CHUYÊN GIA THỜI TRANG: “CẢM HỨNG LỚN NHẤT CỦA TÔI LÀ ĐỨC MẸ”
WHĐ (24.1.2021) – Người công giáo, ngành công nghiệp thời trang và lời mời gọi đến với vẻ đẹp: Cùng gặp gỡ vị giảng viên đại học tin rằng vẻ đẹp và thời trang được nối kết với sự thánh thiện.
“Thời trang là về sự thông truyền. Tất cả chúng ta đều hiệp nhất. Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta chỉ để mặc quần áo đen và áo phông. Tất cả chúng ta đều khác nhau trong trang phục, dựa theo vẻ ngoài và phong cách sống. Thời trang đích thật là nhìn vào những điểm mạnh và những điểm yếu của ta, nên chúng ta có thể trở thành một nghệ sĩ trong việc biểu lộ vẻ đẹp của Thiên Chúa qua cơ thể mình.”
Cùng gặp gỡ Isabel Cantista!
Cô đã giảng dạy tại Đại học Công giáo ở Porto, Đại học Porto và ISEM (Trường Kinh doanh Thời trang với IESE) ở Barcelona trước khi đạt được bằng tiến sĩ trong lĩnh vực nghiên cứu quản trị và kinh doanh từ Đại học Sheffield. Cô đã làm việc trong ngành công nghiệp thời trang trong hơn một thập kỷ. Hiện nay, cô giảng dạy về “tiếp thị và đổi mới” ở Đại học Lusíada do Porto. Cô cũng là một thành viên trong Ban chuyên gia của Cơ quan điều hành về năng lực cạnh tranh và đổi mới của Ủy ban Châu Âu. Ngay khi trở thành biên tập viên khách mời tại Tạp chí quản lý và tiếp thị thời trang và giám khảo cho Tạp chí tiếp thị Châu Âu, cô đã xuất bản một số sách và bài báo về thời trang. Quyển sách mới nhất của cô, biên tập cùng với Teresa Sádaba từ Trường Kinh doanh Thời trang ISEM, thuộc Đại học Navarra, được xuất bản bởi Palgrave Macmillan vào tháng 11 năm 2019 có tựa đề: Understanding Luxury Fashion: From Emotions to Brand Building (tạm dịch: Hiểu về thời trang sang trọng: Từ cảm xúc đến xây dựng thương hiệu).
Cantista không hề ảo tưởng về tầm quan trọng của ngành công nghiệp thời trang ngày nay, cô nói: “không chỉ vì số tiền khổng lồ mà nó tạo ra, mà vì thời trang là một công cụ mạnh mẽ về mặt giao tiếp, cả về mặt cá nhân và xã hội. Nó khiến chúng ta hạnh phúc hơn khi nhìn thấy mình trong gương, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến quan điểm của người khác về chúng ta. Đó là lý do tại sao thời trang kiếm ra tiền.”
Vậy có ai tốt hơn Cantista để trả lời các câu hỏi: Thời trang có phải là điều mà người Công giáo nên quan tâm? Hay là nó chỉ dành cho thế gian?
Trao đổi với tờ Register vào mùa thu này từ nhà riêng ở Porto, Bồ Đào Nha, ý thức rõ về sứ mệnh của mình, Cantista nói, “Là một học giả, tôi cố gắng nghiên cứu thời trang, tập hợp những người có thể tạo ra sự khác biệt từ học viện và ngành công nghiệp, thúc đẩy thêm những thời trang tích cực đưa mọi người đến gần hơn với Thiên Chúa: Vẻ đẹp và Sự tốt lành”.
Vì vậy, có một chiều kích thiêng liêng nào đối với công việc của cô ấy trong ngành thời trang không? “Có, chắc chắn rồi,” cô ấy trả lời. “Hai khía cạnh khiến con người khác biệt với các loài khác là thẩm mỹ và đạo đức. Điều này có nghĩa là chúng ta là những sinh vật duy nhất có thể cảm nhận được những cảm xúc mạnh mẽ, sự pha trộn giữa niềm vui và sự ngạc nhiên, khi chúng ta tình cờ gặp một thứ gì đó đẹp đẽ. Và, đồng thời, chúng ta là những sinh vật duy nhất có thể nhận ra mục đích hành động của mình và xác định được liệu chúng ta có muốn theo đuổi chúng hay không. Không có ngành nào khác – ngoài thời trang – mà chúng ta có thể thực sự chạm vào hai đặc điểm này một cách mạnh mẽ như vậy.” Cô ấy nói thêm, “Là một người Công giáo, tôi tin rằng Chúa là Vẻ đẹp và Sự tốt lành, vì vậy chắc chắn có một chiều kích thiêng liêng mạnh mẽ trong thời trang.”
Riêng về mặt tài chính, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu rất to lớn. Theo Euromonitor, ngành thời trang là ngành kinh doanh hàng tiêu dùng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau đồ ăn và thức uống. Riêng trong năm 2018, quần áo và giày dép có tổng giá trị bán lẻ đạt 1786 tỷ đô la Mỹ. Nếu bạn thêm vào đấy nước hoa và các sản phẩm làm đẹp khác, như đồng hồ và đồ trang sức cao cấp, bạn sẽ thấy một khoản tiền khổng lồ.
Tuy nhiên, đối với nhiều người Công giáo, ngành công nghiệp thời trang có thể có vẻ rõ ràng chống lại Kitô giáo, khi luôn có một từ bị thiếu trong bất kỳ quảng cáo nào, đó là “đoan trang”. Cantista có đồng ý với quan điểm tiêu cực này không? Cô ấy trả lời. “Không. Nhìn vào thời trang từ đầu thế kỷ 20, nó có liên quan đến lối sống bị coi là phóng túng, nếu không muốn nói là vô đạo đức. Tôi nghĩ ngày nay mọi thứ đã tốt hơn. Những người làm việc trong ngành này chuyên nghiệp hơn chứ không phải là ‘những nghệ sĩ mất trí’. Nhưng tôi nghĩ rằng truyền thông thời trang thiếu các chuyên gia: người mẫu, nhiếp ảnh gia và nhà sản xuất video, những người có thể đóng góp vào những vị trí làm việc để thời trang có thể được nhìn nhận theo một cách khác.
“Nếu bạn đi bộ xuống phố, ở hầu hết mọi nơi bạn đều thấy những người ăn mặc giản dị. Nhưng việc thể hiện bản thân một cách thanh lịch thì không dễ dàng: Bạn phải đầu tư thời gian (mặc dù không nhất thiết phải có nhiều tiền) để bạn có những món đồ thời trang phù hợp trong tủ quần áo của mình – không quá nhiều, nhưng chỉ là những gì bạn cần để tiếp tục cuộc sống của mình: những màu sắc phù hợp khiến bạn tỏa sáng và điều đó sẽ làm cho bạn cảm thấy hấp dẫn và thoải mái. Nếu bạn muốn viết một cuốn sách hay, hoặc dọn dẹp nhà cửa, thì bạn cần nỗ lực thực hiện. Thời trang cũng vậy”.
Cantista tiếp tục chỉ ra rằng một trong những xu hướng thời trang gần đây, và một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ hơn hàng năm, là ý tưởng về “tủ quần áo thu gọn”. Cô ấy giải thích, “Bạn có thể chỉ có 12 bộ quần áo, nhưng bạn mặc chúng theo 30 cách khác nhau hoặc nhiều hơn. Điều này tốt cho hành tinh của chúng ta, và nó chắc chắn tốt cho bạn. Nhưng nó không xảy ra một cách tình cờ”.
Nhận xét của Cantista về hành tinh của chúng ta thật đúng lúc. “Ngành công nghiệp thời trang có thể là một thực thể khổng lồ, nhưng nó cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất. Đây là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều thứ hai [trên thế giới]; đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và một mô hình thời trang bền vững hơn: sản xuất ít hơn, sử dụng vật liệu phân hủy sinh học, mua ít hơn, quan tâm nhiều hơn đến những gì chúng ta mua” cô nói.
Trong sự nghiệp của mình, cô ấy có ví dụ nào về việc người Công giáo đã tạo ra sự khác biệt để trở nên tốt hơn trong một thiết kế hoặc dự án thời trang không? “Một trong những dự án mà tôi đã tham gia là hội nghị thường niên nhằm thúc đẩy thời trang bền vững hơn với cuộc sống và phẩm giá con người là trung tâm. Nó được gọi là Hội nghị Thời trang Toàn cầu. Tôi đã bắt đầu dự án này cách đây 10 năm và thành công mà nó đạt được cho đến nay là nhờ rất nhiều người tốt mà tôi đã gặp trong những năm qua và qua Thánh Ý Chúa. Các ấn phẩm của tôi cũng có thể giúp ích trong vấn đề này. Tôi cố gắng tạo ra sự khác biệt thông qua công việc của mình”.
Phẩm giá con người là yếu tố chìa khóa trong công việc của cô. Cantista nói rằng, “bất kể nền văn hóa nào, thời trang phù hợp với phẩm giá con người sẽ tự nhiên thể hiện bạn là đàn ông hay phụ nữ. Nó sẽ thu hút sự chú ý vào khuôn mặt của bạn, vì đây là phần đầu tiên trên cơ thể bạn được nhìn thấy khi bạn bước vào mối quan hệ cá nhân với ai đó. Khi bạn không nhìn vào mắt ai đó, bạn có thể nói rằng bạn chưa từng gặp người này. Cô tiếp tục, “không thể xác định bạn là ai nếu chỉ nhìn qua cơ thể.” Bằng chứng này bắt nguồn từ các luồng nghiên cứu khác nhau. Đôi khi mọi người cảm thấy điều này nhưng không nhận thức được đầy đủ về nó”.
Đây dường như không phải là động lực chính cho nhiều người đang làm việc trong ngành công nghiệp thời trang ngày nay, vậy việc trở thành một người Công giáo trong thế giới đó có khó không? Cantista thừa nhận: “Điều đó không khó, nhưng đôi khi rất vất vả. Trong tất cả các công việc tôi đã phát triển, tôi chưa bao giờ phải vượt qua nhiều khó khăn khác nhau như trong các dự án liên quan đến thời trang. Đôi khi tôi nói với những người làm việc với tôi rằng tôi gần như có thể nhìn thấy bàn tay ma quỷ đang cố gắng ngăn cản tôi. Nhưng rồi cuối cùng, sau mỗi lần như vậy, tôi đều thấy những điều kỳ diệu. Đó là lý do tại sao tôi tin chắc rằng Chúa muốn có nhiều người giỏi hơn nữa làm việc trong ngành thời trang ”.
Liệu cô ấy có còn đi xa hơn và xem công việc thời trang của mình như một việc xác của lòng thương xót, cụ thể là “cho kẻ rách rưới ăn mặc” không? “Tôi thấy thời trang có nhiều chiều kích,” cô nhận xét. “Nó có một chiều kích của lòng thương xót, ‘cho kẻ rách rưới ăn mặc’, nhưng, như tôi đã nói trước đây, thời trang không chỉ có thế. Nó có một chiều hướng làm đẹp và chăm sóc cho bản thân, cho người khác và hành tinh. Mỗi con người đều là con Thiên Chúa. Vì vậy, chúng ta không nên giữ nhiệm vụ của mình trong vấn đề này [thời trang], hoặc trong bất kỳ vấn đề nào khác, ở mức tối thiểu. ”
Vậy nguồn cảm hứng tinh thần của cô ấy là ai? Có một vị thánh bảo trợ nào cho những người làm việc trong lĩnh vực thời trang không? “Thật thú vị,” cô chỉ ra, “khi thánh Tôma Aquinô được chị gái hỏi về việc trang điểm, ngài đã trả lời trong sự quả quyết, vì đó là một cách khiến phụ nữ trở nên cuốn hút đối với người khác”. Sau đó, Cantista tiếp tục nói, “Nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi là Đức Mẹ. Chúng ta không bao giờ có thể nghĩ về Mẹ mà không nhận thấy cách thể hiện của Mẹ như là đơn giản và xinh đẹp cùng lúc. Từ Kinh thánh, chúng ta biết rằng áo dài của Chúa Giê-su là liền mạch, và điều này có nghĩa là nó được làm cẩn thận. Vì vậy, Chúa Giê-su có lẽ mặc rất ít: áo dài trắng, một đôi dép; nhưng chiếc áo dài của Ngài có lẽ là do mẹ Ngài may cho Ngài, và đó là lý do tại sao nó không bị xé toạc [lúc bị đóng đinh].”
Cuối cùng, Cantista sẽ đưa ra lời khuyên gì cho bất kỳ người Công giáo nào đang nghĩ đến chuyện làm việc trong ngành thời trang ngày nay? “Chúng ta được kêu gọi để làm cho thế giới trở nên như đúng bản chất của nó. Cách tiếp cận tiêu cực với thế giới có nghĩa là chúng ta từ chối đi vào một số loại môi trường nhất định, chẳng hạn như thời trang. Nhưng tôi nói: Hãy tiến tới. Hãy nhất quán. Hãy tin cậy Chúa. Dù bạn làm gì trong thế giới thời trang, bạn chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt, vì Đức Mẹ, Mẹ của chúng ta, sẽ luôn ở bên bạn”.
Phóng viên: K.V. Turley
Chuyển ngữ: Ngọc Quí
Từ: ncregister.com (2.1.2021)