CHỦNG SINH VỚI MẠNG XÃ HỘI & NHỮNG THÁCH ĐỐ
WGPBC (07.7.2022) – Các phương tiện truyền thông xã hội có thể đóng góp cho công cuộc truyền giáo. Nói như Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Giáo hội cảm thấy mình có lỗi trước mặt Chúa nếu như Giáo hội không sử dụng những phương thế hữu hiệu mà tài năng con người làm cho ngày càng hoàn thiện [1]. Mạng xã hội là phương tiện phổ biến và có sức tác động lớn nhất trong các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay. Những trang mạng xã hội nổi tiếng có hàng trăm triệu người tham gia và cũng rất quen thuộc với người Việt Nam như Facebook, Twitter, TikTok, Youtube, Zing Me,…
Sống giữa thời đại hôm nay, chủng sinh cũng được đòi hỏi quan tâm đến sự vận hành và phát triển của mạng xã hội, và thực tế hầu hết đều đang sử dụng. Thế nhưng, việc sử dụng mạng xã hội cũng đặt ra nhiều vấn nạn trong đời sống chủng sinh. Ở đây xin triển khai theo ba nội dung chính: Khả năng Phúc Âm hoá của mạng xã hội, những thách đố đối với đời sống chủng sinh và một vài đề nghị trong việc sử dụng mạng xã hội.
1. Tiềm năng Phúc Âm hoá của mạng xã hội
“Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”(Cv 1,8). Thực trạng hiện nay buộc chúng ta phải suy nghĩ cách khác về những lời trên đây của Đức Kitô Phục Sinh, vì “tận cùng trái đất” không còn giới hạn về mặt địa lý nhưng đã được mở rộng qua trung gian các phương tiện truyền thông và mạng xã hội [2].
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI gọi đó là “quảng trường mới”, một không gian công cộng rộng mở, nơi con người chia sẻ ý tưởng, thông tin, ý kiến, và là nơi cũng có thể nảy sinh những mối tương quan và những hình thức cộng đoàn mới [3]. Hội Thánh nhìn những khả năng Phúc Âm hoá mà thế giới kỹ thuật số đem lại với lòng tin tưởng [4]. Thật vậy, đó chính là những “địa điểm” mà hàng ngày biết bao người lui tới, những “vùng ngoại biên kỹ thuật số” nơi chúng ta không thể không đề nghị một nền văn hoá gặp gỡ đích thân, nhân danh Chúa Kitô, để làm nên một dân Chúa duy nhất [5].
Quả thật, đời sống tôn giáo của nhiều người được phong phú lên rất nhiều nhờ các phương tiện truyền thông, trong đó có mạng xã hội. Chúng đem đến cho họ các tin tức và thông tin về các sự kiện tôn giáo, các ý tưởng và nhân vật tôn giáo. Chúng không khác gì các cỗ xe chuyên chở công cuộc Phúc Âm hoá và huấn giáo [6]. Một cách đặc biệt, đối với những người sống đời thánh hiến, mạng xã hội không chỉ giúp ích cho đời sống mục vụ, bác ái và truyền giáo, mà còn có thể hỗ trợ cho đời sống cầu nguyện, suy tư, chia sẻ Lời Chúa…[7].
Và vì vậy, mạng xã hội là một thế giới mà mục tử tương lai không thể không biết đến, dù trong thời gian đào tạo hay trong thừa tác vụ sau này. Theo quan điểm này, việc chủng sinh sử dụng những phương tiện truyền thông và thế giới kỹ thuật số cũng góp phần vào sự phát triển nhân cách nơi họ [8]. Thật là thích đáng nếu các mạng xã hội giúp phần nào cho đời sống hàng ngày ở chủng viện (nhờ vào cách quản lý đề cao cảnh giác, nhưng cũng nhẹ nhàng và thiết thực) [9].
2. Những thách đố khi sử dụng mạng xã hội
Không gian mạng được mở rộng với sự tăng nhanh số lượng người sử dụng, kết nối tích cực cùng với sự phát triển đa dạng của các loại hình hoạt động và tương tác đến nỗi có thể coi mạng xã hội là “xã hội mạng”. Và cũng giống như các xã hội khác, tài nguyên của “xã hội mạng” đủ thứ thượng vàng hạ cám và cư dân của “xã hội mạng” cũng đủ loại tốt xấu lẫn lộn, nhưng nhiều nhất có lẽ là “người thích nổ” và “người hay than”. Là một chủng sinh đã và đang sử dụng mạng xã hội, dựa vào sự quan sát cá nhân cũng như phản hồi của mọi người, thậm chí chứng kiến cả những kinh nghiệm vấp váp của một số người sống đời thánh hiến đây đó, xin chỉ ra một vài thách đố.
2.1. Thách đố về sử dụng thời gian
Chức năng chính của mạng xã hội là giải trí, tương tác và chia sẻ thông tin. Thế nhưng có nguy cơ với các chủng sinh là dành quá nhiều thời giờ cho chúng để rồi chiếm chỗ việc học tập hay lấn át các việc đạo đức thiêng liêng. Nhất là trong các kỳ nghỉ, đôi khi khoảng thời gian tốt nhất không phải dành cho Chúa nhưng là ngồi lướt Facebook dạo, với ít nhiều kinh nghiệm “tua” kinh thật nhanh hết sức có thể, rồi sau đó có khi dành nhiều giờ chỉ để lang thang và tán gẫu trên mạng. Những câu hỏi như: “Hôm nay thầy online muộn thế?” hay “Sao hôm nay thầy online suốt vậy?” chắc hẳn không chỉ là một sự quan tâm hỏi han nhưng đúng hơn là một lời nhắc nhở, một sự không hài lòng từ phía người giáo dân dành cho “người của Chúa”. Thời gian cùng với sức khoẻ và tài năng là những nén bạc Chúa ban cho mỗi người. Thiên Chúa sẽ đòi chúng ta phải trả lẽ trước mặt Ngài về việc chúng ta đã sử dụng những nén bạc đó như thế nào (x. Mt 25,15-19).
2.2. Thách đố về các mối tương quan
Mạng xã hội là một phương tiện rất hữu ích để kết nối, chia sẻ, đồng hành,… nhưng nó cũng đặt người chủng sinh đứng trước nhiều sự lựa chọn. Trên thực tế không phải lúc nào mối quan tâm ưu tiên cũng được dành cho những liên hệ cần thiết cho sứ vụ, thậm chí là còn nuôi dưỡng những mối quan hệ mập mờ, thiếu lành mạnh, không phù hợp với đời dâng hiến. Hơn nữa, nếu như dành quá nhiều thời gian thỏa mãn những tương quan ảo thì có nguy cơ sẽ không còn cảm thấy hứng thú với những liên hệ thật, sống động. Sứ vụ đòi hỏi người linh mục tương lai không phải là phát triển mối tương quan theo chiều rộng nhưng là chú ý đến phẩm chất của các mối liên hệ.
2.3. Thách đố về vấn đề sự thật
Cũng giống như các phương tiện truyền thông xã hội khác, nội dung trên mạng xã hội dồi dào đủ loại, từ những tin tức nghiêm túc đến giải trí thuần tuý, từ kinh nguyện đến hình ảnh khiêu dâm, từ suy tư đến bạo lực [10]. Vì thế, mạng xã hội ngập tràn thông tin nhưng đã mất tầm kiểm soát. Đơn cử là những thông tin giả mạo về việc bổ nhiệm giám mục hay liên quan đến các sự kiện lớn trong Giáo hội. Ban Truyền thông của một giáo phận nọ phải ra thông báo về fanpage chính thức của mình. Một Giám mục kia phải lên tiếng khi người ta sử dụng hình ảnh của ngài để quảng cáo thuốc chữa dạ dày. Đấy là chưa kể vô vàn hình thức tung tin thất thiệt để câu view mà chúng ta được chứng kiến trong thời đại dịch Covid-19. Giữa một rừng thông tin khó kiểm chứng như thế thì việc tìm chỗ đứng của sự thật luôn đầy khó khăn. Thực tế này đòi hỏi chủng sinh phải có sự hiểu biết, cẩn trọng và phân định.
2.4. Thách đố về đức khiết tịnh
Hồng ân khiết tịnh thật cao quý nhưng lại chứa đựng trong bình sành (x. 2 Cr 4,7) nên cũng rất mong manh, chông chênh. Sự mời mọc hấp dẫn của đủ thứ hình ảnh, video khiêu dâm; sự hoạt động đa dạng của nhóm, diễn đàn liên quan đến tính dục trên mạng xã hội khiến chủng sinh không thể không canh chừng. Thánh Phaolô dạy rằng ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã (x. 1 Cr 10,12). Kiểu nói “Tôi cũng là con người” không thể áp dụng như thứ biện minh cho sự dễ dãi, buông thả của bản thân nhưng trong ý thức rằng mình bất xứng nhưng được Chúa yêu thương chọn gọi, cho nên cần phải nỗ lực biến đổi mỗi ngày.
2.5. Thách đố về chính căn tính
Sự hiện diện và tương tác trên mạng xã hội là một đòi hỏi nhưng cũng là một thách đố lớn cho chính căn tính chủng sinh. Mặc dù mạng xã hội là thế giới ảo nhưng đây lại là nơi con người sống rất thật, nhất là thoả mãn nhu cầu được nổi bật, được biết đến. Nó kỳ kỳ trần tục thế nào nếu người linh mục, chủng sinh cũng tìm cách khoe khoang những tiện nghi, sở hữu, thành tích,… Những hấp dẫn của mạng xã hội có thể phương hại đến cam kết hiến thân vĩnh viễn, nếu người thánh hiến dễ dàng thỏa hiệp cho những dễ dãi, tự cho bản thân cởi mở quá mức để rồi mất hút trong thế gian và tan biến trong thế tục. Không ai muốn những chủng sinh mang hai gương mặt: đạo mạo trong chiếc áo chùng thâm nơi nhà thờ, nhưng lại quá suồng sã trên mạng xã hội với ngôn ngữ đôi khi thiếu đứng đắn, thiếu trong sáng… Chắc chắn người ta sẽ đánh giá thấp chủng sinh tự cho mình pha loãng căn tính như thế.
Thật vậy, thế giới màn hình hiến tặng nhiều tiềm năng đối với việc Phúc Âm hoá nhưng nếu như chúng được quản lý kém cỏi, chúng có thể gây ra những tổn hại đối với các linh hồn. Đôi khi, viện cớ tiết kiệm thời giờ hay nhu cầu được thông tin đầy đủ, chúng ta có nguy cơ dung dưỡng một sự tò mò hỗn loạn khiến tạo nên một chướng ngại cho sự hồi tâm là điều luôn cần thiết và thích hợp với một cuộc dấn thân có hiệu quả [11]. Tham gia mạng xã hội, nếu quên đi mình là một chủng sinh thì sẽ để lại nhiều tai hại hơn là những điều lợi.
3. Một vài đề nghị
Mạng xã hội là cửa mở cho ta thấy một thế giới đầy hào hứng và quyến rũ, có ảnh hưởng giáo dục rất lớn. Nhưng không phải mọi sự ở bên kia cánh cửa đều an toàn, lành mạnh và chân thật [12]. Mạng xã hội là môi trường thuận tiện cho công cuộc Phúc Âm hoá nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, nếu không cẩn trọng thì có nguy cơ lúa tốt chưa kịp lên thì cỏ lùng đã mọc chen vào (x. Mt 13,25-26), gió mát chưa thấy đâu mà bụi bặm đã phủ đầy. Vấn đề đặt ra là cần sử dụng mạng xã hội như thế nào để thực sự mang lại hoa trái, phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Ở đây, xin đưa ra một vài đề nghị với các chủng sinh.
3.1. Nguyên tắc: “Thích nghi và trung thành”
Đời sống và tác vụ linh mục sau này đòi phải “thích nghi với mọi thời đại và với mọi môi trường sống” [13] nhưng cần trung thành với căn tính. Người dân đòi hỏi các linh mục (tất nhiên là cả các chủng sinh) biểu lộ mình là ai, cả vẻ bề ngoài lẫn chiều kích bên trong, mọi lúc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh [14]. Chủng sinh phải gần gũi con người, phải hiện diện với thời đại mình, nhưng trong tư cách của một chủng sinh. Và vì thế, chủng sinh phải luôn ý thức, tôi sử dụng mạng xã hội, tôi tương tác, phát ngôn,… trên mạng xã hội trong tư cách một chủng sinh. Khi đăng một hình ảnh, một lời nói hay chia sẻ một điều gì đó, trước hết phải nghĩ đến việc mình là một chủng sinh. Sứ điệp Tin Mừng thực sự mới mẻ và quan trọng chứ không phải là tập trung vào những gì có tính cách thời thượng mau qua. Sự dễ dãi, xoàng xĩnh có nguy cơ pha loãng căn tính và tất nhiên, muối mà nhạt đi thì sẽ không hữu dụng và có thể bị quăng ra ngoài (x. Mt 5,13).
3.2. Chứng nhân sự thật và đầy trách nhiệm
Mạng xã hội quá nhanh nhưng cũng quá nguy hiểm. “Hãy suy nghĩ trước khi nhấp chuột” vì sức lan tỏa rộng khắp và nhanh chóng. Một cách nào đó, dù muốn hay không, chủng sinh cũng là “người của công chúng” nên ít nhiều có sự ảnh hưởng cho nên cần tham gia mạng xã hội với một thái độ năng động, có phân định và sáng tạo, kẻo rơi vào số “thừa thời gian nhưng thiếu hiểu biết”. Chủng sinh không chỉ cần làm chủ những thông tin mình chia sẻ mà còn phải giữ sự canh chừng đối với nguồn và sự chính xác của thông tin mình tiếp nhận. Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn nhận xét rất chí lý: “Ta không biết tự đánh giá mình chính xác, không biết lạ hoá để tự điều chỉnh mình, chưa tìm được cách hữu hiệu nhất để tự biểu hiện cũng như giao tiếp với chung quanh. Và nói chung, nhiều người chúng ta sống cẩu thả hơn mình vẫn tưởng” [15].
3.3. Tiết độ và chừng mực
Ratio 2016 nhấn mạnh đến đào tạo chủng sinh thành con người biết phân định, nghĩa là biết đọc ra những thực tại trong đời sống con người dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và do đó, biết lựa chọn, quyết định và hành động theo ý Thiên Chúa [16]. Chủng sinh được mong đợi có khả năng nhận định và đọc ra các dấu chỉ thời đại, tìm kiếm Chúa trong mọi sự, sống như con cái ánh sáng trong mọi hoàn cảnh, trở thành muối cho đời và nên ánh sáng cho trần gian, làm dậy men Tin Mừng cho nhân loại. Sự tiết độ và chừng mực là cần thiết để tránh những chướng ngại đối với đời sống thân tình với Thiên Chúa [17]. Chủng sinh chứng minh thế nào được về đức khó nghèo, nếu lăn xả vào sự tìm kiếm không hạn chế những tiện nghi, nếu cho là hợp lý khi tự cho phép mình được hưởng tất cả những gì người ta cung cấp mà không cần phân định cũng không điều độ [18]. Trước khi nghĩ đến những sáng kiến phục vụ việc Phúc Âm hoá trên mạng xã hội thì cách làm chứng trước nhất là việc người chủng sinh sử dụng chừng mực và đúng mực phương tiện này. Cách thức hiện diện trên mạng xã hội chính là lời rao giảng âm thầm và hiệu quả nhất.
3.4. Mạng xã hội cũng chỉ là phương tiện
Dẫu rất quen thuộc với con người thời đại, dẫu có nhiều tiềm năng nhưng mạng xã hội cũng chỉ là và mãi mãi là một phương tiện chứ không phải cùng đích [19]. Các phương tiện truyền thông tự thân không làm điều gì cả; đó chỉ là những phương tiện, những công cụ, được sử dụng thế nào là tùy theo ý muốn người sử dụng [20]. Người ta có thể sử dụng các phương tiện truyền thông để làm điều tốt hay điều xấu – và vấn đề ở đây là chúng ta phải lựa chọn. Chủng sinh khi sử dụng mạng xã hội phải biết gạn đục khơi trong, tận dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích tuỳ thuộc nơi ý muốn của con người phù hợp với Thánh ý của Thiên Chúa chứ không tôn thờ và biến nó thành ngẫu tượng. Chủng sinh cần tập luyện có thói quen sử dụng chúng với một thái độ quân bình và trưởng thành, không quá dính bén và lệ thuộc vào chúng [21]. Cuộc đời dâng hiến không tìm kiếm điều gì và ưa chuộng điều gì hơn Đức Kitô.
3.5. Ưu tiên gặp gỡ, tiếp xúc và tương quan trực tiếp
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng: Truyền thông kỹ thuật số có thể đặt người ta trước nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần đánh mất sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, chặn đứng sự phát triển các mối tương quan liên vị đích thực [22]. Mạng xã hội chỉ xứng đáng mang danh là một cộng đồng cho các tín hữu tích cực tham gia khi mạng xã hội bổ trợ cho cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt, vốn sống động nhờ thân xác, con tim, đôi mắt, ánh nhìn, hơi thở của người khác. Chỉ như thế, khái niệm mạng mới không mâu thuẫn và vẫn là một tài nguyên cho sự hiệp thông [23]. Sự gặp gỡ trực tiếp luôn phải chiếm vị trí ưu tiên để có được sự thấu hiểu chân tình, đồng cảm thật sự. Đó là điều cần thiết để phát triển một nền văn hoá gặp gỡ và đối thoại, kiến tạo một nền văn hoá quan tâm và chăm sóc.
Đối với Giáo hội, cách riêng đối với chủng sinh, thế giới ảo này mời gọi chúng ta làm một cuộc mạo hiểm lớn lao là sử dụng năng lực của nó để loan báo sứ điệp Tin Mừng. Ratio 2016 của Bộ Giáo sĩ đề nghị các chủng sinh nên sử dụng mạng xã hội như những khả năng mới để tạo tương quan liên vị, để gặp gỡ tha nhân, để đối chiếu với người khác và làm chứng cho đức tin [24]. Thiết nghĩ, ơn gọi thật lớn lao, cuộc đời dâng hiến cho Chúa thật đáng quý cho nên mình không nên dễ dàng đánh đổi bằng những an ủi bù trừ chóng qua. Sự hiện diện của “người của Chúa” trên mạng xã hội phải là một sự hiện diện có tính thừa sai.
Xuân Giang
Nguồn: gpbuichu.org (07.7.2022)
[1] Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (08/12/1975), số 45.
[2] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), số 97.
[3] x. Bênêđictô XVI, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 47 (12/5/2013).
[4] x. Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 48 (01/6/2014).
[5] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), số 98.
[6] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Đạo đức trong truyền thông (04/6/2000), số 11.
[7] x. Ngọc Lan, Mạng xã hội và người trẻ sống đời thánh hiến, trích: Bản tin Hiệp thông/HĐGMVN, số 125 (tháng 7 & 8 năm 2021).
[8] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), số 97; x. Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống Linh mục (2013), số 22.
[9] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), số 100.
[10] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Đạo đức trong truyền thông (04/6/2000), số 2.
[11] Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống Linh mục (2013), số 93.
[12] x. Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Giáo hội và Internet (22/02/2002), số 11.
[13] Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis (25/3/1992), số 5.
[14] Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống Linh mục (2013), số 41.
[15] Vương Trí Nhàn, Nhân nào quả ấy, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2016, tr. 63.
[16] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), số 43.
[17] Bộ Giáo Sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống Linh mục (2013), số 93.
[18] x. Phaolô VI, Tông huấn Evangelica Testificatio (29/6/1971), số 19.
[19] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Đạo đức trong truyền thông (04/6/2000), số 28.
[20] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Truyền Thông Xã Hội, Đạo đức trong truyền thông (04/6/2000), số 4.
[21] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), số 182.
[22] Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit (25/3/2019), số 88; Thông điệp Fratelli Tutti (03/10/2020), số 43.
[23] x. Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 (02/6/2019).
[24] Bộ Giáo Sĩ, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (2016), số 100.