Từ vận động viên trượt băng trở thành nữ tu dòng Phan sinh
– † –
Kirstin Holum – hiện nay là Sơ Catarina nói: “Cảm xúc thi đua tranh tài và thực hiện tốt cuộc thi, với nỗ lực hết mình của cá nhân, là một niềm vui lớn. Nhưng nó luôn là một niềm vui thoáng qua … Tôi nghĩ rằng về cơ bản, mọi người muốn trở nên vĩ đại và làm điều gì đó tuyệt vời. Chỉ khi nào bạn thực sự có mối liên hệ với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho bạn, bạn mới tìm được sự bình an để làm điều tốt nhất, bất kể nó là gì.”
Từ các kỷ lục đến nhà nguyện
Kristin nhận được niềm tin từ người mẹ của mình, cũng là một vận động viên trượt băng và huấn luyện viên trượt băng. Khi Kristin được 16 tuổi, mẹ của cô đã cho cô đi hành hương Fatima cùng với một người chị họ. Và Fatima đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Kristin. Cô vẫn tham gia các cuộc thi nhưng với cái nhìn tập trung vào “Vua các vua”.
Trong Thế vận hội mùa đông năm 1998 tại Nagano, Nhật bản, môn trượt băng tốc độ đường dài của Mỹ hân hoan với sự xuất hiện của ngôi sao tiềm năng, Kirstin Holum. Ở tuổi 17, Kristin đã thể hiện sức mạnh vượt trội trong các môn thi 3.000 và 5.000 mét, là các môn thường dành cho những người biểu diễn lớn tuổi hơn, những người đã trưởng thành hoàn toàn. Tại Thế vận hội này, Kirstin đã lập kỷ lục thế giới mới trong cuộc đua trượt băng tốc độ 5.000 mét dành cho nữ giới. Vào thời điểm đó, cô mới 17 tuổi, và một tương lai thể thao tuyệt vời đang chờ cô ở phía trước. Trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, cô đã lập được tám kỷ lục trong các cuộc thi trượt băng tốc độ tại Mỹ và sáu kỷ lục thế giới dành cho người trẻ. Nhưng Thiên Chúa lại có chương trình mà con người không thể hiểu thấu được.
Sau kỳ Thế vận hội tại Nagano, Kristin theo học trường nghệ thuật nhưng rồi sau đó cô theo đuổi con đường đức tin và từ đó đã dành cả đời mình cho nó. Kirstin đã khiến người quen biết cô cũng như người chỉ biết tên tuổi cô phải ngạc nhiên. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, Kristin đã quyết định “treo giày” và trở thành một thỉnh sinh trong dòng các nữ tu Phan sinh canh tân ở Bronx, New York, và khấn dòng với tên dòng là Catarina.
Sáu năm sau, sơ Catarina là một trong nhóm sáu nữ tu Phan sinh được gửi đến Anh với sứ vụ thành lập một tu viện mới theo lời mời của Đức cha giáo phận Leeds. Thay vì tập luyện bốn giờ một ngày, giờ đây sơ cũng dành bằng đó thời gian, nếu không nhiều hơn, để cầu nguyện. Sơ Catarina không hối tiếc khi từ bỏ môn thể thao trượt băng tốc độ để dâng hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa.
Quá khứ là một hồng ân
Ban đầu sơ Catarina ít nói về đời sống vận động viên trượt băng trước đây của mình và nhiều nữ tu cùng dòng không biết sơ đã tham dự thế vận hội Olympic. Nhưng khi một bài báo viết về sơ được đăng, câu chuyện của sơ được lan truyền trong cộng đồng Công giáo và sơ nhận được các lời mời nói chuyện, trong đó có buổi nói chuyện trước 10 ngàn cử toạ trong một đại hội tôn giáo ở Luân đôn. Sơ đã chia sẻ với báo USA Today: “Những gì đã xảy ra đặc biệt trong 8 năm nay là cơ hội để nhìn lại thật nhiều điều đẹp đẽ về trượt băng và Olympics… Tôi không có một câu chuyện vào nhà dòng bình thường như các chị em khác. Có cơ hội nhìn lại quá khứ và tạ ơn và chia sẻ với những người tôi có liên lạc thật là một phúc lành.”
Sơ cũng chia sẻ rằng những bài học về trượt băng giúp đỡ cho sơ trong đời sống tu trì. Sơ nói: “Cuộc đời nữ tu là cuộc sống kỷ luật và khó khăn và những thời gian dài và những điều không chờ đợi đang xảy đến. Tôi có thể thấy rằng việc huấn luyện thi đấu ở Olympics đã giúp tôi tập trung nhiều trong đời sống tu trì.“
Một cảm xúc lớn hơn
Cô gái Kirstin Holum và sơ Catarina tuy là cùng một người, nhưng lại không có những cách giải trí giống nhau. Sơ Catarina đã chọn sống đời sống cầu nguyện với những tiện nghi đơn giản, không hiện đại như cô gái Kristin đã từng sống. Lựa chọn trở thành nữ tu của Kristin là một lựa chọn vừa “triệt để” vừa có vẻ “ngược lại với văn hóa” nếu nhìn dưới chiều kích thực tế là cuộc sống của các tu sĩ trong đan viện không có kết nối Internet hoặc tivi.
Sơ Catarina đã chọn con đường khác và tìm kiếm điều đối với sơ đáng giá hơn nhiều. Sơ nói: “Cảm xúc thi đua tranh tài và thực hiện tốt cuộc thi, với nỗ lực hết mình của cá nhân, là một niềm vui lớn. Nhưng nó luôn là một niềm vui thoáng qua … Tôi nghĩ rằng về cơ bản, mọi người muốn trở nên vĩ đại và làm điều gì đó tuyệt vời. Chỉ khi nào bạn thực có mối liên hệ với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho bạn, bạn mới tìm được sự bình an để làm điều tốt nhất, bất kể nó là gì.”
(Hồng Thủy – Vatican)