KITÔ HỮU VÀ CĂN BỆNH VÔ CẢM CỦA CON NGƯỜI
WHĐ (6.10.2020) – Ngày 16-7-2019, trong bài giảng thánh lễ cử hành tại Roma, ĐTC Phan-xi-cô đã diễn giải sâu sắc về bài Tin Mừng thuật lại dụ ngôn nổi tiếng “Người Sa-ma-ri nhân hậu” (x. Lc 10, 25-37). Ngài khẳng định là dụ ngôn này đã trở thành mô thức cho đời sống Ki-tô hữu và thành gương mẫu cho cách hành xử của một Ki-tô hữu.
ĐTC đã nhắc lại năm bài học chính yếu rút ra từ dụ ngôn “Người Sa-ma-ri nhân hậu” được xem là một dụ ngôn hay nhất của Lu-ca. Trong năm điều này, ngoài các vấn đề như, “Người dân ngoại cũng có thể sống theo ý Chúa”, “Yêu thương anh em là yêu mến Thiên Chúa”, ngài cũng lưu ý chúng ta về ba ý khác có liên quan mật thiết tới căn bệnh vô cảm của con người hiện đại. Ngài chia sẻ như sau:
– Khả năng thương xót, phép thử của Kitô hữu: Sau khi đã kể dụ ngôn rất hay này, Chúa Giêsu lại hướng về vị tiến sĩ luật đã hỏi Chúa “ai là người thân cận của tôi?”, và nói với ông: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (c. 36). Bằng cách này, Chúa đã đảo lộn câu hỏi của người hỏi và cũng là đảo lộn lối lý luận của tất cả chúng ta. Nó giúp chúng ta hiểu rằng không phải chúng ta, dựa trên những tiêu chuẩn của chúng ta, định nghĩa ai là người thân cận và ai không phải, nhưng chính người ở trong hoàn cảnh hoạn nạn là người phải có thể nhận biết ai là người thân cận của mình, nghĩa là “người có lòng thương xót với mình” (c. 37). Có khả năng thương xót: đây là chìa khóa.
– Đừng để chúng ta bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo: Nếu bạn đứng trước một người hoạn nạn mà bạn không có lòng thương xót, nếu trái tim bạn không rung động, thì có nghĩa là có điều gì đó không ổn. Bạn hãy chú ý, chúng ta phải để ý. Đừng để chúng ta bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo. Khả năng thương xót trở thành hòn đá thử vàng của Kitô hữu, đó là giáo huấn của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Chúa Cha đối với chúng ta. Nếu bạn đi xuống phố và thấy một người đàn ông vô gia cư đang nằm đó, và bạn đi qua mà không hề nhìn anh ta, hoặc có lẽ bạn nghĩ: “Chà, tác dụng của rượu. Một người say rượu”. Đừng tự hỏi xem người đàn ông đó có say không; hãy tự hỏi xem trái tim bạn có bị chai cứng không, trái tim bạn có trở thành băng giá không.
– Lòng thương xót là gương mặt thật sự của tình yêu: Kết luận này chứng tỏ rằng lòng thương xót đối với cuộc sống con người đang khốn khổ là gương mặt thật sự của tình yêu. Và như thế họ trở thành các môn đệ thật sự của Chúa Giêsu và tỏ bày gương mặt của Chúa Cha: “Các con hãy có lòng thương xót, như Cha các con là Đấng thương xót” (Lc 6, 36). Thiên Chúa, Cha của chúng ta có lòng thương xót, bởi vì Người cảm thương; Người có khả năng thương xót, đến gần với nỗi đau của chúng ta, với tội lỗi, tính xấu và sự khốn cùng của chúng ta.[1]
Qua bài Tin Mừng này, Chúa Giê-su đã giúp chúng ta nhận diện ra căn bệnh vô cảm như thế nào đồng thời Ngài cũng giúp chúng ta phương thuốc hữu hiệu để chữa lành tận gốc căn bệnh ấy.
1- VÔ CẢM: CĂN BỆNH TRẦM KHA MỌI THỜI ĐẠI
Ngày nay người ta nói rất nhiều đến căn bệnh vô cảm. Nó vừa nguy hại đến mối tương giao người-người, làm băng hoại xã hội, đồng thời nó lây lan nhanh chóng trong mọi ngõ ngách của cuộc sống con người.
Trên báo chí và các phương tiện truyền thông, nhất là qua mạng xã hội, chúng ta được thông tin và chứng kiến biết bao cảnh tượng thương tâm xảy ra do thói vô cảm của con người. Chẳng hạn chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường phố mà người ta xông vào đấm đá nhau, gây thương tích, trong khi đó nhiều người tỏ ra bàng quan, thờ ơ không can thiệp, lại có không ít người đứng xem và quay phim coi như chuyện ở trên trời rơi xuống vậy!
Một ví dụ khác mà ta thường thấy. Đó là những màn đánh ghen “siêu hiện đại”, nạn nhân thường là một phụ nữ cô thế bị nhiều người xúm vào đấm đá túi bụi, còn có cả việc cắt tóc, lột quần áo bêu xấu ngoài đường phố. Trong khi đó, nhiều người qua lại, ít có ai xông vào can thiệp, ứng cứu nạn nhân, mà chỉ đứng bên ngoài nhìn ngó, quay phim, một cách thờ ơ, vô tâm và vô cảm.
Rồi hiện nay, trong phạm vi học đường, các học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi xã hội, gây ra tình trạng bạo lực học đường, thỉnh thoảng hùa nhau đánh hội đồng bạn bè cùng lớp, cùng trường với mình. Cũng đấm, đá, giật tóc, xé quần áo… trước sự chứng kiến thờ ơ của nhiều học sinh khác. Hiếm có sự can thiệp nào đúng lúc, khiến cho nạn nhân phải chịu đựng sự “tra tấn” đáng thương vô cùng.
Chúng ta biết rằng, bệnh vô cảm là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình. Hầu như căn bệnh này ngày càng phát triển nhanh chóng hơn, bởi cuộc sống quá hiện đại, đồng tiền được đưa lên hàng dẫn đầu, lợi ích cá nhân chứ không còn lợi ích của tập thể nữa. Họ thờ ơ với cảm xúc của họ, với những cái đẹp-xấu, thiện-ác, với các hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.[2]
Hiện nay, người ta không còn coi vô cảm là một hiện tượng nhỏ nhoi, đơn lẻ, trái lại nó đã trở thành một thứ bệnh dịch, vừa nguy hại, vừa lây lan nhanh chóng. Nó không chỉ tấn công vào da thịt của con người nhưng là một thứ siêu vi gây tổn thương chính con tim con người. Có người đã khẳng định rằng “Vô cảm là mồ chôn của tình yêu con người”. Nhà tâm lý hiện sinh nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ Rollo May cũng đã nói : “Hận thù không phải là thứ đối lập với tình yêu mà đó là sự vô cảm”. Đại văn hào Nga Maksim Gorky cũng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Con người ta có thể vô cảm trước áp lực phẫn nộ của dư luận, nhưng lương tâm thì không thể không day dứt trước nỗi đau của người khác…
Thực vậy, phải nhìn nhận thực trạng này là xã hội chúng ta hiện nay có rất nhiều căn bệnh trầm kha, như bệnh tham nhũng, bệnh thành tích, bệnh gian dối, bệnh sa đoạ, vv…, nhưng có lẽ căn bệnh sâu xa và trầm kha hơn hết lại chính là bệnh vô cảm. Đây là căn bệnh trầm kha hơn cả vì, một cách nào đó, căn bệnh này không phải chỉ nằm trong một tầng lớp cá biệt nào, nhưng đã trở nên bệnh của quần chúng và vì thứ bệnh này đã đụng vào những gì căn cốt nhất của phẩm chất làm người, phá huỷ chữ Nhân đối với Khổng Giáo, phá huỷ lòng Từ Bi đối với Phật giáo và phá huỷ lòng Bác Ái đối với Kitô giáo.[3]
2- VÔ CẢM: CHUYỆN KHÔNG CHỈ RIÊNG AI
Chúa Giê-su khi đưa ra dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu thì có ý nhắc nhở các môn đệ và Ki-tô hữu chúng ta rằng người anh em của ta, người thân cận của ta, người bạn của ta, chính là người có tấm lòng yêu mến và thương xót ta. Nói cách khác, khi chúng ta gặp hoạn nạn, ai là người đến cứu giúp ta một cách chu đáo, tận tình thì người đó chính là anh em ta.
Đối lập với cách hành xử đầy lòng thương xót của người ngoại giáo là thái độ vô cảm của một thầy cả và một thầy Lê-vi. Họ đi qua nạn nhân bị cướp bóc, đánh đập mà không tỏ ra một thái độ cảm thương nào. Họ bỏ đi một cách “đúng luật” và “hợp pháp” chỉ để giữ cho mình có được sự yên ổn và bình an.
Nhưng câu trả lời của Chúa cho vị luật sĩ hỏi Ngài câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi?” thì lại hướng về người Sa-ma-ri và khuyến khích chúng ta làm theo như vậy, Chúa nói thẳng: “Hãy về bắt chước như thế”. Đối với Chúa, sự thương xót không chỉ là một tình cảm, một sự xúc động của con tim trước cảnh khốn cùng của kẻ khác. Trái lại đó phải là một cách thế hành động, một cách xử sự đối với tha nhân.
ĐTC Phan-xi-cô đã từng nói: “Tất cả chúng ta cần phải nhìn nhau với cặp mắt yêu thương của Đức Kitô, và phải học cách ôm lấy những người nghèo khổ, để cho họ thấy sự gần gũi, cảm tình và lòng yêu thương của chúng ta”.
Chúng ta biết rằng không phải chỉ ngoài xã hội người ta mới có thái độ vô cảm, mà ngay trong gia đình Ki-tô hữu, trong cộng đoàn giáo xứ, trong Hội thánh phạm vi lớn nhỏ, chúng ta cũng không khó để chứng kiến những cách sống, cách hành xử vô cảm.
Đức cố H.Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trong bài chia sẻ “Mười căn bệnh làm băng hoại người Công Giáo” đã đề cập đến những bệnh có liên quan tới bệnh vô cảm, như bệnh phô trương chiến thắng, bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh sống vô trách nhiệm… Chẳng hạn, về căn bệnh sống vô trách nhiệm, ngài nói: “Triệu chứng là thờ ơ trước những khó khăn của Hội thánh và Quê hương, trước những đau khổ của người khác. Chả thấy mình có trách nhiệm gì cả. Hoá ra những người mắc bệnh này chẳng hiểu gì về phép Rửa, chẳng còn nhớ gì sứ mạng được trao qua phép Rửa đó. Qua phép Rửa tội, được làm con Chúa, đó là hồng ân, và phép Thêm sức làm cho ta nên chiến sĩ của Chúa đó là trách nhiệm, mỗi người chúng ta được trao ban cả Nước Trời trong lòng mình, đồng thời cũng được giao phó sứ mạng phải loan báo cho mọi người về Nước Trời mình đang mang. Vì không ý thức và quan tâm nên họ giữ đạo hời hợt, sống đạo một cách vô trách nhiệm. Mỗi người trong xã hội đều có trách nhiệm riêng. Chứ không phải giáo dân thì cứ đổ cho cha xứ, linh mục thì đổ cho giám mục, giám mục lại chỉ tay về Giáo hoàng. Như thế Giáo hoàng lại đổ cho Chúa à! Thái độ phủi tay không giải quyết được gì. Mà mỗi người, tùy vị trí và hoàn cảnh riêng, trước hết phải xắn tay nắm lấy mà giải quyết nhiệm vụ của mình”. [4]
ĐGM GB. Bùi Tuần, giáo phận Long Xuyên, trong bài viết có tựa “Gương yêu người”, tập sách “Nói với chính mình” đã tâm sự như sau:
“Cứ mỗi lần nghĩ tới dụ ngôn Chúa nói về gương yêu người, tôi lại buồn.
Có một cái gì như mỉa mai làm tôi hổ thẹn. Có một cái gì cay đắng làm tôi bứt rứt. Tôi tưởng rằng khi đưa ra gương bác ái, Chúa sẽ bảo: Hãy bắt chước thầy cả này, người giáo hữu kia. Nhưng Chúa lại bảo: Hãy bắt chước gương người ngoại đạo!
Không những thế, Chúa còn đem ra đối chiếu ba thái độ: một của thầy cả, một của người quý chức trong đạo và một người ngoại giáo. So sánh lại càng thấy rõ hai vị cao cấp trong tôn giáo kia thua kém xa người ngoại đạo.
(Lc 10, 29-37).
Càng suy càng thấy đau xót.
Vị thầy cả chuyên giảng luật Chúa. Nhưng luật căn bản của Chúa là luật bác ái thì ngài lại không giữ. Thầy Lêvi thuộc người thế giá, lại chuyên lo việc đạo, nhưng điều răn chính của đạo là yêu thương thì họ lại không thực hành. Còn người Samari mà người Do Thái kể là kẻ ngoại, không nên đi lại tiếp xúc, thì lại thực sự yêu người. Ông thực sự yêu người, bởi vì ông đã thực sự cho đi. Yêu thương là cho đi. Ông đã cho đi thời giờ, tiền của, công lao khó nhọc của ông, bàn tay săn sóc của ông, những lời an ủi của ông, những lo lắng của ông đối với nạn nhân chứng tỏ ông đã cho đi rộng rãi tấm lòng yêu thương chân thành của ông. Ông đã cho đi nhiều, nên ông đã yêu thương nhiều.
Còn hai vị kia có cho gì đâu để đáng gọi là yêu thương!
Tất nhiên dụ ngôn nhắc lại đạo cũ. Các người trong chuyện đều đã qua rồi. Nhưng tôi tự hỏi: Nếu hôm nay Chúa đến đất nước này, hay đến miền này để giảng lại dụ ngôn bác ái, Chúa sẽ đem ai ra làm gương? Biết đâu Chúa sẽ nói y nguyên dụ ngôn trên với những danh từ mới.
Nghĩ tới đây, tôi buồn kinh khủng. Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi giống hệt mấy người lãnh đạo tôn giáo xưa. Họ đi đâu cũng đeo luật Chúa trước ngực, nhưng trong lòng thì độc ác. Cũng thế, đi đâu chúng tôi cũng mang danh hiệu của đoàn thể bác ái này, tổ chức đạo đức kia, mở miệng ra là khuyên yêu thương bác ái, nhưng lòng chúng tôi chứa đầy ganh ghét, hành động vẫn ác nghiệt, lời nói xấu như mũi tên độc bắn lén trong đêm. Đôi khi chúng tôi có làm được ít việc bác ái, nhưng bao lần làm để trình diễn hơn là thực sự bác ái.
Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi hành động giống hệt những người Do Thái xưa. Họ không dám vào phủ đường của Philatô, nại lý do là nhà Philatô là nhà ngoại đạo, kẻ có đạo vào đó sẽ mắc dơ (x. Ga 18,28). Nhưng chính lúc đó, họ không ngại cáo gian và xin lên án giết một người cực thánh là Chúa Giêsu. Cũng thế, nhiều khi chúng tôi cặn kẽ với một vài hình thức đạo đức bề ngoài, nhưng lại coi thường các tội tày trời lỗi đức thương yêu, như cứng cỏi với người nghèo nàn, khinh dể kẻ yếu đuối, tàn nhẫn với người đau khổ, nói xấu bỏ vạ vv…
Tôi lo sợ chúng tôi cũng bị Chúa mắng trách như ký lục và biệt phái xưa:
“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi ngốn cả nhà cửa các bà góa mà còn làm bộ cầu nguyện lâu dài…”
“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phải giả hình, các ngươi đi nộp thuế thập phân về bạc hà, rau ngò, rau húng, nhưng lại bỏ lơ những điều quan trọng hơn hết của lề luật là lòng chính trực, lòng nhân nghĩa, lòng thành tín. Các ngươi gạn lọc con muỗi nhưng lại nuốt trôi con lạc đà!”
“Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi rửa sạch chén dĩa, nhưng trong lòng thì đầy tham ô vô độ” (Mt 23,14.23-25)
Tôi có vào số những người đó không?
Tôi biết rằng: đạo tôi là yêu thương và yêu thương là biết cho đi.
Tôi cũng biết rằng: lịch sử đạo tôi không thiếu những gương yêu thương.
Nhưng nơi khác có, mà có thể ở đây không có. Trước đó có, mà có thể hôm nay không có.
Nếu thực sự hôm nay và ở đây không có, thì không gì đau xót bằng.
Là thành phần của đoàn thể, của họ đạo, của địa phận, của Giáo Hội, tôi có trách nhiệm vì sự thiếu sót đó.” [5]
Do vậy chúng ta có thể khẳng định một điều này là bệnh vô cảm luôn đi ngược lại với bác ái Ki-tô giáo. Hay nói một cách khác, đó chính là điều trái ngược một cách căn bản với tinh thần Kinh Thánh, trái ngược một cách căn bản với Tin Mừng của Chúa Giê-su. Vì bệnh vô cảm là bệnh không tình thương, là không biết thương xót, là né tránh trách nhiệm, là lạnh nhạt thờ ơ, là vô tâm ích kỷ và sợ hãi. Bệnh vô cảm xuất phát từ thái độ không để cho những khổ đau của người khác đụng chạm được đến lòng của mình, vì sợ rằng mình sẽ bị lôi kéo vào những chuyện làm mất bình an, mất ổn định, mất sự thanh thản.
Thánh Gia-cô-bê tông đồ đã viết rõ ràng như sau:
“Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 14-18).
Thánh Gio-an tông đồ cũng đã viết thế này:
“Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 17-18).
Chúa Giê-su trong Tin Mừng theo thánh Mat-thêu cũng đã tuyên bố:
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21); “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45).
Trong Cựu Ước, việc phục vụ tha nhân cũng là một đề tài ưu tiên của các ngôn sứ. Chẳng hạn trong I-sa-i-a : “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 6-7).
Trong bài viết có tựa “Bệnh vô cảm, nhìn từ đức ái Kitô giáo”, LM Nguyễn Trọng Viễn O.P đã viết như sau:
“Thật ra, căn bệnh vô cảm không phải chỉ là chuyện của ngày hôm nay và cũng không phải chỉ là chuyện của thời đầu Kitô giáo. Vô cảm là chuyện của con người mọi thời và mọi nơi. Vô cảm có mầm mống trong tội tổ tông. Khi nguyên tổ loài người từ chối một hành trình cuộc sống được kết dệt bằng sống với, sống thân tình với Chúa và trở nên “một xương một thịt” với nhau (Xc. St 2, 24), thì đã chọn phương thức để hoàn thành cuộc đời mình bằng một “trái cấm”. Nguyên tổ chọn trái cấm để trở nên như thần thánh: “…ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5). “Đằng sau trái cấm không có ai khác. Chọn trái cấm là chọn phương thức sống cho mình, vì mình, để hoàn thành cuộc đời mình. “Vô cảm là cám dỗ sâu xa nhất của cuộc đời con người. Khi người ta ngại sống với ai khác; khi người ta sợ bị thua lỗ mất mát khi phải sống vì ai khác; khi người ta từ chối con đường yêu thương, khởi từ thái độ để cho lòng mình được rung cảm vì ai khác, thì mầm mống sự ác đã tìm thấy kẽ hở để có thể thoát ra và hoành hành trong cuộc sống nhân sinh”. [6]
Aug. Trần Cao Khải
[1] Đức Thánh cha Phanxicô, Đừng để mình bị sự vô cảm, ích kỷ lôi kéo, tại http://caritasvietnam.org/dtc-phanxico-dung-de-minh-bi-su-vo-cam-ich-ky-loi-keo
[2] Căn bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay, https://wikicachlam.com/can-benh-vo-cam-trong-xa-hoi-hien-nay/
[3] Nguyễn Trọng Viễn O.P., Bệnh Vô Cảm, nhìn từ Đức Ái Kitô giáo, tại https://conggiaoonline.com/11347-2/
[4] Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Mười căn bệnh làm băng hoại người Công Giáo, http://conggiao.info/muoi-can-benh-lam-bang-hoai-nguoi-cong-giao-d-48860
[5] ĐGM GB. Bùi Tuần – Bài Gương yêu người – Tập sách Nói với chính mình – NXB Văn hóa Văn nghệ, năm 2015, trang 46-49
[6] Nguyễn Trọng Viễn O.P., Bệnh Vô Cảm, nhìn từ Đức Ái Kitô giáo, tại https://conggiaoonline.com/11347-2/