Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria
WHĐ (4.9.2020) – Tất nhiên, chúng ta không thể biết chắc chắn Mẹ Thiên Chúa được sinh ra vào thời điểm nào, nhưng Giáo hội đã kỷ niệm ngày sinh của Mẹ Maria ít nhất là từ thế kỷ thứ sáu. Như thế, gần 15 thế kỷ nay, người Công giáo đã kỷ niệm ngày sinh của Đức Trinh nữ Maria, gọi là lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria.[1]
Giáo hội Công giáo kỷ niệm ngày sinh của Đức Trinh Nữ Maria với tư cách Mẹ là con của Thánh Gioakim và Thánh Anna, vào một ngày cố định truyền thống là ngày 8 tháng 9, chín tháng sau lễ Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ ngày 8 tháng 12.[2]
Hoàn cảnh thời thơ ấu và thuở ban đầu của Đức Trinh Nữ Maria không được trực tiếp ghi lại trong Kinh Thánh, nhưng các tài liệu và truyền thống khác mô tả hoàn cảnh ra đời của Mẹ, được một số tác giả Kitô giáo sớm nhất từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội trích dẫn.
Những lời trình thuật này, mặc dù không được coi là có thẩm quyền theo cách thức như Kinh thánh, nhưng phác thảo một số niềm tin truyền thống của Giáo hội về sự ra đời của Đức Maria.
“Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê,” có lẽ đã có được văn bản cuối cùng vào đầu thế kỷ thứ hai, mô tả Thánh Gioakim, cha của Mẹ Maria là một thành viên giàu có của một trong Mười hai chi tộc Ítraen. Gioakim cùng với vợ là Anna vô cùng đau buồn vì tình trạng không có con của mình. Văn bản dạng viết Kitô giáo đầu tiên cho thấy: “Thánh Gioakim gợi nhớ đến Abraham rằng vào ngày cuối cùng Thiên Chúa đã sinh cho Abraham một người con trai mà ông đặt tên là Isaác.
Thánh Gioakim và Thánh Anna bắt đầu dành nhiều tâm huyết cho việc cầu nguyện và ăn chay một cách nghiêm cẩn, ban đầu các ngài tự hỏi liệu việc không thể mang thai một đứa con có thể cho thấy sự không hài lòng của Thiên Chúa đối với các ngài hay không.
Tuy nhiên, hóa ra cặp vợ chồng này còn được ban phúc dồi dào hơn cả Abraham và Sara, như một thiên sứ đã tiết lộ cho Anna khi hiện ra với bà và nói tiên tri rằng mọi thế hệ sẽ tôn vinh người con tương lai của họ: “Chúa đã nghe lời cầu nguyện của bà , bà sẽ thụ thai, sẽ sinh con, và dòng dõi của ông bà sẽ được nói đến trên khắp thế giới. “
Sau khi Maria chào đời, theo Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê, Thánh Anna “làm một nơi tôn nghiêm” trong phòng của bé gái sơ sinh, và “không cho phép bất cứ gì thông thường hoặc ô uế” vì sự thánh thiện đặc biệt của đứa trẻ. Bản văn tương tự ghi lại rằng khi bé gái được một tuổi, cha cô “làm một bữa tiệc lớn, và mời các thầy tư tế, các thầy thông luật, các trưởng lão và toàn thể dân Ítraen.”
“Và Thánh Gioakim đã mang đứa trẻ đến cho các thầy tư tế,” lời trình thuật tiếp tục, “và họ chúc phúc cho bé ấy, nói rằng:“ Lạy Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng tôi, hãy ban phúc cho đứa trẻ này, và ban cho bé một cái tên được lưu danh muôn đời trong mọi thế hệ”… Thánh Gioakim đem đứa trẻ đến gặp các thầy Thượng Phẩm, và họ chúc phúc cho bé rằng: “Lạy Đức Chúa Trời cao cả, xin hãy nhìn xem đứa trẻ này, và chúc phúc cho bé bằng phúc lành tột cùng, cho đến muôn đời.”
Tiền Phúc Âm tiếp tục mô tả cách cha mẹ của Mẹ Maria, cùng với các thầy tư tế trong đền thờ, quyết định sau đó rằng đứa trẻ sẽ được dâng cho Thiên Chúa như một Trinh nữ thánh hiến suốt phần còn lại của cuộc đời, và bước vào một cuộc hôn nhân khiết tịnh với người thợ mộc Giuse.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các tín hữu Kitô giáo vào thế kỷ thứ hai sau Công nguyên đã ghi lại các chi tiết về sự ra đời của Mẹ Maria trong các tài liệu như Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê và Phúc âm Sinh nhật của Mẹ Maria. Mặc dù không có tài liệu nào mang thẩm quyền của Kinh thánh, nhưng chúng cung cấp cho chúng ta mọi thứ mà chúng ta biết về cuộc đời của Đức Maria trước ngày Truyền tin, bao gồm tên của cha mẹ của Mẹ Maria, Thánh Giaokim và Thánh Anna (hoặc Annê). Đó là một ví dụ điển hình về Thánh Truyền (bổ sung mà không bao giờ mâu thuẫn với Kinh thánh).
Các Kitô hữu thường kỷ niệm ngày các thánh qua đời, vì đó là ngày các ngài bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Và thực sự, người Công giáo và Chính thống giáo kỷ niệm sự kết thúc cuộc đời của Đức Maria trong Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (được gọi là Lễ An giấc của Mẹ Thiên Chúa ‘Theotokos’ trong các Giáo hội Công giáo Tây Phương và Chính Thống giáo Đông Phương). Nhưng chúng ta cũng kỷ niệm ba lần sinh nhật, và Sinh Nhật của Mẹ Maria là một trong số đó. Hai lễ còn lại là sự ra đời của Chúa Kitô (25 tháng 12), và của Thánh Gioan Tẩy giả (24 tháng 6), và sợi dây chung liên kết các lễ này với nhau là cả ba — Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tẩy giả — đều được sinh ra mà không mắc tội Tổ tông, mặc dù Mẹ Maria và Chúa Giêsu được thụ thai mà không mắc tội Tổ tông, còn Thánh Gioan Tẩy giả được sạch tội Tổ tông ngay trong lòng mẹ khi Mẹ Maria viếng thăm bà Isave.
Trong những thế kỷ trước, Lễ sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria được tổ chức rầm rộ hơn[3]; Tuy nhiên, ngày nay, hầu hết người Công giáo có lẽ thậm chí không nhận ra rằng Giáo hội có một ngày lễ đặc biệt được dành riêng để cử hành ngày đó. Nhưng, giống như lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội, lễ Sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria là một ngày quan trọng trong lịch sử cứu độ của chúng ta. Chúa Giêsu Kitô cần một người mẹ, và do đó sự thụ thai và sinh hạ Mẹ Maria là những sự kiện mà nếu không có chúng thì sự ra đời của Chúa Kitô là việc không thể.
Mẹ Maria được sinh ra để làm Mẹ của Đấng Cứu Độ thế giới, mẹ thiêng liêng của mọi người và thánh thiện nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Vì công lao vô hạn của Con Mẹ, Mẹ đã được thụ thai và sinh ra vô nhiễm nguyên tội và đầy ân sủng. Nhờ Mẹ, là Nữ vương trời đất, mọi ân sủng đều được ban cho loài người. Nhờ ý muốn của Thiên Chúa Ba Ngôi, những người không tin nhận được ân sủng đức tin; những người đau khổ được hưởng nhờ công trình của lòng Chúa thương xót; và các chi thể của Chúa Kitô lớn lên giống như Đầu của họ. Nơi Đức Maria, tất cả nhân tính được tôn cao. Chúng ta vui mừng trong ngày sinh nhật của Mẹ, như Giáo hội đã làm từ những ngày đầu tiên.
Vào ngày sinh nhật của Đức Mẹ, Giáo Hội kỷ niệm việc cứu độ đầu tiên với sự xuất hiện của mẹ Đấng Cứu Độ, Mẹ Maria, vào trong trần thế. Đức Trinh Nữ có một vị trí độc nhất trong lịch sử cứu độ, và Mẹ có sứ mệnh cao cả nhất từng được giao phó cho một thụ tạo. Chúng ta vui mừng vì Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta. Chúng ta hãy năng gọi Đức Trinh Nữ là “Nguyên nhân của niềm vui của chúng con”[4], một trong những danh hiệu đẹp nhất trong kinh cầu Đức Bà.
Trong ngày Đức Maria chào đời Giáo Hội đã kêu lên: “Ôi lạy Mẹ! Ngày sinh của Mẹ đã đem lại cho thế giới sứ điệp vui mừng và hy vọng. Vì Đức Kitô Chúa chúng con là Mặt trời soi đường ngay nẻo chính đã từ cung lòng Mẹ sinh ra, Ngài là Đấng huỷ bỏ lời chúc dữ, đem lại muôn phúc lành, Đấng tiêu diệt thần chết và ban phúc trường sinh”.[5]
Thánh Augustinô đã mô tả sự ra đời của Đức Trinh Nữ Maria là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử và vũ trụ, và là khúc dạo đầu thích hợp cho sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói: “Mẹ là bông hoa trong cánh đồng, từ đó đã nở ra một hoa huệ thung lũng quý giá”.
Vị giám mục ở thế kỷ thứ tư đó, mà thần học của ngài đã định hình một cách sâu sắc sự hiểu biết của Giáo hội phương Tây về tội lỗi và bản chất con người, khẳng định rằng “nhờ sự ra đời của Mẹ, bản chất nhân loại được thừa hưởng từ cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã được thay đổi”.
Thánh Gioan Đamátsô đã dâng lời ca tụng: “Hết thảy mọi người hãy đến, chúng ta hân hoan mừng ngày sinh ra niềm vui sướng của cả thế giới ! Hôm nay đây, từ một bản tính thế trần, một thiên đàng đã thành hình dưới thế. Hôm nay đây, việc cứu rỗi đã bắt đầu cho thế giới!”
Chúng ta có thể xem mỗi ca sinh ra đời của một con người là một lời kêu gọi về hy vọng mới trên thế giới. Tình yêu của hai con người đã kết hợp với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người. Các bậc cha mẹ yêu thương đã thể hiện hy vọng trong một thế giới đầy rẫy những gian nan. Đứa trẻ mới sinh ra có khả năng trở thành một máng chuyển tình yêu và hòa bình của Thiên Chúa đến cho thế giới.
Tất cả điều này đều đúng một cách tuyệt vời nơi Mẹ Maria. Nếu Chúa Giêsu là biểu hiện hoàn hảo của tình yêu Thiên Chúa, thì Mẹ Maria là điềm báo trước cho tình yêu ấy. Nếu Chúa Giêsu đã mang lại sự cứu rỗi viên mãn, thì Đức Maria là hừng đông rạng ngời của ơn cứu độ đó.
Việc tổ chức sinh nhật mang lại hạnh phúc cho người tổ chức cũng như cho gia đình và bạn bè. Bên cạnh sự ra đời của Chúa Giêsu, sự ra đời của Mẹ Maria mang lại niềm hạnh phúc lớn nhất có thể cho thế giới. Mỗi lần kỷ niệm ngày sinh của Mẹ, chúng ta có thể tự tin hy vọng về sự gia tăng hòa bình trong con tim mình và trên thế giới nói chung.
Lạy Cha từ nhân, việc Đức Maria chào đời như rạng đông báo hiệu mặt trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô. Xin cho chúng con cũng tìm được niềm vui trong ngày mừng sinh nhật Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa cùng là Mẹ chúng con, để cùng Mẹ, chúng con luôn là những chứng nhân giới thiệu Cha cho mọi người, như Mẹ đã đem đến cho nhân loại niềm hy vọng và ơn cứu độ là Ðức Giêsu Kitô.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ che chở, gìn giữ hồn xác chúng con trong tình thương của Mẹ, và giúp chúng con kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, như Mẹ đã che chở, gìn giữ và kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Mẹ. Xin Sinh Nhật của Mẹ, là hừng đông loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô, giúp hết thẩy chúng con biết đón nhận Ánh Sáng Cứu Độ từ Mặt Trời ấy. Amen.
Phêrô Phạm văn Trung biên tập từ:
- https://www.catholicnewsagency.com/saint/the-birth-of-the-blessed-virgin-mary-357
- https://www.learnreligions.com/when-is-the-virgin-marys-birthday-542440
- https://www.franciscanmedia.org/nativity-of-the-blessed-virgin-mary/
[1] Ngày sinh nhật của Mẹ được chọn vào tháng 9 trùng hợp với tháng mà Giáo hội Đông phương bắt đầu năm Phụng vụ của mình.
[2] Ngày 8 tháng 9 chính xác là chín tháng sau ngày 8 tháng 12 — lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đó không phải là, như nhiều người (trong đó có rất nhiều người Công giáo) lầm tưởng, ngày Đức Maria đã thụ thai Chúa Kitô, mà là ngày mà chính Đức Trinh nữ Maria được thụ thai trong lòng mẹ mình là Thánh Anna.
[3] Vì là ngày bắt đầu mùa thu nên người ta còn gọi lễ Sinh nhật Đức Mẹ là lễ “Giáng Sinh Mùa Thu”
Kể từ ngày 8 tháng 9 đánh dấu sự kết thúc của mùa hè và đầu mùa thu, ngày này có nhiều lễ tạ ơn và phong tục gắn liền với nó. Trong hình thức cũ hơn của Nghi lễ Rôma, có một lời nguyện chúc phúc cho mùa hè thu hoạch và mùa thu gieo hạt trong ngày này.
Những người trồng nho ở Pháp gọi ngày lễ này là “Lễ Đức Mẹ Thu Hoạch Nho”. Những quả nho ngon nhất được mang đến nhà thờ địa phương để được ban phúc và sau đó một số chùm được gắn lên tay của bức tượng Đức Mẹ Maria. Bữa ăn lễ hội bao gồm các chùm nho mới, là một phần của ngày lễ này.
Ở khu vực Alps của Áo, ngày này là “Ngày xuống núi”, khi đó gia súc và bầy cừu được dẫn từ đồng cỏ mùa hè của chúng trên các sườn núi và được đưa đến khu nghỉ đông của chúng trong các thung lũng. Đây thường là một đoàn lữ hành lớn, với tất cả đồ đạc, đồ trang trí và lễ hội. Ở một số vùng của Áo, sữa từ ngày này và tất cả thức ăn thừa được trao cho người nghèo để tôn vinh ngày giáng sinh của Đức Mẹ, (Trích từ The Holiday Book của Fr. Francis Weiser, SJ.)
Trong ngày lễ này, người ta:
– Hát các bài thánh ca khác nhau hoặc dâng những lời cầu nguyện lên Mẹ Maria, chẳng hạn như Kinh Truyền Tin, Kinh Cầu Đức Bà, Kinh Hãy Nhớ, Kinh Kính Mừng, Kính chào Đức Nữ Vương và Kinh Lạy Nữ Vương:
Bản phổ thông:
Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ,…
Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay,Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
Bản Kinh Phụng Vụ – Kinh Tối
Kính chào Đức Nữ Vương,
Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống,
Kính chào lẽ Cậy Trông
…
Ôi lượng cả khoan hồng,
Ôi tấm lòng xót thương,
Ôi dịu hiền nhân hậu,
Trinh Nữ Ma-ri-a.
– Chiêm ngắm về Đức Mẹ: tất cả các lễ của Đức Maria đều hướng đến các mầu nhiệm của Chúa Kitô và lịch sử cứu độ của chúng ta. Các bài đọc Kinh thánh: Châm ngôn 8: 22-35 và Mátthêu 1: 1-16 (điều này cho thấy sự trân quý di sản và gia đình của Chúa Giêsu).
– Tổ chức tiệc sinh nhật cho Mẹ Maria, với bánh sinh nhật được trang trí đặc biệt và đồ trang trí sinh nhật màu xanh lam. Màu xanh lam là màu truyền thống của tấm áo choàng của Đức Mẹ Maria. Hoặc làm một chiếc bánh toàn màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết của Đức Mẹ hoặc những chiếc bánh quy có lớp băng trắng. Bánh quy lòng trắng trứng trộn đường (hoặc bánh nụ hôn) cũng sẽ nhắc ta nhớ đến sự sạch trong không vướng mắc tội lỗi của Mẹ Maria. Tiệc sinh nhật không cần những lời giải thích đặc biệt dành cho trẻ nhỏ. Yêu cầu mỗi đứa trẻ dâng một “món quà” cho Mẹ Maria của chúng, chẳng hạn như bó hoa thiêng liêng, lỗi lầm phải sửa hoặc đức tính cần tập, các công việc cụ thể tỏ lòng thương xót, v.v. Học cách thắt nút chuỗi hạt Mân Côi để tặng như “món quà”.
– Trang trí nhà, bàn gia đình hoặc bàn thờ gia đình với hoa hoặc đồ trang trí đặc biệt dành cho Đức Mẹ.
– Ở các nước Châu Âu, người ta ăn một số loại quả việt quất vào ngày này, đặc biệt là vào buổi sáng – bánh nướng xốp việt quất hoặc bánh kếp việt quất, hoặc chỉ quả việt quất tươi. Màu xanh lam của việt quất tượng trưng cho tấm áo choàng màu xanh lam của Mẹ Maria.
– Tìm hiểu về lòng sùng kính đối với “Maria Bambina” hoặc “Bé Maria.”
[4] Ðức Bà làm cho chúng con vui mừng. Cầu cho chúng con.
[5] Đức Thánh Giáo Hoàng Sergiô I (sinh năm 650 – mất ngày 8 tháng 9 năm 701) truyền cử hành một cuộc rước từ đền thờ Thánh Adrianô đến đền thờ Đức Bà Cả trong ngày lễ mừng Sinh Nhật Đức Mẹ. Theo Sách Lễ năm 1962 của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma, Phụng vụ Lễ Sinh nhật Đức Mẹ ở Rôma tiếp tục có cuộc rước truyền thống này.