TÔI TỚ CHÚA LINH MỤC TUYÊN ÚY EMIL KAPAUN
WHĐ (14.6.2021) – Năm 1993, Linh mục tuyên úy Emil Kapaun được tuyên bố là Tôi tớ Chúa. Cha là tuyên úy trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai và được biết đến vì những phục vụ trong Chiến tranh Triều Tiên cùng trung đoàn Kỵ binh số 8 của Quân đội Hoa Kỳ. Sau khi bị bắt làm tù binh, cha đã phục vụ và mục vụ cho những binh lính khác trong một trại tù, nơi cha đã qua đời ngày 23 tháng 5 năm 1951.
Cha Hotze, người đang phục vụ với tư cách là đại diện giám mục đối với án phong chân phước cho cha Kapaun, đã dành nhiều lời ca ngợi cho cha Kapaun, và mô tả vị tuyên úy quân đội này là “một người bình thường có thể làm những điều phi thường để phục vụ anh chị em của mình và cuối cùng điều đó cũng có nghĩa là phục vụ cho Thiên Chúa.”
Cha Hotze chia sẻ thêm: “Và đó là cách mà cha Kapaun đã dâng hiến cuộc đời của mình. Cha thực sự noi theo gương của Đức Kitô. Bạn có thể thấy rằng cuộc đời, cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô, tất cả đều thể hiện nơi Cha Kapaun.”
Cha Kapaun sinh ra ở Pilsen, bang Kansas vào năm 1916. Cha trưởng thành trong suốt thời kỳ Đại suy thoái. Cha được thụ phong linh mục vào năm 1940 và bắt đầu mục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ tại quê hương của mình.
Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, cha Kapaun đã cử hành các bí tích tại Sân bay Quân đội Harrington gần đó cho đến khi cha trở thành tuyên úy quân đội toàn thời gian vào năm 1944. Cha đóng quân ở Ấn Độ và Miến Điện trong suốt thời gian chiến tranh. Ở đó, cha mục vụ các binh lính và phục vụ đơn vị của mình một cách quên mình.
Cha cũng nổi tiếng về lòng dũng cảm. Sau khi chiếc xe jeep của cha Kapaun bị hỏng, cha thường đạp xe đến gặp các binh lính ngay cả ở tiền tuyến. Cha đã lần theo tiếng súng để tìm họ.
Sau khi Thế chiến thế giới thứ hai kết thúc, cha Kapaun theo học lịch sử và giáo dục tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ. Cha trở về nhà một thời gian ngắn với tư cách là cha xứ của giáo xứ thời niên thiếu của cha và phục vụ tại một số giáo xứ khác. Năm 1948, Hoa Kỳ ra lời kêu gọi các tuyên úy quân đội trở lại phục vụ. Cha Kapaun đã đáp lại lời kêu gọi ấy. Sau đó, cha được cử đến Texas, Washington và Nhật Bản trước khi điều động tới Hàn Quốc.
Trong suốt Trận chiến Unsan vào tháng 11 năm 1950, cha Kapaun đã làm việc không mệt mỏi để an ủi những người đau khổ và mang về những người bị thương từ chiến trường. Một trong những người lính mà cha mang về được là một người lính Trung Quốc bị thương, người đã giúp cha thương lượng đầu hàng sau khi cha bị quân địch bao vây. Cha Kapaun bị bắt làm tù binh.
Ngay cả trong hoàn cảnh đó, cha vẫn tiếp tục giúp đỡ những người khác. Cha Kapaun mang trên mình một bạn tù bị thương và nặng hơn cha 20 pound (gần 9 kilôgam) trên đoạn đường dài khoảng 30 dặm để đến một trại tù. Tù nhân này có thể đã bị giết bởi quân địch nếu anh ta không theo kịp cuộc hành quân.
Cha Kapaun bị đưa đến trại tù số 5 ở Pyoktong, một ngôi làng từng bị đánh bom được sử dụng làm trung tâm giam giữ. Các binh lính tại trại tù này bị ngược đãi nghiêm trọng và bị suy dinh dưỡng, bị bệnh kiết lỵ, thiếu quần áo ấm để chống lại một mùa đông cực kỳ lạnh giá. Cha Kapaun đã làm tất cả những gì có thể cho các binh lính ấy. Cha đã giặt quần áo bẩn của họ, mang về nước sạch và chăm sóc những vết thương cho họ.
Cha đã giúp bạn tù giải quyết các vấn đề và giữ vững tinh thần. Cha đã thức đêm để viết thư về nhà thay cho thương binh. Nhiều tù binh chiến tranh được trao trả cho biết rằng những nỗ lực của cha đã giúp họ sống sót trong một mùa đông khắc nghiệt. Đối với những người không qua khỏi, cha đã giúp chôn cất thi thể của họ.
Cha Kapaun đã cử hành các bí tích cho các bạn tù của cha, nghe họ xưng tội và dâng Thánh Lễ. Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1951, khoảng hai tháng trước khi chết, cha đã tổ chức Lễ Phục Sinh cho các tù nhân.
Khi bị viêm phổi và xuất hiện cục máu đông ở chân, vị tuyên úy này đã bị từ chối điều trị y tế, dẫn đến cái chết của cha.
Vì sự dũng cảm của mình tại Unsan, cha Kapaun đã được truy tặng Huân chương Danh dự của Quốc hội Hoa Kỳ trong một lễ kỉ niệm năm 2013 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Huân chương là phần thưởng quân đội cao quý nhất của Hoa Kỳ dành cho lòng dũng cảm.
Ngày 04 tháng 3 năm 2021, các điều tra viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã nhận dạng được hài cốt của cha Kapaun nằm trong số hài cốt của những binh lính vô danh được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia của Thái Bình Dương ở Hawaii. Đây thật là một bất ngờ và vui mừng khôn tả dành cho những người thân và những người tôn kính cha tại bang Kansas, quê hương cha.
Ray Kapaun, cháu trai của cha Kapaun, đã nói rằng: “Không có từ nào có thể giải thích cảm xúc lúc này, tôi biết đã có rất nhiều phép lạ được nhìn nhận nơi chú ấy, hoặc đang trong quá trình điều tra để được nhìn nhận nơi chú ấy, nhưng tôi nghĩ mọi người đều coi sự kiện này là một phép lạ. Bởi vì điều này thật quá bất ngờ. Ý tôi là, gia đình tôi, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ chứng kiến điều này trong đời.”
Cha John Hotze chia sẻ: “Tôi chỉ hy vọng mọi người cũng hân hoan như chúng tôi. Thật tuyệt vời khi biết rằng cha Kapaun sắp được trở về nhà sau gần 70 năm… Mọi người được truyền cảm hứng từ những gì cha Kapaun có thể làm. Cha được sinh ra không lâu trước thời kì suy thoái. Cha lớn lên trong suốt thời kỳ suy thoái ấy như một người nông dân nghèo ở Kansas. Gia đình không có gì. Và cha đã có thể làm nên những điều tuyệt vời mà không cần gì cả.”
Cha Hotze chia sẻ thêm: “Cha Kapaun đã sử dụng những gì cha có, và dùng nó để phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Tôi nghĩ cha là một mẫu gương hoàn hảo cho mỗi người trong chúng ta phấn đấu để trở thành một vị thánh. Chúng ta có thể nhìn vào mẫu gương của cha và nhận ra cho dù chúng ta nghèo túng, cho dù chúng ta cơ cực, cho dù chúng ta không có gì trong cuộc đời, thì chúng ta vẫn có thể là một con người thánh thiện.”
Tác giả: Kevin J. Jones
Chuyển ngữ: Anthony Lai
Từ: catholicnewsagency.com