CÁC NGƯỜI NỮ TRUYỀN GIÁO TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
Vatican News (23.02.2023) – Công cuộc loan báo Tin Mừng của thế kỷ 21 không thể thiếu phụ nữ. Sự sáng tạo của họ là không thể thiếu để đối diện với những tình huống khắc nghiệt. Một nữ truyền giáo là người giúp khai sinh đức tin cho cả những người chưa biết và cả những người đã mất cảm thức về đức tin. Một “bà đỡ của Tin Mừng” không lo lắng về việc rửa tội hay tệ hơn là chiêu dụ người khác vào đạo nhưng cố gắng mở các cửa sổ để cho hơi thở Thánh Thần tràn vào những người nam nữ thời nay.
Theo ánh sáng của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo của Đức Thánh Cha, được công bố hôm 25/01/2023, với chủ đề “Lòng bừng cháy, chân tiến bước”, bà Lucia Capuzzi, phóng viên của báo Công giáo Ý “Avvenire-Tương lai” đã có một bài viết tập trung vào hoạt động loan báo Tin Mừng của các nữ tu và nữ giáo dân ngày nay. Dưới đây là nội dung của bài viết được đăng trên báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh.
Truyền giáo là luôn ra đi
Nói về phụ nữ truyền giáo, nhà thần bí người Pháp Madeleine Delbrêl gọi họ là “Những phụ nữ vượt lên”. Chúng ta có thể định nghĩa những phụ nữ truyền giáo như thế. Họ là những người ra đi hướng đến những chân trời xa xôi, những nơi hẻo lánh, ở đó họ sống và thường chết như những vị tử đạo, những chứng nhân. Và những người “không thuyền” vượt qua những biên giới văn hóa, xã hội và tâm linh để đến với người khác. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo vừa qua: “Giáo hội Chúa Kitô đã, đang và sẽ luôn ‘đi ra’ tới những chân trời mới về địa lý, xã hội, hiện sinh, tới những ‘biên giới’ và những hoàn cảnh của con người, để làm chứng cho Chúa Kitô và tình yêu Người cho mọi người nam nữ thuộc mọi dân tộc, văn hóa và địa vị xã hội. Theo nghĩa này, sứ vụ truyền giáo cũng sẽ luôn là missio ad gentes, như Công đồng Vatican II đã dạy chúng ta, bởi vì Giáo hội sẽ luôn phải đi xa hơn, vượt ra ngoài biên giới của chính mình, để làm chứng cho tất cả tình yêu Chúa Kitô”.
Các nhà truyền giáo nữ biết vượt qua định kiến
Không thể mô tả cứng nhắc về các nữ truyền giáo, vì cụm từ “truyền giáo” bao hàm một nội dung đa nghĩa, đa chiều và đa sắc. Cho đến nửa sau của thế kỷ XX, thuật ngữ này đã được sử dụng, dựa trên ý nghĩa do các tu sĩ Dòng Tên đặt vào thế kỷ XVI, để chỉ các hoạt động đặc biệt của Giáo hội. Trong sự bùng nổ truyền giáo của thế kỷ 19, người ta đề cập đến khuôn mặt của các linh mục được phẩm trật Giáo hội chính thức cử đến một quốc gia chưa theo Kitô giáo với nhiệm vụ cải đạo dân chúng và xây dựng một cộng đoàn Giáo hội. Mâu thuẫn ở đây là một cách thức loại trừ phụ nữ. Tuy nhiên, chính thời kỳ này đã chứng kiến sự nở rộ của những nhân vật đặc biệt: các nữ tu truyền giáo vĩ đại, từ Francesca Saverio Cabrini, tông đồ của những người di cư, đến Laura Montoya, người tiên phong trong việc bảo vệ người bản địa Amazon. Những phụ nữ đã vượt lên theo nhiều nghĩa, kể cả định kiến với chính họ.
Không sợ hiểm nguy
Đó là ngày 01/01/1872, khi ba thiếu nữ, Maria Caspio, Luigia Zago và Isabella Zadrich, mang đến sự sống hạt nhân ban đầu của một thực thể, và sau này trở thành dòng nữ truyền giáo đầu tiên ở Ý: Dòng Comboni. Vị sáng lập, cha Daniele Comboni, nhận thức được sự lựa chọn táo bạo và những rắc rối có thể xảy ra. Điều làm cho vị sáng lập kiên trì là xác tín sâu xa về sự cần thiết của phụ nữ, những chứng nhân lòng thương xót Chúa đối với người nghèo. Về điều này, vị sáng lập so sánh các nữ tu với “linh mục và hơn cả một linh mục”. Cha Comboni viết: “Các nữ tu là một hình ảnh đích thực của các phụ nữ xưa của Tin Mừng. Các nữ tu với sự đơn giản như cách họ dạy đánh vần abc cho những trẻ mồ côi bị bỏ rơi ở châu Âu, đối diện với những hành trình dài hàng tháng, băng qua sa mạc trên lưng lạc đà, và cưỡi ngựa, ngủ ngoài trời, dưới gốc cây hoặc trong góc thuyền của người Ả Rập, giúp đỡ người bệnh và yêu cầu công lý cho những người bất hạnh và bị áp bức. Họ không sợ tiếng gầm của sư tử, họ đối diện với mọi công việc, những chuyến đi nguy hiểm và cái chết, để có được các linh hồn cho Giáo hội”.
Truyền giáo làm nên Giáo hội
Điều làm cho khái niệm truyền giáo “cổ điển” và truyền giáo nam hoặc truyền giáo nữ rơi vào khủng hoảng là mối liên hệ của khái niệm này với sự bành trướng thuộc địa của phương Tây. Một tường thuật tìm cách lồng ghép hoạt động loan truyền đức tin vào công cuộc “khai hóa văn minh của người da trắng” đối với các dân tộc “nguyên thủy hoặc man rợ”. Chính Công đồng Vatican II đã tẩy sạch điều không rõ ràng và đưa ra một chiều kích chưa từng có cho động lực truyền giáo. Truyền giáo không phải là một trong nhiều chức vụ của Giáo hội nhưng là một chiều kích cấu thành của Giáo hội tham gia vào missio Dei. Từ quan điểm này, truyền giáo mang hình dáng của một năng động với mục đích vươn ra toàn thế giới để biến đổi thế giới thành Dân Chúa. Trong Giáo hội học ngày nay, Giáo hội được coi là có bản chất truyền giáo: Giáo hội hiện hữu để được sai đi và Giáo hội được thành lập cho sứ vụ. Evangelii gaudium được gợi hứng bởi văn kiện Aparecida và bởi những khuyến khích của Thượng Hội đồng về Tân Phúc âm hóa, mạnh mẽ tiếp nhận viễn cảnh này. Trong “Giáo hội hướng ra” được Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến, phong cách, hoạt động, thời gian biểu, ngôn ngữ và cơ cấu được biến đổi bởi sự lựa chọn truyền giáo, là yếu tố tạo nên cột trụ Giáo hội. Việc cải tổ Giáo triều Roma theo Tông hiến Praedicate evangelium, là hiện thân cụ thể của điều này, như được minh họa bởi nhà giáo luật Donata Horak.
Trở thành nhà truyền giáo là một cách trở thành cộng đoàn Giáo hội
Do đó, trở thành những nhà truyền giáo là một cách để trở thành cộng đoàn Giáo hội. Đây không phải là xã hội học. Sứ vụ không phải là một tổ chức phi chính phủ, như Đức Thánh Cha thường nói. Nói cách khác, truyền giáo không phải là một hoạt động được thể chế hóa, một chức năng để thực hiện, một cam kết phải hoàn thành, mặc dù vì mục đích bác ái, nhưng đó là bản chất Giáo hội, là động lực để Giáo hội hoạt động. Liên quan đến trọng tâm Tin Mừng: quan tâm đến những người bị loại trừ và say mê Nước Trời. Như Agostino Rigon, tổng giám đốc của Lễ hội Truyền giáo khẳng định: “Nếu Thiên Chúa quan tâm đến toàn thế giới, thì lĩnh vực của missio Dei cũng là toàn thế giới: mỗi con người và mọi khía cạnh của sự tồn tại của con người”.
Tình huynh đệ thúc đẩy truyền giáo
Chính tình huynh đệ thúc đẩy những người nam và người nữ đến gần với những người sa ngã nơi góc phố, bất kể họ ở đâu: người bản địa bị trục xuất khỏi vùng đất của họ, nạn nhân nạn buôn người, nô lệ trẻ em, người Di-gan bị lừa ở ngoại ô thành phố, người di cư bị kết án trong một cuộc hành hương vô hình. Các nhà truyền giáo giúp những người này đứng dậy và cũng đồng thời chấp nhận để cho họ làm cho mình lớn lên. Bởi vì những người bị gạt ra bên lề là những thầy dạy về đời sống và đức tin, như được nhấn mạnh bởi một dự án chưa từng có của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đã tạo ra một “thần học người nghèo”. Một nhóm các chuyên gia đã hướng đến những câu hỏi lớn của thần học cho một nhóm người bên lề trong số những người bên lề.
Ra đi truyền giáo vẫn còn ý nghĩa
Tuy nhiên, từ điều này, một câu hỏi quan trọng nảy sinh. Nếu tất cả những người nam và người nữ đã được rửa tội phải là những nhà truyền giáo, thì liệu việc lựa chọn giáo dân và tu sĩ rời quê hương và đi đến những nơi xa xôi để loan báo Tin Mừng bằng cuộc sống và công việc có còn ý nghĩa không? “Tôi tin chắc vẫn còn”, sơ Marta Pettenazzo, nữ tu thuộc Dòng các Nữ truyền giáo Đức Mẹ các Tông Đồ và là nữ tu đầu tiên lãnh đạo Hội nghị các Dòng Truyền giáo Ý từ năm 2014 đến 2019 trả lời. Sơ nói: “Hoạt động dấn thân truyền giáo liên quan đến mỗi người. Tuy nhiên, một số người nữ được kêu gọi dành trọn cuộc sống và tài năng của họ để làm chứng cho Tin Mừng, trong và ngoài đất nước của họ”. Do đó, sứ vụ được hiểu là hướng đến sự yếu đuối của con người ở bất cứ nơi nào con người hiện diện. Tuy nhiên, nếu chân trời địa lý không còn chiếm ưu thế, thì nó không biến mất. Sơ Marta chỉ ra: “Cái gọi là missio ad extra, nghĩa là sống ở các quốc gia khác chứ không phải ở quốc gia của mình, là một trong những chiều kích của hoạt động truyền giáo và tiếp tục là ưu tiên của một số hội dòng. Trọng tâm của sự lựa chọn này không phải là chuyển động thể lý nhưng là thái độ hiện sinh sẵn sàng ra đi. Có nghĩa là rời bỏ cái đã biết của bạn để hướng tới một điều gì đó khác. Và khi bạn làm, nhất thiết bạn phải đặt mình vào thái độ học hỏi. Công cuộc truyền giáo đã dạy tôi rằng bạn chỉ cống hiến theo cách bạn học hỏi”.
Truyền giáo cần khuôn mặt nữ tính
Một lần nữa, chiều kích “đi xa hơn” nổi lên, trong đó sự đóng góp của phụ nữ trở thành nền tảng. Nhà truyền giáo đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo luôn luôn là Madalêna như học giả Kinh Thánh Marinella Perroni nhận xét. Sứ vụ đương đại, có trái tim chăm sóc và đồng hành, tuy nhiên lại có một khuôn mặt rất nữ tính, thể hiện qua kính vạn hoa của những câu chuyện được kể. Từ Lisa Clark, một nữ truyền giáo bất bạo động trong xã hội dân sự và trong các tổ chức, đến câu chuyện của nữ tu Zvonka Mikec, thuộc Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ, một cuộc đời truyền giáo ở châu Phi, được nhà văn Tea Ranno gặp gỡ ở Roma, một cựu học sinh của Salêdiêng. Theo lập luận của nhà thần học Tin lành David Bosch, sự phục hồi nữ tính, từ lâu gắn liền với sự phi lý và không có khả năng quản lý, là điều cần thiết để giải phóng khái niệm sứ vụ khỏi mọi yêu sách thống trị, khỏi mọi lo lắng về hiệu suất, mô hình hiệu quả. Chỉ có nhà truyền giáo kết hợp sức mạnh với sự dịu dàng mới biết cách tạo ra những không gian của tính nhưng không đích thực.
Cần đào tạo truyền giáo
Tất nhiên, thái độ tinh thần và tâm linh này đòi hỏi một quá trình đào tạo toàn diện, vốn vẫn là một trong những thách đố mở. Các hội dòng dành cho các nữ tu và giáo dân, ngày càng kết hợp thần học cơ bản với các nghiên cứu nâng cao về truyền giáo, cũng như một chương trình giảng dạy cụ thể cho trách vụ mà họ sẽ thực hiện trong các hoạt động khác nhau, từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục. Sơ Marta nói: “Dĩ nhiên, phần liên văn hóa cần được tăng cường hơn nữa. Thay vào đó, đối với những người chọn bắt đầu với các hiệp hội hoặc thông qua giáo phận, ngoài việc đào tạo nội bộ, còn có các khóa học cụ thể, bao gồm cả khóa học của đào tạo truyền giáo.”
Truyền giáo liên dòng
Điểm lấy làm tiếc, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái toàn cầu, vẫn là sinh kế. Thông thường, sự đóng góp của các nhà hảo tâm bao gồm việc thực hiện các dự án cụ thể. Tuy nhiên, việc tìm quỹ duy trì sẽ khó khăn hơn. Đây là điều cần thiết để những người truyền giáo có thể cống hiến toàn thời gian cho những người rốt cùng. Các nữ tu và giáo dân thường lựa chọn làm việc trong các giáo phận của nước đón tiếp. Tuy nhiên, vấn đề làm cho sự đóng góp của họ được công nhận vẫn còn cần phải giải quyết. Một phương thức đang tự thiết lập, đó là phương thức liên dòng và đôi khi là các cộng đoàn truyền giáo hỗn hợp, cho phép nhà truyền giáo trải nghiệm đầy đủ các mối quan hệ hỗ tương.
Công cuộc loan báo Tin Mừng của thế kỷ 21 không thể thiếu phụ nữ
Tóm lại, công cuộc loan báo Tin Mừng của thế kỷ 21 không thể thiếu phụ nữ. “Sự sáng tạo của họ là không thể thiếu để đối diện với những tình huống khắc nghiệt. Đối với tôi, một nữ truyền giáo là người giúp khai sinh đức tin cho cả những người chưa biết và cả những người đã mất cảm thức về đức tin”. Một “bà đỡ của Tin Mừng” không lo lắng về việc rửa tội hay tệ hơn là chiêu dụ người khác vào đạo nhưng cố gắng mở các cửa sổ để cho hơi thở Thánh Thần tràn vào những người nam nữ thời nay.
Ngọc Yến – Vatican News