GIÁM MỤC – THỪA TÁC VIÊN CỦA TIN MỪNG ĐỨC GIÊSU KITÔ, PHỤC VỤ NIỀM HY VỌNG THẾ GIỚI
BÀI 4:
GIÁM MỤC, THỪA TÁC VIÊN TIN MỪNG PHỤC VỤ HẾT MỌI NGƯỜI
WHĐ (11.10.2020) – Đời sống và công tác mục vụ của giám mục phải thấm nhuần niềm hy vọng như đã gói ghém trong việc loan báo Tin Mừng, và đây cũng là việc mà giám mục phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong Giáo Hội. Tuy nhiên, việc phục vụ của người giám mục không chỉ liên quan tới các tín hữu thuộc về Giáo Hội địa phương của mình và Giáo Hội toàn cầu cũng không phải là đối tượng duy nhất mà giám mục phải quan tâm. Đúng hơn, chính vị thế của giám mục trong Giáo Hội và chính sứ mạng mà ngài được Chúa mời gọi thi hành đã làm cho ngài trở thành người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về lệnh truyền mà Giáo Hội đã nhận được nơi Chúa, là mang Tin Mừng đến cho những người chưa biết Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người.
Đức Cha Jean Cassaigne – Nhà truyền giáo cho anh chị em Kơho
Trong chương này, ta sẽ xem xét sứ mạng của giám mục trong một tương quan mang tính ngôn sứ với thực tế, mà trong đó, cộng đoàn do giám mục chủ sự nhân danh Đức Kitô Mục Tử, đang tiến bước trên đường về thành đô Thiên Quốc. Nói cách khác, ta sẽ chú ý tới lệnh truyền giáo mà Chúa đã ban cho Giáo Hội của Người và một số lãnh vực khác trong công cuộc phúc âm hoá như: đối thoại với các tôn giáo không phải Kitô giáo, trách nhiệm của giám mục đối với thế giới về những vấn đề như đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và hoà bình. Thật vậy, trong những lãnh vực ấy, giám mục cũng được Chúa kêu gọi hãy tìm cách khơi dậy niềm hy vọng về các thực tại siêu việt và các thực tại cánh chung.
- BỔN PHẬN TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁM MỤC
Lệnh truyền mà Chúa Phục Sinh trao cho các Tông Đồ có liên quan tới mọi quốc gia. Còn hơn thế nữa, chính nơi bản thân các Tông Đồ, “Giáo Hội tiếp nhận một sứ mạng phổ quát, không biên giới, có liên quan tới sự cứu độ với tất cả sự phong phú của nó phù hợp với sự sống sung mãn mà Đức Kitô đã mang đến cho chúng ta” (x. Ga 10,10).[1]
Đối với những người kế vị các Tông Đồ cũng vậy, bổn phận loan báo Tin Mừng không bị giới hạn trong phạm vi Giáo Hội. Tin Mừng luôn luôn là dành cho hết mọi người. Chính Giáo Hội cũng là bí tích của ơn cứu độ dành cho hết mọi người; hoạt động của Giáo Hội không giới hạn với những người đã chấp nhận sứ điệp của Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội là “lực thúc đẩy con người trên đường tiến về Nước Trời thời cánh chung, Giáo Hội là dấu chỉ và người xúc tiến các giá trị Tin Mừng giữa lòng nhân loại”.[2] Vì thế, những đấng kế vị các Tông Đồ phải luôn luôn chịu trách nhiệm mở rộng Nước Trời ấy trên toàn thế giới. Thế nên, tuy là dấu chỉ cá vị của Đức Kitô tại Giáo Hội địa phương mình, các giám mục cũng được mời gọi làm dấu chỉ trên toàn thế giới về một Giáo Hội đang có mặt trong lịch, sử nhân loại. Các ngài được tấn phong không phải chỉ cho một giáo phận, mà cho toàn thế giới được cứu độ.[3] Cùng với giám mục Rôma, trong tư cách là thành viên của Giám Mục Đoàn và trong tư cách là mục tử của các Giáo Hội địa phương, các ngài phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc truyền giảng Tin Mừng cho những người chưa nhìn nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Tinh duy nhất và chưa đặt niềm hy vọng nơi Người.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta không thể quên các giám mục truyền giáo, hiện nay cũng như trước đây, luôn làm rạng rỡ Giáo Hội nhờ lòng quảng đại và sự thánh thiện của các ngài. Một số vị, trong đó còn là những nhà sáng lập các tu hội truyền giáo.
Trong tư cách là mục tử của một Giáo Hội địa phương, giám mục có bổn phận đẩy mạnh, điều khiển và phối hợp hoạt động truyền giáo của Giáo Hội ấy. Giám mục chu toàn bổn phận đẩy mạnh cao trào truyền giáo của Giáo Hội ấy bằng cách khơi dậy, xúc tiến và hướng dẫn hoạt động truyền giáo trong giáo phận mình. Nhờ đó, “ngài làm cho người ta trông thấy được ngay trong hiện tại này tinh thần và nhiệt tâm truyền giáo của Dân Chúa, đến nỗi toàn thể giáo phận của ngài đều trở thành người truyền giáo”.[4] Nhiệt tâm lo việc truyền giáo, giám mục cũng sẽ tỏ ra mình là người tôi tớ phục vụ niềm hy vọng và là người làm chứng về niềm hy vọng. Thật vậy, việc truyền giáo đẩy mạnh được là nhờ đức tin và đó “chính là thước đo lòng tin của ta vào Đức Giêsu Kitô và vào tình yêu Người đã dành cho ta”.[5] Tuy nhiên, vì tin mừng dành cho con người mọi thời chính là một sự sống mới, mà ai ai cũng được mời đến hưởng, nên việc truyền giáo cũng phải được đức cậy thúc đẩy và bản thân việc truyền giáo cũng chính là kết quả của đức cậy Kitô giáo.
Khi loan báo Đức Kitô Phục Sinh, các Kitô hữu loan báo Người là đấng đã khai mở kỷ nguyên mới của lịch sử. Họ công bố cho thế giới biết Tin Mừng về ơn cứu độ toàn diện và phổ quát, với những bảo chứng về một thế giới mới, trong đó, khổ đau, bất công sẽ có ngày phải nhường bước cho vui tươi, đẹp đẽ. Thế nên, các Kitô hữu sẽ cầu xin như Đức Giêsu đã dạy: “Xin cho Nước Cha trị đến” (Mt 6,10). Sau cùng, với mục đích tối hậu là trao cho mọi người hưởng dùng ơn cứu độ mà Đức Kitô đã vĩnh viễn tặng ban, hoạt động truyền giáo tự nó cũng hướng tới ngày thành toàn viên mãn. Nhờ hoạt động truyền giáo, dân Chúa được tăng số, Thân Thể Đức Kitô được phát triển, Đền thờ Thánh Thần được mở rộng cho tới ngày tận thế.[6]
- ĐỐI THOẠI GIỮA CÁC TÔN GIÁO
Với tư cách là thầy dạy đức tin, các giám mục cũng phải dành một chỗ đúng đắn cho việc đối thoại giữa các tôn giáo. Thật vậy, ai cũng thấy rõ trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay, việc đối thoại này là một yêu cầu mới mẻ và hết sức cấp thiết. Thật ra, đối với nhiều cộng đoàn Kitô giáo, tại châu Phi và châu Á chẳng hạn, việc đối thoại giữa các tôn giáo có thể nói đã trở thành một phần trong đời sống hằng ngày của các gia đình, các cộng đoàn địa phương, các môi trường lao động và các dịch vụ công cộng. Ngược lại, đối với những cộng đoàn khác như ở châu Âu và tại các nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời hơn, đó lại là một hiện tượng mới mẻ. Nhưng kể cả ở những nơi ấy, càng ngày ta càng thấy tín đồ các tôn giáo và các tín ngưỡng khác nhau thường lui tới và sống chung với nhau khi di cư, du lịch, thông tin xã hội và lựa chọn riêng.
Vì thế, cần xây dựng một chương trình mục vụ thúc đẩy sự tiếp đón và làm chứng, bằng cách nhắc lại những nguyên tắc đã được Công Đồng nêu ra trong sắc Lệnh “Nostra aetate”: tôn trọng các tín ngưỡng không phải là Kitô giáo và, vì chúng cũng chứa đựng nhiều yếu tố tích cực, nên phải cùng với các tín đồ ấy tìm cách bảo vệ những giá trị căn bản của cuộc sống; sau cùng, tìm cách gặp gỡ những con người ấy, nam cũng như nữ, để cùng nhau đi tìm chân lý.
Như Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở, việc đối thoại giữa các tôn giáo là một phần trong sứ mạng phúc âm hoá của Giáo Hội và nằm trong viễn cảnh của năm Toàn Xá 2000.[7] Trong số các lý do chính yếu thúc đẩy việc này, sắc Lệnh “Nostra aetate” có nêu ra những lý do xuất phát từ việc tuyên xưng niềm hy vọng Kitô giáo. Thật vậy, tất cả mọi người đều có một nguồn gốc chung là Thiên Chúa, vì là những thụ tạo được Người yêu thương và muốn cho có mặt, và đều có chung một định mệnh là tình yêu đời đời của Thiên Chúa. Cùng đích tối hậu của mỗi người là Thiên Chúa.
Trong cuộc đối thoại liên tôn giáo ấy, các Kitô hữu phải chứng tỏ mình đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô, vị Cứu Tinh độc nhất của loài người; nhưng mình cũng còn phải học tập nhiều điều. Dẫu vậy, không phải vì thế mà có thể, hay không phải vì thế mà được phép, làm giảm nhẹ bổn phận và ý chí cương quyết của chúng ta, đó là không ngần ngại công bố Đức Kitô là vị Cứu Chuộc duy nhất và tuyệt đối. Thật vậy, các Kitô hữu không đặt niềm hy vọng của mình vào ai khác, Đức Kitô chính là đấng thoả mãn hết mọi hy vọng của mình. Người là “nỗi chờ mong của tất cả mọi người, trong mỗi dân tộc, đang chờ mong Chúa tỏ lòng nhân hậu của Người”.[8] Các tín hữu Công Giáo phải tổ chức và tiến hành cuộc đối thoại ấy với niềm xác tín rằng tôn giáo duy nhất chân thật tồn tại “trong Hội Thánh Công giáo và tông truyền, đã được Chúa Giêsu uỷ thác sứ mạng làm cho mọi người nhận biết tôn giáo ấy”.[9]
Mọi tín hữu và mọi cộng đoàn Kitô giáo đều được mời gọi tiến hành công việc đối thoại giữa các tôn giáo, cho dù không phải lúc nào cũng khẩn trương và trên cùng một cấp độ như nhau. Tuy nhiên, chỗ nào hoàn cảnh yêu cầu hay cho phép, giám mục cũng có bổn phận giảng dạy và hoạt động mục vụ để giúp các tín hữu trong giáo phận của mình tôn trọng và quý chuộng các giá trị, các truyền thống và các niềm tin của các tín đồ ấy. Ngài cũng phải đẩy mạnh việc đào tạo các Kitô hữu một cách vững chãi và thích đáng, cho họ biết làm chứng một cách xác tín về ơn đức tin Kitô giáo mà họ đã nhận được.
Giám mục cũng phải quan tâm tới chiều kích thần học của việc đối thoại giữa các tôn giáo, bất cứ khi nào có cuộc đối thoại ấy trong Giáo Hội địa phương của mình, sao cho ta đừng bao giờ bỏ qua hay không xác nhận tính cách phổ quát và độc đáo trong công trình cứu chuộc của Đức Kitô là Đấng Cứu Tinh duy nhất của loài người và là Đấng Mặc Khải duy nhất mầu nhiệm Thiên Chúa.[10] Thật vậy, ta chỉ có thế chia sẻ, đối chứng, làm giàu thêm cho những kinh nghiệm tâm linh và những hình thức cầu nguyện hay những con đường gặp Chúa, trong mức độ chúng phù hợp với đức tin của mình.
Tuy nhiên, việc đối thoại liên tôn không phải chỉ đụng chạm đến lãnh vực giáo lý, mà còn phát triển thành nhiều mối quan hệ đa phương giữa các tín đồ trong đời sống thường ngày, để mọi người tôn trọng nhau và hiểu biết nhau. Đó là cái mà nhiều người gọi là “đối thoại bằng đời sống”: tín đồ của các tôn giáo khác nhau làm chứng cho nhau thấy các giá trị nhân bản và tâm linh của mình, giúp nhau sống chung trong hoà bình và cộng tác với nhau xây dựng một xã hội công bằng hơn và huynh đệ hơn. Khi cổ võ và khi chăm chú theo dõi những cuộc đối thoại như thế, giám mục sẽ không quên nhắc nhở các tín hữu của mình rằng nếu chúng ta có dấn thân làm việc đó, ấy là bởi chúng ta sống các nhân đức đối thần như tin, cậy, mến, và càng tiến bộ trong các nhân đức ấy thì cuộc dấn thân của chúng ta trong công việc ấy sẽ càng được phát triển.
- TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI THẾ GIỚI
Các Kitô hữu chu toàn sứ mạng ngôn sứ của Đức Kitô bằng cách làm cho sự có mặt của mình trong thế giới luôn mang theo niềm hy vọng. Bởi thế, Công Đồng nhắc lại “Giáo Hội đồng hành với toàn thể nhân loại và chia sẻ số phận trần gian của thế giới; Giáo Hội tựa như men hay có thể nói, như linh hồn của xã hội loài người, một xã hội được mời gọi phải canh tân lại trong Đức Kitô và phải biến đổi thành gia đình của Thiên Chúa”.[11]
Đảm nhận những trách nhiệm đối với toàn thể thế giới, đối với những vấn đề, những yêu cầu và những sự chờ đợi của thế giới, cũng là một cách dấn thân cho công cuộc phúc âm hoá mà Chúa đã mời gọi Giáo Hội thi hành. Sự dấn thân ấy liên hệ trước tiên tới mỗi giám mục, khiến ngài chăm chú đọc các “dấu chỉ của thời đại”, để qua đó, khơi dậy niềm hy vọng mới nơi con người. Làm thế là ngài đã hành động như một thừa tác viên của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng tạo ra nhiều điều quan trọng để canh tân bộ mặt trái đất, cả trong hiện tại này, trước thềm ngàn năm thứ ba. Theo gương vị Mục Tử tốt lành, mỗi giám mục sẽ chỉ cho loài người thấy con đường phải theo và, theo gương người Samari nhân hậu, ngài cũng sẽ nghiêng mình trên nhân loại để chữa trị các vết thương. Con người tự bản tính cũng là một “hữu thể biết hy vọng”. Quả thật, có nhiều biến cố, xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, khiến người ta rơi vào chủ nghĩa hoài nghi và thất vọng; chúng chính là những sự thách thức niềm hy vọng của con người hôm nay. Nhưng Giáo Hội đã nhận ra mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Chúa chính là nền tảng của niềm “hy vọng thánh thiện”. Chính trong mầu nhiệm ấy, Giáo Hội múc được sức mạnh để phục vụ và kiên trì phục vụ con người và mỗi người.
Tin Mừng, mà Giáo Hội phục vụ, vốn là một sứ điệp đem lại tự do và là một sức mạnh giải thoát, bằng cách vừa vạch trần và phê phán các niềm hy vọng giả tạo và dối gạt, vừa đưa những khát vọng chân chính nhất của con người tới chỗ hoàn thành. Hơn thế nữa, trọng tâm của Tin Mừng ấy chính là Đức Kitô đã dùng thập giá và sự sống lại của mình, cũng như đã nhờ Thánh Thần mà Người ban tặng, mở ra cho nhân loại những con đường mới vừa tự do vừa có sức giải thoát. Có rất nhiều lãnh vực mà các giám mục được mời gọi hướng dẫn cộng đoàn mình dấn thân cũng như tỏ thái độ để đưa sức mạnh canh tân của Tin Mừng vào và chỉ cho người ta thấy trong đó đâu là những dấu chỉ thật sự đem lại hy vọng cho con người. Trong số các lãnh vực ấy, ta có thể kể những lãnh vực mà học thuyết xã hội Giáo Hội đả động tới. Thật vậy, học thuyết này chẳng những không xa lạ với sứ điệp Kitô giáo, mà còn là một phần thiết yếu của sứ điệp ấy, vì nó giới thiệu những hệ luận trực tiếp rút ra từ Tin Mừng để áp dụng trong đời sống xã hội. Đàng khác, Huấn quyền đã nhiều lần dừng lại với học thuyết ấy để làm rạng rỡ học thuyết ấy dựa vào chính mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm mà Hội Thánh không ngừng tìm về để kín múc những chân lý liên quan đến lịch sử và con người, cũng như để nhắc mỗi Giáo Hội địa phương có trách nhiệm cùng với Toà Thánh và cùng với nhau biến học thuyết ấy thành những hành vi cụ thể.
Một lãnh vực ưu tiên là quan hệ giữa Giáo Hội với xã hội dân sự và chính trị. Về việc này, đã hẳn sứ mạng của Giáo Hội là một sứ mạng tôn giáo và mục tiêu ưu tiên mà hoạt động của Giáo Hội nhắm tới là loan báo Đức Giêsu Kitô cho hết mọi người, loan báo Danh Xưng duy nhất “đã được ban cho con người trên trần gian này để nhờ đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Thế nên, một trong những điều đã được Công Đồng nhấn mạnh đặc biệt là có sự phân biệt rõ ràng giữa cộng đồng chính trị và Giáo Hội. Tuy nhiên, dù có độc lập và tự trị trong phạm vi riêng của mình đến đâu, cả hai bên đều có một điểm chung là phục vụ ơn gọi của cùng những con người, một ơn gọi vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội.[12]
Chính vì thế, một khi đã được lệnh Chúa mỏ rộng ra đón hết mọi người thiện chí, Giáo Hội sẽ không và không bao giờ cạnh tranh với cộng đồng chính trị, nhưng cũng không tỏ ra xa lạ với các vấn đề của xã hội. Như thê, dù dừng lại trong khả năng chuyên môn của mình là giúp thăng tiến con người cách toàn diện, nhưng Giáo Hội vẫn có thể tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề thuộc trật tự trần thế, nhất là khi phẩm giá con người bị thương tổn và khi các quyền căn bản của con người bị chà đạp.
Trong khuôn khổ ấy, giám mục cũng một đàng nhìn nhận sự tự trị của quốc gia và vì thế tránh mọi sự pha trộn nhập nhằng giữa đức tin và chính trị, đàng khác vẫn phục vụ sự tự do cho hết mọi người. Ngài từ chối những hình thức có thể giản lược đức tin thành một cách biểu hiện chính trị nào đó và tập trung lo tìm kiếm Nước Chúa. Chẳng hạn như với một tình yêu mãnh liệt và thuần khiết hơn, ngài tìm cách giúp đỡ các anh em mình và được đức ái thúc đẩy, ngài xúc tiến các công việc phát huy công lý; được thế, ngài chứng tỏ mình là người bảo vệ tính cách siêu việt của con người và trở thành dấu cho mọi người thêm hy vọng.[13] Những đóng góp đặc biệt của giám mục trong lãnh vực này cũng chính là sự đóng góp của Giáo Hội, tức là giới thiệu “quan niệm của Giáo Hội về phẩm giá con người, đã được bày tỏ một cách trọn vẹn trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể”.[14]
Thật vậy, nhìn nhận sự tự trị của cộng đồng chính trị không có nghĩa là bảo rằng cộng đồng ấy được miễn thi hành các nguyên tắc luân lý. Ngược lại, một nền chính trị mà không tham chiếu luân lý, sớm hay muộn chắc chắn sẽ đưa xã hội tới chỗ suy đồi, vi phạm phẩm giá và quyền lợi của con người. Chính vì thế, Giáo Hội ước mong được nhìn thấy cộng đồng chính trị tiếp tục duy trì hay khôi phục lại hình ảnh của những người phục vụ con người và xã hội. Chính vì bổn phận của các tín hữu là dấn thân trực tiếp vào trong lãnh vực chính trị, nên các giám mục phải quan tâm giúp họ suy nghĩ về các vấn đề của họ và gánh lấy những quyết định dựa vào Lời Chân Lý. Các giám mục phải lưu tâm hỗ trợ việc đào tạo họ, sao cho trong các lựa chọn của mình, họ luôn làm với động cơ là thành thật lo cho ích chung của xã hội mà họ đang sống, tức là ích lợi của hết mọi người và toàn diện con người. Sau cùng, các giám mục phải lưu ý sao cho giữa đời sống luân lý công cộng và đời sống luân lý cá nhân có sự ăn khớp hài hoà.
Lo lắng cho người nghèo là một việc chiếm một chỗ đứng đặc biệt trong công cuộc phúc âm hoá và là một phương thế đặc biệt để loan báo niềm hy vọng. Ở đây, người ta sẽ đụng chạm tới đời sống kinh tế và xã hội, mà theo lời Công Đồng, phải đặt con người làm tác giả, trung tâm cũng như mục tiêu.[15] Chính vì thế, Giáo Hội sẽ lo sao cho người ta đừng hiểu sự phát triển chỉ theo nghĩa kinh tế, mà theo một nghĩa nhân bản toàn vẹn.
Chắc hẳn, niềm hy vọng của Kitô giáo hướng tới Nước Trời và đời sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, đích điểm cánh chung ấy không làm ta coi nhẹ việc dấn thân giúp đô thị trần gian này tiến bộ. Trái lại, nó còn mang lại cho công việc dấn thân này ý nghĩa và sức mạnh. Thậm chí, “nhờ có niềm hy vọng ấy mà ta tránh được tinh thần ích kỷ và có được niềm hạnh phúc của lòng bác ái”.[16] Thật vậy, phân biệt sự tiến bộ trần gian và sự tăng trưởng của Nước Trời không có nghĩa là tách biệt chúng ra, vì ơn gọi hưởng dùng sự sống đời đời chẳng những không loại bỏ, mà còn thúc đẩy con người đưa các năng lực do Tạo Hoá ban cho vào cuộc để phát triển cuộc sống trần gian của mình.
Giáo Hội không có bổn phận chuyên trách là cung cấp các giải pháp cho các vấn đề kinh tế và xã hội, nhưng học thuyết xã hội của Giáo Hội có chứa đựng cả một tổng hợp các nguyên tắc thiết yếu giúp xây dựng một hệ thống kinh tế và xã hội công bằng. Cả ở đây, Giáo Hội cũng đã có một “tin mừng” để loan báo và mỗi giám mục phải trở thành người loan “tin mừng” ấy ngay trong Giáo Hội địa phương của mình, chỉ cho mọi người thấy trọng tâm của “tin mừng” ấy chính là các Mối Phúc của Tin Mừng.[17]
Sau cùng, vì giới răn yêu thương tha nhân vốn là một giới răn hết sức cụ thể, nên thật là thích đáng khi các giám mục xúc tiến ngay trong giáo phận mình những sáng kiến thích hợp, kêu gọi mọi người vượt qua những thái độ lãnh đạm, thụ động, ích kỷ cá nhân và phe nhóm. Các giám mục cũng cần phải dùng việc giảng dạy của mình để đánh thức lương tâm Kitô giáo của mỗi công dân, bằng cách thôi thúc họ hành động, liên đới với người khác và bằng những phương tiện có sẵn, bênh vực anh em mình chống lại mọi sự lạm dụng có thể xâm phạm tới nhân phẩm của họ. Về việc này, các ngài phải luôn luôn nhắc các tín hữu nhớ rằng Đức Kitô đang hiện diện trong mỗi người nghèo và trong bất cứ ai đang túng thiếu (x. Mt 25,31-46). Chính hình ảnh Chúa ngồi xét xử mọi người trong ngày cánh chung là một sự hứa hẹn rồi đây sẽ có sự công bằng trọn vẹn cho người sống lẫn người chết, cho con người mọi thời và mọi nơi.[18]
Công bằng đối với tha nhân và yêu thương tha nhân tự nhiên dẫn tới việc xây dựng hoà bình: “với những ai xây dựng hoà bình thi hoa trái công bằng sẽ được gieo trong hoà bình” (Gc 3,18). Hoà bình mà Giáo Hội loan báo là hòa bình của Đức Kitô – “Vua Hoà Bình”, Người đã tuyên bố phúc cho những ai “xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Chúa” (Mt 5,9). Đó không những là những người đã từ chối việc sử dụng bạo lực làm phương cách hành động thường xuyên, mà cả những người đã can đảm tìm cách dẹp bỏ mọi trở ngại cho việc xây dựng hòa bình. Những chiến sĩ hoà bình này biết rõ hoà bình luôn bắt đầu từ trong tâm hồn con người. Vì thế, họ ra sức chống lại thói ích kỷ, khiến họ không nhìn ra người khác như anh chị em của mình trong một gia đình duy nhất; để làm việc này, họ dựa vào niềm hy vọng mà họ đã đặt nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc vô tội đã dùng đau khổ của mình làm tín hiệu cho nhân loại nuôi hy vọng. Đức Kitô là sự hòa bình (x. Ep 2,14) và ai không gặp Người thì sẽ không tìm được bình an.
Hoà bình là trách nhiệm của hết mọi người, được thực hiện qua vô vàn cử chỉ nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Qua lối sống thường ngày của mình với người khác, con người đã lựa chọn xây dựng hay chống lại hoà bình. Hoà bình luôn chờ đợi những người loan báo về nó và các người kiến tạo ra nó.[19] Phải làm sao cho những nhà kiến tạo hòa bình này có mặt trước hết trong những cộng đoàn của Giáo Hội, do các giám mục chăn dắt.
Vì thế, không nên để lỡ cơ hội nào mà không đẩy mạnh khát vọng được đồng tâm nhất trí, cũng như cổ võ sự hoà thuận giữa loài người với nhau khi xả thân cho công lý và hoà bình. Đó là một bổn phận cam go, đòi phải xả thân, nỗ lực luôn, và góp tay giáo dục không ngừng, nhất là cho những thế hệ mới, để họ được phấn khởi lại trong niềm vui và hy vọng của Kitô giáo hầu dấn thân xây dựng một thế giới hoà bình và huynh đệ hơn. Hoạt động cho hoà bình cũng là một trong các nhiệm vụ ưu tiên của việc phúc âm hoá. Vì thế, phát huy một nền văn hoá đối thoại và hòa bình cũng chính là một công tác căn bản trong chương trình mục vụ của giám mục.
Là tiếng nói của một Giáo Hội hằng kêu gọi và triệu tập mọi người qua công cuộc phúc âm hoá, giám mục không quên có những hành động cụ thể và lên tiếng một cách khôn ngoan, quân bình, cho các người chịu trách nhiệm về đời sống chính trị, xã hội và kinh tế, cố gắng tìm ra những giải pháp hết sức công bằng để giải quyết các vấn đề trong đời sống chung của đô thị trần gian.
Hoàn cảnh mà trong đó các mục tử được mời gọi thi hành sứ mạng của mình thường rất khó khăn, không những đối với việc phúc âm hoá mà cả đối với việc thăng tiến con người nữa. Đó chính là lý do giám mục phải cho thấy thái độ sẵn sàng đón nhận khổ đau là một phần trong tác vụ giám mục của mình. Không có thái độ ấy, các giám mục không thể nào hiến thân thật sự cho sứ mạng. Vì vậy, niềm tin của các ngài đối với Thánh Thần Chúa Phục Sinh phải hết sức mạnh mẽ và tâm hồn các ngài phải luôn luôn chan chứa một “niềm hy vọng không bao giờ thất vọng “ (Rm 5,5).
Tác giả: Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm 1998
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 1 (Tháng 12 năm 1998)
Xin đọc thêm:
Bài 1: Bối cảnh hiện nay của sứ mạng giám mục
Bài 2: Những đặc điểm xác định tác vụ giám mục
Bài 3: Công tác mục vụ của người giám mục tại giáo phận của mình
[1] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư “Redemptoris missio” (7-12- 1990), 63 : AAS 83 (1991) 276.
[2] Như trên, 20 : AAS 83 (1991) 267-68.
[3] Xem “Ad gentes”, 38.
[4] Như trên. Xem “Redemptoris missio” (7-12-1990), 63 : AAS 83 (1991) 311.
[5] “Redemptoris missio”, 11.
[6] Xem “Ad gentes”, 9.
[7] Xem “Redemptoris missio”, 55 ; Tông thư ‘Tertio millennio adveniente” (10-11-1994), 53 : AAS 87 (1995) 37;
[8] Thánh Justinô, “Đối thoại với Tryphonê”, 11 : PG 6, 499.
[9] Vatican II, tuyên ngôn về tự do tôn giáo “Dignitatis humanae”, 1.
[10] Xem, “Redemptoris missio”, 5.
[11] “Gaudium et spes”, 40.
[12] Như trên, 76.
[13] Xem như trên, 72.
[14] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư “Centesimus annus” (1-5- 1991), 47 : AAS 83 (1991) 852.
[15] Xem “Gaudium et spes”, 63.
[16] Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 1818.
[17] Xem Thánh Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị về tự do Kitô giáo và sự giải phóng, 62 : AAS 79 (1987) 580-581.
[18] Xem như trên, 60 : AAS 79 (1987) 579.
[19] Xem Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Assise (27-10-1986), 7 : AAS 79 (1987) 868-869.