giữa biết bao bất đồng”. Cũng như một bức tranh đẹp được tạo thành do việc phối hợp hài hòa giữa những gam màu tương phản, cuộc đời của mỗi người sẽ trở thành một tác phẩm nghệ thuật nếu ta biết tạo nên sự gặp gỡ giữa những bất đồng vốn là những điều không thể tránh trong cuộc sống chung. Vì vậy nhiều lần Đức Phanxicô đã mời gọi mọi người hãy tìm cách phát triển một nền văn hóa gặp gỡ vượt trên những đối kháng, trong đó những đối kháng không mang tính loại trừ nhau, nhưng được đặt trong một tương quan biện chứng để làm phát sinh một tổng hợp mới. Đây là lối sống văn hóa có khả năng tạo nên một khối đa diện với nhiều góc cạnh và sắc thái, nhưng vẫn thống nhất, theo nguyên tắc “toàn thể lớn hơn thành phần”.[12] Khối đa diện này là hình ảnh của một xã hội tuy có nhiều khác biệt hay bất đồng, nhưng thay vì loại trừ nhau, chúng lại bổ sung cho nhau, soi sáng lẫn nhau và tạo nên một xã hội phong phú, trong đó không ai là vô dụng hay thừa thãi, trái lại mỗi người có thể học hỏi lẫn nhau (x. FT 215).
Điều quan trọng là thiết lập những tiến trình gặp gỡ, xây dựng những khả năng chấp nhận những khác biệt. Chúng ta hãy dạy con em mình biết đối thoại, biết góp phần xây dựng văn hóa gặp gỡ. Điều này bao hàm việc nhìn nhận người khác có quyền là chính họ và họ có quyền có những khác biệt (x. FT 217-218).
Giáo xứ phải là nơi thể hiện tốt nhất mô hình văn hóa gặp gỡ này, trong bối cảnh của “một Hội thánh đi ra” mà Đức Phanxicô đã đề cập đến trong Tông huấn Evangelii Gaudium. “Một Hội thánh ‘đi ra’ là một Hội thánh mở cửa”,[13] để đi đến với mọi người và gặp gỡ họ. “Giáo xứ thực sự tiếp xúc với các gia đình và các cuộc đời của những con người, và không trở thành một cơ chế cách ly với con người hay một nhóm khép kín gồm một ít người được tuyển chọn”.[14]
Các mục tử thay vì thường xuyên đóng cửa ở trong nhà xứ hay đề ra những qui định nghiêm nhặt để hạn chế giáo dân đến với mình, thì hãy mở cửa niềm nở đón tiếp giáo dân và sẵn sàng đi đến nhà họ để viếng thăm và gặp gỡ. Cha xứ đi đến với giáo dân thì dễ hơn giáo dân đi đến với cha xứ, vì họ rất ngại ngùng và do đó bất cứ lý do gì cũng có thể khiến họ chùn chân và tìm cách lánh mặt. Ngày nay, trong xã hội nói chung cũng như trong các gia đình nói riêng, có những lúc người ta ngồi gần nhau, nhưng không hề gặp gỡ nhau, vì mắt mỗi người đều dán chặt vào màn hình điện thoại di động. Khi ngồi vào bàn cơm, thay vì chia sẻ cho nhau những câu chuyện tâm tình, thì mọi người chỉ tập trung ánh mắt vào màn hình tivi. Làm sao để văn hóa gặp gỡ có thể được thực hiện trước hết từ những người vốn đã có quan hệ gần gũi, đề rồi từ đó có thể nới rộng đến những tương quan xã hội rộng lớn hơn.
3.2. Văn hóa đối thoại
Gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ và tình bạn xã hội sẽ dẫn đến những cuộc đối thoại cởi mở và chân thành. Nếu văn hóa được hiểu là một phong cách sống và nếu đã có văn hóa gặp gỡ thì cũng có văn hóa đối thoại.
Nét đặc thù trong các cuộc gặp gỡ giữa người với người là khả năng lắng nghe người khác. Đây là khả năng của một người có thể vượt qua chính mình để chấp nhận người khác, quan tâm đến họ và mời họ bước vào cuộc đời của mình. Tuy nhiên, thế giới ngày nay phần lớn là thế giới của những người điếc. Cuộc sống vội vã và cuồng loạn đã khiến cho chúng ta không thể nghe hoặc ngăn cản chúng ta lắng nghe tiếng nói của người khác. Nếu có nghe, chúng ta cũng hay ngắt lời hoặc phản bác trước khi họ dứt lời (x. FT 48).
Biết lắng nghe người khác là bước đầu tiên của đối thoại. “Đến với nhau, bày tỏ, lắng nghe, nhìn nhau, làm quen, hiểu biết, tìm ra những điểm chung, tất cả những điều đó gói gọn trong động từ ‘đối thoại’. Muốn gặp nhau và giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta cần đối thoại. Không cần phải hỏi đối thoại để làm gì. Chỉ cần hình dung thế giới này sẽ ra sao nếu không có sự đối thoại kiên trì của biết bao người quảng đại đã giúp gìn giữ gia đình và cộng đoàn hiệp nhất với nhau. Việc đối thoại kiên trì và dũng cảm chẳng ồn ào đưa tin như những bất đồng và xung đột, nhưng âm thầm giúp thế giới có cuộc sống tốt hơn chúng ta nghĩ” (FT 198).
Sự đối thoại là cần thiết khi chúng ta đang sống trong một xã hội ghi đậm những khuynh hướng trái ngược nhau: một đàng là thái độ thờ ơ, vô cảm, một đàng là sự phản kháng, bạo lực. Giữa hai thái cực đó, đối thoại được coi là lựa chọn tốt nhất có khả năng hóa giải hai thái cực kia và làm cho xã hội phát triển (x. FT 199).
Ngoài cái nhìn khá tiêu cực trên đây về thực trạng thế giới hiện nay, cho dù với một cái nhìn khá lạc quan, chúng ta vẫn phải nhìn nhận rằng xã hội ngày nay là một xã hội đa nguyên. Cuộc sống của mỗi người được hình thành và phát triển từ những nền tảng lịch sử, xã hội, văn hóa, tôn giáo khác nhau, từ đó dẫn đến những khác biệt trong lập trường, quan điểm và xác tín của mỗi người hay mỗi tập thể. Trong một bối cảnh như thế, một sự đồng thuận nhất thời không đủ, cần phải có một cuộc đối thoại chân thành mới khiến cho người ta hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau, bởi vì đối thoại là khả năng cho đi và nhận lãnh, đồng thời vẫn luôn mở ra với chân lý. Qua đối thoại, người ta sẽ nhận ra rằng mặc dù vẫn còn những khác biệt và xung khắc, nhưng họ khám phá ra những chân lý cơ bản, những giá trị thường hằng làm nền tảng chung cho sự ổn định xã hội (x. FT 211).
Tuy nhiên, Đức Phanxicô nhắc nhở rằng đừng lẫn lộn đối thoại với việc sôi nổi trao đổi ý kiến trên mạng xã hội. Đây chỉ là những cuộc độc thoại sóng đôi. Trong thực tế, việc loan truyền ầm ĩ ý kiến trên truyền thông thường cản trở khả năng đối thoại, bởi nó khiến người ta cứ khăng khăng giữ nguyên quan điểm, lợi ích và lựa chọn của mình, vì cho rằng người khác sai. Ngoài ra trên mạng người ta thường dùng những lời lẽ phỉ báng nhau, thay vì đối thoại trong tinh thần cởi mở và tôn trọng để đạt được sự đồng thuận ở bình diện sâu sắc hơn. Việc đối thoại thực sự cũng không phải là những cuộc thương lượng để mỗi bên cố giành cho được lợi ích tối đa, mà không nhằm mưu cầu công ích. Việc đối thoại xã hội đích thực giả thiết khả năng tôn trọng quan điểm của người khác, chấp nhận rằng quan điểm ấy chứa đựng những xác tín hay những quan tâm chính đáng, dù có thể chúng ta không chấp nhận như xác tín của mình, nhưng vẫn cố tìm kiếm những điểm chung. Việc đối chiếu với những quan điểm của người khác có thể giúp chúng ta nắm bắt sự thật cách hoàn hảo hơn hay ít ra có thể diễn đạt sự thật cách tốt hơn, dễ được người khác đón nhận hơn (x. FT 200-203).
Để có một sự đối thoại đúng nghĩa và ích lợi, mỗi người phải đứng vững trên nền tảng xác tín vững chắc của mình và đồng thời vẫn sẵn sàng lắng nghe kẻ khác với sự tôn trọng. “Những ai tin rằng họ phải trung thành với các nguyên tắc của mình đồng thời vẫn thừa nhận rằng người khác cũng có quyền trung thành với các nguyên tắc của người đó thì họ sẽ tránh được quan niệm sai lầm về lòng bao dung, thay vào đó qua việc đối thoại họ sẽ thấy được thực tại. Việc nhìn nhận tha nhân như thế mới là thật và chỉ có tình yêu mới có thể làm được, và điều đó có nghĩa là đặt mình vào vị trí của người khác để khám phá ra, giữa những động lực và các mối quan tâm của họ, đâu là điều xác thực, hay ít ra là để có thể hiểu được họ!” (FT 221).
Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã khẳng định: “Loan báo Tin Mừng cũng bao gồm con đường đối thoại. Đối với Hội thánh hôm nay, nổi bật lên ba lãnh vực đối thoại mà Hội thánh phải có mặt trong đó để cổ vũ sự phát triển đầy đủ con người và để mưu cầu công ích: đối thoại với Nhà nước, đối thoại với xã hội – bao gồm đối thoại với các nền văn hóa và khoa học, và đối thoại với các tín đồ khác không thuộc Hội thánh Công giáo. Trong mỗi lãnh vực, ‘Hội thánh nói từ ánh sáng của đức tin’,[15] cống hiến kinh nghiệm hai ngàn năm của mình và luôn lưu ý tới đời sống và những đau khổ của con người”.[16]
Ngoài việc đối thoại với người ngoài như một con đường truyền giáo, các cộng đoàn giáo xứ cũng cần thực hiện việc đối thoại giữa mọi thành phần dân Chúa với nhau để thể hiện tình huynh đệ Kitô giáo. Theo gương Chúa Giêsu, các mục tử cần phải biết các con chiên của mình, nhờ việc sẵn sàng lắng nghe và đối thoại chân thành với họ. Hãy tạo điều kiện để các giáo dân có tiếng nói, và tiếng nói của họ được tôn trọng. Để sửa lỗi một người tín hữu nào đó, người mục tử cần gặp riêng họ để đối thoại, không nên nói trên tòa giảng. Để ra một quyết định có liên quan đến cộng đoàn giáo xứ, cần phải có những cuộc thảo luận, chứ không nên đơn phương áp đặt các ý kiến của mình. Các mục tử cũng cần hướng dẫn và khuyến khích các cuộc đối thoại trong nội bộ các gia đình, cũng như giữa những thành phần khác trong cộng đoàn.
3.3. Văn hóa hòa giải
Một trong những mục đích của việc gặp gỡ và đối thoại là sự hòa giải. Đó cũng là một nét văn hóa tốt đẹp của Kitô giáo: văn hóa hòa giải. Hòa giải là một việc làm rất cần thiết, khi mà thế giới chúng ta đang bị xâu xé bởi chiến tranh, bạo lực, bất ổn, xung đột, và cuộc đời của mọi người lúc nào cũng bị ám ảnh bởi những đám mây đen của hận thù, ganh ghét, tranh giành lợi ích riêng tư của mình. “Bằng việc rao giảng Đức Kitô, Đấng chính là sự bình an (x. Ep 2,14), cuộc tân Phúc âm hóa kêu gọi mọi người đã rửa tội trở thành những người xây dựng hòa bình và những chứng nhân đáng tin cho một đời sống hòa giải”.[17]
Vì vậy, Kitô hữu phải luôn là người đi bước trước trong tất cả những cuộc hòa giải, như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng (x. Mt 5,23-24). Kinh nghiệm cho thấy những người có chuyện bất hòa với chúng ta thường cảm thấy khó chấp nhận lời mời gọi tha thứ và hòa giải, vì họ nghĩ rằng chúng ta đã làm tổn thương họ hoặc làm ngơ trước đau khổ mà chúng ta đã gây ra cho họ. Nhưng nếu họ thấy chúng ta thật tình hạ mình đi bước trước thì tất cả những dồn nén tức giận có thể được giải tỏa và sẵn sàng hòa giải với chúng ta.
Đức Phanxicô đã viết: “Quĩ đạo của sự hòa giải các khác biệt nằm trong chính chúng ta, trong cuộc đời chúng ta, vốn luôn luôn bị đe dọa bởi sự chia rẽ và đổ vỡ”.[18] Điều đó có nghĩa là sự hòa giải phải bắt đầu từ chính chúng ta, khi chúng ta cảm nghiệm được những đau thương mất mát trong cuộc đời phát xuất từ những chia rẽ và đổ vỡ.
Tuy nhiên, cần có những lộ trình hòa giải để hàn gắn những vết thương, lý do là vì những vết thương tinh thần khó chữa lành hơn những vết thương thể lý và việc chữa lành cần phải có thời gian và phương pháp thích hợp. Trước hết, để thực hiện sự hòa giải, mỗi người cần phải hành động cách khôn ngoan tế nhị, sẵn sàng thực hiện các tiến trình chữa lành bằng cách tìm hiểu những lý do gây tổn thương, hoàn cảnh người bị tổn thương và tìm mọi cách để gặp lại nhau, vì khi bất hòa người ta thường không muốn gặp mặt nhau, bởi sợ có thể gây thêm thương tích. Tuy nhiên, gặp lại nhau không có nghĩa là trở lại thời điểm trước khi có xung đột. Đó là điều không thể, vì đau thương và những bất đồng đã khiến mỗi người thay đổi, không còn như trước nữa. Mỗi người không thể che đậy quá khứ trước mặt nhau bằng những lời lẽ xã giao, nhưng phải biết can đảm đối diện với sự thật, phải dám chấp nhận quá khứ, nhưng với một thiện chí và một nỗ lực mới và bền bĩ để đạt được một sự hiểu biết lẫn nhau, để cùng nhau chia sẻ một quan điểm mới vì thiện ích của nhau. Trong lộ trình hòa giải này, mỗi người đều tìm kiếm sự thật và công lý, nhưng không phải để báo thù, mà để giải thoát khỏi sự thù oán, để thực hiện sự hòa giải và tha thứ lẫn nhau (x. FT 225-227).
Chúng ta vẫn thường nghe nói: tha thứ là quên đi những xúc phạm, là khép lại quá khứ để hướng đến tương lai. Nhưng thật đáng ngạc nhiên và thú vị khi Đức Phanxicô khẳng định rằng tha thứ không có nghĩa là quên đi. Nói cách khác, chúng ta có thể tha thứ khi có điều gì đó không thể dung thứ, biện minh hay bào chữa. Những ai thực sự tha thứ thì không quên, nhưng họ quyết không để cho mình tiếp tục bị chi phối bởi điều đã gây tổn thương cho mình. Họ phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của sự ác được tạo ra do ước muốn báo thù, bởi vì họ xác tín rằng hành động báo thù chẳng bao giờ làm cho các nạn nhân được thỏa mãn thực sự (x. FT 246).
Tuy nhiên, chúng ta không được đòi hỏi những nạn nhân của bất công và tàn bạo phải thực thi sự tha thứ mang tính xã hội. Hòa giải là vấn đề cá nhân, không ai có quyền áp đặt cho toàn xã hội, ngay cả khi có bổn phận cổ võ hòa giải. Đó là điều Đức Phanxicô tiếp tục làm cho chúng ta ngạc nhiên. Ngài lý luận rằng, với tư cách cá nhân, người ta có thể tự do và quảng đại quyết định không đòi trừng phạt. Nhưng ai có thể tự cho mình được quyền tha thứ nhân danh người khác? Chúng ta không được quên vụ tàn sát người Do-thái do Đức quốc xã gây ra, cũng như những vụ diệt chủng, đàn áp sắc tộc, buôn bán nô lệ, v.v., đã diễn ra suốt chiều dài lịch sử nhân loại, để giữ trái tim chúng ta khỏi bị chai lỳ và tìm mọi cách làm cho nhân loại đừng rơi vào những vết nhơ ấy nữa (x. FT 246-248).
Trong các cộng đoàn giáo xứ cũng thường xảy ra những bất hòa giữa anh em linh mục, giữa linh mục với tu sĩ và giáo dân, giữa giáo dân với nhau và với anh chị em lương dân. Chúa Giêsu đã thấy trước điều này nên Người đã dạy các môn đệ phải tha thứ cho nhau luôn luôn và hòa giải với nhau càng sớm càng tốt (x. Mt 5,21-26; 6,14-15; 18,21-35). Các linh mục là những thừa tác viên của bí tích hòa giải thì cũng phải là những người nêu gương trong việc hòa giải và cổ võ sự hòa giải trong cộng đoàn giáo xứ. Các chức việc phải là những người có nhiệm vụ hòa giải các tranh chấp giữa các tín hữu trong khu vực phụ trách của mình.
4. THỰC THI ĐỨC BÁC ÁI TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI
“Để phát triển một cộng đồng huynh đệ toàn cầu dựa trên việc sống tình bằng hữu xã hội của các dân tộc và các quốc gia, chúng ta cần một nền chính trị tốt đẹp hơn, nhằm phục vụ thực sự cho thiện ích chung” (FT 154). Tuy nhiên, nền chính trị tốt đẹp ấy chỉ có thể được thực hiện nếu nó được thúc đẩy và hướng dẫn bởi một tình yêu có tên gọi là “đức bác ái chính trị xã hội”.
4.1. Giáo huấn về đức bác ái chính trị xã hội
Ngay từ đầu thông điệp, Đức Phanxicô đã giới thiệu tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội là một tình yêu không biên giới, mở rộng cho tất cả mọi người. Đó chính là đức bác ái Kitô giáo, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa là Cha chung và hướng đến tất cả mọi người là anh chị em với nhau.
Theo giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, tình yêu không chỉ giới hạn trong những quan hệ gần gũi về huyết thống hay bị thu hẹp vào những khía cạnh hoàn toàn chủ quan trong hành động vì người khác, nhưng phải được nhìn nhận và quan niệm như một tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội, tức là tình yêu phải chi phối mọi tương quan xã hội của con người. Đó là con đường “trổi vượt” (x. 1Cr 12,31) mà các Kitô hữu cần phải đi theo để đáp ứng những nhu cầu hiện nay của xã hội.[19]
Trong giáo huấn xã hội của Giáo hội, con đường trổi vượt ấy được đặt tên là “đức bác ái chính trị và xã hội”, tức là một tình yêu vượt qua các tương quan cá nhân để được thực thi trong cộng đồng chính trị xã hội.[20] Ngay từ Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã đề cập đến đức bác ái này khi viết: “Chính trị, dù thường bị chê bai, vẫn là một ơn gọi cao cả và một trong những hình thức cao quí nhất của bác ái, khi nó tìm kiếm lợi ích chung.[21] Chúng ta cần xác tín rằng bác ái ‘là nguyên tắc không chỉ của các mối quan hệ vi mô (với bạn bè, với các thành viên trong gia đình hay trong các nhóm nhỏ), mà còn là nguyên tắc của các mối quan hệ vĩ mô (các quan hệ xã hội, kinh tế và chính trị)’[22]“.[23]
Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Phanxicô đã dựa vào giáo huấn xã hội của Giáo hội để mô tả đức bác ái chính trị xã hội. Trước hết ngài khẳng định rằng mọi dấn thân được giáo huấn xã hội của Giáo hội gợi ý đều phát xuất từ tình yêu (x. FT 181). Trong Thông điệp Laudato Si’ ngài đã viết: “Tình yêu, tuôn trào từ những nghĩa cử chăm sóc lẫn nhau nhỏ bé, cũng mang tính dân sự và chính trị, và thể hiện trong mọi hành động nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tình yêu xã hội và sự dấn thân cho thiện ích chung là những biểu hiện tuyệt vời của lòng bác ái, không chỉ ảnh hưởng đến các mối tương quan giữa các cá nhân, mà còn đến các mối quan hệ vĩ mô, xã hội, kinh tế và chính trị”.[24]
“Nhìn nhận mọi người là anh chị em và tìm kiếm một tình bằng hữu xã hội bao gồm mọi người không hẳn là điều không tưởng. Điều này đòi hỏi phải dứt khoát dấn thân để tìm ra các phương thế hữu hiệu đạt mục đích này. Mọi nỗ lực theo hướng này đều trở thành việc thực thi đức ái cao cả. Quả vậy, một cá nhân có thể giúp đỡ một người đang gặp khó khăn, nhưng khi cùng với những người khác xây dựng các chương trình xã hội về tình huynh đệ và công bằng cho mọi người, là họ đã bước vào ‘lĩnh vực bác ái ở bình diện rộng lớn nhất, đó là bác ái chính trị’.[25] Điều này bao hàm việc kiến tạo một trật tự xã hội và chính trị mà linh hồn của nó chính là đức bác ái xã hội.[26] Một lần nữa, tôi kêu gọi hãy nhìn nhận lại giá trị của chính trị như ‘một ơn gọi cao cả và như một trong những hình thức cao quí nhất của bác ái, vì nó tìm kiếm lợi ích chung’[27]” (FT 180).
Đức bác ái chính trị xã hội góp phần vào việc xây dựng văn minh tình yêu, một nền văn minh có khả năng vượt trên chủ nghĩa cá nhân để hướng đến công ích, xây dựng một thế giới mới trong đó mọi người mưu cầu hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của toàn thể xã hội. Vì vậy Đức Gioan Phaolô II gọi đó là “tình yêu thương mang tính xã hội”.[28] Tình yêu thương mang tính xã hội là một “sức mạnh có khả năng khơi gợi những cách tiếp cận mới mẻ các vấn đề của thế giới ngày nay, có khả năng đổi mới các cơ chế, các tổ chức xã hội, các hệ thống luật pháp cách sâu xa, từ bên trong”.[29] Hiểu như thế, bác ái không chỉ là một tình cảm đơn thuần, nhưng là phương thế tốt nhất giúp con người khám phá những con đường phát triển hữu hiệu cho mọi người (x. FT 182-183).
Đức bác ái này là cốt lõi của mọi hoạt động chính trị xã hội chân chính, bởi vì nhờ nó mà khi tham gia các hoạt động chính trị xã hội, người ta vượt qua được chủ nghĩa thực dụng lạnh lùng, để biết nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá, bản sắc văn hóa của những thành phần nghèo khổ trong xã hội, quan tâm nhiều hơn đến hoàn cảnh của họ để giúp đỡ và đưa họ hội nhập vào xã hội. Dựa trên đức bác ái này, người ta sẽ xây dựng xã hội trên nguyên tắc liên đới giữa mọi thành phần xã hội, để của cải của những người giàu được chia sẻ cho những người nghèo. Tuy nhiên, khi thực hiện nguyên tắc liên đới qua những hành vi bác ái vị tha, phải làm thế nào để người nghèo không bị ru ngủ và trở thành những người thụ động cam chịu với hoàn cảnh của mình mà không cố gắng vươn lên.[30] Do đó, không nên dừng lại ở nguyên tắc liên đới, mà cần có kế hoạch áp dụng nguyên tắc phụ đới bằng những chương trình giáo dục, đào tạo và huấn luyện, để giúp người nghèo phát triển khả năng tự thể hiện và chủ động tham gia vào các sinh hoạt xã hội, nhờ đó họ có thể tự mình thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn và xây dựng tương lai bằng chính khả năng của mình (x. FT 187).
4.2. Người tín hữu thực thi đức bác ái trong đời sống chính trị xã hội
Người Công giáo nói chung và người Công giáo tại Việt Nam nói riêng thường tỏ ra khá dị ứng với các sinh hoạt chính trị, nhất là chính trị đảng phái, vì họ coi đó như vùng đất của tranh giành đấu đá, thủ đoạn, lọc lừa, xảo trá…, không phù hợp với việc thực thi đức ái và tình huynh đệ Kitô giáo. Cái nhìn tiêu cực này dường như càng được củng cố khi họ thấy rằng nhiều đảng phái chính trị được xây dựng trên những cơ sở lý thuyết không phù hợp với giáo huấn Tin mừng hay với đức tin và luân lý Kitô giáo.[31]
Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Phanxicô cũng đồng quan điểm như thế khi viết: “Ngày nay đối với nhiều người, chính trị là một từ mang nghĩa xấu, thường do các việc sai trái, tham nhũng và kém hiệu quả của một số chính trị gia. Lại còn có những toan tính làm suy yếu chính trị, thay thế chính trị bằng kinh tế học hay biến chính trị thành một ý thức hệ nào đó”. Nhưng ngài viết tiếp: “Tuy nhiên, liệu thế giới chúng ta có thể vận hành mà chẳng cần đến chính trị hay không? Liệu có thể có một tiến trình tăng trưởng hữu hiệu hướng tới tình huynh đệ phổ quát và hòa bình xã hội mà không cần một nền chính trị lành mạnh hay không?” (FT 176).
Công đồng Vaticanô II đã công khai tuyên bố: “Giáo hội ca ngợi và đánh giá cao hoạt động của những người dấn thân vì lợi ích quốc gia và đảm nhận trách nhiệm phục vụ mọi người”.[32] Theo tinh thần nhập thể và nhập thế của Đức Kitô, Giáo hội coi hành động dấn thân để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là thành phần của sứ vụ loan báo Tin mừng. Mặc dù tự bản chất Tin Mừng không đồng hóa với bất cứ một nền văn hóa, chế độ chính trị hay hệ thống kinh tế nào, nhưng Giáo hội cũng không đứng bên lề hay bên ngoài các thực tại trần gian.[33] Vì thế, nhiệm vụ của Kitô hữu là phải sống Tin Mừng trong tất cả mọi hoàn cảnh và môi trường xã hội chính trị. Tuy nhiên, “các Kitô hữu dấn thân vào hoạt động chính trị cần cố gắng bảo đảm tính nhất quán giữa chọn lựa chính trị và Tin mừng để cống hiến một chứng từ nghiêm túc về niềm tin, với tư cách cá nhân và tập thể, qua việc phục vụ đồng loại một cách hiệu quả và vô vị lợi”.[34]
Cũng vậy, trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô đã viết: “Trái đất là nhà chung của chúng ta và tất cả chúng ta là anh chị em của nhau. Nếu quả thực ‘việc điều hòa trật tự công bằng của xã hội và Nhà nước là một trách nhiệm chính trị’, thì Hội thánh ‘không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý’.[35] Mọi Kitô hữu, bao gồm cả các mục tử của họ, được kêu gọi bày tỏ quan tâm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.[36]
Việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn không phải là việc của cá nhân riêng lẻ, nhưng là của tập thể, của cộng đồng chính trị với những chính sách đúng đắn và được mọi người cùng nhau thực hiện. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Phanxicô đã đưa ra những ví dụ cụ thể để minh họa vấn đề này như sau: “Giúp đỡ ai đó đang đau khổ là một hành vi bác ái, và tìm cách thay đổi hoàn cảnh xã hội đã gây ra đau khổ cho người ấy cũng là một hành vi bác ái, cả khi chúng ta không tiếp xúc trực tiếp với họ. Nếu việc giúp người già qua sông là một hành vi bác ái cao đẹp, thì việc một chính trị gia xây cầu cũng là một hành vi bác ái. Đang khi người khác giúp người bằng cách cho họ ăn, thì chính trị gia tạo công ăn việc làm cho họ, và đó là một hình thức thực hành bác ái cao vời, làm vẻ vang cho hoạt động chính trị của vị ấy” (FT 186).
Đức bác ái chính trị đòi buộc các chính trị gia, các nhà lãnh đạo chính quyền phải thể hiện tinh thần cởi mở với mọi người. Mặc dù là những kẻ nắm trong tay quyền bính dân sự và nhờ đó họ có địa vị trong xã hội, nhưng họ phải nhún nhường đi bước trước để có thể gặp gỡ người dân và tìm kiếm sự đồng thuận, ít ra là ở một số vấn đề. Họ phải sẵn sàng lắng nghe các quan điểm khác và để cho mọi người, không phân biệt chính kiến, đều được góp phần phục vụ công ích và hạnh phúc của đồng bào (x. FT 190).
Chính trị không chỉ là công việc của cái đầu, của sức mạnh, mà còn là của trái tim, của tâm hồn dịu dàng. Khi làm chính trị, người ta vẫn có thể yêu thương bằng một tình yêu dịu dàng. Tình yêu này chuyển động từ trái tim, đến cặp mắt, đôi tai, đôi tay, đôi chân, để người làm chính trị có thể nhìn thấy, lắng nghe, đụng chạm và mau mắn đi đến với những người dân đang cần sự quan tâm và giúp đỡ. Trong hoạt động chính trị, những người bé mọn nhất, yếu kém nhất, đau khổ nhất, phải chiếm địa vị ưu tiên trong con tim của nhà cầm quyền, phải được quan tâm nhiều nhất và được đối xử như anh chị em (x. FT 194).
Giáo luật hiện hành cấm giáo sĩ trực tiếp tham gia chính trị.[37] Lý do là vì hoạt động chính trị thường được thực hiện theo ranh giới đảng phái và lập trường chính trị, trong khi đó linh mục phải là người của tất cả mọi người, không gắn liền với một chế độ hoặc phe nhóm nào, mới có thể chu toàn nhiệm vụ của mình đối với tất cả mọi người không phân biệt. Tuy nhiên, về phần các tín hữu giáo dân, sự việc hoàn toàn khác: việc tham gia các hoạt động chính trị lại được coi là thích đáng, vì đó là lãnh vực đặc biệt trong sinh hoạt trần thế của tín hữu giáo dân, biểu lộ sự dấn thân của họ trong việc phục vụ con người. Để giúp các giáo dân thực hiện sứ vụ này cách hiệu quả, giáo huấn xã hội của Giáo hội đã đưa ra một số tiêu chuẩn định hướng: “Việc theo đuổi công ích trong tinh thần phục vụ, việc phát triển công lý với sự quan tâm đặc biệt đến những tình trạng đói nghèo và đau khổ, việc tôn trọng quyền tự trị của các thực tại trần thế, nguyên tắc bổ trợ, việc cổ vũ đối thoại và hòa bình trong bối cảnh của tình liên đới: đó là những tiêu chuẩn phải gợi hứng cho người giáo dân trong hoạt động chính trị của họ. Tất cả các tín hữu, trong tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ công dân, đều buộc phải tuân thủ những nguyên tắc hướng dẫn này”.[38]
Việc tham gia các hoạt động chính trị để phục vụ công ích và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn trước tiên là nhiệm vụ của các cấp chính quyền, của các chính trị gia, nhưng tại Việt Nam dường như không có giáo dân làm chính trị gia hay tham gia bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, với tư cách là công dân, các Kitô hữu cũng có quyền và được mời gọi tham gia trong điều kiện xã hội của mình, theo định hướng của các tiêu chuẩn trên đây. “Có sự khác biệt giữa ý thức chính trị, quan niệm chính trị, đóng góp cho lãnh vực chính trị, với hành động trực tiếp tham gia đảng phái chính trị hay nắm giữ các chức vụ chính trị trong cơ quan công quyền”.[39]
Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Giám mục Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Ad Limina 2009, Đức Bênêđictô XVI đã áp dụng giáo huấn của Công đồng Vaticanô II vào trường hợp cụ thể của Giáo hội tại Việt Nam, khi ngài nói: “Chư huynh cũng như tôi đều biết rằng sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo hội không hề muốn thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân. Trong khi tham gia cách tích cực, theo như vị trí dành cho mình, và theo ơn gọi đặc thù của mình, Giáo hội không bao giờ miễn trừ cho mình việc thực hành bác ái xét như các hoạt động có tổ chức của các tín hữu”.[40]
Mặc dù các linh mục không được phép trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị, nhưng đức ái mục tử đòi buộc các ngài phải hướng dẫn giáo dân tham gia đời sống chính trị xã hội theo giáo huấn xã hội của Giáo hội, để làm cho xã hội được dậy men Tin mừng, góp phần vào việc phục vụ công ích và hạnh phúc của mọi người chung quanh. Nếu trong cộng đoàn giáo xứ có người tham gia công tác chính quyền, thì cần giúp họ nhận thức rằng việc tham gia hoạt động chính trị là một cơ hội để họ phục vụ đất nước theo tinh thần Tin mừng, nhưng đồng thời cũng là một nhiệm vụ đầy trắc trở và nhiều cạm bẫy, cần phải được hướng dẫn để có sự khôn ngoan sáng suốt và biết phân định. Có nhiều trường hợp, để làm chứng cho niềm tin trong môi trường chính trị, họ phải hy sinh rất nhiều, nên cũng cần có sự can đảm. Hơn nữa, việc các Kitô hữu dấn thân vào hoạt động chính trị không phải chỉ là một chọn lựa cá nhân, nhưng có liên quan đến cộng đoàn tín hữu. Vì thế, để giúp các cá nhân tham gia chính trị, chính “các cộng đồng Kitô hữu phải phân tích một cách khách quan tình trạng đặc thù của đất nước, chiếu rọi lên tình trạng đó ánh sáng của Tin mừng, rồi rút ra từ giáo huấn xã hội những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán và những định hướng hành động”.[41]
KẾT LUẬN
Hiến chế mục vụ của Công đồng Vaticanô II đã cho thấy và khẳng định hướng đi của toàn thể Giáo hội trong lãnh vực mục vụ: đó là thực hiện một cuộc Phúc Âm hóa mọi lãnh vực của cuộc sống con người. Một trong những lãnh vực mà con người ngày nay rất quan tâm, đó là lãnh vực xã hội. Vì vậy, để đồng hành với họ, Giáo hội cũng phải quan tâm đặc biệt đến mục vụ xã hội, vì trong việc loan báo Tin mừng, chiều kích xã hội là cốt yếu, buộc phải đề cập đến, mặc dầu đó không phải là chiều kích duy nhất. “Hoạt động mục vụ xã hội của Giáo hội là việc diễn tả cách sống động và cụ thể các nhận thức đầy đủ về sứ mạng Phúc Âm hóa của Giáo hội trong những thực tại xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị của thế giới”.[42]
Nhìn lại chương trình mục vụ của giáo phận và các giáo xứ, chúng ta thấy một số lãnh vực đã được quan tâm, như mục vụ giáo lý, mục vụ giới trẻ, mục vụ gia đình, v.v., phần lớn nhằm mục đích xây dựng đời sống tôn giáo trong các cộng đoàn tín hữu, mà Đức Phanxicô gọi là mục vụ bảo tồn.[43] Nhưng thực tình mà nói, chúng ta chưa quan tâm đủ đến mục vụ xã hội, để hướng dẫn và cổ võ các anh chị em giáo dân dấn thân xây dựng một xã hội dân sự tốt đẹp trên “tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội” theo tinh thần Tin mừng. Những người chống Giáo hội thường cho rằng người Công giáo chỉ nghĩ đến lợi ích của Giáo hội, chỉ lo dự lễ, đọc kinh cầu nguyện để sau này được về hưởng hạnh phúc Nước Trời, mà không quan tâm đến việc xây dựng xã hội trần gian. Thực ra, Nước Trời đã bắt đầu được xây dựng từ trần gian qua mầu nhiệm Nhập thể và sứ vụ loan báo Tin mừng của Đức Kitô. Từ đó, dựa vào giáo huấn Tin mừng và con đường Nhập thể của Đức Kitô, Giáo hội luôn kêu gọi con cái mình dấn thân xây dựng trần gian theo tiêu chuẩn của Tin mừng, cho đến ngày Đức Kitô quang lâm và hoàn tất một “vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an”.[44]
Vì vậy Đức Phanxicô kêu gọi: “Vào lúc mà các mối tương quan giữa các cá nhân, các nhóm và các dân tộc bị tác hại bởi đủ thứ hình thức bất khoan dung cực đoan, chúng ta hãy dấn thân sống và quảng bá giá trị của việc tôn trọng người khác, của một tình yêu biết đón nhận những khác biệt, và đặt phẩm giá con người vượt trên quan điểm, tình cảm, thực hành và cả lầm lỗi của họ nữa” (FT 191).
Cuối cùng, xin mượn lời của Đức Phanxicô trong bài giảng thánh lễ tại Santiago de Cuba ngày 22.9.2015, để kết thúc bài viết: “Chúng ta muốn là một Hội thánh phục vụ, biết ra khỏi nhà và ra khỏi nơi phụng tự của mình, ra khỏi phòng thánh của mình, hầu có thể đồng hành với đời, nâng đỡ niềm hy vọng, làm dấu chỉ cho sự hiệp nhất, (…) xây dựng những cây cầu, phá đổ các bức tường, gieo những hạt giống hòa giải” (FT 191).[45]
GỢI Ý THẢO LUẬN
1. Tại các giáo xứ trong giáo phận Qui Nhơn chúng ta, chương trình mục vụ theo giáo huấn xã hội của Giáo hội có được quan tâm đầy đủ không? Nếu có, thì lãnh vực nào được quan tâm nhiều nhất và gặt hái nhiều thành công nhất, trong số các lãnh vực: xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị?
2. Thái độ vô cảm là một căn bệnh trầm trọng của xã hội hiện nay, do ảnh hưởng ngày càng mạnh của cá nhân chủ nghĩa. Nó xuất hiện trên nhiều bình diện và dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo cha, những bình diện và hình thức nào đáng được quan tâm hơn hết và đâu là những biện pháp khắc phục?
3. Tại Việt Nam, người tín hữu có thể và phải thực thi đức bác ái trong đời sống chính trị xã hội như thế nào và trong mức độ nào? Đâu là những khó khăn và chướng ngại chủ quan cũng như khách quan? Có thể vượt qua bằng cách nào? Xin cha chia sẻ một vài kinh nghiệm cá nhân hoặc những mô hình đang được thực hiện tại nhiệm sở của cha.
Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn: gpquinhon.org (23.9.2022)
[1] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Từ điển Công giáo, từ Huynh đệ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2016, tr. 441-442.
[2] T. TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae II-II, q.27, a.2, resp.
[3] x. T. TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae I-II, q.26, a.3, resp.
[4] Sđd., q.110, a.1, resp.
[5] HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, Nguyên tác: Compendium of the Social Doctrine of the Church, Libereria Editrice Vaticana 2004, Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Bác ái Xã hội trực thuộc HĐGM Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo 2007, số 581.
[6] ĐGH. PHANXICÔ, “Diễn văn với Giới hoạt động văn hóa”, Cagliari, Italia (22.9.2013), trong L’Osservatore Romano, 22-23.9.2013, tr. 7.
[7] ĐGH. PHANXICÔ, “Diễn văn với Ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh (13.01.2014)”, trong AAS 106 (2014), tr. 83-84.
[8] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 1934.
[9] ĐGH. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Laborem Exercens (14.9.1981), số 22.
[10] Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 148.
[11] ĐGH. PHANXICÔ, “Đối thoại với giáo viên và sinh viên tại San Carlo College ở Milano (06.4.2019)”, trong L’Osservatore Romano, 8-9.4.2019, tr. 6.
[12] x. ĐGH. PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), số 234-237. “Ở đây mô hình của chúng ta không phải là hình cầu, nó không lớn hơn các thành phần của nó, ở đó mọi điểm đều cách đều tâm, và không có khác biệt nào giữa chúng. Trái lại, mô hình của chúng ta là hình khối đa diện, phản chiếu sự đồng qui của tất cả các thành phần, mỗi thành phần vẫn giữ được tính đặc trưng của nó. Hoạt động mục vụ cũng như hoạt động chính trị cố gắng qui tụ vào khối đa diện này cái gì là tốt nhất của mỗi loại hoạt động. Có chỗ cho những người nghèo và văn hóa của họ, các khát vọng và tiềm năng của họ. Ngay cả những người có thể bị coi là đáng ngờ do những sai lầm của họ, họ cũng có phần đóng góp mà chúng ta không thể bỏ qua. Chính sự đồng qui của các dân tộc là cái duy trì cá tính của họ trong trật tự vũ trụ này; chính tổng số những con người trong một xã hội theo đuổi công ích là cái thực sự có một chỗ đứng cho mọi người” (EG 236).
[13] Evangelii Gaudium, số 46.
[14] Evangelii Gaudium, số 28.
[15] ĐGH. BÊNÊĐICTÔ, XVI, “Diễn từ cho Giáo triều Rôma (21.12.2012)”, trong AAS 105 (2013), tr. 51.
[16] Evangelii Gaudium, số 238.
[17] Evangelii Gaudium, số 239.
[18] Evangelii Gaudium, số 229.
[19] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 204.
[20] “Bác ái chính trị và xã hội không chỉ diễn ra trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, mà còn trải rộng vào trong mạng lưới do các quan hệ ấy làm nên, tức là cộng đồng chính trị và xã hội. Bác ái ấy can thiệp vào trong khuôn khổ đó bằng cách đi tìm điều lợi ích lớn nhất cho cộng đồng nói chung. Với nhiều khía cạnh như thế, người thân cận mà chúng ta yêu mến sẽ được chúng ta tìm gặp ‘trong chính xã hội’, nhờ đó chúng ta có thể yêu thương họ cách cụ thể, giúp đỡ họ trong những nhu cầu hay trong cơn túng thiếu, khác với cách chúng ta chỉ yêu thương họ trên bình diện quan hệ cá nhân với cá nhân. Yêu thương tha nhân trên bình diện xã hội có nghĩa là tùy theo hoàn cảnh mà sử dụng các trung gian xã hội để cải thiện đời sống của họ hoặc xóa bỏ những nhân tố xã hội đã gây ra cảnh túng thiếu ấy. Chắc chắn đây là một hành vi yêu thương, một việc làm tỏ lòng thương xót, nhờ đó người ta có thể đáp ứng ngay lúc này và tại đây một nhu cầu thực sự và cấp bách của người thân cận. Nhưng đây cũng là một hành vi yêu thương rất cần thiết nhằm tổ chức và kiến trúc xã hội thế nào cho người thân cận của chúng ta không còn ở trong cảnh nghèo đói, điều này càng quan trọng khi đây là tình cảnh của vô số người hay thậm chí cả toàn thể một dân tộc đang phải tranh đấu, hay khi tình cảnh ấy mang tầm cỡ của một vấn đề xã hội toàn cầu thật sự”: Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 208.
[21] x. COMMISSION SOCIALE DE L’EPISCOPAT FRANҪAIS, Réhabiliter la politique (17.02.1999); x. PIUS XI, Message of 18.12.1927.
[22] ĐGH. BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (29.6.2009), số 2.
[23] Evangelii Gaudium, số 205.
[24] ĐGH. PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Si’ (24.5.2015), số 231.
[25] ĐGH. PIÔ XI, “Bài nói chuyện với Liên đoàn sinh viên Đại học Công giáo Ý (18.12.1927)”, trong L’Osservatore Romano, 23.12.1927, tr. 3.
[26] x. ĐGH. PIÔ XI, Thông điệp Quadragesimo Anno (15.5.1931), trong AAS 23 (1931), tr. 206-207.
[27] Evangelii Gaudium, số 205.
[28] ĐGH. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Redemptor Hominis (04.3.1979), số 15.
[29] Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 207.
[30] x. ĐGH. PHANXICÔ, “Bài nói chuyện với các tham dự viên tại cuộc gặp gỡ các phong trào đại chúng (28.10.2014)”, trong AAS 106 (2014), tr. 852.
[31] “Chúng ta không thể đồng hóa những lý thuyết triết học sai lầm về vũ trụ, về nguồn gốc và cứu cánh của thế giới cũng như của con người, với những phong trào lịch sử được thành lập nhằm mục đích kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc chính trị, mặc dù các phong trào này đã phát sinh và chịu ảnh hưởng bởi các học thuyết ấy. Các lý thuyết, một khi đã định hình và được viết ra, thì không thay đổi nữa, trong khi các phong trào, vì có đối tượng là những hoàn cảnh cụ thể và đổi thay của cuộc sống, nên chịu ảnh hưởng sâu rộng của những biến đổi nói trên. Ngoài ra, trường hợp các phong trào này đồng ý với các nguyên lý chân thực của lý trí và đáp ứng những khát vọng chính đáng của con người, thì ai có thể chối từ không nhìn nhận nơi các phong trào ấy những yếu tố tích cực và đáng hoan nghênh”: GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, (11.4.1963), số 159.
[32] Gaudium et Spes, số 75.
[33] “Do sứ vụ và thẩm quyền của mình, Giáo hội không thể đồng hóa với cộng đồng chính trị và cũng chẳng cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào (…). Trên lãnh vực riêng của mình, cộng đồng chinh trị và Giáo hội độc lập và tự trị với nhau. Tuy nhiên, dưới danh nghĩa khác nhau, cả hai cùng phục vụ con người, trong sứ mệnh cá nhân và xã hội”: Gaudium et Spes, số 76.
[34] ĐGH. PHAOLÔ VI, Tông thư Octogesima Adveniens (14.5.1971), số 46.
[35] ĐGH. BÊNÊĐICTÔ XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25.12.2005), số 28.
[36] Evangelii Gaudium, số 183.
[37] Giáo luật, điều 285, khoản 3 viết: “Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự”. Điều 287, khoản 2 xác định thêm: “Các giáo sĩ không được tích cực tham gia vào các đảng phái chính trị, hoặc lãnh đạo các nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo hội và việc cổ vũ công ích đòi hỏi như vậy”. Quy định này cũng được áp dụng cho các tu sĩ (x. Điều 672).
[38] Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 565.
[39] GM. PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP, OP, Một cái nhìn về giáo huấn xã hội Công giáo, Nxb. Phương Đông 2013, tr. 307.
[40] ĐGH. BÊNÊĐICTÔ XVI, Huấn từ cho các Giám mục Việt Nam trong cuộc viếng thăm Ad Limina tại Rôma (27.6.2009).
[41] Octogesima Adveniens, số 4.
[42] Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 524.
[43] x. Evangelii Gaudium, số 15.
[44] Kinh Tiền tụng lễ Đức Giêsu Kitô Vua vũ trụ.
[45] ĐGH. PHANXICÔ, “Bài giảng thánh lễ”, Santiago de Cuba (22.9.2015), trong AAS 107 (2015), tr. 1005.
#thongdiepFratelliTutti #chuongtrinhmucvucualinhmuc