LINH MỤC HIỆN THÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Mục lục
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỨ ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI
- LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
III. LINH MỤC NHẬN RA LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA DÀNH CHO MÌNH
- Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi là một người tội lỗi.”
- Tội lỗi và thối nát
- Linh mục cần xin ơn nhận biết mình có tội.
- LINH MỤC HIỆN THÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
- Linh mục tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho mình
- Không phải linh mục độ lượng mà là Thiên Chúa độ lượng
- Linh mục thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi tòa giải tội
- Linh mục cần tin tưởng vào sức mạnh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong việc biến đổi hối nhân
- VẤN TÂM
- Cần có thời gian để dọn mình trước thánh lễ.
- Thực hiện Lòng Thương Xót.
- Sự cao quý của sứ vụ thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho mọi người
WHĐ (09.04.2021) – “Nơi Đức Giêsu Nazareth, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã trở nên sống động, hữu hình, và đạt đến tột đỉnh”[1]. Người là dung mạo Lòng Thương Xót phi thường của Chúa Cha đã trở thành xác phàm[2]. Vì yêu thương con người và vì muốn tiếp tục thể hiện cách hữu hình Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho con người, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích truyền Chức Thánh. “Bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, được thánh hiến qua việc thụ phong, các linh mục được nên đồng hình với Chúa Giêsu. Khi đó linh mục không phải là người thay thế hay thay mặt cho Chúa Giêsu như một người đại diện trong cuộc họp, nhưng tự bản thể, linh mục là hiện thân của Chúa Giê su”[3]. Qua linh mục, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được trở nên sống động và hữu hình cho mọi người ở mọi nơi và mọi ngày cho đến tận thế.
Trong cuốn sách Giáo Hội Giàu Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Cũng như Chúa Giêsu không đến để được phục vụ, nhưng ngài đến để phục vụ, và để cứu những gì đã hư mất. Ngài được xức dầu là vì người nghèo, vì người bị cầm tù, vì người bệnh tật và vì những ai buồn bã, cô đơn. Người linh mục cũng vậy, ngài được xức dầu không phải để ướp thơm bản thân mình và lại càng không phải để lưu giữ trong bình, vì như thế nó sẽ trở nên ôi khét. Người ta nhận ra một linh mục tốt lành từ cách dân của ngài được xức dầu như thế nào, được phục vụ ra sao, được quan tâm nâng đỡ thế nào; đó là bằng chứng cụ thể, rõ ràng. Linh mục nào mà ít đi ra khỏi chính mình, ít xức dầu cho dân chúng tức là ít quan tâm, chăm sóc, phục vụ dân chúng, linh mục ấy sẽ đánh mất phần tốt nhất, đánh mất điều có khả năng kích hoạt phần sâu sắc nhất của trái tim linh mục. Người linh mục đó sẽ trở thành một linh mục buồn và biến chất thành một nhà sưu tập đồ cổ hoặc đồ mới thay vì là những mục tử với “mùi của chiên”.[4]
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỨ ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI
Trong Tông thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Dives in Misericordia – Thiên Chúa giàu lòng thương xót, ngài khẳng định rằng: “Giáo Hội sống thật khi tuyên xưng và công bố Lòng Thương Xót, tuyên xưng căn tính kinh ngạc nhất của Đấng Tạo Hoá và Đấng Cứu Độ là Lòng Thương Xót. Và Giáo Hội sống thật khi Giáo Hội dẫn dắt nhân loại đến suối nguồn Lòng Thương Xót. Hơn nữa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II còn thiết lập Lễ Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa nhật thứ II Phục sinh, chứng thực cho thánh Faustina Kowalska, và tập trung vào những Lời Chúa Giêsu nói về Lòng Thương Xót của Chúa. Tiếp đó, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cũng nói về Lòng Thương Xót trong giáo huấn của ngài: Lòng Thương Xót, thực tế là cốt lõi của thông điệp Tin Mừng, Lòng Thương Xót chính là Danh Thánh Thiên Chúa, là dung mạo của Ngài. Dung Mạo này đã bày tỏ trong Cựu Ước và biểu lộ trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô, thể hiện trong tình yêu tạo dựng và cứu chuộc. Tình yêu thương xót này cũng chiếu toả gương mặt của Giáo Hội, và được biểu lộ qua các bí tích, đặc biệt là trong bí tích Hoà giải, cũng như trong các việc thiện của cộng đoàn hay cá nhân. Mọi sự mà giáo hội nói và làm cho thấy Thiên Chúa có Lòng Thương Xót đối với con Người”[5].
“Danh Ngài là Thương Xót”, đó chính là tên quyển sách mới, lột tả hết tâm ý của Đức Thánh Cha Phanxicô về Lòng Chúa Thương Xót. Ngài khẳng định: “Lòng thương xót là thông điệp quan trọng nhất của Chúa Giêsu. Thời đại chúng ta là thời đại của lòng thương xót. Không có Lòng Thương Xót thì thế giới thể không tồn tại”[6].
II. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Có người hỏi Đức Thánh Cha: Thưa Cha, con phạm tội tày trời, Chúa có tha thứ cho con không? Ngài trả lời: Chúa siết con vào lòng và chỉ nói với con một câu: Ta, Ta không lên án con, con hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Đó là lời khuyên duy nhất ngài khuyên chúng ta. Vậy, nếu một tháng sau con phạm tội nữa Chúa có tha thứ cho con không? Ngài xác tín rằng: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta, không bao giờ. Vậy thì, chúng ta xin Chúa ban ơn để cũng không bao giờ mệt mỏi khi xin tha thứ, vì Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Lòng Thương Xót và tha thứ của Thiên Chúa không phải là dấu chỉ của sự bất tài, nhưng là dấu chỉ của sự toàn năng. Lời nguyện nhập lễ Chúa Nhật XXIV thường niên diễn tả: Lạy Chúa, khi Chúa Thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả.
Lòng thương xót rút ra từ chữ Misericordis, nguyên ngữ là: “mở tâm hồn mình ra để thấy sự khốn nạn của mình”[7]. Vậy, chúng ta hướng đến Lòng Thương xót của Thiên Chúa: “lòng thương xót của Chúa là thái độ của Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa ban Mình cho chúng ta, đón nhận chúng ta, và cúi xuống tha thứ cho chúng ta”[8].
“Lòng thương xót thì thiêng liêng và hoạt động trong sự phán quyết về tội. Lòng trắc ẩn thì mang dung mạo con người hơn. Trắc ẩn nghĩa là cùng đau khổ, cùng chung một lòng chứ không dửng dưng với sự khốn khổ của người khác”[9].
Chữ Lòng Trắc Ẩn rút ra từ một động từ trong tiếng Hy Lạp (Splanchnizomai) có nghĩa là cung lòng của người mẹ. Đây cũng giống như tình yêu người cha, người mẹ xúc động tột cùng vì yêu con mình, một tình thương mãnh liệt tự phát. Thiên Chúa cũng yêu chúng ta như thế, với lòng trắc ẩn và Lòng Thương Xót. Đây là cảm giác của Chúa Giêsu khi Ngài thấy đám đông đi theo mình. “Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì Ngài chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34). Chúa Giêsu không nhìn vào hiện thực bên ngoài như thể đang chụp ảnh, vì như thế ngài không thấy xúc động. Ngài để cho mình bị cuốn vào trong hiện thực của họ. Ngài chạnh lòng trắc ẩn. Thời nay, cần dạng trắc ẩn này để khuất phục sự lãnh đạm toàn cầu. Cần có lòng trắc ẩn này khi chúng ta đối diện với người nghèo, người bên lề xã hội, hay người tội lỗi. Đây là lòng trắc ẩn vun đắp cho nhận thức rằng chúng ta cũng là tội nhân[10].
III. LINH MỤC NHẬN RA LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA DÀNH CHO MÌNH
1. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi là một người tội lỗi.”
Khi người ta hỏi ngài là ai? Đức Thánh Cha Phanxicô không trả lời rằng: Ngài là Đấng kế vị thánh Phêrô, là thủ lãnh của Giáo hội. Ngài cũng không nói rằng ngài là Giám mục Rôma hay Ngài là Đức giáo Hoàng. Ngài lại trả lời: Tôi là một người tội lỗi. Ngài chia sẻ rằng: nếu như thánh Phêrô khi gặp Chúa Phục Sinh, ngài nhận mình có tội. Thánh nhân đã chối Chúa ba lần mà Chúa vẫn nói: “hãy chăm sóc chiên của Ta”(Ga 21,16) thì cha nghĩ rằng chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi vị kế nhiệm thánh Phêrô cũng nhận mình là người có tội[11]. Như thế, khi đứng trước các tù nhân để cử hành thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhận mình là người có tội. Ngài nói với các tù nhân rằng: “đứng trước anh em, tôi là một người có tội và tôi đã được tha thứ rất nhiều. Ngài tự nhủ: tại sao họ phải ở nhà tù này mà không phải là mình? Cha hẳn phải ở đây. Cha đáng phải ở đây. Những sa ngã của họ cũng có thể là của cha. Cha không cảm thấy mình có gì cao quí hơn anh chị em là những tù nhân đang đứng trước mặt cha. Và vì thế, cha lặp lại những lời này và cha khóc: Tại sao là họ mà không phải là mình?. Nghe thì sốc, nhưng cha tự an ủi qua gương thánh Phêrô, ngài đã phản bội Chúa Giêsu, và cho dù như thế, ngài vẫn được tuyển chọn”[12]. Khẩu hiệu giám mục của cha khi được chọn làm giám mục là: Miserando Atque Eligendo – Thương xót và tuyển chọn[13].
2. Tội lỗi và thối nát
Đức Thánh Cha Phanxicô phân biệt giữa tội lỗi và thối nát có sự khác biệt. “Người ta thường đánh đồng tội lỗi và thối nát, nhưng thực sự chúng là hai thực thể riêng biệt. Tội lỗi liên quan đến số lượng, nhưng thối nát liên quan đến chất lượng. Người có tội mà hối cải, rồi phạm tội lại nữa hết lần này đến lần khác vì yếu đuối sẽ tìm được sự tha thứ nếu như nhìn nhận mình có tội và cần Lòng Thương Xót. Người thối nát là người phạm tội mà cứ giả hình như là một người kitô hữu ngay chính. Các thói quen xấu xa giới hạn khả năng yêu thương của con người và tạo nên một tâm thức tự phụ sai lầm. Người thối nát hư mất thấy mệt mỏi chán chường khi xin tha thứ, và cuối cùng tin rằng mình không cần phải xin tha thứ nữa”[14].
“Một người có thể là một tội nhân lớn, nhưng không bao giờ rơi vào hư mất. Hãy nhìn vào Tin Mừng, ở đó chúng ta thấy gương của Gia kêu, Mát thêu, thiếu phụ Samaria, Nicôđêmô, người trộm lành… Còn người thối nát thì nấp sau những gì người đó xem là kho tàng đích thực của mình, nhưng thực sự họ lại đang nô lệ hoá và che đậy những thói xấu của họ bằng những đường hướng có vẻ tốt. Họ luôn luôn cố gắng giữ vẻ bề ngoài”[15]. “Người thối nát thường không nhận ra tình trạng của mình, cũng như người thối mồm không biết mồm mình thối. Và thật không dễ gì để người thối nát cảm thấy ăn năn trong lòng để hòng thoát khỏi tình trạng này. Thường thì, Chúa cứu người đó qua những thử thách lớn, những tình thế không thể tránh khỏi và phá vỡ lớp vỏ mà người đó đã xây lên qua bao nhiêu tháng ngày, để ơn Chúa đi vào”[16].
3. Linh mục cần xin ơn nhận biết mình có tội.
“Không có tình trạng nào mà chúng ta không thể thoát ra[17], chúng ta không bị kết án chìm nghỉm dưới cát bùn, không phải là cứ mỗi bước lún lại chìm nghỉm sâu trong đó. Có Chúa Giêsu ở đó. Ngài chìa tay ra, sẵn sàng vươn đến và kéo chúng ta ra khỏi bùn lầy, khỏi tội lỗi, khỏi hố sâu sự dữ mà chúng ta đã rơi vào”[18]. Chúng ta cần phải xin ơn nhận ra mình là người có tội[19].
“Lòng Thương Xót sẽ luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào, không một ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu khoan dung tuyệt đối của Thiên Chúa”[20]. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma (5, 20) đã viết; “nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì ân sủng Chúa càng chứa chan gấp bội”. Thánh Ambrôsiô nói rằng: “sự tội làm lợi cho chúng ta hơn là hại, bởi vì tội để cho Lòng Thương Xót Chúa có cơ hội cứu chuộc chúng ta” (De institutione Virginia, 104). Và ngài còn nói tiếp: “Thiên Chúa thích có thêm những người Ngài có thể cứu. Và Ngài thích những người ý thức là mình sẽ được Ngài tha thứ, hơn chỉ là một Adam không vướng tội” (De paradiso, 47).
IV. LINH MỤC HIỆN THÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
1. Linh mục tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho mình
Có một linh mục đến hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô: “Thưa cha, con có quá nhiều người đến xưng tội, nhiều người với đủ mọi nẻo đường đời, có người khiêm nhường có người thì ít khiêm nhường, nhưng nhiều linh mục cũng không khiêm nhường khi đến xưng tội. Con tha tội rất nhiều, và đôi khi con thấy hoài nghi, con tự hỏi có phải con đã tha tội quá nhiều hay không! Ngài hỏi vị linh mục: khi cha hoài nghi như thế thì cha đã làm gì? Vị linh mục trả lời: Con đi đến nhà nguyện và quì trước Nhà tạm và nói với Chúa Giêsu rằng: Lạy Chúa, xin tha cho con, vì con đã tha quá nhiều. Nhưng Chúa đã làm gương xấu cho con đó, vì Chúa cũng đã tha cho con quá nhiều. Tốt, Đức giáo hoàng khẳng định: khi một linh mục cảm nghiệm mình được thương xót như thế nào, người đó có thể trao sự thương xót như thế cho người khác”[21].
Thư Do Thái cũng đã có những dòng diễn tả sâu sắc về người linh mục: “Quả vậy, thượng tế (linh mục) nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, để dâng lễ phẩm cũng như của lễ đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối nên phải dâng của lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi…” (Dt 5,1-3).
2. Không phải linh mục độ lượng mà là Thiên Chúa độ lượng
Đức thánh cha Phaolô VI khi phong Chân phước cho Cha Leopold đã nói: “Anh chị em biết đó, tất cả chúng ta là người có tội. Cha Leopold biết rõ điều đó. Chúng ta phải nhìn nhận hiện thực đáng buồn này của chính mình, không một ai tránh được phạm tội, dù lớn hay nhỏ, trong một thời gian dài. Nhưng thánh Phanxicô đệ Salê đã nói rằng: nếu bạn có một con lừa trên đường nó bị ngã, bạn có đánh nó không? Nó đã bất hạnh đủ rồi. Bạn sẽ cầm lấy dây cương và nói rằng: “đứng lên nào, lên đường tiếp thôi… bây giờ, chúng ta lại lên đường, và lần tới sẽ cẩn thận hơn”. Đây là một phương pháp và cha Leopold đã áp dụng phương pháp này cách trọn vẹn”[22].
Giai thoại về Cha thánh linh mục Leopold Mandic lúc còn sống kể rằng: “Một hôm, có một linh mục đến xưng tội với ngài, khi xưng tội xong, vị linh mục nói với ngài rằng: cha ơi, cha quá độ lượng. Con mừng vì đã đến xưng tội với cha, nhưng dường như cha độ lượng quá mức. Và cha Leopold nói: nhưng ai là người độ lượng? Chính thiên Chúa là người độ lượng, Cha không phải là người chết vì tội của con, mà chính Thiên Chúa đã chết vì tội lỗi chúng ta”[23].
3. Linh mục thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi tòa giải tội
Theo Đức Thánh cha Phanxicô: “tội lỗi không phải chỉ đơn thuần là một vết bẩn giống như quần áo bẩn mà chúng ta cho vào máy giặt[24] để giặt cho sạch. Hơn thế, tội lỗi là một thương tích, cần được điều trị, cần được chữa lành”[25].
Đức Thánh Cha viết: “hầu như ai cũng tìm một người nào đó biết lắng nghe mình. Có những người sẵn sàng dành cho họ thời gian, lắng nghe chuyện đời của họ và những khó khăn của họ. Đây là cái mà cha gọi là “việc tông đồ của đôi tai”. Cha cảm thấy buộc phải nói với các linh mục giải tội rằng: hãy trò chuyện, kiên nhẫn lắng nghe, và trên tất cả, hãy bảo mọi người rằng Chúa yêu thương họ. Và nếu cha giải tội không thể tha tội cho ai đó, trong trường hợp hôn nhân bị rối chẳng hạn. Cha giải tội cần kiên nhẫn giải thích cho họ vì sao lại không tha tội được và cần phải chúc lành cho họ. Hãy ân cần với những người này. Đừng đẩy họ ra xa, họ là những con người đang đau khổ. Chúa yêu thương họ vô cùng, hãy cho họ thấy tình yêu và lòng thương Xót của Chúa”[26].
Lắng nghe và nói chuyện với hối nhân là điều cần thiết, tuy nhiên toà giải tội không phải là phòng tra tấn. “Một số cha giải tội có thể tò mò quá mức cần thiết, sự tò mò của họ có thể có đôi chút không lành mạnh, đặc biệt là hỏi kỹ trong các vấn đề về tình dục. Ai đi xưng tội đều cảm thấy hổ thẹn về tội lỗi của mình. Hổ thẹn là một ơn mà chúng ta xin, là điều tốt, tích cực, vì nó dạy chúng ta khiêm nhường. Nhưng trong cuộc đối thoại của cha giải tội, hối nhân cần được lắng nghe chứ không phải bị thẩm vấn”[27].
Khi được hỏi rằng: Đức thánh cha là một cha giải tội nghiêm khắc hay độ lượng? Ngài trả lời: “khi nghe xưng tội, cha luôn nghĩ về chính bản thân mình, về tội của mình, và về việc cha cần Lòng Thương Xót, nên cha cố gắng tha tội thật nhiều”[28].
“Thật sự là luôn luôn có một mức độ phán xét nhất định trong việc xưng tội, nhưng có một điều còn lớn lao hơn sự phán xét. Đó là mặt đối mặt với một người hành động thay mặt Chúa Kitô để chào đón và tha thứ cho họ[29]. Đây là cuộc gặp gỡ với Lòng Thương Xót”[30].
Khi được hỏi về cách thế để biết hối nhân có lòng sám hối hay không? “Đức thánh cha Phanxicô nhắc đến nguyên tắc pháp chế “in dubio pro reo[31], nghĩa là khi còn hoài nghi thì các phán quyết đưa ra phải có lợi cho người bị phán quyết”, nguyên tắc này không những vẫn có giá trị mà còn rất quan trọng. Việc một người tìm đến toà giải tội đã cho thấy người đó có một trực giác sám hối, ngay cả khi không ý thức được điều đó. Không có xung lực trực giác, người đó sẽ không đến xưng tội. Việc người đó ở toà giải tội là chứng thực cho lòng khao khát muốn thay đổi. Lời nói ra là quan trọng, nhưng hành vi thì mang tính chất rõ ràng. Đôi khi, sự hiện diện ngượng nghịu của người xưng tội còn đáng giá hơn những lời dài dòng ba hoa về sự sám hối của mình”[32]. Ngài mời gọi hãy tìm một khe[33] hở nhỏ để ơn hoà giải đi vào[34].
4. Linh mục cần tin tưởng vào sức mạnh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong việc biến đổi hối nhân
Có một hối nhân đến tìm một linh mục xin xưng tội. Hối nhân đó hỏi linh mục rằng: Con phạm tội di mua dâm, cha có tha tội cho con không? Vị linh mục trả lời: tha chứ. Hối nhân lại hỏi: nếu ngày mai con lại đi mua dâm nữa, cha có tha tội cho con không? Vị linh mục ngập ngừng, phân vân trả lời: như vậy con có quyết tâm chừa bỏ không?[35] Hối nhân phân vân: Dạ con sẽ cố gắng, nhưng con sợ không kìm lòng được mà lại phạm tội nữa. Vị Linh mục nghĩ: nếu hôm nay mình không tha tội cho hối nhân thì sợ rằng ngày mai lỡ hối nhân chết thì sao? Sống chết ai mà biết được. Thế rồi, vị linh mục quyết định giải tội cho hối nhân. Và cứ thế ngày nào hối nhân cũng đến xưng tội. Và cứ thế, suốt 1 tháng ngày nào hối nhân cũng xưng tội. Vị linh mục vẫn kiên nhẫn, nhưng cũng phân vân không biết mình đã tha tội như vậy có đúng không? Và rồi tháng thứ hai hối nhân phạm tội ít dần và xưng tội ít dần, mỗi tuần chỉ ba lần phạm tội. Và cứ thế, ít dần đi cho đến tháng thứ tư thì gần như hối nhân không phạm tội đó nữa. Vị linh mục hỏi hối nhân: làm sao con có thể chừa được tội vậy. Hối nhân cười và trả lời: Chúa thì con không nhìn thấy, nhưng cha thì con nhìn thấy. Con nhìn thấy cha và xưng tội với cha thường xuyên. Cha đã tha tội cho con hết lần này đến lần khác. Khi con xưng tội, cha cứ tha mà không hề la mắng con. Con biết cha thương con nên con thương cha lắm. Làm sao con có thể phạm tội được nữa. Nghe tới đó người linh mục hết sức kinh ngạc. Quả thực, Lòng Thương Xót của Chúa thật tuyệt vời. Ơn sủng của bí tích giải tội thật hữu hiệu[36].
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “chỉ những ai từng được chạm đến và được âu yếm bởi sự trìu mến của lòng thương xót, mới là người thực sự biết Chúa. Vì lý do này, cha thường nói rằng: nơi để cha gặp gỡ lòng thương xót Chúa Giêsu chính là nơi tội lỗi của cha. Khi bạn cảm nhận cái ôm thương xót của Ngài, khi bạn để mình được ôm, khi bạn xúc động, đó là khi đời sống của bạn có thể thay đổi, vì đó là lúc chúng ta cố gắng đáp lại ân sủng vô biên và không ngờ của Chúa, một ơn dư tràn đến mức có vẻ như “ bất công” dưới mắt con người”[37]. “Ai được tha thứ nhiều thì sẽ yêu mến nhiều hơn”(Lc 7,48).
V. VẤN TÂM
1. Cần có thời gian để dọn mình trước thánh lễ.
“Phải có đời đời để dọn mình, phải có đời đời để tạ ơn, vì dâng một thánh lễ”[38] (Thánh Gioan Maria Vianney).
Có một giáo dân hỏi một linh mục rằng: cha có biết là khi cha dâng thánh lễ cha đọc câu: này là mình thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là chén máu thầy… Câu đó có nghĩa gì cha có biết không? Người linh mục giật mình không biết tại sao người giáo dân lại hỏi mình như vậy. Người linh mục hỏi lại giáo dân xem họ hỏi như vậy có ý nói gì? Người giáo dân trả lời: câu đó có nghĩa là: chính cha là người hiến thân trên bàn thờ như Chúa Giêsu đang hiến thân trên thập giá. Cha phải hy sinh và phải đổ máu mình ra vì chúng con đấy. Nghe câu đó xong, người linh mục giật mình vì một câu nói không có gì mới, đó là một chân lý hiển nhiên mà Giáo Hội đã xác tín. Nhưng thật ra trong đời sống thực tế, mỗi khi dâng Thánh lễ đã có biết bao lần mình không ý thức đủ. Khi dâng thánh lễ, có khi mình chỉ dâng cách hời hợt, dâng theo nghi thức, dâng cho xong. Nhưng đúng ra, khi dâng thánh lễ, mình cần phải có thời gian để chuẩn bị tâm hồn, để cho tâm hồn và thân xác mình nên một với thân xác và linh hồn của Chúa Giêsu. Khi đọc lời truyền phép, mình cần có thời gian đủ để ý thức chính bản thân mình đang hiến dâng[39] cùng với Chúa Giêsu trên bàn thờ thập giá và với lòng quyết tâm hy sinh để thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho mọi người trong từng khoảnh khắc của suốt ngày sống của mình.
“Tán dóc mấy giờ cũng được, ăn nhậu càng lâu càng khoái, cờ bạc thâu đêm không chán, tại sao vội vã lúc dâng thánh lễ?”[40]
2. Thực hiện Lòng Thương Xót.
Các Mối Thương Người vẫn còn giá trị, hiện thời vẫn giá trị. Các Mối Thương Người vẫn là căn cứ để chúng ta xét mình[41]. Các Mối Thương người giúp chúng ta mở lòng ra với Lòng Thương Xót. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Chúng ta xin ơn Chúa để hiểu được rằng: không có Lòng Thương Xót người ta không làm được gì, một việc cũng không; không có Lòng Thương Xót thì thế giới sẽ không tồn tại”[42].
Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần truồng ăn mặc, tiếp khách đỗ nhà, thăm viếng người bệnh, viếng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho những người anh em bé nhỏ của ta đây, là các ngươi đã làm cho ta vậy”(Mt 25,40).
Thương linh hồn bảy mối: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Chúng ta có luôn nhớ những lời của thánh Gioan Thánh Giá: “Khi cuộc đời đã tàn, chúng ta sẽ được phán xét theo tình yêu, và chỉ tình yêu mà thôi”[43] không?
3. Sự cao quý của sứ vụ thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho mọi người
Khi linh mục tha tội cho hối nhân, ngài không nói Chúa Giêsu Kitô tha tội cho con, nhưng ngài nói Cha tha tội cho con. Khi truyền phép bánh và rượu, ngài không nói: này là mình Chúa Giêsu mà ngài nói: này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Một lời nói của linh mục có thể tha tội cho hối nhân. Một lời nói của linh mục có sức mạnh làm biến đổi bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Điều này còn vĩ đại hơn cả việc tạo dựng thế giới này nữa[44]. Thánh Gioan Maria Vianney thốt lên rằng: “Ôi cao quý thay Thánh Chức Linh Mục! Linh mục sẽ không thể hiểu được thánh chức của mình cho đến khi lên thiên đàng. Nếu linh mục có thể hiểu được khi còn ở thế gian, ngài sẽ chết mất. Ngài chết không phải vì sợ hãi mà là chết vì vui sướng và yêu mến”[45]
Thiên Chức Linh mục càng cao quý bao nhiêu thì các linh mục càng phải sống gương mẫu, hy sinh, tự huỷ[46] để nên giống Chúa Giêsu bấy nhiêu. Linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu Kitô không chỉ khi ngài cử hành thánh lễ, giải tội, hay khi cử hành các bí tích khác, mà ngài là hiện thân của Chúa trong mọi khoảnh khắc của ngày sống, kể cả khi ngài ở một mình. Thánh Chức linh mục không tháo ra và cất trong tủ phòng thánh được. Chính vì vậy mọi suy nghĩ, cử chỉ của linh mục phải liên tục[47] làm sáng lên hoạ ảnh của Chúa Giêsu, Bí tích của Lòng Thương xót cứu độ.
Chúng ta có ý thức và cố gắng sống cho xứng với sự cao quý của chức linh mục và sứ vụ thể hiện lòng Thương xót của Thiên Chúa cho mọi người không?
Linh mục Vinhsơn Nguyễn Đăng Khoa
Bài tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường tháng 04-2021
(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)
[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Danh Ngài Là Thương Xót, NXB. Hồng Đức, 2016, trang 118; X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Misericordiae Vultus – Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 1.
[2] X Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Linh Mục Cho Thiên Niên Kỷ Mới, NXB. Đồng Nai, 2020, trang 50.
[3] Sđd, trang 56, 57.
[4] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Hội Giàu Lòng Thương Xót, NXB. Tôn Giáo, 2015, trang 138, 139.
[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Danh Ngài Là Thương Xót, NXB. Hồng Đức, 2016, trang 24, 25.
[6] Sđd, trang 42, 113.
[7] Sđd, trang 26.
[8] Sđd, trang 26.
[9] Sđd, trang 106.
[10] Sđd, trang 107.
[11] X. Sđd, trang 58.
[12] Sđd, trang 59.
[13] X. Sđd, trang 29.
[14] X. Sđd, trang 97.
[15] Sđd, trang 98.
[16] Sđd, trang 99,100.
[17] X. Sđd, trang 75.
[18] Sđd, trang 101.
[19] Sđd, trang 49, 61, 101.
[20] Sđd, trang 101.
[21] Sđd, trang 30, 31.
[22] X. Sđd, trang 31.
[23] Sđd, trang 31-32.
[24] X. Sđd, trang 74.
[25] Sđd, trang 43.
[26] Sđd, trang 35-36.
[27] Sđd, trang 44.
[28] Sđd, trang 45.
[29] X. Sđd, trang 83.
[30] Sđd, trang 40.
[31] X. Sđd, trang 95.
[32] Sđd, trang 52-53.
[33] X. Sđd, trang 43.
[34] X Sđd, trang 51.
[35] X. Sđd, trang 50-51.
[36] Sđd, trang 51.
[37] Sđd, trang 52.
[38] Đức Hồng Y Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 354.
[39] Sđd, số:355, 356.
[40] Sđd, số 351.
[41] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Danh Ngài Là Thương Xót, NXB. Hồng Đức, 2016, trang 112.
[42] Sđd, trang 113.
[43] Sđd, trang 115.
[44] Những Bài Giảng Bất Hủ Của Cha Thánh Gioan Maria Vianney, NXB. Đồng Nai, 2019, trang 85.
[45] Sđd, trang 84.
[46] X. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Linh Mục Cho Thiên Niên Kỷ Mới, NXB. Đồng Nai, 2020, trang 63.
[47] Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, số 350.