NÉT ĐẸP CỦA TU SĨ HIỆP HÀNH
WHĐ (15.9.2022) – Từ khi Đức thánh cha Phanxicô khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI (10/10/2021) với chủ đề “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, và sứ vụ” đến nay đã là năm tháng. Dân Chúa thuộc mọi thành phần trong các giáo phận đang thực hiện giai đoạn thỉnh ý của tiến trình hiệp hành.[1] Chính trong giai đoạn này, anh chị em tu sĩ tìm lại được những nét đẹp căn cốt của đời tu, trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, với Giáo hội Chúa Kitô, và với mọi thành phần của cộng đoàn nhân loại.
Bài viết dưới đây trình bày tính hiệp hành vốn gắn liền với đời tu, bởi những xác tín sau: (1) tu sĩ chọn Đức Kitô là chọn cùng đi với Giáo hội, (2) tu sĩ hoàn tất ơn gọi khi hiệp hành với Giáo hội, và (3) tu sĩ tiếp tục hiệp hành hướng về phía trước dù gặp thách đố. Mục đích của chúng tôi là chia sẻ với mọi người niềm vui của tu sĩ, những người bước theo Đức Kitô, được Người tuyển chọn, và cho làm vườn nho của Người, để tu sĩ cùng bước đi với mọi thành phần của Giáo hội mà loan báo Tin mừng.
- Tu sĩ chọn Đức Kitô là cùng đi với Giáo hội
Với các tu sĩ, ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự để trong mọi ngày sống, tu sĩ sống mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Phát xuất từ chọn lựa ấy, quy luật tối thượng của mọi Hội Dòng là luật của Tin mừng. Tu sĩ học biết và thực hành những giáo huấn của Tin mừng trong niềm khao khát đạt được “sự hiểu biết tuyệt vời về Đức Giêsu Kitô” (Pl 3,8), và kết hợp với Người qua các giờ kinh, giờ nguyện gẫm, thánh lễ, và trong việc chia sẻ đời sống chung với nhau cũng như với cộng đồng.
Khi mô tả đời tu như thế, Công đồng không xem tu sĩ là những người thoát tục hiểu theo nghĩa đen của hạn từ này. Đúng hơn, tu sĩ từ chối những ước muốn thế tục dẫn đến tội lỗi và xa cách Tin mừng chứ không từ chối thế giới và con người. Tu sĩ tìm hiểu hiện trạng con người và thời thế, cũng như các nhu cầu của Giáo hội. Cuộc đời tu sĩ nhằm mục tiêu kép: hướng nhân loại đạt đến chân, thiện, mỹ ngay trong đời tạm này theo tinh thần của Tin mừng, và cùng nhau, các tu sĩ thánh hóa chính mình và thánh hóa thế giới. Do đó, các Hội Dòng được mời gọi tham gia mọi lãnh vực của đời sống của Giáo hội và được liên kết với sứ mệnh phục vụ của Giáo hội nhằm mưu ích cho Giáo hội và cộng đồng nhân loại. Chính đòi hỏi này của Giáo hội mở ra cho tu sĩ con đường hiệp thông với mọi thành phần Dân Chúa để tham gia thực hiện sứ vụ của Giáo hội và đồng thời thực hiện ơn gọi theo đặc sủng của Hội Dòng hay Tu Đoàn của mình.[2]
Trong các cộng đoàn tu sĩ, việc cử hành thánh lễ và các giờ Kinh Phụng vụ diễn tả sự hiệp thông sâu xa với Giáo hội.[3] Họ được ví như “trạm thông tin” địa phương, “hòn đảo nhỏ” trong đại dương hoặc “hồ chứa nước” đem ân sủng vào thửa ruộng Giáo hội. Ngoài ra, tu sĩ hiệp thông cách đặc biệt hơn trong những sự kiện và biến cố liên quan đến Giáo hội và xã hội. Đó là lời cầu nguyện của tu sĩ trước những cơn dịch bệnh, trước cảnh thiên tai, hay trước những cuộc chiến tranh hủy diệt nhân loại. Đó cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội và giữa các quốc gia, cho các chương trình mục vụ và truyền giáo của Giáo hội hoàn vũ hay địa phương, hoặc cho những chuyến tông du của Đức thánh cha.
Cho dẫu tu sĩ trong các Dòng tu chiêm niệm chuyên chăm cầu nguyện, Công đồng vẫn nhìn nhận họ giữ một địa vị cao quý trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, nơi mà “các chi thể không có cùng một chức năng” (Rm 12,4), nhưng mọi việc đều nhắm trình bày sự hiện diện sống động của Đức Kitô nhờ những hoa trái thánh thiện của đời chiêm niệm. Họ cũng làm cho Dân Chúa được lớn mạnh nhờ những gương lành của họ.[4]
Đó là sự hiệp thông hoặc hiệp hành âm thầm nhưng rất thiết thực cho sứ vụ tông đồ trong Giáo hội. Để hiệp hành, không chỉ là đôi chân cùng đi, mà còn là trọn vẹn con người của tu sĩ. Khi đạt được đỉnh cao của cuộc kết hợp với Đức Kitô và nên đồng hình đồng dạng với Người, tu sĩ không còn bị hạn chế bởi nội vi của tu viện nữa. Không có gì ngăn cản tâm hồn họ vươn tới một tình yêu dành cho tha nhân ở mọi nơi, cho sự hoàn thiện của Giáo hội hoàn vũ, và cho sự thăng tiến của cả thế giới. Trong Giáo hội, có những người nam và người nữ, cho dẫu không đi được xa, họ vẫn trở nên phúc lành cho thế giới, khi kinh nguyện của họ vươn đến mọi nhu cầu của Giáo hội và của con người. Tiêu biểu cho những vị ấy là thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu. Vị nữ tu này sống trong đan viện nhưng đã liên kết sâu xa với việc truyền giáo khắp nơi qua cầu nguyện và hy sinh để rồi trở thành Vị Thánh Quan Thầy các xứ sở truyền giáo.
Công đồng nhìn nhận sự hiện diện của các Hội Dòng như nguồn vốn thiêng liêng đóng góp cho lợi ích của toàn thân mình Đức Kitô, chứ không chỉ là đóng góp cho gia đình tu sĩ.[5] Thế còn những tu sĩ thuộc các Hội Dòng hoạt động thì sao? Chúng ta dành phần tiếp theo để trả lời câu hỏi này.
- Tu sĩ hoàn tất ơn gọi khi cùng hiệp hành với Giáo hội
Bên cạnh việc chọn lựa đời đan tu thì còn có các tu sĩ dấn thân trong nhiều hoạt động tông đồ của Giáo hội. Do bản chất tu sĩ đi tìm chỉ một mình Thiên Chúa, nên cho dù sống trong đan viện hay một cộng đoàn hoạt động, tu sĩ vẫn phải liên kết việc chiêm niệm với truyền giáo. Công đồng xem sự liên kết ấy là yếu tố chung của mọi hình thức dòng tu nên đã dạy rằng: khi chọn bước theo một mình Chúa là tu sĩ chọn lắng nghe Lời Người và làm công việc của Người. Để thực hiện mục tiêu ấy, chiêm niệm là phương thế giúp tu sĩ nên một với Chúa đồng thời tham gia công cuộc cứu thế, tức là truyền giáo.[6]
Sinh hoạt của nam nữ tu sĩ trong đời sống của xã hội và Giáo hội rất đa dạng và hiệu quả. Có những tu sĩ đứng trên bục giảng của các trường đại học, học viện, chủng viện, hoặc giảng dạy các cấp trung, tiểu học hay tại các trường mầm non. Họ có thể là bác sĩ, y tá, hoặc điều dưỡng trong các bệnh viện và trung tâm y tế. Một số khác làm việc tại các văn phòng tư vấn gia đình, tâm lý, và xã hội. Lại có những tu sĩ phục vụ tại các trung tâm từ thiện như trại mồ côi, nhà dưỡng lão, nhà chăm sóc các người thiểu năng v.v… Tại các giáo phận và giáo xứ, có những tu sĩ linh mục giúp việc mục vụ tại các giáo xứ như cử hành các bí tích hoặc giảng dạy. Cũng có nhiều vị thực hành việc quản trị, khi các ngài được trao quyền quản xứ. Có những tu sĩ giữ vai trò điều hành các nhóm mục vụ. Có người giúp huấn luyện giáo lý viên hoặc đứng lớp, và nhiều người giúp công tác ca đoàn và các đoàn thể. Lại có người giúp việc phòng thánh, linh hoạt thánh lễ, hoặc chăm sóc các bệnh nhân v.v… Tắt một lời, tu sĩ đón nhận nhiều công việc và khi hoàn thành trách nhiệm của mình được Bề trên trao phó là tu sĩ làm công việc của Chúa. Công việc của họ, dù lớn hay nhỏ, đều nhắm mục đích làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Tôi không thể kể ra hết ở đây mọi hoạt động của các tu sĩ. Đặc biệt, trong thời gian Thành phố HCM bị dịch Covid-19 hoành hành, khi mà hàng chục ngàn người bị nhiễm bệnh và toàn thành phố bị phong tỏa, đã có nhiều loại hình công tác cứu trợ được giới tu sĩ thực hiện. Trước hết là công tác Caritas. Nhiều Hội Dòng đã khuyến khích tu sĩ của mình lao vào công việc cứu đói, với sự trợ giúp của các nhóm thiện nguyện, bao gồm các tín hữu Công giáo và cả các người trẻ ngoài Kitô giáo. Họ cứu trợ đồng bào ở những nơi bị thiếu lương thực, thực phẩm, và nhu yếu phẩm.
Kế đến, phải kể đến công tác y tế, khi mà mọi phương tiện phòng chống dịch và cứu chữa người bệnh đều đã bị quá tải. Như một sáng kiến và một thôi thúc của đức ái, vị chủ chăn của giáo phận là Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cùng với Văn phòng Đặc trách Tu sĩ đã gửi các Bề trên Dòng Tu trong giáo phận một thư kêu gọi thành lập các đội thiện nguyện viên phục vụ các bệnh nhân Covid- 19.[7] Các nam nữ tu sĩ, không ngần ngại trước sự đe dọa của dịch bệnh, đã tình nguyện đến phục vụ các nhu cầu y tế và phục vụ bệnh nhân. Từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, các tu sĩ muốn làm theo lời dạy của Tin mừng và noi gương phục vụ của Đức Giêsu. Đồng thời, tu sĩ giúp người đương thời nhận ra hình ảnh sống động của Chúa Kitô nơi họ, khi họ loan báo Tin mừng của Người trên mọi nẻo đường qua việc gặp gỡ và phục vụ.
Các tu sĩ đã trở nên chứng tá trung thực của sự xả thân cho tha nhân theo tinh thần của Tin mừng Đức Giêsu. Chính tại nơi đây, tu sĩ hiệp hành với Giáo hội Công giáo, với các tôn giáo khác, và với đồng bào Việt Nam. Người ngoài Kitô giáo và chính quyền tại Việt Nam đã nhìn nhận dấu chỉ cao quý của đạo Công giáo là sự phục vụ vô điều kiện.[8]
Hơn thế nữa, đây còn là một đóng góp giàu ý nghĩa của các tu sĩ Việt Nam cho công cuộc hiệp hành với Giáo hội hoàn vũ. Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam đã nhìn nhận chứng tá rất đặc biệt ấy. Trong cuộc gặp gỡ các thiện nguyện viên vào ngày 20/2/2022, Ngài đã nói: “Những gì anh chị em làm cho các bệnh nhân, những người dễ bị tổn thương, là làm cho Đức Kitô”.[9]
Đây chẳng phải là hình ảnh rất Tin mừng và mang dấu ấn hiệp hành sao? Tuy nhiên, tương lai vẫn là những ẩn số với đầy thách đố. Tu sĩ cần những gì cho cuộc hiệp hành ngày mai?
- Tu sĩ tiếp tục hiệp hành hướng về phía trước dù gặp thách đố
Với anh chị em tu sĩ, những thành tựu có thể là động lực cho cố gắng của hôm nay và khơi nguồn sáng tạo cho ngày mai. Tuy vậy, quá khứ không hẳn là bảo đảm cho tương lai, nếu như hôm nay ta say sưa trong niềm tự hào vì chút công trạng nào đó, hoặc ta để những lo âu bào mòn nhiệt huyết và lòng trông cậy của đời thánh hiến. Đứng trước trào lưu tục hóa trong thế giới hôm nay cũng như khi đời sống thánh hiến gặp nhiều khó khăn[10], người tu sĩ cần để cho lời của Đức thánh cha Phanxicô chất vấn mình: “Đức Giêsu có còn thực sự là tình yêu duy nhất và đầu tiên của ta, như ta đã hứa khi tuyên khấn không?” Và “Tin mừng thực sự còn là ‘cẩm nang’ cho cuộc sống hằng ngày của ta và cho những quyết định ta được mời gọi thực hiện chăng?”[11]
Tại sao những câu hỏi này lại cần thiết? Phải chăng “có Đức Giêsu” là điều kiện tiên quyết của hiệp hành? Đúng thế. Nếu Đức Giêsu không phải là tất cả cho tu sĩ thì làm sao ta yêu được mọi người ta gặp và muốn cùng đi với họ? Nếu Người không phải là chọn lựa duy nhất của tu sĩ thì làm sao ta chọn lựa làm công việc của Người trong Giáo hội? Chỉ khi có Người là tình yêu duy nhất của ta, ta mới có thể hiệp hành vì ta có con tim của Người. Chính khi có Người là tất cả thì những thách đố trở thành những cơ hội để ta thực hành lời dạy và lối sống của Tin mừng để Tin mừng trở nên quà tặng cho thế giới và thánh hóa nhân loại.
Tạm kết
Qua ơn gọi thánh hiến dành cho Thiên Chúa, các tu sĩ nhận thức rõ ràng về căn tính và ơn gọi của mình trong Hội Thánh. Họ được kết hợp đặc biệt với Hội Thánh và với mầu nhiệm Hội Thánh nhờ đức ái mà các lời khuyên Phúc Âm dẫn tới. Họ trở nên hình ảnh sống động của Chúa Kitô vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo trong hành trình tu trì đơn sơ, khiêm tốn. Đồng thời, họ hiệp hành với Dân Chúa “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, và sứ vụ”. Họ chính là những chứng tá của Hội Thánh giữa lòng thế giới qua những phục vụ khai phá và khiêm tốn trong mọi khía cạnh đời sống nhân văn.
Lm. Giuse Phạm Văn Bình, OFM
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)
[1] Việc xây dựng ý tưởng cho chủ đề này đã được Đức thánh cha Phanxicô khơi gợi từ tháng 10/2015 trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập thiết chế Thượng Hội đồng Giám mục. Gần hơn, vào tháng 4/2021, Đức Phanxicô đã đề xướng một hành trình hiệp hành của toàn thể Dân Chúa. Hành trình ấy được bắt đầu vào tháng 10/2021 tại mỗi Giáo hội địa phương, và cao điểm sẽ là tháng 10/2023 trong Đại hội toàn thể của Thượng Hội đồng Giám mục. Ngày 10/10/2021, tại Rôma, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ Khai mạc Thượng HĐGM Thế giới lần thứ XVI với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ”. Chủ đề này “có ý nghĩa quyết định đối với đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”. (x. Văn Phòng Tổng Thư Ký THĐGM, Cẩm Nang Cho Thượng Hội Đồng về Tính Hiệp Hành, 2021, số 1). Có thể nói, Thượng Hội đồng Giám mục lần này cũng cho thấy khát vọng đổi mới Giáo hội, vốn đã được quan tâm từ buổi bình minh của triều đại của Đức Phanxicô.
[2] x. CĐ. Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Việc Thích Nghi Canh Tân Đời Sống Tu Trì Perfectae Caritatis, 2-6.
[3] x. GLHTCG, 1174; GL 1173: Các tu sĩ hiệp thông sâu sắc với mầu nhiệm Giáo hội qua việc đọc các Giờ kinh Phụng vụ. Đây là kinh nguyện công khai của Giáo hội, là lời cầu nguyện của Hội Thánh cùng với Chúa Kitô và dâng lên Chúa Cha.
[4] x. CĐ. Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Việc Thích Nghi Canh Tân Đời Sống Tu Trì Perfectae Caritatis, 7.
[5] CĐ. Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội Lumen Gentium, 43: “Đời sống thánh hiến là một quà tặng cho Hội Thánh, phát sinh từ Hội Thánh, lớn lên trong Hội Thánh và hoàn toàn hướng về Hội Thánh”.
[6] x. CĐ. Vaticanô II, Perfectae Caritatis, 5: “[…] Vì thế, tu sĩ của bất cứ Hội Dòng nào, trong khi tìm kiếm duy chỉ một mình Thiên Chúa, đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm truyền giáo; để nhờ chiêm niệm, họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa, và nhờ nhiệt tâm truyền giáo, họ tham gia công cuộc cứu thế và mở rộng Nước Chúa”.
[7] Ban Truyền thông TGP Saigon. Ngày 12/7/2021, Văn phòng đặc trách tu sĩ, Tòa Tổng Giám mục, Tổng Giáo phận Sài Gòn đã có thư gửi đến Bề trên các Hội Dòng tại TP.HCM thông báo về việc thành lập Nhóm tu sĩ thiện nguyện. Kết quả: Từ ngày 22/7 đến 21/10/2021 đã có 10 đợt ra quân với con số thiện nguyện viên là 535 người (gồm 507 tu sĩ, 21 linh mục, 7 Phó tế). Họ phục vụ tại 8 bệnh viện: các BV Dã Chiến số 10, 12, 16; BV Hồi Sức Covid-19; BV Quận 7; BV Nhân Dân Gia Định, BV Tân Bình, và BV Trưng Vương.
[8] Ngày 23/8/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã thay mặt Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ gửi Thư cảm ơn đến các tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo Việt Nam, ghi nhận những đóng góp thiết thực của các tổ chức tôn giáo trong việc phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Trong thư có đoạn như sau: “Trong suốt thời gian qua, Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức: Tổ chức nhiều hoạt động bác ái để hỗ trợ người dân trong vùng dịch gặp khó khăn, đặc biệt là kêu gọi hàng ngàn linh mục, nam, nữ tu sĩ lên đường vào tâm dịch, phục vụ các bệnh viện tuyến đầu, chăm sóc các bệnh nhân nặng. Các linh mục, nam, nữ tu sĩ đã dấn thân phục vụ, đưa ngọn lửa yêu thương, trái tim cảm thông, bàn tay chia sẻ đến với bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.. Đây chính là nghĩa cử hy sinh của các linh mục, nam, nữ tu sĩ cùng quyết tâm đẩy lùi đại dịch, đem bình an trở lại cho nhân dân Việt Nam”.
[9] Trong cuộc gặp gỡ các thiện nguyện viên linh mục và tu si tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn, Ðức TGM Marek Zalewski cho biết là ngài cần phải chia sẻ kinh nghiệm này với Đức Thánh Cha và Tòa Thánh để cho mọi người thấy Giáo hội Việt Nam trẻ trung, đầy sức sống, và rất nhiệt thành. Đặc biệt, Giáo hội Việt Nam đã có thể đọc được những dấu chỉ của thời đại một cách rất hiệu quả. (Youtube TGP Sài Gòn 20/02/2022).
[10] Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả những người thánh hiến dịp cử hành Năm của Đời sống Thánh hiến (21/11/2014), Mục I, số 3: Đức Phanxicô nói đến những khó khăn hiện nay: “… Ơn gọi giảm sút và số thành viên có tuổi gia tăng, nhất là tại thế giới phương Tây; những vấn đề kinh tế nảy sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới; những vấn đề quốc tế hóa và toàn cầu hóa; những nguy cơ của thuyết tương đối, việc đời tu bị gạt ra bên lề và không được xã hội trân trọng”.
[11] Ibid, Mục I, số 2.