NGƯỜI LINH MỤC HÔM NAY VÀ CUỘC HOÁN CẢI TIN MỪNG DƯỚI ÁNH SÁNG GIÁO HỘI HỌC
WHĐ (30.9.2020) – Chúng ta đã quá quen với sứ điệp hoán cải. Mọi người đều phải hoán cải. Thế nhưng hoán cải không chỉ là một thái độ đối với Chúa. Theo tôi, đó là một thái độ chi phối toàn diện con người, từ lời nói, tư tưởng đến hành động. Nếu thế, hẳn nhiên, ta cũng có thể nói đến một sự hoán cải theo chiều kích Giáo Hội. Có lẽ hơn ai hết, người linh mục cần phải hoán cải thật sự trong việc “sống Giáo Hội một cách mới” (A new way of being Church), theo ngôn ngữ của FABC.
Trước bổn phận người linh mục phải tự đào luyện chính mình dựa trên cuộc sống hằng ngày, như Đức Gioan Phaolô II nêu lên, cũng như dưới sức thúc đẩy của năm đức tin và kỷ niệm 50 năm công đồng Vatican II, tôi xin chia sẻ một vài ý nghĩa của sự hoán cải được hiểu trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáo Hội, trước hiện trạng xã hội, văn hóa, chính trị và tôn giáo của đất nước được Đại hội dân Chúa 2010 nêu lên.
Để làm điều này, tôi muốn lắng nghe tiếng chuông cấp cứu từ một vị thánh, sau đó tôi duyệt lại chặng đường hiểu về Giáo Hội mà cách này cách khác được nhiều người bộc lộ cũng như lối đường mục vụ để nhận ra được tâm tư của Vatican II như thế nào
I. TIẾNG CẢNH BÁO TỪ MỘT VỊ THÁNH ĐÃ TỪNG BỊ LIỆT VÀO SỔ ĐEN CỦA GIÁO HỘI
Antonio Rosmini đã viết “Năm vết thương của Giáo Hội”. Cuốn sách giống như một cơn địa chấn. Dù được Đức Piô IX ủng hộ, cuốn sách cũng mau chóng bị liệt vào hàng sách cấm đối với giáo triều. Khi nhận được quyết định văn thư Tòa thánh về cuốn sách, Rosmini hoàn toàn vâng phục. Ngài nói: “Tôi sẽ giữ kín chuyện các phiên họp của thánh bộ và tôi sẽ không bao giờ kể ra những lý do kết án. Tôi hoàn toàn tuân phục… Sit nomen Domini benedictum”. Ngài viết trong lá thư bày tỏ sự tuân phục: “Như một người con nhiệt tâm và vâng phục của Tông Tòa mà qua ơn sủng của Thiên Chúa con luôn ấp ủ trong tâm hồn và công khai tuyên tín, con tuyên bố tuân phục lệnh cấm cuốn sách này cách tuyệt đối, đơn sơ; và bao có thể, con xin quý cha thông tin lại cho Đức Thánh Cha và thánh bộ”. Thái độ ấy còn là một sứ điệp mạnh mẽ hơn cả chính tác phẩm. Đúng là có những điều khó hiểu và nghịch lý: người con bị các anh em của mình bách hại và làm khổ. Thế nhưng, niềm khao khát hiệp thông với Giáo Hội đã làm cho người con đó một lòng với người mẹ của mình trong vâng phục và kiên trì chờ đợi lúc nào và cách nào Thiên Chúa muốn canh tân Giáo Hội. Và Thiên Chúa không bao giờ để cho kẻ hy vọng vào Ngài phải tủi hổ. Ngài thưởng công kẻ khiêm nhường đúng lúc. Trước Vatican II, cuốn sách đã được lấy ra khỏi hàng sách cấm và được ca tụng là “cuốn sách có tính ngôn sứ” theo Đức Phaolô VI. Không chỉ thế. Vatican II muốn phần nào đảm nhận suy tư thật nghiêm chỉnh về những vết thương đó.
Rosmini nêu ra năm vết thương của Giáo Hội; ngài nêu ra những vấn đề rất nóng bỏng phản ánh Giáo Hội trong thời của ngài. Vết thương thứ nhất là hố ngăn cách giữa giáo dân và giáo sĩ trong việc cử hành phụng thờ chung; vết thương thứ hai là sự đào tạo yếu kém của hàng giáo sĩ; vết thương thứ ba là sự chia rẽ giữa các giám mục; vết thương thứ tư là việc bổ nhiệm giám mục nằm trong tay chính quyền dân sự; vết thương thứ năm là sự hạn chế việc sử dụng tài sản của Giáo Hội.
Vatican II cho thấy rằng công việc chữa lành chưa kết thúc. Trước ảnh hưởng của chủ nghĩa duy tục và vô thần, các thế lực chính trị cũng muốn thao túng Giáo Hội. Đang khi đó, không hiếm khi người linh mục chúng ta trình bày một diện mạo linh mục xa cách hẳn với anh chị em giáo dân hoặc đôi khi mối tương quan của chúng ta chỉ đóng khung lại trên một vài người hay gia đình; người nghèo và giới bình dân và nhất là giới trẻ vẫn ở xa với chúng ta lắm, như Đức Gioan Phaolô II đã từng lưu ý. Rồi bỗng chúng ta như bị hụt hẫng khi cảm nghiệm rằng lối đặt vấn đề của người thời đại quả khác xa với những gì chúng ta nhận được trong chủng viện. Chúng ta như thấy mình “quá ‘đát’” rồi. Những gì chúng ta quan tâm, đại đa số nhất là giới trẻ lại thấy dửng dưng. Cũng có khi những bài giảng của chúng ta chỉ được coi là hay và văn chương bóng bẩy, nhưng lại không phải như một đà lực thôi thúc người nghe tới một chân trời mới, bởi lẽ dân chúng không cảm nhận được chiều sâu của sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chính Đại hội dân Chúa cũng chân thành nói lên một số linh mục thật sự thấp kém về kinh thánh, về thần học, về luân lý, về trình bày Lời Chúa, và ngay cả về đời sống thiêng liêng và tu đức như một linh mục? Chúng ta ưu tư khi thấy ít những suy tư sáng tạo giữa các thế hệ trẻ. Chúng ta vẫn đang loay hoay tìm ra những cách thức giúp anh chị em chúng ta đối diện với những thách thức mới của thời đại công nghệ cao với những biến tấu không lường được về luân lý và đức tin. Chúng ta hẳn cũng kinh nghiệm có một quãng cách nào đó, nếu không nói là sự chia rẽ, giữa linh mục của Giáo Hội, giữa thế hệ đàn anh và đàn em. Chúng ta không phủ nhận tình yêu mãnh liệt, đầy hy sinh và trách nhiệm của các vị chủ chăn của Giáo Hội tại Việt Nam dành cho Giáo Hội. Nhưng điều đó không đủ để che giấu đi sự rạn nứt nội bộ vốn nghịch lại điều Đức Giêsu đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em thương yêu nhau.” Theo ánh sáng đó, thật không đúng sao khi Vatican II đã tuyên bố các Kitô hữu chúng ta chịu trách nhiệm không nhỏ về vô thần, vì lẽ chúng ta “đã xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót của đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội”.[1]
Tiếng cảnh báo này của Rosmini thôi thúc chúng ta hoán cải không chỉ về với Thiên Chúa, mà dưới một góc cạnh, chúng ta cũng phải trở về với chính ý nghĩa sâu xa “LÀ Giáo Hội” mà mỗi người tín hữu đã lãnh nhận qua bí tích Thánh Tẩy. Chắc chắn hoán cải tiên vàn và tiên quyết là “khởi sự lại từ Đức Kitô”, nhưng ta cũng có thể nói hoán cải cũng là khởi sự lại với Giáo Hội, như thực tại sống động được phát sinh từ tình yêu khôn tả của Đức Kitô, từ sức sinh động mãnh liệt của Thần khí lễ Ngũ Tuần.[2]
II. NỖI KHÁT KHAO MỘT MÔ HÌNH GIÁO HỘI ĐÍCH THỰC
Vậy đâu là sự hoán cải được chờ mong theo ánh sáng của Giáo Hội học? Trước khi mang lại câu trả lời gãy gọn, tôi thiết nghĩ duyệt lại những phương cách tiếp cận mục vụ, và từ đó, ta thấy nổi lên một diện mạo về Giáo Hội. Châm ngôn kinh viện “hữu thể ra sao hành động theo đó” quả là đúng. Tuy nhiên, ta cũng có thể bổ sung bằng một góc cạnh khác: hành động ra sao, cho thấy hữu thể như vậy. Chính Chúa Giêsu đã chẳng từng nói “xem quả thì biết cây” hay sao? Hai nguyên lý đó bổ sung nhau thật rõ ràng. Quả thế, nghĩ về Giáo Hội ra sao sẽ kéo theo một cách thức mục vụ tương xứng và ngược lại. Nếu chúng ta nghĩ Giáo Hội tiên vàn là phẩm trật, chúng ta sẽ mục vụ theo cách đó; nếu chúng ta nghĩ Giáo Hội thật sự là gia đình của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nỗ lực trình bày như thế trong mục vụ. Nếu chúng ta nghĩ Giáo Hội phải xa lánh thế gian như thể sự dữ và tội lỗi, chúng ta sẽ có thái độ mục vụ tương xứng. Nếu chúng ta nghĩ Giáo Hội như kết quả đang tăng trưởng của Ngôi Lời Nhập Thể, chúng ta sẽ trình bày một Giáo Hội của Chúa Kitô nhập thể giữa nhân loại trong lịch sử. Châm ngôn của Socrates vẫn còn đấy giá trị của nó: “nghĩ đúng, làm đúng”.
Mô hình Giáo Hội ban phát
Lịch sử Giáo Hội đã cho thấy có một Giáo Hội chu cấp mọi sự. Giáo Hội ban phát mọi sự, thậm chí cả đến những vật chất. Chủ nghĩa giáo sĩ trị không bộc lộ tầm nhìn này sao? Yves Congar đã không nói đến vai trò thụ động của giáo dân như người chỉ ngồi nghe và không được lên tiếng sao? Sẽ chẳng bao giờ có một Giáo Hội không phẩm trật. Điều đó Chúa Giêsu không bao giờ muốn. Thế nhưng, chính Chúa Giêsu cũng chẳng muốn có một chủ nghĩa giáo sĩ. Đề cao quá đáng vai trò của phẩm trật đã tạo nên một tầm nhìn về Giáo Hội như một cơ chế hơn là một mầu nhiệm. Ta không thường nghe rằng linh mục như người ban phát mọi ơn lành của Chúa trên đoàn chiên bơ vơ lạc lõng hay sao?
Có một mô hình khác về Giáo Hội. Giáo Hội cũng đã có sự đóng góp của một số người khác mà chúng ta gọi là hội đồng giáo xứ. Những người được gọi là cánh tay phải tay trái của cha xứ, của linh mục đã hoạt động giữa anh chị em của mình. Chính cha xứ giao việc cho họ để chu toàn. Giống như thể họ nhận lãnh sứ mệnh từ cha xứ để lo cho mọi người tín hữu. Hiển nhiên, theo đồ họa đã có thay đổi nào đó trong mô hình này so với mô hình trên. Nhưng rốt cục vẫn là một thành phần ban phát hơn là một sự cộng tác bổ sung như trong một thân mình.
Mô hình Giáo hội Hội đồng Giáo xứ
Lịch sử cho chúng ta một mô hình thứ ba. Nhiều anh chị em bắt đầu tự hỏi “Giáo Hội là gì? Tôi có vai trò nào trong Giáo Hội?” Đó là một Giáo Hội đang thức tỉnh. Mô hình này, đối với một số người, có thể được coi như một thái độ chống đối. Các tín hữu đặt vấn đề. Dường như họ ‘khó bảo’ hơn, không còn thuần thục nữa. Tuy nhiên, thay vì được coi là một sự gây khó dễ cho phẩm trật, tôi thấy đó là một dấu hiệu của lớn lên, của tăng trưởng. Khi một thiếu niên lớn lên, dấu hiệu của em là đặt câu hỏi về chính mình. Đứa trẻ bất thường (thiểu não) có lẽ không đặt câu hỏi ấy; nó chỉ biết ăn và ăn những đồ ăn mà người ta mang đến cho nó. Ở đây, trên phương diện đức tin và thiêng liêng, Thánh Thần tác động, thôi thúc các tín hữu, thức tỉnh lương tâm Kitô hữu của họ để họ thật sự nên những người đối tác trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa muốn như thế. Bằng cách đó, đức tin mang tính cách cá nhân lớn lên dần cùng với cảm thức về Giáo Hội. Cảm thức đức tin (sensus fidei), cảm thức của người tín hữu (sensus fidelium) đi liền với cảm nhận với Giáo Hội (sentire cum ecclesiae).
Mô hình Giáo Hội đang thức tỉnh
Chúng ta cũng bắt gặp một khuôn mẫu mục vụ khác: nhiều nhóm trách nhiệm trong giáo xứ. Các tín hữu hội lại với nhau, tạo nên các nhóm hay hội đoàn sinh hoạt và giúp cho giáo xứ chạy tốt đẹp. Trong mô hình này, chúng ta phần nào chứng kiến sức sống của đức tin cách cụ thể. Trong đoàn thể nhỏ, các tín hữu sống Giáo Hội, cách cụ thể hơn. Tuy nhiên, rất có thể xảy ra là các nhóm vẫn như những hòn đảo xa lạ giữa cùng một đại dương. Rất có thể xảy ra một thứ cá nhân chủ nghĩa đột lốt dưới danh nghĩa của nhóm. Rất có thể nó được chuyển biến thành chủ điệu “Giáo Hội là nhóm tôi”, như Đức Bênêđictô XVI đã tố giác. Và hẳn nhiên, sự kèn cựa giữa các nhóm và tính cục bộ sẽ ngự trị.
Mô hình Giáo Hội các hội đoàn
Mô hình Giáo Hội được đề xướng cho chúng ta ngày nay có tên là hiệp thông giữa các cộng đoàn, các nhóm. Khi Vatican II làm nổi bật Giáo Hội như Dân Thiên Chúa, Vatican II đã muốn tìm lại một điều cốt yếu trong Giáo Hội. LG 9 viết:
Thiên Chúa quy tụ tất cả những ai trọn niềm tin kính tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu rỗi và là nguồn mạch sự hợp nhất và bình an, và thiết lập họ thành Giáo Hội để trở thành bí tích hữu hình của sự hiệp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người và từng người.
Trong đoạn văn ngắn trên, chúng ta thấy ý nghĩa hiệp nhất, hiệp thông, gắn bó chủ trị. Ơn cứu rỗi cho con người chính là sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và với nhau.[3] Đó chính là điểm từ đó Giáo Hội xuất phát và cũng là điểm tới của Giáo Hội.
“Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.[4]
Và:
“Cùng đích của họ [Giáo Hội] là Nước Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa khởi sự trên trần thế, và phải được trải rộng hơn nữa cho tới khi được nên hoàn tất vào lúc tận cùng thời gian… được chung hưởng tự do và vinh quang”.[5] Chỗ khác, Vatican II viết: “Giáo Hội là nơi mà trong Đức Kitô tất cả chúng ta được mời gọi đến […] Giáo Hội ấy chỉ thành toàn trong vinh quang trên trời […] và cũng là lúc cùng với nhân loại, toàn thể vũ trụ vì được liên kết với con người mà đạt được cùng đích của mình, sẽ được tái tạo toàn vẹn trong Đức Kitô”.[6]
Chính Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt 1985 đã minh định rằng sự hiệp thông là điều then chốt của Giáo Hội học tại Vatican II. Cả FABC luôn đề ra tầm nhìn về hiệp thông dưới ánh sáng mục vụ như sự hiện thực hoán cải và canh tân của Giáo Hội tại Á châu. Đại hội Dân Chúa tại Việt Nam năm 2010 đã đặt sự hiệp thông phải thành chương trình để sống và thực hiện trong mọi cấp độ. Nếu cảm thức đức tin của tín hữu là không sai lầm như Lumen Gentium minh định, thì rõ ràng ta có thể cảm nhận sự đảm bảo thiêng liêng của phong trào hoán cải này nơi Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội không thể được định nghĩa bằng các công việc mình làm, nhưng nhất thiết phải khám phá xem mình là ai. Nguyên lý “agere sequitur esse” (hành động đi theo hữu thể) phải ưu thắng trong tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội. Giáo Hội không phải là một tổ chức phi chính phủ (NGO) để phục vụ những kẻ nghèo. Giáo Hội tiên vàn cống hiến cho thế giới sự đóng góp độc đáo của mình chính là cho thấy điều Thiên Chúa muốn nơi thế giới nhân loại hôm nay.
Mô hình Giáo Hội hiệp thông
Theo ánh sáng này, sự hoán cải mà Thiên Chúa đang cần nơi Giáo Hội liên quan đến “sự hiệp thông giữa những cộng đoàn”, “cộng đoàn của các cộng đoàn”. Các cộng đoàn mang lấy nơi mình tất cả những gì là Giáo Hội để hiện thực bản tính đó trong mọi chiều kích cuộc sống. Các cộng đoàn thực sự bổ sung nhau bằng chia sẻ lời Chúa, sứ vụ và đời sống. Các nhóm cảm nhận hiệp nhất trong cử hành các bí tích cũng như cùng chung một mục tiêu tông đồ trong việc sống đức ái linh hoạt, đến nỗi người ở Phi châu có thể thấy mình liên đới như anh chị em với một người ở Á châu. Khi đó, Giáo Hội tỏ lộ là cộng đoàn của các cộng đoàn trong địa phương đặc thù. LG 13 viết: “Các Giáo Hội địa phương vẫn hiện diện cách chính thực trong tình hiệp thông Giáo Hội, vẫn có thể nắm giữ những truyền thống của riêng mình… bảo toàn các dị biệt hợp pháp, đồng thời lưu tâm giữ gìn sao cho các dị biệt ấy không làm phương hại, trái lại, còn phục vụ cho sự hiệp nhất”. Thực vậy, Giáo Hội đâu phải một bài toán, một vấn đề, để ta giải quyết, cho bằng trước tiên là một mầu nhiệm bao trùm đời sống ta, theo ngôn ngữ của G. Marcel. Giáo Hội như một bầu khí ân sủng trong đó chúng ta sống, hoạt động, hiện hữu và tăng trưởng. Chính trong ý nghĩa này, ta hiểu được tại sao Thánh Thể chính là nguồn mạch và chóp đỉnh của Giáo Hội trong bản chất cũng như trong sứ mệnh chính. Giáo Hội là Giáo Hội mang đặc tính Thánh Thể (Eucharistic Church).[7] Khi Vatican II băn khoăn, “Giáo Hội hỡi, hãy nói xem mình là ai?” Vatican II đã khuấy động nơi các tín hữu, cá nhân cũng như tập thể, phải truy tìm sâu xa hơn đàng sau những gì mang tính tổ chức. Và Vatican II đã tìm được thực tại sâu thẳm của chính Giáo Hội, khuôn rập theo chính Thiên Chúa có tên là GIA ĐÌNH, CỘNG ĐOÀN: Giáo Hội là sự hiệp thông. Như thế, ta có thể nói, xuất phát lại từ Giáo Hội, dưới ánh sáng được chiếu tỏa ở trên, nay biến thành xuất phát lại từ sự hiệp thông mà Thiên Chúa khơi nguồn và đặt định cho Giáo Hội.
Nếu vậy, cách thức mới để sống và là Giáo Hội hôm nay gắn liền với sự hiệp thông. Nói cụ thể, sự hoán cải bắt đầu từ mỗi người tín hữu như đền thờ của Thánh Thần hẳn nhiên liên quan đến sự hiệp thông và tham gia. Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô mang lại chiều sâu đích thực của điều này coi đó là “một nhiệm vụ cần đến những con người thiêng liêng được Thiên Chúa nắn đúc bên trong bằng sự hiệp thông tràn đầy tình yêu Ơn Thánh Thần luôn vì lợi ích và sự thiện hảo chung của toàn Thân mình. Đó là nguyên lý không thể sai lầm mà thánh Phaolô đã khẳng quyết. Hơn ai hết, linh mục chúng ta phải xác tín rằng GH là một sự hiệp thông-gia đình hơn là một thể chế, hay cơ cấu nặng nề. Chính vì thế, “trừ phi chúng ta đi theo con đường thiêng liêng này, những cơ cấu bên ngoài của sự hiệp thông sẽ sinh rất ít kết quả”.[8]
III. NỖI KHÁT KHAO ĐƯỢC TỎ LỘ TRONG MÔ HÌNH MỤC VỤ TẠI Á CHÂU
Xuất phát lại từ sự hiệp thông được Thiên Chúa mong đợi và hoàn thành mang đến cho Giáo Hội một sự năng động đầy hy vọng. Điều này Huấn thị xuất phát lại từ Đức Kitô viết như sau:
Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa là nhìn nhận rằng tội lỗi vẫn hiện diện trong con tim và đời sống của mọi người […] những người thánh hiến nam nữ (các tín hữu) cũng đã chiêm ngưỡng khuôn mặt đau khổ cả ở bên ngoài của Đức Kitô nơi người bệnh, kẻ tù đày, người nghèo và người tội lỗi.[9]
Đoạn văn quá dễ hiểu đến nỗi ta dễ bỏ quên những chữ “cả ở bên ngoài nữa”. Nói yêu mến người nghèo thì dễ, nhưng không dễ chút nào khi ta đối diện thực với cái nghèo ‘cả ở bên ngoài nữa’, nào là tính khí, nào là khuôn mặt, nào là văn hóa, và tất cả. Thật sự không dễ cho người linh mục ngồi xuống bên vệ đường, hiểu cả theo nghĩa vật chất lẫn tinh thần, với người lao động và các trẻ em đường phố đâu. “Đó là những tình trạng nghèo đói mới về phương diện vật chất, luân lý và tinh thần được sản sinh bởi xã hội đương thời”.[10] Chẳng lạ gì Mẹ Têrêsa thành Calcutta trả lời cho một người giàu: “Dù ông trả cho tôi cả triệu đồng, tôi cũng không làm thế đâu”. Không dễ để một vị mục tử cử hành buổi lễ Thứ Năm Tuần Thánh giữa những thiếu niên phạm pháp đâu! Vẫn có điều gì rất cách mạng, ngay cả trước con mắt thế gian, mà sự hiệp thông Giáo Hội mở đường khai lối trong mục vụ.
Tuy nhiên, chúng ta đừng ảo tưởng chết người. Khi Vatican II đề xướng một đức tin mang tính phê phán trong xã hội ngày nay thì điều ấy không muốn nói rằng Giáo Hội ngày nay sống đức tin phong phú hơn thời trước. Đúng hơn, điều ấy muốn giúp các tín hữu hôm nay của Đức Kitô rũ bỏ đi một sai lầm là coi nhẹ những gì đã được xây dựng trước của những người tiền bối, nhưng phải biết đánh giá thời buổi. Vatican II không bảo các tín hữu hành xử như thể ‘mọi sự bắt đầu với chúng ta và sẽ kết thúc với chúng ta’. Nếu thế, dường như đức tin của các cộng đoàn tín hữu luôn phải xây dựng lại từ đầu. Vatican II đã bắt đầu với sự đánh giá lại thế giới, với những mảng sáng của ơn Thánh Thần và mảng tối của tội lỗi và ma quỷ gây nên. Đức tin hợp thời, biết phê phán là đức tin có thể khám phá lại giá trị thần thiêng và nhân bản trong dòng đời hôm nay.[11] Bằng không, rất có nguy cơ trình bày một Giáo Hội giống như một chiếc máy bay trực thăng quạt tung bụi mịt mù bất kỳ nơi nào mình đến rồi lẳng lặng bỏ đi để lại mọi sự trong hỗn độn, như một số thần học gia Á châu đã từng so sánh.
Hoán cải theo ý nghĩa hiệp thông ở trên mới khởi hứng cho một sự hoán cải trong mục vụ dưới ánh sáng của sự hiệp thông Giáo Hội. Với tư cách lãnh đạo và chủ chăn, có thể chúng ta đã từng quen làm việc mà chẳng có chương trình hay kế hoạch. Hoán cải dưới khía cạnh Giáo Hội buộc ta phải mở ra một kế hoạch mục vụ vốn được hiểu như nâng đỡ đức tin của các tín hữu lớn lên qua các giai đoạn cho đến mức trưởng thành. Không chỉ thế. Họ không mãi mãi chỉ là những kẻ hưởng nhận sự chăm sóc mục vụ. Trái lại, các tín hữu dần dần cùng với các chủ chăn trở thành tác nhân tích cực cho sự biến đổi môi trường nhân sinh. Theo ánh sáng trên, Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) giới thiệu cho chúng ta một phương pháp mục vụ năng động khởi hứng từ Giáo Hội như sự hiệp thông.
Khởi từ hiện trạng và hướng chiều của mình, các Giáo Hội Á châu chắc chắn không nổi bật với đóng góp mang tính lý thuyết. Giáo Hội tại Á châu không có được một truyền thống thần học dưới diện suy lý và phương pháp thần học hệ thống.[12] Nhưng các ngài hoàn toàn đặt suy tư vào tình yêu mục tử của mình giữa những anh chị em nghèo khổ nhưng có một tâm hồn giàu có và chân chất ngay cả giữa “những ưu tư và phiền muộn, lo lắng và ưu sầu, hy vọng và niềm vui”. Giáo Hội tại Á châu muốn lấy những nỗi niềm của dân chúng thành của mình, dưới sự thúc đẩy của Chúa Giêsu. Chan hòa với dân chúng, đó không phải là hướng đi được Đại hội Dân Chúa 2010 đề ra sao? Mà, chan hòa với dân chúng chính là con đường để nhận ra những dấu chỉ thời đại qua đó Thiên Chúa đến thăm và giáo huấn chúng ta. Nơi đây, ta xác tín, chủ thể chính là Thánh Thần sinh động Giáo Hội đi tìm điều Thần khí muốn nói cho Giáo Hội xuyên qua các trạng huống nhân sinh; chan hòa với dân chúng cho phép chúng ta nhìn ra Thánh Thần luôn hoạt động trong nơi những con người bình dân và nghèo khổ, dưới mọi hình thức.
1. CHU KỲ MỤC VỤ (1986)
Đồ họa Mô hình Phục vụ Năng động có thể nói cho chúng ta nhiều điều:
Trong Giáo Hội, nhiều khi mục vụ được hiểu tiên quyết là các việc làm. Nhưng khi Đức Gioan Phaolô II trình bày về tình yêu mục tử như cốt lõi và đích tới trong việc huấn luyện chủng sinh, điều ấy bắt đầu thay đổi tầm nhìn về việc mục vụ. Quá quen, khi nhận được một quyết định phải đi đâu, khi đứng trước một buổi lễ hay một khởi đầu mùa phụng vụ, chúng ta thường tự hỏi “phải làm gì đây? Phải tổ chức làm sao đây? Phải xây nhà giáo lý hay nhà thờ làm sao đây?”, điều đó không đúng ư? Chúng ta dễ trình bày hình ảnh vị linh mục như một người làm công việc. Điều đó đúng; dĩ nhiên, chẳng ai chịu chức linh mục để ngồi chơi xơi nước. Nhưng tuyệt đối không đủ. Còn một điều gì cơ bản hơn nhiều. Khoa mục vụ năng động muốn giúp mọi người tín hữu thoát khỏi chủ nghĩa náo hoạt trong mục vụ, cũng như thoát khỏi cơn chướng hay thay đổi. Chu kỳ mục vụ này cho phép toàn cộng đoàn Giáo Hội đem ra thực hành thái độ hoán cải tại địa phương được mô phỏng theo khuôn mẫu Ngôi lời nhập thể. Mô hình ấy đã chiêm ngắm lối đường của “Ngôi lời cắm lều giữa chúng ta” qua bốn giai đoạn: (1) phơi bày-chìm ngập, (2) phân tích xã hội, (3) chiêm niệm hoặc suy tư thần học liên tục và (4) lập kế hoạch mục vụ với sự lượng giá ngay thẳng.[13] Chu kỳ mục vụ này cho phép ta dần dần vào sâu trong lòng dân chúng, giống như một người bác sĩ đến sống tại vùng có bệnh để có thể hiểu và chẩn đoán đúng căn bệnh, trước khi lập phương án chữa trị. Sự hoán cải theo tin mừng trên bình diện Giáo Hội hôm nay cho phép chúng ta trình bày, sống và là Giáo Hội một cách mới mẻ. Lối mục vụ như thế cho phép ta trình bày được một Giáo Hội là dấu chỉ và người mang tình yêu Chúa Giêsu cho gia đình nhân loại tại Á châu. Điều này được Van Beech diễn đạt như sau: “Con người của Đức Giêsu Kitô sống động trong Thần khí là nguồn mạch của kinh nghiệm-căn tính Kitô hữu cũng như kinh nghiệm Kitô hữu về sự rộng mở trước thế giới”.[14]
2. MỤC VỤ TOÀN DIỆN:
ASIPA (ASIAN INTEGRAL PASTORAL APPROACH)
Trong chu kỳ mục vụ năng động trên, Giáo Hội tại Á châu nhận ra sự thúc bách của một khoa mục vụ toàn diện. Nếu Giáo Hội là chia sẻ, thì Giáo Hội không thể không chia sẻ những gì mình có được từ Thiên Chúa cho các bạn nghèo khổ của Đức Kitô tại Á châu. Giáo Hội không thể sống một cách trưởng giả giữa “thái bình dương” nghèo khổ của Á châu. Giáo Hội tại Á châu mong muốn tạo thành một cộng đoàn hiệp thông và chia sẻ được làm nên bởi giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em cho cùng một sứ vụ yêu thương và phục vụ của Giáo Hội. Giáo Hội tại Á châu không thể không quan tâm đến hạnh phúc toàn diện của con người, vì biết rằng yếu tố trần thế là một cấu tố của chính Tin mừng Đức Kitô mang lại. Aloysius Pieris cho thấy Thiên Chúa thiết lập “Vương quốc của Thiên Chúa dành cho những người nghèo của Thiên Chúa”. Mục vụ ấy phải vượt thắng khuôn mẫu nhị nguyên. “Sứ mệnh ngôn sứ loan báo lời đòi hỏi một linh đạo của “việc lắng nghe” tiếng Thiên Chúa giữa hoạt động tông đồ, mà đó là ý nghĩa của sự “phân định” vậy”.[15]
Lối tiếp cận mục vụ như thế không được đánh giá tùy vào công việc và sự thành công. Trên hết, nó được đánh giá tùy theo mức độ tình yêu chăm sóc của Chúa Giêsu mục tử nhân lành được sống nơi người môn đệ Đức Kitô dành cho những con người bé nhỏ. Hiển nhiên điều này đòi hỏi một sự hoán cải để sống Giáo Hội theo một cách thức hoàn toàn mới. Hoàn toàn mới đây liên hệ mật thiết với sự hiệp thông vậy.
IV. ĐỊNH HƯỚNG ĐƯỢC VATICAN II PHÊ CHUẨN
Sâu xa hơn những phương hướng mục vụ ấy, Vatican II đưa chúng ta vào tận lõi của cuộc hoán cải. Vatican II mở ra lối mục vụ ‘chan hòa với con người trong mọi trạng huống của họ’ khi đã chiêm ngắm, tìm tòi cái cốt lõi chi phối hành động của mình. Khi đã để cho câu hỏi về chính mình vang lên mãi, trong suốt 3 năm trời, Vatican II trả lời về bản thân mình bằng một tầm nhìn về hiệp thông trong chiều kích sâu thẳm nhất.
Đồ họa trên đây không chỉ trình bày tính duy nhất nội tại của các văn kiện được Vatican II phê chuẩn. Đúng hơn, đồ họa này cho thấy cái ý thức sâu xa của Vatican II: biết mình là ai? Sống nhờ điều gì? Sống cho mục đích nào? Và đi đâu? Đồ họa ấy trả lời cho yêu cầu của Đức Phaolô VI: Hỡi Giáo Hội, hãy nói xem mình là ai? Như thế, dù các văn kiện của Vatican II đều quy về Giáo Hội, như Karl Rahner và những thần học gia khác đã từng nhận định, các văn kiện ấy lại được nhìn từ chính ánh mắt của Đức Giêsu. Các văn kiện ấy càng ngày càng dẫn vào tận lõi tủy của Giáo Hội. Nơi đây, ta bắt gặp toàn bộ là hiệp thông. Giáo Hội xây trên Lời Thiên Chúa và Phụng vụ. Mà hai điều này chỉ nhằm tới sự kết hiệp năng động với Thiên Chúa được sống và thể hiện trong sự hiệp thông với anh chị em của mình, như các tín hữu và như những con người-hình ảnh Thiên Chúa. Vì vậy, thật không sai khi nói sự hoán cải theo Tin Mừng dưới chiều kích Giáo Hội như được Vatican II mong đợi là trở về lại với sự hiệp thông mà Thiên Chúa ban tặng cho Giáo Hội từ ban đầu. Nếu người linh mục không thể là kích thích tố cho sự hiệp thông giữa những khác biệt của các chi thể, người linh mục không thể làm sáng lên khoa mục vụ của lòng thương xót. Nếu Giáo Hội không hiệp thông với Thiên Chúa, Giáo Hội chỉ là thể chế xã hội chính trị nhân danh tôn giáo, hoặc giống như một thứ NGO mà thôi. Nếu Giáo Hội không hiệp thông giữa các tín hữu Chúa Kitô, Giáo Hội không thể là chứng nhân và là ngôn sứ trong thế giới. Nếu các Kitô hữu không liên kết mật thiết với Đức Kitô, họ là những Kitô hữu vô thần, theo từ ngữ của Đức giáo hoàng Phanxicô.[16] Nếu Giáo Hội không hiệp thông với anh chị em nhân loại, Giáo Hội không thể trình bày Thiên Chúa của Đức Giêsu được. Như vậy, đúng như các giáo phụ nói, từ bàn tiệc của Đấng hiến mình vì Giáo Hội, Giáo Hội được xuất hiện như sự hiệp thông để là một dấu chứng cho sự chia rẽ của thế gian.
V. TRỞ VỀ VỚI CHÍNH NGUỒN CỘI GIÁO HỘI
Điều Công đồng Vatican II trình bày mời gọi chúng ta đi xa hơn, trở về lại chính cội rễ chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu lại từ Đức Kitô. Chúng ta hãy đặt mình như một người thông hiệp vào bàn tiệc ly của Chúa và chúng ta sẽ hiểu nhiều điều rất mới. Chúa Giêsu quy tụ những kẻ thuộc về Ngài (x. Mt 26:17-26; Mc 14:12-26; Lc 22:8-20). Không phải tự ý các môn đệ bày bàn tiệc đó. Và bàn tiệc đó nhằm điều rất rõ: Chúa hiến dâng chính mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (x. Ep 2:14-18). Ngài không chấp nhận các môn đệ suy nghĩ về quyền bính và địa vị. Với Ngài, người làm lớn phải là người tôi tớ (x. Lc 22:24-27; Mc 10:32-45). Chúng ta hãy để cho điều ấy chất vấn cái vô thức về quyền lực mà Alfred Adler đã phân tích thì chúng ta sẽ hiểu ngay cuộc cách mạng thiêng liêng mà Chúa Giêsu mang đến. Và Giáo Hội sơ khai đã hiểu rất nhiều điều này. Bản văn Cv 2:42tt và 4:42tt phần nào minh chứng điều này.
Hai bản văn này miêu tả vắn gọn nhưng thâm sâu thực tại Giáo Hội phong phú gồm bốn chiều kích hỗ tương và đều quan trọng: (1) Phụng vụ (leiturgia): Giáo Hội được thiết lập để dâng lên Thiên Chúa lời ca tụng làm sính lễ. Ngày ngày và luôn luôn, Giáo Hội tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa, với dạ đơn thành, nhất là trong Lễ Bẻ Bánh có tên là EUCHARISTIA – LỜI TẠ ƠN VĨ ĐẠI và DUY NHẤT; (2) chứng tá (martyria): Giáo Hội nhận lãnh Thánh Thần để làm chứng về Thiên Chúa giàu lòng thương xót hiện hữu và tình yêu Ngài lấp đầy tất cả khát vọng của con người. Giáo Hội làm chứng về một TIN MỪNG VĨ ĐẠI VÀ DUY NHẤT: ĐỨC GIÊSU KITÔ PHỤC SINH LÀ CHÚA VÀ LÀ TRUNG TÂM CỦA LỊCH SỬ NHÂN LOẠI VÀ THÂU HỌP VẠN VẬT. Giáo Hội làm chứng THÁNH THẦN là nguồn hy vọng đích thực cho tương lai của thế giới và con người và Thiên Chúa LUÔN LÀM VIỆC; (3) hiệp thông (koinonia): các tín hữu để mọi sự làm của chung, không kể cái gì là của riêng. Họ hiệp thông với Thần khí, thông hiệp vào các sự thánh thiện cũng như thông hiệp với tất cả các thánh. Sự hiệp thông ấy mãnh liệt và mới mẻ đến nỗi như trong một thân mình và người này là chi thể của người kia. (4) phục vụ (diakonia): Giáo Hội không thể nào chối bỏ sứ mệnh phục vụ này đến độ Giáo Hội sơ khai đã hình thành nên ‘cơ cấu’ của Diakonia. Giáo Hội không sống cho chính mình.
Ở đây đáng cho chúng ta nhắc lại lời của Đức Bênêđictô XVI: Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa trong trần gian, được sinh động bởi đức ái, caritas-agape, rất mãnh liệt mà chỉ có thể an nghỉ trong sự hiệp thông các ngôi vị. Chính như thế, “Bản tính sâu xa nhất của Hội thánh được diễn tả qua ba nhiệm vụ: loan báo lời Thiên Chúa (kerygma-martyria), cử hành các bí tích (leitourgia) và thi hành tác vụ bác ái (diakonia)”.[17]
Như thế, xem ra hai bản văn Tân ước trên và trình thuật nói về Đức Giêsu quy tụ các môn đệ trong bữa tiệc của Ngài liên kết với nhau thật sâu xa. Nếu thế, ta có thể nói xuất phát lại từ Đức Kitô được tỏ hiện bằng cách xuất phát lại từ Giáo Hội được hiểu như sự hiệp thông mà nguồn sức mạnh của nó lại ở chính Thánh Thể.
KẾT LUẬN
Khi Đại hội Dân Chúa 2010 nhắc lại lịch sử của một Giáo Hội tại Việt Nam nổi bật với dòng máu của các tử đạo, cảm thức của dân Chúa muốn đi xa hơn việc ôn lại một chuỗi ngày hào hùng của quá khứ. Cảm thức đó nhận rõ rằng một Giáo Hội chứng tá đến mức tử đạo sẽ phải là một Giáo Hội đầy tràn tình yêu mà chỉ an nghỉ trong sự hiệp thông mà thôi. Cảm thức đó muốn xác minh mạnh mẽ rằng khoa mục vụ của Giáo Hội không thể chỉ dừng lại trên những việc làm mà thôi. Nó phải xuất phát lại từ nguồn mạch duy nhất và không bao giờ cạn là chính Thiên Chúa và phải đáp ứng những khao khát sâu thẳm nhất của con người hôm nay. Khoa mục vụ ấy sẽ tỏ ra rất hợp thời khi minh chứng rằng chỉ trong hiệp thông, Giáo Hội và Thần khí mới thốt lên được “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.[18] Do vậy, một sự hoán cải mang chiều kích Giáo Hội bó buộc phải làm cho tâm trí, tình cảm và hành động của người linh mục phải dành trọn vẹn cho sự hiệp thông như Thiên Chúa mong đợi. Đó là tiêu chuẩn không thể thiếu được cho vị mục tử theo như lòng Chúa mong ước.
Như thế, đằng sau những chăm sóc mục vụ, đằng sau những giây phút suy tư trong thinh lặng và cầu nguyện, đằng sau những sinh hoạt, tổ chức, Giáo Hội phải nói về mình không gì khác hơn một gia đình-hiệp thông, một Dân Thiên Chúa của Thiên Chúa trên trần gian mà yếu tố nổi bật và hữu hình trong thực hành là sự tham gia. Khi đó, Giáo Hội là một hạt mầm tăng trưởng liên lỉ và không thể bị dập tắt của Nước Thiên Chúa giữa trần gian.
Trong ánh sáng này, khi mà hằng ngày người linh mục chủ sự cộng đoàn dân Chúa không chỉ trong phụng vụ mà còn hướng dẫn cộng đoàn trong phụng vụ đời sống nữa, thì lời của thánh Augustinô nói về Thánh Thể có thể áp dụng cho một lối sống LÀ Giáo Hội MỘT CÁCH MỚI MẺ mà các môn đệ Chúa Kitô luôn chú tâm hiện thực hằng ngày: O Sacramentum pietatis! o signum unitatis! o vinculum caritatis!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Am
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 78 (Tháng 9 & 10 năm 2013)
[1] X. GS 19.
[2] Bộ phụ trách về Đời sống thánh hiến và hiệp hội tông đồ, Huấn thị xuất phát lại từ Đức Kitô, số 21-24.
[3] X. LG 1.
[4] X. LG 4.
[5] X. LG 9.
[6] X. LG 48.
[7] Avery Dulles, A Eucharistic Church, America, December 20, 2004.
[8] X. Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 29.
[9] X. Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 27.
[10] X. Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 27.
[11] X. Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 29.
[12] X. Peter Hai. Fides quaerens dialogum.
[13] FABC/BISA VII, III. 8-13 (For All the Peoples of Asia, vol. 1, p. 231).
[14] Van Beeck, Catholic Identity After Vatican II, 57.
[15] A. Pieris, God’s Reign for God’s Poor, 20.
[16] “Đời sống Kitô không thể hiểu được nếu không có sự hiện diện của Thánh Thần: [không có Người] thì đời sống ấy không phải là Kitô. Chỉ là một đời sống đạo vô thần, đáng buồn.”
[17] Deus caritas est, 25.
[18] X. Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa.