Sơ Daniela Kuzhiadyil, người mang Tin Mừng đến vùng ngoại biên
* * *
Nữ tu Daniela Kuzhiadyil thuộc Hội dòng Các nữ tu Truyền giáo Vô nhiễm Đức Maria. Sơ đã phục vụ 25 năm tại Trung tâm dành cho bệnh nhân phong ở Vegavaram và 25 năm tại Trung tâm phục hồi chức năng cho người bệnh ở Srungavraksham.
Đem sứ điệp Tin Mừng đến các vùng ngoại ô, cho những người nghèo khổ, yếu đuối đó chính là sứ vụ tông đồ của sơ Daniela Kuzhiadyil, người đã sống và phục vụ những người phong cùi ở Andhra Pradesh từ 50 năm qua. Cuộc sống phục vụ người phong cùi của sơ Daniela là một chứng nhân sống động về cách Thiên Chúa dùng các nhà truyền giáo để đem an ủi cho những người bé mọn đến tận cùng thế giới.
Ngày nay ở Ấn Độ có một số cơ sở y tế chăm sóc bệnh nhân phong cùi. Trong số đó có trung tâm với tên gọi Trung tâm chăm sóc bệnh phong của Đức Maria và một trung tâm khác của cha Frascogna Memorial dành đề phục hồi chức năng cho người bệnh. Đây là hai trung tâm mà nữ tu Daniela đã dành cả cuộc đời để phục vụ những người nghèo khổ, bệnh tật.
Tất cả những sáng kiến này có một nguồn gốc chung: trong năm 1962 mẹ Clara Bellotti, bề trên của Hội dòng Các nữ tu Truyền giáo Vô Nhiễm Đức Maria đáp lại lời mời gọi của Đức cha Ambrogio De battista, Giám mục Vijayawada, mở bệnh viện đầu tiên dành cho bệnh nhân phong ở Vegavaram. Tại thời điểm đó, các con đường ở Godavari có rất nhiều người bị bệnh đang cầu xin và chờ đợi sự cứu giúp.
Với hoạt động của bệnh viện đầu tiên này, hội dòng đi vào một cuộc phiêu lưu và gặp rất nhiều khó khăn; nhưng rồi nhờ ơn Chúa các chị đã vượt qua những khó khăn này. Chính sự hiện diện của sơ Daniela là một phần tạo nên sự thành công, giúp hội dòng vượt qua được những khó khăn thử thách ban đầu. Thật vậy, với một cuộc sống hăng say loan báo Tin Mừng, không mệt mỏi đến với người nghèo, những người bị bỏ rơi đặc biệt là những người bị bệnh phong cùi là mẫu gương giúp những người khác, các nhân viên cùng nhau cộng tác, góp sức để làm cho trung tâm đứng vững, phục vụ người nghèo.
Ơn gọi phục vụ bệnh nhân phong cùi
Ơn gọi của thiếu nữ Daniela khởi đầu vào năm 1949. Trong khi đang tham dự các khóa học tại trường, có một giáo viên hỏi cô về dự tính cho tương lại; với câu hỏi “Em sẽ dự tính gì cho tương lai của em, cụ thể là em sẽ làm gì? Ước mơ của em là gì?”. Một loạt những dự tính trong tâm trí cô: trở thành giáo viên, hành nghề bác sĩ hoặc một nữ y tá. Trong lúc đang suy nghĩ và phân vân thì một hình ảnh bất ngờ chạy qua tâm trí cô. Đó là hình ảnh của một bệnh nhân phong cùi với làn da bị bao phủ đầy vết lở loét.
Sơ Daniela chia sẻ: Tại thời điểm đó chính sơ không biết bệnh phong là gì và chưa bao giờ nhìn thấy một bệnh nhân phong. Sơ chỉ biết và hình dung căn bệnh này qua việc đọc và suy gẫm Tin Mừng. Sơ biết rằng người mắc chứng bệnh này rất đau khổ không những về mặt thể lý như bị loét chân tay và đôi khi bị mất cả một phần thân thể như tay chân mà còn bị mọi người, xã hội xa lánh, coi thường, bị cách ly. Ngay lập tức sơ hiểu rằng Chúa Thánh Thần đã chọn cho sơ hướng đi tương lai và sơ quyết định chọn con đường này. Ước muốn dâng hiến cuộc sống phục vụ Chúa qua người bệnh phong cùi vẫn tiếp tục được thiếu nữ Daniela nuôi dưỡng từng ngày.
Và rồi thời điểm đã đến, năm 1962, Daniela tìm thấy địa chỉ của các nữ tu truyền giáo trong một tạp chí và quyết định gửi một lá thư xin gia nhập hội dòng. Đây là một sự trùng hợp may mắn vì tại thời điểm đó mẹ Clara Bellotti, người sáng lập bệnh viện dành cho bệnh nhân phong đang tìm những người có khả năng chăm sóc bệnh nhân. Năm 1963 sơ Daniela gia nhập hội dòng, năm 1965 sơ được gửi đến Italy để tham dự một khóa học đặc biệt, năm 1968 sơ trở về Ấn Độ và bắt đầu làm việc tại Trung tâm dành cho bệnh nhân phong cùi ở Vegavaram. Sơ ở đây phục vụ bệnh nhân trong 25 năm.
Sau đó, năm 1993 sơ Daniela được sai đến Trung tâm phục hồi chức năng ở Srungavraksham do cha Frascogna Memorial khởi xướng để phục vụ những người nghèo tại đây. Với tuổi 87 đáng kính sơ vẫn cần mẫn làm việc với nụ cười trên môi dành cho mọi người. Sơ chia sẻ rằng sơ luôn mang tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì tình yêu của Ngài dành cho sơ qua việc phục vụ bệnh nhân phong.
(Ngọc Yến – Vatican)