Hành trình ơn gọi của linh mục khiếm thính Min Seo Park
Vào năm học trung học, Park theo học về nghệ thuật tại một trường kỹ thuật dành cho người điếc. Dù sinh ra trong một gia đình Phật giáo, Park thích cùng với các bạn học đi đến nhà thờ. Một giáo sư nghệ thuật đã giới thiệu với Park về đức tin Công giáo. Và khi đọc những cuốn sách của giáo sư tặng, Park đã khám phá ra điều gì đó mới mẻ và tràn đầy sinh lực trong Công giáo.
Mong ước có linh mục khiếm thính
Khi đó Park có thể tham dự Thánh lễ tại một nhà thờ có người thông dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính. Nhưng cha sở không phải là người khiếm thính, và ngài giảng bằng ngôn ngữ nói. ChaPark nhớ lại, một số người khiếm thính đã ngủ gật trong Thánh lễ.
Cha Park kể: “Những người khác đã thất vọng và bắt đầu bỏ đi, và tôi hỏi họ ‘Các bạn đi đâu?’ Họ nói: ‘Chúng tôi sẽ đến nhà thờ Tin lành, ‘bởi vì mục sư ở đó, một người khiếm thính, nói rõ ràng và dễ hiểu’. Họ không muốn nghe một linh mục qua một thông dịch viên vì tất cả thật khó hiểu và họ cảm thấy thật buồn chán.”
Mặc dù Park đã được rửa tội, nhưng đức tin của cậu vẫn chưa thực sự đâm rễ sâu và cậu bị cám dỗ để quay trở lại nhà thờ Tin lành, nơi các bài giảng của mục sư được truyền tải bằng ngôn ngữ ký hiệu “rõ ràng và tuyệt vời”.
Câu hỏi của Chúa
Cha Park kể tiếp: “Vì vậy, tôi đã cầu nguyện và xin Chúa gửi đến cho chúng tôi một linh mục biết cách làm dấu hiệu cho những người khiếm thính. Tôi không nhận được câu trả lời. Tôi tiếp tục cầu nguyện, nhưng tôi có cảm giác rằng Chúa Giê-su đang nói với tôi, ‘Này, tại sao không phải là con?’ Tôi nghĩ, ‘Tôi? Làm thế nào một người điếc có thể trở thành một linh mục? Điều đó là không thể.’ Nhưng suy nghĩ đó thực sự bắt đầu lớn dần trong tôi, rằng tôi được kêu gọi để đáp ứng nhu cầu đó. Đó là cách mà thiên chức linh mục của tôi thực sự bắt đầu.”
Hành trình chông gai
Con đường dẫn đến chức linh mục của cha Park đầy gập ghềnh khó khăn. Mọi chuyện bắt đầu khi cha biết về cha Tom Coughlin, một linh mục người Mỹ bị điếc. Ngay từ lúc đó, cha Park đã nhận ra,“ Có thể có khả năng trở thành một linh mục khiếm thính.” Điều đó đã mang lại cho cha hy vọng.
Cha Coughlin và cộng đoàn các thừa sai Đa minh
Cha Coughlin thụ phong linh mục năm 1977 tại Baltimore, là linh mục khiếm thính đầu tiên ở Bắc Mỹ. Ngài thành lập cộng đoàn các thừa sai Đa minh hoạt động tông đồ cho người khiếm thính. Cha Coughlin khuyến khích Park đến Hoa Kỳ và theo học tại Gallaudet, nơi mà cha đã học cả ngôn ngữ ký hiệu Anh và Mỹ và lấy bằng cử nhân triết học. Đây là đại học duy nhất cung cấp cho học sinh khiếm thính trên khắp thế giới cơ hội học Ngôn ngữ ký hiệu Hoa Kỳ. Từ đó, Park theo học một chương trình dành cho các chủng sinh khiếm thính mà cha Coughlin đã thiết lập tại Tổng giáo phận New York. Tại Đại Chủng viện Thánh Giuse ở Yonkers, Park đã học cùng với khoảng 20 chủng sinh không có vấn đề về thính giác.
Một năm thất vọng
Cha Park nhớ lại, “Đó là một thử thách rất lớn đối với tôi. Nền tảng và bằng cấp học vấn của họ hơn tôi nhiều. Tôi đã phải rất kiên nhẫn. Các giáo viên nói rất nhanh. Tôi không có thông dịch viên, chỉ có một máy tính xách tay với một người đánh máy cho tôi. Vì các giáo sư nói quá nhanh nên hoàn toàn không thể đánh máy được mọi thứ, và tôi đã thiếu sót rất nhiều. … Tôi không thực sự hiểu mọi thứ, và tôi đã bị tụt lại phía sau rất xa.”
Sau khoảng một năm, Park đạt kết quả trung bình và nhận được một lá thư từ các vị phụ trách của chủng viện nói rằng họ không thấy được khả năng Park sẽ trở thành một linh mục. Họ nghĩ tốt nhất là Park nên rời khỏi chủng viện. Đồng thời chương trình dành cho các chủng sinh khiếm thính đã bị đóng cửa. Đó là một cú sốc đối với Park. Park không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
Tìm lại sức mạnh từ tấm gương của thánh Gioan Vianney
Cha Coughlin đã khuyến khích Park đừng bỏ cuộc. Park chờ đợi và cầu nguyện, và một ngày nọ, ngẫu nhiên nhặt được một cuốn sách và bắt đầu đọc. Đó là về Thánh Gioan Vianney, người cũng bị yêu cầu rời khỏi chủng viện vì tiếng Latinh kém. Nhưng cha sở của Vianney đã thỉnh cầu giám mục và cho người chủng sinh trẻ được giúp đỡ thêm. Vianney không chỉ tiếp tục thụ phong nhưng còn là một linh mục gương mẫu đến mức ngày nay ngài được xem là vị thánh bổn mạng của các cha sở. Park cảm thấy mình có cùng hoàn cảnh với cha Vianney và cha thánh đã kiên trì và đã trở thành một linh mục. Điều này giúp Park cảm thấy tích cực trở lại và tin rằng Chúa sẽ đáp lại nguyện ước của mình.
Cha Coughlin đã giúp Park tham gia một chương trình tại Đại học thánh Gioan ở Queens, New York, nơi cậu chủng sinh trẻ có sự hỗ trợ của hai thông dịch viên và một người ghi bài. Park đã lấy bằng thạc sĩ về thần học vào năm 2004 và về lại Seoul để được chịu chức linh mục.
Là cha sở của giáo xứ Ephatha ở Seoul, cha Park cử hành thánh lễ bằng ngôn ngữ ký hiệu Hàn Quốc cho khoảng 200-250 người vào mỗi Chúa Nhật. Một phần công việc của cha là xây dựng nhà thờ, đã hoàn thành vào tháng 8/2019.
Mới đây cha Park được mời đến giúp cộng đoàn người khiếm thính ở Washington, nơi có đông người khiếm thính vì số sinh viên tốt nghiệp ở Gallaudet ó xu hướng ở lại địa phương, “vì ý thức cộng đồng” và tìm việc làm và các cơ hội khác.
Gallaudet hiện đang đóng cửa do đại dịch, nhưng cha Park cho biết khuôn viên trường dự kiến sẽ mở lại 50% sức chứa trong mùa hè và mở cửa hoàn toàn vào mùa thu. Cha rất mong được làm việc với các sinh viên ở đó, nơi cha đã từng là một trong số họ. Cha sẽ có thể mang đến cho họ những lời động viên mà cha đã nhận được từ những người khác khi mọi thứ trông thật ảm đạm. (Aleteia 05/05/2021).
Hồng Thủy
nguồn: Vatican News Tiếng Việt