THÁNH MARIA FRANCESCA RUBATTO: NỮ CHỨNG NHÂN THEO ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA DÒNG PHANXICÔ THỜI HIỆN ĐẠI
WGPVL (02.09.2022) – “Hãy là chị em của mọi người”, vị thánh đầu tiên của Uruguay, Mẹ Francesca Rubatto (hay còn gọi là Anna Maria), đã viết như thế cho Dòng các Nữ tu Capuchin. Sinh ngày 14 tháng 02 năm 1844 tại Carmagnola, Ý, Mẹ Francesca Rubatto đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh vào Chúa nhật, ngày 15 tháng 5 năm 2022. Tinh thần phục vụ đã truyền cảm hứng cho cuộc đời và việc tông đồ của thánh nữ tại Montevideo, thủ đô của Uruguay, nơi thánh nữ đã chọn để sống từ năm 1892 cho đến khi qua đời vào năm 1904. Trên thực tế, trong di nguyện và chúc thư cuối cùng của mình, thánh nữ đã bày tỏ nguyện vọng được chôn cất “giữa những người nghèo thân yêu của mình”.
Trang web của Dòng các Nữ tu Capuchindo Mẹ Rubatto thành lập khẳng định rằng “thánh nữ đã mang đến cho đường hướng của Dòng Phanxicô một phiên bản nữ giới thời hiện đại” và thánh nữ là “một trong những nhân vật vĩ đại nhất của các nữ tu Dòng Phanxicô ngày nay”. Trang web còn cho biết thêm một cách tường tận rằng “giống như Thánh Phanxicô Assisi, Mẹ Francescađã gặp gỡ Chúa Kitô nơi những người nghèo khổ, và có một kinh nghiệm đích thực về Quý cô Nghèo khó (Lady Poverty).”
“Mẹ Francesca vốn là một nữ tu trong số các nữ tu, hơn là một người mẹ lập dòng, và thánh nữ đã sống một lòng nhiệt thành truyền giáo sâu sắc và khát mong chịu tử đạo, những điều đã đồng hành với thánh nữ cho đến cuối cuộc đời, một cuộc đời đã bị tiêu hao bởi lòng bác ái và tình yêu đối với Chúa Giêsu và người nghèo.”
Được thành lập vào ngày 23 tháng 01 năm 1885, ngày nay Dòng các Nữ tu Capuchin đang hiện diện tại Ý, Uruguay, Argentina, Brazil, Peru, Ethiopia, Eritrea, Kenya và Malawi, với các trường học và giáo xứ nơi các nữ tu trợ giúp những người khó khăn nhất.
Khi đến Uruguay, Mẹ Rubatto đã chọn khu vực La Teja, Belvedere, Paso de la Arena và Barra de Santa Lucia, vào thời điểm đó, đây là vùng đất cằn cỗi. Vị thánh nữ này thường tạo lập mối tương quan với người dân địa phương, thậm chí với cả những công nhân trên đường đến lò mổ vào sáng Chúa nhật, và bắt chuyến tàu với họ vào lúc bình minh, lúc 4 giờ sáng. Bên cạnh nhiều việc khác, Mẹ Rubatto có khả năng nhận ra những nhu cầu của người khác về quần áo và thực phẩm, và với một tầm nhìn sâu rộng, Mẹ Rubatto đã quyết định để một nhóm nữ tu của mình đến sống tại khu phố Belvedere, nơi có một đền thờ ngày nay đang lưu giữ di hài của thánh nữ.
Vì vậy, Mẹ Rubatto đã hoàn thành một công việc đáng khen ngợi trong việc đào tạo và truyền giáo: vị thánh nữ này đảm bảo cho các cô gái trẻ học một nghề để họ có thể kiếm sống mà không phải lệ thuộc vào gia đình. Mẹ Rubatto đã dạy họ đọc, viết, nấu ăn, may vá và thêu thùa; ngoài ra, thánh nữ còn mang đến cho họ một nền đào tạo về đạo. Những công trình mà Mẹ Rubatto khởi sự sau này đã trở thành những cơ sở đào tạo lớn, như trường trung học San José de la Providencia de Montevideo và các trường Thánh Phanxicô Assisi ở Rosario và Buenos Aires, Argentina.
Cha Carlo Calloni, cáo thỉnh viên trong án tuyên thánh của Mẹ Rubatto, nói với Vatican Radio-Vatican News rằng một trong những đặc điểm nổi bật của Mẹ Rubatto là lòng cởi mở đón nhận và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa nơi tình thế đầy thử thách mà thánh nữ đã gặp phải. Đơn cử như khi 40 tuổi, thánh nữ đã được đề nghị để hướng dẫn một dự án ở Loano, thuộc Giáo phận Genoa. Đó là một lời mời gọi khác thường theo lối suy nghĩ của người đời, vị cáo thỉnh viên nhớ lại rằng: “Có một hòn đá rơi từ giàn giáo xuống, và đang khi giúp đỡ người công nhân xây dựng bị thương thì thánh nữ nhận được cuộc gọi từ một tu sĩ Dòng Capuchin là Cha Angelico da Sestri Ponente, người đã đề nghị cho thánh nữ vị trí người hướng dẫn.” Sau khi bàn hỏi với Cha linh hướng về lời đề nghị đó, Mẹ Rubatto đã quyết định chấp nhận.
Một khía cạnh ít được biết đến của Mẹ Rubatto là sự gần gũi với Thánh Gioan Bosco. Gia đình Dòng Salêdiêng ở Uruguay đã giải thích tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đến Mẹ Rubatto từ vị thánh có biệt danh là “Cha và Thầy của giới trẻ”. Theo một ấn phẩm báo chí của Dòng Salêdiêng ở Uruguay, cuộc đời của vị thánh nữ này biểu lộ “mối tương quan bền vững và kiên định với Thánh Gioan Bosco”. Ấn phẩm này còn viết rằng Thánh Francesca đã đến Turin vào năm 1862 sau khi mất đi gần như toàn bộ gia đình. Thánh nữ định cư tại nhà của người chị gái đã kết hôn và sau đó làm việc cho một nữ bá tước giàu có. Bài báo còn cho biết thêm: “Chính lúc Thánh Gioan Bosco đang xây dựng các ngôi nhà nguyện của mình thì thánh nữ đã quyết định cộng tác với ngài trong sự khôn ngoan, thận trọng, ân cần và tế nhị, những đức tính luôn là đặc điểm của thánh nữ.”
Các tu sĩ Dòng Salêdiêng nói rằng những lời tiên đoán của Thánh Gioan Bosco về sứ mệnh của Mẹ Rubatto đã hoàn toàn trở thành sự thật, và vị thánh nữ này đã kết hợp vào sứ mạng của mình các yếu tố khác nhau của Hệ thống Giáo dục Dự phòng (Preventive System), chẳng hạn như việc mong muốn giúp đỡ những người trẻ bị bỏ rơi, giáo dục và thúc đẩy họ tìm lại phẩm giá cho đời mình.
Biệt danh “vị thánh đầu tiên của Uruguay” của Mẹ Rubatto được lấy cảm hứng từ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người trong Thánh lễ tuyên phong Chân phước cho thánh nữ vào ngày 10 tháng 10 năm 1993 đã nói rằng: “Hôm nay, chúng con chào đón Mẹ với tư cách là Chân phước đầu tiên của Uruguay.”
Trong bài giảng của mình, Thánh Gioan Phaolô II còn nói thêm:
“Giáo Hội kính chào Mẹ, Nữ tu Maria Francesca Chúa Giêsu, Người sáng lập Dòng Ba Loano, người đã làm cho cuộc sống của mình trở thành một sự phục vụ không ngừng dành cho những người thấp kém nhất và là người đã làm chứng cho tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa dành cho những người thấp hèn. Khi trung thành theo bước theo Thánh Phanxicô, vị thánh yêu mến sự nghèo khó của Tin Mừng, mẹ đã không chỉ học cách phục vụ người nghèo, mà còn làm cho chính mình trở nên nghèo khó, và mẹ còn chỉ dạy cho con cái thiêng liêng của mình cách thức truyền bá Tin Mừng đặc biệt này. Với sự phát triển của cơ sở đào tạo, cái nhìn ban đầu này đã trở thành một động lực truyền giáo sâu sắc đưa Mẹ và công việc của Mẹ đến Châu Mỹ Latinh, nơi một số con cái thiêng liêng của Mẹ đã ghi dấu, bằng việc hy sinh cả cuộc đời, để phục vụ người nghèo, điều đã làm nên đặc sủng được trao phó cho Dòng, vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội.”
Sebastián Sansón Ferrari
Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Chuyển ngữ từ L’Osservatore Romano