5 VỊ THÁNH CỦA THÁNG 12:
HÀNH TRÌNH SỐNG ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY, VÀ ĐỨC MẾN
WHĐ (02.12.2022) – Tháng 12 là tháng của Mùa Vọng và lễ Chúa Giáng Sinh, cũng có nghĩa là tháng của mong chờ, và niềm vui, khi hành trình của sự chờ đợi được đo lường qua những ngọn nến lần lượt được thắp lên vào mỗi Chúa nhật. Trong tháng này, lịch Phụng vụ cũng mừng những vị Thánh, mà đời sống của các Ngài thúc đẩy chúng ta sống niềm tin, cậy, mến trên hành trình cuộc đời.
Ngày 3 tháng 12 – Thánh Phanxicô Xaviê
Sinh ra trong một gia đình giàu sang quyền quý tại Tây Ban Nha, và là người có trí thông minh sắc sảo, Phanxicô Xaviê đã thành danh rất sớm. Những thành công đã đẩy Phanxicô chạy theo danh vọng hào nhoáng thế tục, coi trần gian là tất cả. Nhưng Thiên Chúa lại có một chương trình khác, khi có cơ hội gặp gỡ, kết thân với Inhaxiô Loyola, Phanxicô Xaviê đã được cảm hoá, và trở thành một trong những tu sĩ đầu tiên của Dòng Tên.
Nhận ra tính hư không của danh vọng, của cải trần thế, Phanxicô quyết định bỏ mọi vinh hoa, sống theo sát Tin Mừng, và chỉ chú tâm lo cứu rỗi các linh hồn. Miệt mài với sứ mạng truyền giáo, cha Phanxicô hăng hái rảo bước trên khắp nẻo của nước Ấn Ðộ, Macao, Nhật Bản, và chỉ trong vòng 10 năm, Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn người xin gia nhập đạo.
Dù qua đời ở tuổi 46, khi ước mơ truyền giáo chưa tròn, thánh Phanxicô Xaviê vẫn được biết đến như một nhà truyền giáo vĩ đại và là vị thánh bảo trợ cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.
Ngày 13 tháng 12 – Thánh Lucia
Lucia, có gốc từ tiếng Latinh lux, nghĩa là ánh sáng, do đó, thật thích hợp để nhìn lại đôi nét về cuộc đời thánh nữ khi chúng ta sống trong Mùa Vọng.
Chào đời tại nước Ý trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc, và dù cha mất sớm, nhưng Lucia luôn được mẹ dưỡng dục chu đáo, đặc biệt là về đức tin Kitô giáo.
Ngay từ thiếu thời, Lucia đã nguyện dâng mình cho Chúa Kitô nhưng người mẹ lại đã sắp xếp một cuộc hôn nhân tương xứng cho con gái mình. Như có sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa, mẹ của Lucia lâm trọng bệnh và được chữa khỏi sau khi tôn kính thánh tích của Thánh Agatha. Phép lạ này không những đã khiến bà chấp nhận để Lucia được tự do thực hiện ước nguyện của mình, mà còn thay đổi lối sống của cả hai mẹ con khi cùng bán hết tài sản, lấy tiền phân phát cho người nghèo.
Tức giận vì bị từ hôn, hôn phu của Lucia đã tố cáo danh tính Kitô Hữu của Lucia, kết quả là Lucia bị bắt và bị giải tới trước mặt quan tổng trấn Paschase. Quan đã dùng lời lẽ dụ dỗ cũng như đủ mọi cực hình để bắt Lucia dâng hương tế thần, nhưng Lucia một mực kiên quyết từ chối. Thất bại vì sự quả cảm và lòng tin sắt đá của Lucia, quan nổi giận cho lý hình lôi người trinh nữ đi với ý định để ngài phải chịu cái chết ô nhục. Theo truyện kể lại, thân xác của Lucia hoá ra nặng như đá, không sức mạnh nào kéo đi được, do đó chẳng ai có thể hãm hại được người trinh nữ thánh thiện. Trong cơn tức giận, quan ra lệnh cho quân lính tẩm dầu và châm lửa đốt, nhưng lại một lần nữa, thân xác Lucia được vẹn toàn giữa lửa hồng rực cháy. Sau cùng, trinh nữ Lucia lãnh phúc tử đạo bằng ngọn giáo của quân lính đâm vào cổ.
Tại Hungary có một phong tục là trồng “lúa mì Giáng sinh” vào ngày lễ Thánh Lucia. Được ấn nhẹ vào một cái chậu nhỏ, tưới nước và giữ trong nhà, hạt lúa sẽ nảy mầm và xanh mướt vào dịp lễ Giáng sinh. Sau đó, trẻ em có thể mang cây lúa xanh tươi đến nhà trẻ như một món quà dâng cho Hài nhi Giêsu. Phong tục này nhằm ca ngợi bánh Thánh Thể được dâng hiến trên bàn thờ, và trở nên nguồn lương thực mang lại sự sống vĩnh cửu cho chúng ta.
Xin cho chúng ta cũng có được lòng can đảm, tín trung để bảo toàn sự trong sạch của tâm hồn, tâm trí trong thực tế cuộc sống, như thánh nữ đã từng xác tín:
“Những người có trái tim trong sạch là đền thờ của Chúa Thánh Thần”
Ngày 14 tháng 12 – Thánh Gioan thánh giá
Sinh ra trong một gia đình nghèo, tại ngôi làng nhỏ gần thành phố Avila, Tây Ban Nha, Gioan đã phải làm việc để kiếm tiền phụ giúp mẹ khi người cha qua đời khi cậu mới 9 tuổi.
Trong thời gian giúp việc tại tu viện thánh Madalena, Gioan may mắn khi được các nữ tu không chỉ dạy về kiến thức mà còn huấn luyện cả về nhân bản và đức hạnh.
Lớn lên, Gioan theo đuổi ơn gọi tại dòng Camelô đi chân đất, và có cơ duyên gặp thánh Têrêxa Avila. Chính cuộc gặp gỡ của linh mục Gioan 25 tuổi, và nữ tu Têrêxa Avila 52 tuổi vào khoảng năm 1567 đã dẫn tới một bước ngoặt quan trọng đối với 2 vị thánh. Từ đây, khi dấn thân cho sứ mạng cải tổ Dòng theo gợi ý của người mẹ thiêng liêng Têrêxa Avila, cũng là lúc cha Gioan bước vào hành trình của đau khổ, ngay cả cho tới khi cuối đời.
Với ước muốn đưa Dòng trở lại sống theo luật nguyên thuỷ của tinh thần khó nghèo, khổ hạnh triệt để, cha Gioan bị chống đối và bị bắt giam trong một căn phòng nhỏ hẹp, tối tăm của tu viện ở Toledo. Trong suốt 9 tháng phải đối diện với đau khổ cha Gioan lại đã được củng cố trong lòng tin, cậy, mến và lấy làm vui mừng, hãnh diện và tự đặt tên cho mình là “Gioan thánh giá”.
Thật thế, khi luôn phải chịu đau khổ trong thân xác, tinh thần và cả đêm tối của đức tin, cha Gioan đã viết nhiều thánh thi và tác phẩm kể về kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Có thể kể đến: Đường lên núi Cát Minh; Ca khúc tâm linh; Đêm dày; Thơ, Châm ngôn và Lời khuyên; và Ngọn lửa tình nồng được xuất bản lần đầu tiên khoảng năm 1681.
Thánh Gioan thánh giá được Đức Clement X tôn phong Chân Phước năm 1675; Đức Bênêđictô XIII nâng lên hàng hiển thánh năm 1726, và Đức Pio XI tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh vào năm 1926, và thường được gọi là “Tiến sĩ thần bí”.
Ngày 21 tháng 12 – Thánh Peter Canisius
Cuộc đời tràn đầy năng lượng của thánh Peter Canisius phá vỡ mọi khuôn mẫu mà chúng ta có thể hình dung về cuộc đời trầm lặng của một vị thánh. Thật thế, sinh năm 1521 tại Hà Lan, và bị mồ côi mẹ khi vừa chào đời, Peter Canisius đã sống 76 năm cuộc đời mình với tốc độ phải được coi là anh hùng, ngay cả trong thời đại thay đổi nhanh chóng của chúng ta.
Là một người được ban cho nhiều tài năng, Peter Canisius là một tấm gương minh hoạ rõ nét về câu truyện người đầy tớ trung thành và khôn ngoan biết sinh lời những nén bạc của mình như được đề cập đến trong Tin Mừng.
Ngay từ khi còn nhỏ, Peter Canisius đã bắt đầu thực hành tiến trình mà Ngài luôn tiếp tục trong suốt cuộc đời đó là nghiên cứu, suy tư, cầu nguyện và sáng tác. Mặc dù đã từng tự trách là mình lười biếng khi còn trẻ, nhưng thực tế là vào năm 19 tuổi Peter Canisius đã nhận bằng thạc sĩ tại trường đại học ở Cologne và trở thành một trong những giáo sư về đức tin rất nổi tiếng vào thời của mình.
Sau khi gia nhập Dòng Tên và được biết đến rộng rãi nhờ các ấn bản về các tác phẩm của Thánh Cyril thành Alexandria và Thánh Leo Cả, cha Peter Canisius tận tâm với sứ mạng giảng thuyết lưu động. Dù dành thời gian để tham gia một trong các phiên họp của Công đồng Trentô, nhưng cha từ chối lời mời gọi trở thành giám mục, hầu có thể dồn công sức vào việc thành lập các trường đại học và chủng viện. Ngoài ra, cha Peter Canisius còn có lòng thương cảm sâu xa, khi người ta thường thấy Ngài đến thăm những người ốm đau hoặc bị cầm tù.
Không chỉ nổi tiếng là một nhà giảng thuyết hùng hồn, cha Peter Canisius còn có khả năng ngoại giao tuyệt vời, thường đóng vai trò hòa giải giữa các phe phái tranh chấp. Trong bất cứ bối cảnh nào, cha luôn thể hiện là một người khôn ngoan, cương trực, thẳng thắn, nhưng đầy yêu thương và cảm thông.
Theo cha Peter Canisius, “Đức ái là gì? Đó là nhân đức do Thiên Chúa ban tặng, qua đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa vì chính Ngài đáng được yêu mến, và chúng ta yêu thương tha nhân trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa”.
Ngày 27 tháng 12- Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử
Chính Thiên Chúa cất lời kêu gọi và con người đáp trả! Dù đang là môn đệ của Gioan Tẩy giả, Gioan, cùng với anh trai là Giacôbê, được Đức Giêsu gọi chọn để đi theo, sống với, và tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Người. Tính tuyệt đối của lời đáp trả của các ngài được trình bày rất đơn giản trong Tin Mừng “đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4, 21b-22).
Là một trong ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu, cùng với Phêrô và Giacôbê, Gioan được chứng kiến những biến cố đặc biệt và quan trọng trong cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu. Cụ thể là khi Đức Giêsu làm phép lạ cho con gái ông Giairô sống lại (Mc 5,37); khi Đức Giêsu biến hình (Mt 17,1); khi Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu trước cuộc tử nạn (Mt 26, 36- 42). Trong bữa tiệc ly, Gioan được ngồi bên cạnh và ngả đầu vào ngực Đức Giêsu (Ga 13,23-25); Gioan là môn đệ trung thành đi theo Đức Giêsu trên đường thương khó và can đảm đứng dưới chân thập giá. Đặc biệt, Gioan được Đức Giêsu trối và trao phó cách riêng cho Ðức Mẹ, và Gioan đã “rước Bà về nhà mình” (Ga 19, 25-27). Dù thế, Gioan cũng vẫn là con người với những khuyết điểm, tham sân si nhất định, khi từng có ý tranh giành ngôi thứ (Mt 20, 27-28), và cũng từng bị Đức Giêsu quở trách là “con của sấm sét” khi ông ngỏ ý muốn khiến lửa từ trời giáng xuống những người Samari không tiếp đón Chúa Giêsu khi trên đường đến Giêrusalem (Lc 9, 51-55).
Luôn sống gần gũi, thiết thân với Thầy Giêsu, Gioan được phúc am hiểu sâu sắc về con người và về giáo lý của Thầy và được cho là đã viết sách Tin Mừng thứ tư, 3 bức thư, và sách Khải huyền. Với những cảm nghiệm sâu sắc và cách diễn tả cao siêu về Đức Giêsu, Đấng khởi nguyên là Ngôi Lời trong cung lòng Chúa Cha, Ngài được ví như cánh chim phượng hoàng bay vút lên trời cao.
Dù từng bị bắt đi đày ở đảo Pátmô trong cuộc bách hại thời Hoàng đế Đômitianô, nhưng Gioan là vị tông đồ duy nhất không tử đạo. Tương truyền rằng, trong những ngày cuối đời, với tuổi cao sức yếu, ngài được đưa tới Hội đường để giảng dạy, thánh nhân thường lặp đi lặp lại câu: “Các con hãy yêu thương nhau” mà không hề cảm thấy nhàm chán, vì với thánh nhân, “Đó là lệnh truyền của Chúa, và như vậy là đủ”.
***
Khi đọc lại đôi nét về cuộc đời của thánh Phanxicô Xaviê, thánh Lucia, thánh Peter Canisius, Thánh Gioan Thánh giá, và thánh Gioan Tông đồ Thánh sử chúng ta được nhắc nhở rằng, trong bất cứ bậc sống và hoàn cảnh sống nào, thì:
– Đức Tin luôn là ánh sáng dẫn đường khi chúng ta rơi vào bất cứ tình huống đen tối, khổ đau, ngờ vực nào để biết bám vào chân lý và tìm thấy trong đó sức mạnh để kiên vững, tín trung cho đến cùng;
– Đức Cậy luôn là cột trụ nâng đỡ khi chúng ta chạm phải bất cứ thách đố, chông chênh, thất vọng nào để vượt trên mọi thứ cân đo đong đếm theo nhãn quan trần thế với niềm hy vọng mạnh mẽ, khiêm tốn và không đổi thay;
– và Đức Mến luôn là lẽ sống khi chúng ta đối diện với những chọn lựa để sống cho mình, hay sống cho Thiên Chúa để dám mở lòng mình cho sự lấp đầy của Thiên Chúa, nhờ đó, cuộc sống của chúng ta trở thành món quà của tình yêu đem lại thiện ích, niềm vui, bình an cho mình, cho tha nhân, và cho thế giới.
Vì, Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, mà chúng ta đang mong chờ ngày Người tái lâm, cũng chính là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, và trên tất cả, là Đấng luôn hiện diện, ở với, và yêu thương chúng ta bằng một tình yêu khôn sánh, khôn vơi, và khôn cùng.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: aleteia.org (01. 12. 2022);
franciscanmedia.org/saint Peter Canisius;
và franciscanmedia.org/saint John