ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ NÓI VỀ CHỨC LINH MỤC
TẠI HỘI NGHỊ QUỐC TẾ NGÀY 17.2.2022
Đức Thánh Cha Phanxicô có bài phát biểu khai mạc tại hội nghị chuyên đề quốc tế về chức linh mục tại Vatican ngày 17 tháng 2 năm 2022. Sau đây là toàn bộ bài phát biểu khai mạc của Đức Thánh Cha Phanxicô tại hội nghị chuyên đề về chức linh mục đã quy tụ các linh mục, giám mục và các nhà thần học từ khắp nơi trên thế giới đến Vatican:
Anh em thân mến – Chúc anh em một ngày tốt lành!
Tôi biết ơn vì có dịp chia sẻ suy tư này với anh em, liên quan một số điều mà Chúa đã dần dần giúp tôi nhận ra qua hơn 50 năm trong chức linh mục của mình. Trong hồi ức đầy lòng tri ân này, tôi nghĩ đến tất cả các linh mục mà bằng đời sống và chứng tá của các ngài đã cho tôi thấy ngay từ những năm đầu tiên đâu là ý nghĩa của việc phản ảnh dung mạo Vị Mục Tử Tốt Lành.
Khi suy nghĩ mình sẽ chia sẻ gì về đời sống linh mục ngày nay, tôi đi đến quyết định rằng tốt nhất là nói về những chứng tá mà mình đã nhận được từ rất nhiều linh mục qua ngần ấy tháng năm. Những gì mà tôi trình bày ở đây là hoa trái suy tư về các linh mục ấy, cũng là sự nhìn nhận và trân trọng của tôi về nét nổi bật nơi các ngài vốn đã đem lại cho các ngài sức mạnh, niềm vui và hy vọng phi thường trong công cuộc mục vụ của các ngài.
Đồng thời, tôi cũng nói về những anh em linh mục mà tôi đã phải đồng hành bởi vì các vị đánh mất tình yêu thuở ban đầu và vì sứ vụ của các vị trở nên cằn cỗi, đơn điệu và vô nghĩa. Linh mục nào cũng có những thời khắc và những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống của mình. Phần tôi cũng đã trải qua nhiều thời khắc và nhiều hoàn cảnh khác nhau như thế, và khi “chiêm nghiệm” các động thái của Chúa Thánh Thần, tôi đã nhận ra rằng trong một số các tình huống ấy, gồm cả những thời khắc thử thách, khó khăn và trống rỗng, thì cách nào đó vẫn luôn còn lại cảm nghiệm bình an trong cuộc sống mình. Tôi nhận thấy chúng ta có thể bàn luận và giả đoán bất tận về chức linh mục, nhưng hôm nay tôi muốn chia sẻ với anh em “album nhỏ” này, để các linh mục ngày nay, dù hoàn cảnh nào, cũng có thể cảm nghiệm sự bình an và hoa trái mà Chúa Thánh Thần muốn ban tặng. Rất có thể những suy tư này là “tiếng nói cuối cùng” về đời sống linh mục của tôi, nhưng tôi đoan chắc với anh em đây là đúc kết kinh nghiệm của mình.
Thời đại mà chúng ta đang sống không chỉ đòi ta kinh nghiệm sự thay đổi, mà còn phải chấp nhận thay đổi, trong nhận thức rằng thời đại này là một thời đại của những thay đổi mang tầm lịch sử. Nếu chúng ta còn nghi ngờ, thì Covid đủ cho thấy điều ấy quá rõ ràng: thật vậy, sự lan tràn của vi rút này không thể được coi như chỉ là một vấn đề về y tế và sức khỏe. Chúng ta có thể trả lời bằng nhiều cách khác nhau trước thách đố thay đổi. Vấn đề là trong khi nhiều hành động và thái độ có thể tốt và hữu ích, thì không phải tất cả chúng đều mang bản sắc Tin Mừng. Chẳng hạn như việc tìm kiếm những cách làm cố hữu, rất thường bám chặt vào quá khứ, nhằm “bảo đảm” một loại bảo vệ khỏi những nguy cơ, che chở chúng ta trong một thế giới hay một xã hội vốn không còn tồn tại nữa (nếu như nó đã từng tồn tại), như thể cái trật tự được định sẵn này có thể hóa giải những xung đột mà lịch sử đặt ra cho chúng ta.
Lạc quan quá đáng, kiểu “Ồ mọi sự sẽ ổn thôi”, có thể là một thái độ khác. Thái độ này rốt cục dẫn tới việc thờ ơ đối với nỗi đau gắn liền với cuộc chuyển hóa này, dẫn tới việc thiếu khả năng chấp nhận những căng thẳng, những phức tạp và hàm hồ của thời hiện tại, và “độc tôn” những cái mới mẻ thời thượng như là thực tại tối hậu và do đó quẳng bỏ sự khôn ngoan từ trước tới nay.
Cả hai thái độ đều chung qui là một sự chạy trốn. Cả hai đều là cách đáp trả của kẻ chăn thuê trông thấy sói tới thì bỏ chạy: chạy về quá khứ hoặc phóng vào tương lai. Cả hai đều không thể đem lại những giải pháp chín chắn.
Thay vào đó, tôi nghiêng về cách đáp trả phát xuất từ một sự chấp nhận đầy tin tưởng đối với thực tại, bám chặt vào sự khôn ngoan và Truyền thống sống động của Giáo hội, cho phép chúng ta ra khơi mà không sợ hãi. Tại thời khắc này của lịch sử, tôi cảm thấy rằng Chúa Giêsu một lần nữa mời gọi chúng ta “đưa thuyền ra chỗ nước sâu” (x. Lc 5,4), trong niềm tin tưởng rằng Người là Chúa của lịch sử, rằng với sự dẫn dắt của Người, chúng ta sẽ phân định được chiều hướng để đi. Sự cứu độ của chúng ta không hề “vô trùng”, không phải là sản phẩm từ một phòng thí nghiệm hay một duy linh thuyết phi xác thể. Phân định thánh ý Thiên Chúa có nghĩa là học cách nhìn thực tại với đôi mắt của Chúa. Đó không có nghĩa là tránh né những thực tế mà dân chúng của mình đang kinh nghiệm, cũng không phải là loay hoay tìm kiếm một lối thóat lặng lẽ và nhanh chóng được cung cấp bởi ý thức hệ thời thượng hay bởi những câu trả lời tiền chế. Tất cả những cách ấy đều không có khả năng xử lý những thời khắc lịch sử đầy khó khăn và thậm chí tăm tối của chúng ta. Hai nẻo đường nói trên sẽ dẫn ta tới chỗ phủ nhận “lịch sử của mình xét như là Giáo hội, một lịch sử huy hoàng bởi vì đó là một lịch sử của hy sinh, của những niềm hy vọng và những cuộc chiến đấu mỗi ngày, của những cuộc đời hiến thân phục vụ và trung tín làm việc” (Evangelii Gaudium, 96).
Những thách đố nói trên cũng chi phối đến đời sống của các linh mục; một dấu hiệu của điều này là tình trạng khủng hoảng ơn gọi đang diễn ra trong các cộng đoàn của chúng ta ở nhiều nơi. Tuy nhiên, tình trạng này thường bởi vì trong các cộng đoàn của chúng ta thiếu vắng một nhiệt tâm tông đồ có sức tỏa lan, vì thế các cộng đoàn ấy thiếu lòng hăng say và thiếu sức hấp dẫn. Ở đâu có sức sống và nhiệt huyết, và có một khát vọng mang Đức Kitô đến cho người khác, thì ở đó các ơn gọi đích thực sẽ nở rộ. Ngay cả tại những giáo xứ mà các linh mục không dấn thân và không vui tươi lắm, thì đời sống huynh đệ năng động của cộng đoàn cũng có thể khơi lên một khát vọng dâng hiến hoàn toàn đời sống mình cho Thiên Chúa và cho việc rao giảng Tin Mừng. Điều này càng đúng khi cộng đoàn ấy biết kiên trì cầu nguyện cho các ơn gọi và có can đảm gợi ý cho các bạn trẻ về một nẻo đường dâng hiến đặc biệt.
Đời sống của một linh mục trước hết là lịch sử ơn cứu độ của một người đã lãnh Phép Rửa. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng mỗi ơn gọi riêng, kể cả ơn gọi chức thánh, đều là sự kiện toàn Phép Rửa. Luôn có cái cám dỗ lớn của việc sống chức linh mục mà không sống Phép Rửa, nói cách khác, đó là quên rằng ơn gọi căn bản của mình là nên thánh. Và nên thánh là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, mang lấy chính những tâm tư của Người (x. Pl 2,5). Chỉ khi chúng ta cố gắng yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu yêu thương, thì chúng ta mới trình bày Thiên Chúa cách hữu hình cụ thể và mới sống trọn ơn gọi nên thánh của chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc cho ta cách xác đáng rằng “người linh mục, cũng như mọi thành viên khác trong Giáo hội, phải lớn lên trong ý thức rằng chính mình không ngừng cần phải được Phúc Âm hóa” (Pastores Dabo Vobis, 26).
Mỗi ơn gọi riêng đều phải được đưa vào cuộc phân định này. Ơn gọi của chúng ta tiên vàn là một sự đáp trả đối với Đấng yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4,19). Đây là nguồn hy vọng của chúng ta, vì ngay cả giữa những khủng hoảng, Chúa không bao giờ ngừng yêu thương và kêu gọi chúng ta. Mỗi chúng ta có thể chứng nghiệm điều này: đã từng có một ngày Chúa gặp thấy chúng ta, trong tất cả thực tế của mình, trong những trường hợp bất quyết hay những hoàn cảnh gia đình phức tạp; nhưng bất kể điều ấy, Chúa vẫn dùng mỗi chúng ta để viết lịch sử cứu độ. Ngay từ đầu sự việc đã như thế – chúng ta có thể nghĩ đến Phêrô, Phaolô, Mátthêu… trong số rất nhiều người khác. Chúa Giêsu đã không chọn họ vì họ hoàn hảo, nhưng vì Người cam kết liên can cụ thể với mỗi người trong họ. Khi nhìn ngắm nhân tính của Chúa Giêsu, lịch sử cuộc đời Người, nhân cách của Người, mỗi chúng ta không tự hỏi nên hay không nên đồng ý đáp trả một ơn gọi nào đó, mà tự hỏi trong lương tâm mình rằng phải chăng ơn gọi này cho thấy rõ nơi mình tiềm năng Yêu Thương mà mình nhận được vào ngày lãnh Phép Rửa.
Trong thời đại đầy thay đổi này, nhiều vấn đề phải được đối mặt và nhiều cám dỗ sẽ nổi lên. Trong những ghi nhận sau đây, tôi sẽ chỉ nói về những gì mà tôi cho là có tính quyết định đối với đời sống của một linh mục hôm nay. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng “trong Đức Kitô, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa” (Ep 2,21). Mọi cơ cấu đều cần những nền móng chắc chắn để đứng vững. Vì thế, tôi muốn nói đến những tâm thế nâng đỡ chúng ta trong tư cách là linh mục. Tôi sẽ qui chiếu đến bốn cột trụ của đời sống linh mục chúng ta như là “bốn hình thức của sự gần gũi”, vì chúng mô phỏng chính “phong cách” của Thiên Chúa, vốn thiết yếu là phong cách gần gũi (x. Đnl 4,7).
Đã từng đề cập đến những điểm này trước đây, nhưng hôm nay tôi muốn thảo luận đầy đủ hơn, bởi vì điều mà các linh mục cần không phải là những công thức hay những lý thuyết cho bằng là những công cụ giúp thực thi sứ vụ, sứ mạng, và các họat động hằng ngày của mình. Thánh Phaolô nhắc Timôthê phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa đã được ban cho qua việc đặt tay: đó là một Thần Khí không nhút nhát nhưng đầy sức mạnh, yêu thương và tự chủ (x. 2Tm 1,6-7). Tôi xác tín rằng bốn “hình thức gần gũi” này có thể giúp chúng ta một cách cụ thể, thực tiễn và đầy triển vọng trong việc khơi dậy ân ban và hoa trái đã từng được hứa cho chúng ta.
GẦN GŨI VỚI THIÊN CHÚA
Trước hết là sự gần gũi Thiên Chúa, tức gần gũi với vị Chúa của sự gần gũi. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong họ, sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy thì anh em không thể làm được việc gì. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo; người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15,5-7).
Một linh mục được kêu gọi trước hết để vun xới sự gần gũi, sự mật thiết này với Thiên Chúa, và từ mối tương quan này anh ta sẽ có thể kín múc tất cả sức mạnh cần thiết cho sứ vụ của mình. Có thể nói, tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là cái giúp tháp nhập chúng ta vào Ngài và làm cho ta sinh hoa trái. Không có một tương quan đầy ý nghĩa với Chúa, sứ vụ của chúng ta sẽ không đạt hiệu quả. Sự gần gũi với Chúa Giêsu và sự tiếp xúc hằng ngày với lời của Người sẽ giúp chúng ta đối chiếu đời sống mình với đời sống của Người, học biết cách không bị vấp ngã dù bất cứ gì xảy đến cho mình, và biết bảo vệ mình khỏi “những tảng đá vấp phạm”. Giống như Vị Tôn Sư của mình, anh em sẽ kinh nghiệm niềm vui, những tiệc cưới, những phép lạ và những sự chữa lành, những lần hóa bánh ra nhiều và những lúc nghỉ ngơi, những khoảnh khắc ngợi khen chúc tụng. Nhưng anh em cũng sẽ kinh nghiệm sự vô ơn, sự tẩy chay, sự nghi ngờ và cô đơn, đến mức phải kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” (Mt 27,46).
Sự gần gũi với Chúa Giêsu sẽ giúp chúng ta không sợ những thời khắc ấy – không phải vì ta dựa vào sức mình, nhưng vì chúng ta hướng nhìn Người, níu lấy Người và kêu van “Lạy Chúa, xin giữ con khỏi sa chước cám dỗ! Xin giúp con nhận ra rằng con đang kinh nghiệm một khoảnh khắc hệ trọng trong đời mình, và rằng Chúa đang ở với con, đang trắc nghiệm lòng tin và lòng mến của con” (C.M. Martini, Kiên vững trong Thử thách – Những Suy tư về Ông Gióp, Collegeville, 1996). Sự gần gũi này với Thiên Chúa đôi khi có thể mang hình thức một cuộc giằng co: giằng co với Chúa, nhất là trong những lúc mà ta cảm thấy Ngài vắng mặt trong cuộc đời mình và trong cuộc đời của những người được ủy thác cho mình. Một cuộc vật lộn kéo dài suốt đêm, và giữa lúc giằng co như vậy chúng ta xin Chúa chúc lành (x. St 32,25-27), phúc lành này sẽ là một nguồn sức sống cho nhiều người.
Nhiều khủng hoảng nơi hàng linh mục phát xuất từ chính một đời sống cầu nguyện nghèo nàn, từ tình trạng thiếu mật thiết với Chúa, từ sự giảm trừ đời sống thiêng liêng đến chỉ còn là những thực hành đạo đức. Tôi có thể nghĩ về những thời khắc quan trọng trong cuộc đời tôi, những khi mà sự gần gũi với Chúa cho thấy có tính quyết định trong việc nâng đỡ tôi. Sự mật thiết phát sinh từ việc cầu nguyện, từ đời sống thiêng liêng, từ sự gần gũi cụ thể với Thiên Chúa xuyên qua việc lắng nghe lời Ngài, từ việc cử hành Thánh lễ, từ sự thinh lặng thờ phượng, từ sự tín thác vào Đức Mẹ, từ sự đồng hành khôn ngoan của một người hướng dẫn, và từ Bí tích Hòa giải… Nếu không có những “hình thức gần gũi” này, một linh mục chỉ là một kẻ làm thuê mệt mỏi, không hưởng dụng được lợi ích nào của những người bạn của Chúa.
Chẳng hạn, rất thường trong đời sống của các linh mục, việc cầu nguyện được thực hành chỉ như một bổn phận; chúng ta quên rằng tình bạn và tình yêu không đến từ việc giữ luật, mà là một sự chọn lựa nền tảng của trái tim. Người linh mục cầu nguyện, nói cho cùng, vẫn là một Kitô hữu biết hết lòng trân trọng ân ban mình nhận được trong Phép Rửa. Một linh mục cầu nguyện là một người con luôn luôn nhớ rằng mình là con, và mình có một người Cha yêu thương mình hết mực. Một linh mục cầu nguyện là một người con luôn gần gũi với Chúa.
Tuy nhiên, những điều này không hề dễ dàng, trừ phi chúng ta có thói quen tìm những khoảnh khắc thinh lặng trong ngày sống của mình, để gác qua một bên xu hướng họat động của Mác-ta, nhằm học sự thinh lặng chiêm ngắm của Maria. Chúng ta thấy thật khó từ bỏ xu hướng duy họat động, vì một khi ta ngừng chạy loanh quanh, điều mà ta cảm thấy ngay lập tức không phải là sự bình an mà là một thứ cảm giác trống rỗng; và để khỏi bị cảm giác đó, chúng ta không muốn sống chậm lại. Thế nhưng một khi chúng ta chấp nhận cái trống rỗng của sự thinh lặng, chấp nhận tiết chế các họat động và lời nói, và tìm được sự can đảm để chân thành nhìn lại chính mình, thì mọi sự sẽ nên sáng sủa và bình an mà không còn dựa vào những điểm mạnh và những khả năng của chính mình. Chúng ta cần học cách cho phép Chúa hoàn thành công việc của Ngài nơi mỗi chúng ta, và để Ngài “cắt tỉa” tất cả những gì là vô ích, cằn cỗi hay không phù hợp với ơn gọi của chúng ta. Kiên trì trong cầu nguyện thì không chỉ đơn thuần là chuyên cần thực hành việc cầu nguyện đều đặn, mà nó còn có nghĩa là không bỏ chạy khi mà việc cầu nguyện đưa ta vào sa mạc. Con đường sa mạc là con đường dẫn ta tới kinh nghiệm mật thiết với Thiên Chúa, miễn là ta không bỏ chạy hay tìm cách tránh né cuộc gặp gỡ này. Trong sa mạc, “Ta sẽ ân cần tâm tình với nó” – Chúa đã nói với dân Người qua lời ngôn sứ Hô-sê như thế (Hs 2,16). Sự gần gũi với Thiên Chúa sẽ giúp người linh mục chạm được nỗi đau trong tâm hồn, và điều này – khi được đón nhận – sẽ giải giáp chúng ta đến mức có thể làm nên một cuộc gặp gỡ. Giống như ngọn lửa, việc cầu nguyện khuấy động đời sống linh mục của chúng ta là tiếng kêu nài tha thiết của một tâm hồn thống hối khiêm cung, và Thánh Kinh cho biết rằng Chúa không khinh chê một tâm hồn như vậy (x. Tv 51,17). “Họ kêu xin và Chúa đã nhậm lời, Ngài giải thóat họ khỏi mọi cơn nguy khốn. Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 34,17-18).
Một linh mục cần có trái tim “mở rộng” đủ để vươn ra ôm lấy nỗi đau của dân chúng được ủy thác cho sự săn sóc của mình, trong khi đồng thời – giống như một người lính canh – có thể loan báo buổi bình minh của ân sủng Thiên Chúa được mặc khải nơi chính nỗi đau ấy. Việc đón lấy, đảm nhận và bày tỏ nỗi khốn khổ của mình trong sự gần gũi với Chúa, đó là cách tốt nhất để dần dần học biết mang lấy những nỗi túng quẫn và đau thương mà người linh mục gặp thấy hằng ngày trong sứ vụ của mình, và như vậy được trở nên đồng hình đồng dạng ngày càng hơn với trái tim của Đức Kitô. Điều này, đến lượt nó, sẽ giúp người linh mục sẵn sàng cho một loại gần gũi khác, đó là sự gần gũi với dân Thiên Chúa. Trong sự gần gũi với Thiên Chúa, người linh mục trở nên gần gũi hơn với dân chúng của mình; và trái lại, trong sự gần gũi với dân chúng, người linh mục kinh nghiệm sự gần gũi với chính Chúa.
Thánh Gioan Tẩy Giả nói: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Sự mật thiết với Thiên Chúa sẽ làm cho điều này trở thành có thể, vì trong cầu nguyện chúng ta nhận ra rằng mình thật cao quí trong cái nhìn của Chúa, và vì thế đối với những linh mục gần gũi Chúa thì thật dễ dàng việc trở nên bé nhỏ trong cái nhìn của thế gian. Trong sự gần gũi như thế, chúng ta không còn sợ nên giống với Chúa Giêsu chịu đóng đinh, như ta được đòi hỏi trong Nghi thức Truyền chức Linh mục.
GẦN GŨI VỚI GIÁM MỤC
Hình thức gần gũi thứ hai này từ lâu nay đã được giải thích chỉ một chiều. Rất thường trong Giáo hội, ngay cả ngày nay, cái nhìn của chúng ta về sự vâng phục còn xa cảm thức Phúc Âm lắm. Vâng phục không phải là một thuộc tính kỷ luật nhưng là dấu hiệu sâu xa nhất của những mối dây liên kết chúng ta trong sự hiệp thông. Vâng phục có nghĩa là học cách lắng nghe, nhớ rằng không ai “sở hữu” thánh ý của Thiên Chúa, điều chỉ được hiểu nhờ phân định. Vì thế vâng phục là chăm chú lắng nghe thánh ý Thiên Chúa, được phân định đúng đắn trong một mối liên kết, một tương quan với những người khác. Thái độ chăm chú lắng nghe như thế sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng không ai trong chúng ta là nguyên tắc và nền tảng của đời sống mình, nhưng mỗi chúng ta cần phải tương tác với người khác. “Luận lý nội tại” của sự gần gũi – ở đây là sự gần gũi với giám mục, song cũng là sự gần gũi với những người khác nữa – sẽ giúp chúng ta thắng vượt mọi cám dỗ của não trạng đóng kín, của việc tự cho mình là đúng, và việc sống đời mình như “chỉ có một mình”. Thay vào đó, nó mời gọi ta lắng nghe người khác, để tìm ra con đường dẫn tới sự thật và sự sống.
Đối với mỗi linh mục và đối với mỗi Giáo hội địa phương, thì vị giám mục – dù ngài là ai đi nữa – vẫn là một mối liên kết giúp phân định thánh ý Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đừng quên rằng vị giám mục chỉ có thể là một phương tiện cho việc phân định này khi chính ngài lưu tâm đến đời sống của các linh mục và của dân thánh Thiên Chúa được ủy thác cho sự săn sóc của ngài. Như tôi viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium, “chúng ta cần học tập nghệ thuật lắng nghe, vốn không chỉ đơn thuần là nghe suông. Lắng nghe, trong truyền thông liên lạc, là mở lòng mình ra để gần gũi, nếu không có sự gần gũi này thì chẳng thể có được sự gặp gỡ chân thực trong tinh thần. Việc lắng nghe giúp chúng ta tìm ra những cử chỉ và lời nói đúng đắn cho thấy rằng chúng ta không phải là những kẻ bàng quan. Chỉ xuyên qua việc lắng nghe với đầy tôn trọng và cảm thông như thế chúng ta mới có thể đi vào những nẻo đường trưởng thành thực sự và mới có thể đánh thức khát vọng về lý tưởng Kitô giáo: khát vọng tận tình đáp trả tình yêu Thiên Chúa và làm cho những gì Ngài đã gieo trong đời mình được trổ sinh hoa trái” (số 171).
Không phải ngẫu nhiên mà sự dữ, nhằm hủy hoại hoa trái công việc của Giáo hội, luôn tìm cách làm suy yếu những mối dây thiết lập và gìn giữ chúng ta trong sự hiệp nhất. Việc bảo vệ mối liên kết người linh mục với Giáo hội địa phương, với hội dòng của mình, và với giám mục, sẽ làm cho đời sống linh mục nên vững chắc và đáng tin cậy. Vâng phục là quyết định nền tảng để chấp nhận những gì được yêu cầu đối với chúng ta, và ta vâng phục như một dấu hiệu cụ thể của bí tích ơn cứu độ phổ quát tức là Giáo hội. Vâng phục cũng có thể là sự bàn bạc, sự chăm chú lắng nghe, và trong một số trường hợp cũng có thể là sự căng thẳng. Điều này thiết yếu đòi hỏi các linh mục phải cầu nguyện cho giám mục, và phải cảm thấy tự do nói lên ý kiến của mình với lòng chân thành và tôn trọng. Điều này cũng đòi hỏi các giám mục phải thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tinh thần tự phê bình, và thái độ sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ. Giữ được mối dây liên kết này, chắc chắn chúng ta sẽ tiến tới trên con đường của mình.
GẦN GŨI VỚI ANH EM LINH MỤC
Chính trên cơ sở mối hiệp thông với giám mục mà một hình thức gần gũi thứ ba hiện lộ lên, đó là sự gần gũi của tình huynh đệ linh mục. Chúa Giêsu hiện diện bất cứ ở đâu có những người anh em và chị em thương yêu nhau: “Nơi nào có hai hay ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20). Cũng như sự vâng phục, tình huynh đệ không thể là một áp đặt luân lý từ bên ngoài. Tình huynh đệ có nghĩa là sự dứt khóat chọn lựa nên thánh cùng với những người khác, chứ không chỉ một mình ta. Như một câu ngạn ngữ Phi Châu rằng: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; còn nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với người khác”. Nhiều khi Giáo hội có vẻ chậm chạp, và quả đúng vậy. Nhưng ở đây tôi muốn nói về sự chậm chạp của những người chọn bước đi trong tình huynh đệ. Các dấu hiệu của tình huynh đệ là chính các dấu hiệu của đức ái. Thánh Phaolô, trong Thư thứ nhất gửi các tín hữu Cô-rin-thô (Chương 13), đã để lại cho chúng ta một “bản đồ chỉ đường” rất rõ ràng của đức ái, và theo một nghĩa nào đó ngài đã chỉ ra mục tiêu của tình huynh đệ.
Trước hết, đó là học biết nhẫn nại, tức khả năng cảm nhận trách nhiệm đối với người khác, mang vác gánh nặng của họ, và cách nào đó chịu đau khổ cùng với họ. Đối ngược với nhẫn nại là thờ ơ, tức khoảng cách ta tạo ra với người khác, để mình khỏi liên can vào cuộc sống của họ. Nhiều linh mục kinh nghiệm nỗi khổ của cô độc và cô đơn. Ta có thể cảm thấy mình không xứng đáng được đối xử cách nhẫn nại và quan tâm. Thật vậy, có vẻ như ta chỉ có thể kỳ vọng từ người khác sự xét đoán, chứ không phải lòng nhân hậu. Người khác dường như không thể hoan hỉ trước những điều tốt lành xảy đến cho cuộc sống của ta, hoặc chính chúng ta dường như không thể hoan hỉ khi thấy những điều tốt lành xảy đến cho cuộc sống của người khác. Đây là lòng ghen tị hiện diện giữa chúng ta; nó là một cản trở cho khoa sư phạm của đức ái, chứ không duy chỉ là một tội để ta xưng thú.
Để cảm nhận mình là một phần của cộng đoàn hay của “nhóm”, không cần phải mang những mặt nạ để làm cho mình có sức hấp dẫn người khác hơn. Nói cách khác, chúng ta không cần phải khoe khoang, càng không cần phải được thổi phồng, hay tệ hơn, không cần phải vênh vang thô lỗ, thiếu tôn trọng người khác. Nếu có một điều mà người linh mục có thể khoe khoang, thì đó chính là lòng Chúa thương xót. Vì ý thức thân phận tội lỗi, yếu hèn và giới hạn của mình, người linh mục cảm nghiệm rằng ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đấy ân sủng càng chứa chan (x. Rm 5,20). Đây là sứ điệp thứ nhất và chắc chắn nhất mà người linh mục chuyển đạt.
Đức ái huynh đệ thì không khư khư theo cách của mình, cũng không nóng nảy giận hờn, như thể người anh em hay láng giềng của tôi đã lừa gạt tôi cách nào đó. Khi tôi đứng trước sự bần tiện nhỏ nhen của người khác, tôi chọn không nuôi lòng oán hận, không lấy đó làm cơ sở duy nhất cho phán đoán của mình, thậm chí đến mức tôi có thể vui tươi đón nhận sự dữ từ những người gây đau khổ cho tôi. Đức ái đích thực thì vui mừng trong sự thật, và xem là trọng tội việc chống lại sự thật và xúc phạm phẩm giá của anh chị em mình qua việc vu khống, thóa mạ và bêu riếu.
Mặt khác, chúng ta đừng bao giờ hậu thuẫn cách nghĩ rằng đức ái huynh đệ chỉ là lý tưởng thuần túy, càng không nghĩ đó chỉ là một sáo ngữ nhằm gợi cảm giác ấm áp hay xoa dịu những bất đồng. Không! Tất cả chúng ta đều hiểu rằng thật không dễ sống trong cộng đoàn, bên cạnh những người mà chúng ta muốn gọi là anh em hay chị em. Đức ái huynh đệ, miễn là chúng ta không lý tưởng hóa nó, không định nghĩa lại nó hay loại bỏ nó, thì nó chính là “tiếng nói ngôn sứ hùng hồn” mà chúng ta được mời gọi thể hiện trong xã hội nhiễm nặng văn hóa vứt bỏ hôm nay. Tôi muốn nghĩ về đức ái huynh đệ như một “phòng tập gym tâm linh”, nơi mà chúng ta hằng ngày đánh giá sự tiến bộ và kiểm tra nhiệt độ đời sống thiêng liêng của mình. Ngày nay, tính ngôn sứ của đức ái huynh đệ không phai nhạt đi, nhưng nó rất cần các sứ giả, là những người nam và nữ trong khi ý thức các giới hạn và các thách đố của mình, vẫn cho phép mình được chạm đến, được thách đố và được thúc đẩy bởi những lời này của Chúa: “Căn cứ vào điều này mà mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy, đó là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Đối với linh mục, đức ái huynh đệ không thể chỉ giới hạn trong một nhóm nhỏ, nhưng nó được diễn tả trong đức ái mục tử (x. Pastores Dabo Vobis, 23), là điều truyền cảm hứng cho chúng ta sống cụ thể đức ái ấy như sứ mạng của mình. Có thể nói rằng chúng ta chỉ yêu thương khi chúng ta học biết diễn tả tình yêu theo cách mà Thánh Phaolô mô tả. Chỉ ai tìm cách yêu thương thì mới đứng vững. Những người sống với hội chứng Cain, tin rằng mình không thể yêu thương tha nhân được vì chính mình cảm thấy không được yêu thương và trân trọng, những người ấy sẽ luôn phải sống như những kẻ lang thang vô định, không bao giờ cảm nhận được niềm an bình thanh thản dưới mái nhà mình, và chính vì thế, họ càng dễ bị sự dữ thao túng nhiều hơn: họ làm tổn thương chính mình và làm tổn thương người khác.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng khi tình huynh đệ linh mục triển nở và khi có tồn tại những mối dây thân hữu đích thực, thì ta sẽ có thể cảm nghiệm niềm an vui nhiều hơn của đời sống độc thân. Độc thân là một ân ban mà Giáo hội La tinh gìn giữ, nhưng nó là ân ban để dùng như một phương tiện thánh hóa, và nó yêu cầu phải có những tương quan lành mạnh, những tương quan có giá trị tốt lành thực sự được cắm rễ trong Đức Kitô. Không có bạn hữu và không có cầu nguyện, đời độc thân có thể trở thành một gánh nặng không kham nổi và là một phản-chứng-tá đối với chính vẻ đẹp của chức linh mục.
GẦN GŨI VỚI DÂN CHÚNG
Tôi thường nhấn mạnh rằng đối với mỗi chúng ta, mối tương quan với dân Thiên Chúa không phải là một nhiệm vụ nhưng là một ân sủng: “Yêu thương tha nhân là một sức mạnh thiêng liêng kéo chúng ta đến kết hợp với Thiên Chúa” (EG, 272). Vì thế, chỗ của mọi linh mục là ở giữa dân chúng, là tương quan gần gũi với người khác. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, tôi đã nhấn mạnh rằng “để trở thành những người loan báo Tin Mừng cho các linh hồn, chúng ta cần phát huy một khẩu vị thiêng liêng là thích gần gũi với đời sống của dân chúng và khám phá rằng chính đây là một nguồn vui lớn lao. Sứ mạng, đó vừa là một niềm say mê Đức Giêsu vừa là niềm say mê dân của Người. Khi đứng trước Đức Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy chiều sâu tình yêu của Người khích lệ và nâng đỡ chúng ta, nhưng đồng thời nếu biết nhìn, chúng ta cũng bắt đầu nhận ra rằng ánh mắt của Đức Giêsu, cháy bỏng yêu thương, mở rộng và ôm lấy toàn thể dân Người. Một lần nữa ta nhận ra rằng Người muốn dùng chúng ta để đến gần sát hơn với đoàn dân yêu dấu của Người. Người lấy chúng ta ra từ giữa dân Người và Người sai chúng ta đến với dân Người; nếu không có cảm thức thuộc về, chúng ta không thể hiểu căn tính sâu xa nhất của mình” (số 268).
Tôi xác tín rằng để đổi mới cách nhận hiểu căn tính của chức linh mục, điều quan trọng ngày nay là phải liên can sâu sát với đời sống thực của dân chúng, phải sống sát cánh với họ, mà không cần dự phòng lối thoát thân. “Đôi khi chúng ta bị cám dỗ trở thành loại Kitô hữu giữ một khoảng cách xa xa với các vết thương của Chúa. Tuy nhiên Đức Giêsu muốn chúng ta chạm đến nỗi khốn cùng của con người, chạm đến da thịt đau khổ của người khác. Người muốn chúng ta ngừng việc tìm kiếm những nơi trú ẩn cá nhân hay tập thể, là những nơi che chắn chúng ta khỏi dòng xoáy của khốn khổ nhân sinh; thay vào đó, Người muốn ta đi vào đời sống thực của những người khác và hiểu được sức mạnh của từ tâm. Bất cứ khi nào ta làm thế, đời sống chúng ta sẽ trở nên phong phú tuyệt vời, và ta sẽ kinh nghiệm sâu xa thế nào là trở thành một dân, thế nào là thuộc về một dân” (ibid., 270).
Được làm phong phú bởi các hình thức gần gũi khác, sự gần gũi với dân Thiên Chúa mời gọi và thực sự đòi hỏi chúng ta bắt chước chính ‘phong cách’ của Chúa. Đó là phong cách gần gũi, trắc ẩn và ân cần, trong đó chúng ta hành động không phải như những quan tòa, nhưng là như những Người Samari Tốt Lành nhận biết các vết thương của dân chúng, những khổ đau âm thầm của họ, những hy sinh quên mình của bao người cha người mẹ chăm lo cho gia đình. Chúng ta cũng nhận biết những hậu quả của bạo lực, gian trá và thờ ơ, có sức gây tê liệt mọi niềm hy vọng. Đó là một phong cách gần gũi cho phép chúng ta đổ dầu rửa các vết thương và loan báo một năm hồng ân của Chúa (x. Is 61,2). Đừng quên rằng dân Thiên Chúa đang hy vọng tìm thấy những mục tử theo phong cách của Đức Giêsu. Đó không phải là những “giáo sĩ công chức” hay những “chuyên viên của các việc thánh thiêng”, nhưng là những mục tử đầy quan tâm và trắc ẩn. Đó là những con người can đảm, sẵn sàng đến gần ai đang đau đớn và ra tay giúp đỡ. Đó là những con người chiêm niệm, mà sự gần gũi với dân chúng sẽ giúp họ loan báo sức mạnh của Phục Sinh đang hoạt động ngay trong hiện tại, trước những vết thương của thế giới này.
Một trong những dấu đặc trưng xã hội “mạng” của chúng ta, đó là cảm thức “côi cút” ngày càng tăng. Dù được nối kết với mọi người và mọi sự, chúng ta không có cảm thức thuộc về, là cảm thức không có được duy chỉ bởi sự nối kết. Sự gần gũi của một mục tử sẽ giúp qui tụ cộng đoàn và thúc đẩy sự tăng triển cảm thức thuộc về ấy. Vì chúng ta thuộc về dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa, được kêu gọi để trở thành dấu chỉ sự có mặt của Nước Trời trong lịch sử ở đây và bây giờ. Nếu mục tử đi lạc hay đào tẩu, đàn chiên sẽ tan tác và trở thành mồi ngon cho mọi thứ sói dữ.
Cảm thức thuộc về này, đến lượt nó, sẽ là phương giải độc cho sự méo mó ơn gọi vốn xảy ra bất cứ khi nào chúng ta quên rằng đời sống linh mục thì thuộc về người khác – thuộc về Chúa và thuộc về những người mà Chúa ký thác cho mình. Quên lãng điều này, đấy chính là gốc rễ sinh ra não trạng giáo sĩ trị và những hệ lụy của nó. Giáo sĩ trị là một sự méo mó, bởi vì nó không dựa trên sự gần gũi mà dựa trên sự xa cách. Khi nghĩ đến não trạng giáo sĩ trị, tôi cũng nghĩ đến hiện tượng giáo sĩ hóa người giáo dân: đó là, người ta lập một nhóm ưu tú nhỏ xúm xít quanh linh mục, để rồi cuối cùng họ phản bội chính sứ mạng thiết yếu của mình (x. Gaudium et Spes, 44). Chúng ta hãy nhớ rằng “Sứ mạng của tôi ở giữa dân chúng không phải là một phần của đời sống tôi, hay một đồ trang sức mà tôi có thể thaó cởi ra, cũng không phải một phần phụ thêm hay chỉ là một khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống. Đúng hơn, nó là một cái gì đó tôi không thể nhổ rễ khỏi con người mình mà không hủy diệt chính mình. Tôi là một sứ mạng trên trái đất này; đó là lý do tôi có mặt trên đời. Chúng ta phải nhìn chính mình như đã được đóng ấn, thậm chí được đóng nhãn hiệu bởi sứ mạng mang ánh sáng, phúc ân, sức sống, sự vực dậy, sự chữa lành và giải phóng” (EG, 273).
Tôi muốn nối kết sự gần gũi dân Thiên Chúa với sự gần gũi chính Thiên Chúa, vì việc cầu nguyện của một mục tử được nuôi dưỡng và nhập thể vào trong trái tim của dân Thiên Chúa. Khi một linh mục cầu nguyện, thì đó là một mục tử mang lấy những dấu ấn niềm vui nỗi buồn của dân chúng, âm thầm dâng lên Chúa, để chúng được xức dầu ân huệ Chúa Thánh Thần. Đó là niềm hy vọng của mọi mục tử biết làm việc cách hăng say và tin tưởng để xin Chúa chúc lành cho dân của Người.
Thánh Inhaxiô dạy rằng “không phải việc biết nhiều nhưng chính việc nhận thức và nghiền ngẫm mọi sự trong nội tâm mới làm vui thỏa linh hồn” (Linh Thao, Chú thích, 2,4). Các giám mục và các linh mục sẽ hỏi: “Bằng cách nào tôi thực hành những hình thức gần gũi này? Bằng cách nào tôi sống bốn khía cạnh này, vốn có liên hệ nhau và định hình trái tim linh mục của tôi, để có thể xử lý những căng thẳng và những tình trạng mất cân bằng mà tôi kinh nghiệm hằng ngày?” Bốn hình thức gần gũi đề cập ở đây là bài tập rèn luyện tốt để “xông pha trận mạc”, là nơi mà người linh mục được mời gọi hiện diện với không chút sợ hãi hay khắc nghiệt, cũng không giảm thiểu hay làm nghèo nàn sứ mạng của mình.
Một tâm hồn linh mục sẽ hiểu rõ sự gần gũi, vì sự gần gũi thứ nhất là gần gũi với Chúa. Xin Chúa Kitô viếng thăm các linh mục của Người trong đời sống cầu nguyện của các ngài, nơi giám mục của các ngài, nơi anh em linh mục, và nơi dân chúng của các ngài. Xin Chúa làm đảo lộn các thói quen của chúng ta, xáo trộn đời sống chúng ta và quấy rầy chúng ta – như thuở tình yêu ban đầu – và xin Người hướng dẫn chúng ta biết vận dụng mọi tài năng của mình để bảo đảm rằng dân chúng sẽ được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Các hình thức gần gũi mà Chúa yêu cầu chúng ta không phải là một gánh nặng chất thêm vào; đó là một quà tặng Chúa ban để giữ ơn gọi của chúng ta được sống động và sinh hoa quả. Nếu chúng ta bị cám dỗ mắc kẹt trong những diễn ngôn và những thảo luận bất tận về thần học chức linh mục, hay về những luận thuyết rằng chức linh mục nên thế này hay thế khác, thì chắc là Chúa sẽ chỉ nhìn xuống chúng ta với lòng thương cảm. Chúa cho các linh mục thấy những biển báo chỉ đường để biết trân trọng và thắp lại ngọn lửa nhiệt tâm sứ mạng: đó là, gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với giám mục, gần gũi với anh em linh mục, và gần gũi với dân chúng được ủy thác cho mình chăm sóc. Một sự gần gũi theo “phong cách” của chính Thiên Chúa, Đấng bao giờ cũng gần gũi chúng ta, với tình yêu ân cần và trắc ẩn!
Lê Công Đức dịch